Cẩn thận với những điều “lạ” khi du lịch Quảng Bình

Du lịch Quảng Bình là dự định của tôi từ mấy năm nay. Dải đất miền Trung này không chỉ nổi tiếng bởi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận di sản thế giới mà còn có bờ biển đẹp cùng những câu chuyện lịch sử oai hùng. Thế nhưng lần nào đến các đại lý du lịch trên phố cổ Hà Nội chuyên tổ chức các chuyến du lịch mở (open tour) để hỏi tour du lịch Quảng Bình tôi chỉ gặp được những cái lắc đầu. Trong khi đó các tour du lịch Mai Châu Bản Lác, Hạ Long, Sapa… thì luôn sẵn sàng. Vẫn muốn thực hiện dự định của mình, tôi hỏi thăm và được biết tuyến Hà Nội - Đồng Hới có xe đường dài chạy nhanh và khá thuận tiện. Rủ thêm bạn bè, chúng tôi mua vé rồi chuẩn bị lên đường.

Xuất phát từ phố Đội Cấn vào lúc tối, chúng tôi lên xe ô tô có giường nằm máy lạnh, ngủ một giấc, sáng hôm sau đã có mặt ở Đồng Hới. Gọi một chiếc taxi, chúng tôi tiến về bãi biển Nhật Lệ. Bãi tắm trung tâm thành phố đây á? Chúng tôi ngạc nhiên trước vẻ hoang sơ có phần tiêu điều khi taxi dừng lại. Nhưng anh lái xe khẳng định đây đúng là bãi tắm trung tâm. Nào xuống xe và lấy hành lý. Biển ban mai thật trong lành. Mấy cháu bé của chúng tôi xuống xe là tung tăng như không hề mệt mỏi chút nào sau chuyến đi đường dài.

Chúng tôi tìm chỗ ăn sáng rồi tiến vào khách sạn Công đoàn để hỏi thuê phòng. Cô nhân viên lễ tân thông báo giá cả nhưng cứ nhìn chúng tôi với vẻ mặt rất kỳ lạ và vội vã cất quyển sổ nhật ký khách sạn vào ngăn kéo, rồi thờ ơ quay đi khi chúng tôi hỏi thêm thông tin. Ngạc nhiên trước cung cách phục vụ kiểu bao cấp của ba mươi năm trước, chúng tôi quay lui và quyết định tìm một khách sạn tư nhân tươm tất nào gần đó để nghỉ trong mấy ngày ở đây.

Đi ngược trở lại phía taxi đã đưa chúng tôi đến, đoạn đường này thưa vắng chỉ có vài tòa nhà đang xây dở và nhiều cây thông mọc ven đường nhưng không khí không trong trẻo chút nào bởi các thùng rác bên đường bốc mùi rất khó chịu. Rút cục thì chúng tôi cũng băng qua rồi dừng chân trước khách sạn tư nhân đầu tiên sau khi đã đi hết đoạn đường nặng mùi đó. Đó là khách sạn Đại Nam, một tòa nhà ba tầng xây kiểu hình chữ L nhìn ra biển, khá rộng rãi, có vẻ vắng khách và sạch sẽ; tuy nhiên cái ‘nặng mùi’ của nó thì chúng tôi chỉ được biết khi trả phòng. Thỏa thuận giá cả xong xuôi, chúng tôi nhận phòng, cất hành lý rồi xuống biển.

Cát và Biển Quảng Bình

Chúng tôi hỏi những người cho thuê phao bơi và được biết một cách chắc chắn đây thực sự là bãi tắm trung tâm của thành phố, nơi dành cho cả du khách và dân địa phương. Tuy nhiên, bãi biển rất vắng dù đó là sáng thứ 7 của một tuần mùa hè tháng 6. Có sự chênh lệch lớn giữa lượng du khách ít ỏi trên bãi biển và vô số những khách sạn phía bên kia đường.

Bãi cát vàng thoai thoải và sóng êm đềm mang đến cảm giác thật dễ chịu và... mau đói. Chúng tôi hỏi thăm bác cho thuê phao bơi và được chỉ dẫn nên đến Cầu Dài để thưởng thức món lẩu mắm. Cả người cho thuê phao lẫn anh lái taxi đều dặn kỹ càng về việc cần hỏi và thỏa thuận giá cả trước khi ăn uống bất kỳ món gì.

Tối đến chúng tôi thưởng thức món mực tươi hấp và cá đuối nướng dưới tán của những cây dù ngay trên bờ kè ven biển, phía trước khách sạn Công đoàn. Ông chủ quán ân cần hỏi chúng tôi nếu muốn thuê phòng ở khách sạn Công đoàn thì cứ nói với ông, ông sẽ liên hệ thu xếp, giá cả phải chăng... Chúng tôi phì cười vì quanh đây thiếu gì khách sạn, đâu có như thời bao cấp. Nhưng vẻ mặt nghiêm túc kỳ lạ của ông chủ quán ăn khiến chúng tôi liên tưởng đến vẻ kỳ lạ ‘bí ẩn’ của cô lễ tân ban sáng. Biết đâu có mối liên quan nào đó... Nhưng chúng tôi nhanh chóng bỏ qua để tận hưởng thời gian nghỉ ngơi của mình.

Đang ăn thì trời mưa, nước mưa hắt xung quanh cây dù và bàn ăn của chúng, điều đó cũng tạo nên một trải nghiệm khó quên. Bưa tối kết thúc nhanh hơn bởi mưa ngày càng nặng hạt. Phần tính tiền không quá phức tạp với những món chính đã được thỏa thuận giá cả từ trước. Tuy nhiên vì quên không hỏi giá trước khi uống, những chai bia Hà Nội đã được chủ quán tính với giá ‘đặc sản’ 25.000 đồng/chai. Lạ nhỉ! Bia Hà Nội trở thành ‘đặc sản’ ở Quảng Bình à? Hôm sau bia Hà Nội lại về với giá thường 10.000 đồng/chai sau khi hỏi và thỏa thuận giá trước khi uống. Điều này không biết có nên xem là sự ‘lạ’ không! Sự đãng trí phải trả giá thôi. Cần nhớ kỹ lời dặn của anh lái taxi và bác cho thuê phao bơi nhé.

Sáng hôm sau chúng tôi thuê một chuyến xe để tham quan  các động Thiên Đường và Phong Nha. Chuyến xe lướt nhanh trên đường Hồ Chí Minh, đường mòn năm xưa nay rộng thênh thang, rồi xe chạy xuyên qua những cánh rừng xanh mướt.

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng

Theo câu thành ngữ ‘đi xa về gần’, chúng tôi quyết định đến Thiên Đường trước, nơi này xa hơn Phong Nha. Dừng lại trong một bãi đỗ xe khá rộng, chúng tôi xuống xe rồi tiến về phía quầy bán vé. Có hẳn hai quầy bán vé khác nhau: một quầy bán vé tham quan, một quầy bán vé xe điện. May mắn là rất vắng khách, nếu không việc xếp hàng hai lần ắt hẳn tiêu tốn khá nhiều thời gian.

Quầy bán vé tham quan có vé dành cho người lớn và trẻ em cao hơn 1m. Quên không đo chiều cao trước khi đi du lịch và rút kinh nghiệm về việc mua sắm gì cũng nên hỏi trước, chúng tôi dắt hai cháu bé ra phía trước quầy để hỏi cô bán vé xem có cần mua vé tham quan cho các cháu không. Thẩm định chiều cao của các cháu bằng mắt, cô bán vé mỉm cười thông báo: ‘Không cần mua vé tham quan cho các bé đâu chị ạ’. Chúng tôi vui vẻ quay sang quầy mua vé thuê xe điện.

Đầy đủ các loại vé trong tay, chúng tôi tiến đến cửa soát vé. Các bé tung tăng trong niềm phấn khích và thích thú ngắm nhìn mấy gốc cây tạo dáng kỳ lạ. Tại cửa soát vé, một thanh niên trong trang phục nhân viên mầu đỏ ngăn các bé lại rồi kéo một bé đến trước một cái vạch ngang. Nhân viên này thông báo cháu cao quá một mét, rồi nói rằng vạch ngang đó là thước 1m và yêu cầu chúng tôi quay lại mua vé. Chúng tôi giải thích rằng chúng tôi không thấy cái thước đo nào ở quầy bán vé nên đã mang các cháu đến trước mặt cô bán vé để hỏi và cô nói rằng không cần mua vé cho các cháu vì chúng bé quá. Cháu bé của chúng tôi thì nhanh nhảu bỏ dép để chú nhân viên đo lại. Đầu của cháu vừa vặn chạm vạch, trừ mấy sợi tóc nhô cao hơn. Mặc dù vậy, nhân viên áo đỏ vẫn kiên quyết bắt chúng tôi quay lại mua thêm 1 vé tham quan. Thôi đành đội cái nắng chang chang quay lại quầy mua thêm 1 vé nữa. Lạ thế, cùng một doanh nghiệp Trường Thịnh quản lý mà mỗi nhân viên nói một kiểu, dù có hỏi trước thì cũng vẫn gặp sự phiền.

Từ bến đỗ xe điện, sau một hồi leo bộ trên con đường nhỏ quanh co triền núi, du khách sẽ lên đến cửa động Thiên Đường. Cửa động hơi hẹp bởi một tảng đá to chẹn ngang, nhưng càng đi xuống thì càng rộng, nhiều nhũ đá có hình thù kiểu dáng đẹp mắt. Theo giới thiệu, động này có chiều dài hơn 30 km nhưng hiện mới khai thác km đầu tiên. Công ty khai thác đã đặt những bậc thang gỗ để du khách dễ đi. Tuy nhiên, trong cái ẩm ướt của những giọt nước nhỏ xuống từ vòm động, nhiều bậc thang đã trơn trượt.

Chúng tôi quay lại xe để đi đến Phong Nha thì đã quá trưa. Sau bữa ăn trưa, chúng tôi mua vé tham quan động Phong Nha ướt và mua vé thuyền. Thuyền du lịch ở đây sẽ đưa chúng tôi tham quan trong lòng động và chúng tôi sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những kỳ ảo được cả thế giới công nhận như những lời giới thiệu từ trước đến nay. May mắn là hai loại vé bán ở cùng một chỗ và cũng rất vắng khách nên chúng tôi không mất thời gian xếp hàng.

Xuống thuyền. Gió mát khiến cái nắng nóng dịu đi đôi chút. Thuyền chạy một quãng sông dài mà vẫn chưa thấy cửa động đâu. Rồi cũng đến một cái bến, thuyền dừng. Cậu lái thuyền chạy lên bờ để trình một loại thẻ hay giấy tờ gì đó. Chúng tôi ngồi trên thuyền chờ một lát. Trình xong, cậu lái trở lại thuyền. Thuyền đi tiếp, chỉ vài chục mét rồi dừng hẳn. Chúng tôi đã ở phía trong vòm động, chỉ cách cửa động khoảng chục mét, phía trước là một cửa động khác nhưng nước dâng cao gần sát vòm, thuyền không đi tiếp được nữa. Trước vẻ mặt chưng hửng của tất cả chúng tôi, cậu lái thuyền thông báo rằng mùa này mưa, nước lên cao bít kín gần hết các cửa động tiếp theo nên thuyền không thể đi qua, khách chỉ có thể leo bộ tham quan một phần của động Phong Nha ướt ở phía ngoài này thôi. ‘Thế quầy bán vé không báo để các anh chị biết à?’ cậu hỏi và chúng tôi chỉ còn biết lắc đầu.

Chẳng còn cảm thấy ‘lạ’ trước cung cách làm du lịch ở nơi đây nữa, mặc dù các loại vé không hề rẻ, chúng tôi đành tự an ủi: thôi thì được bao nhiêu dùng bấy nhiêu. Chúng tôi, người lớn trẻ nhỏ, cùng dắt nhau vào trong động tham quan. Lòng động khá rộng, nhiều chỗ bằng phẳng như chiếc giường nằm của người cổ đại. Những nhũ đá có kiểu dáng đa dạng như hình con rồng, con rùa, con sư tử hay đụn thóc, đụn gạo... 

Cửa động Phong Nha

Ngày nghỉ cuối, rút mấy lần kinh nghiệm trong vài ngày ở đây, chúng tôi thông báo từ sáng với nhân viên khách sạn là sẽ trả phòng vào khoảng 6-7h chiều để ra bến xe. Cậu nhân viên bảo rằng vì thời gian trả phòng theo thường lệ là 12h trưa nên quãng thời gian quá giờ được tính tiền là 50% giá thuê phòng cả ngày; và chúng tôi đồng ý sẽ trả thêm tiền quá giờ đúng như cách tính đó.

Tuy nhiên đến lúc trả phòng thì người quản lý khách sạn yêu cầu chúng tôi trả thêm số tiền bằng 100% tiền thuê cả một ngày vì ‘không bán được phòng cho ai vào lúc này’ và bảo đó là quy định của khách sạn từ trước đến nay đối với khách. Khi chúng tôi hỏi họ các quy định đó được niêm yết ở đâu và yêu cầu họ xuất trình bảng giá quy định, người quản lý lục lọi mãi trong ngăn kéo không tìm ra tờ giấy nào, cậu nhân viên cũng lục đục tìm kiếm phía sau rồi lôi từ đâu đó ra một tấm biển bụi bặm, chùi bụi đi thì nhìn thấy dòng chữ ‘Nội quy khách sạn’. Trong lúc người quản lý và nhân viên khách sạn cố gắng tìm dòng chữ nào đó chưa thấy để giải thích cho việc tính tiền 50% hay 100% thì taxi đã đến trước cửa giục đón chúng tôi ra bến xe. Ngán ngẩm và không muốn lỡ chuyến xe đường dài, chúng tôi đành trả tiền như mong muốn của họ cho xong, rồi lấy lại mấy chiếc thẻ nhà báo và xách hành lý chạy ra taxi. Chúng tôi biết rằng mình đã phải trả tiền cho cái sự làm ăn ế ẩm, cố tình nhập nhèm bất tín của cái khách sạn Đại Nam, số 153 đường Trường Pháp, Đồng Hới này.

Trên chuyến xe trở về Hà nội, tôi chợt nhớ ra rằng suốt mấy ngày ở Quảng Bình, chúng tôi chỉ gặp mỗi một du khách nước ngoài đến tham quan động Thiên Đường và Phong Nha. Chụp ảnh bằng iPhone, du khách này có vẻ như đi công tác tiện đường ghé qua. Lại nhớ đến Bản Lác - Mai Châu, ngôi làng bé nhỏ nơi tôi đã đến mấy lần, cả mùa đông lẫn mùa hè, lúc nào cũng nườm nượp khách tây, khách ta mang theo cả gia đình đến du lịch. Dẫu chẳng có di sản nào được UNESCO công nhận, nhưng sự mộc mạc, chân chất của những người dân Bản Lác là cái duyên, cái tín khiến người ta đến thăm rồi muốn quay lại nhiều lần cùng bạn bè, gia đình. Giờ thì tôi hiểu tại sao các đại lý du lịch ở phố cổ Hà Nội không tổ chức được các tour du lịch Quảng Bình.

Xe chạy sang địa phận Hà Tĩnh. Đường tốt, xe chạy êm ru tôi vào giấc ngủ. Những điều khó chịu đã ở phía sau lưng, ngủ một giấc thôi, sáng mai mình đã về nhà.    

Đại Yên

Tin nổi bật