“Âm nhạc quan trọng hơn cả bánh mì”

(ICTPress) - “Âm nhạc quan trọng hơn cả bánh mì. Nhất là những khi tưởng như không ai cần đến nó”.

Tiến sĩ âm nhạc Amit Weiner, Giảng viện Học viện Âm nhạc Quốc gia Jerrusalem đã hồi tưởng đời sống văn hóa của người Do Thái nơi biệt cư và trình bày những giai điệu sáng tác bởi các nhạc sĩ Do Thái đã bị tàn sát trong Holocaust tại sự kiện quốc tế Tưởng niệm nạn nhân Holocaust mạng chủ đề “Holocaust và Phẩm giá con người” được tổ chức tại Hà Nội ngày 27/1. Sự kiện do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức.

Holocaust là tên gọi của cuộc thảm sát nhằm giết hại toàn bộ người Do Thái của phát xít Đức. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với nhiều kẻ đồng lõa từ các quốc gia khác nhau, phát xít Đức đã giết hại hơn 6 triệu người Do Thái trên khắp châu Âu. Khi chiến tranh kết thúc, khu vực do quân phát xít chiếm đóng thuộc châu Âu hầu như không còn bóng dáng người Do Thái.

Holocaust là từ được lấy từ tiếng Hy Lạp. “Holo” có nghĩa là “toàn bộ”, và “caust” có nghĩa là “đốt cháy” và nó có nghĩa là “thiêu rụi toàn bộ”.

Trong bài trình bày “Âm nhạc từ Holocaust”, TS. Amit Weiner cho biết khó có thể đưa hai vế âm nhạc và thảm sát vào cùng một câu. Vì âm nhạc luôn nói về vẻ đẹp của nhân loại. Ấy mà ngược lại, Holocaust hoàn toàn là một tội ác, một tội tàn bạo nhất mà nhân loại đã từng chứng kiến.

Tiến sĩ âm nhạc Amit Weiner và các nghệ sĩ trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội biểu diễn các tác phẩm đầy xúc động của các nhà soạn nhạc thời kỳ Holocaust

TS. Amit Weiner cho rằng có một thực tế rất quan trọng là âm nhạc đã có một vai trò quan trọng trong tất cả trại tập trung. Có những câu chuyện khó tin về làm thế nào mà trong điều kiện khốn khó đó vẫn có thể duy trì một đời sống âm nhạc. Âm nhạc làm cho họ được làm con người, cho họ hy vọng và tăng ý chí thêm cho họ để phải sống. “Âm nhạc quan trọng hơn cả bánh mì. Nhất là những khi tưởng như không ai cần đến nó”.

Một câu chuyện quan trọng về các dàn nhạc giao hưởng của người Do Thái trong các khu ổ chuột trại tập trung đã được TS. Amit Weiner hồi tưởng: Thật khó tin khi thấy rằng trong tất cả các khu ổ chuột của người Do Thái ở Ba Lan, đã tồn tại một dàn nhạc giao hưởng. Dàn nhạc hoạt động trong điều kiện khó khăn, không có tiền, không có một phòng hòa nhạc thích hợp, và đôi khi không có cả nhạc cụ - đôi khi họ thay thế các nhạc cụ còn thiếu bằng saxophones để chơi nhạc cổ điển - nhưng vẫn duy trì một dàn nhạc giao hưởng, với các buổi hòa nhạc và khán giả đã mua hết vé. Dàn nhạc hoạt động cho đến ngày cuối cùng. Ngay cả trong điều kiện khủng khiếp nhất, họ chơi nhạc, họ hát ca, họ biểu diễn và nói với chính mình rằng họ là những con người. 

Trong các điều kiện khủng khiếp ấy của các trại tập trung của phát xít Đức, không phải tất cả các âm nhạc được viết trong tối tăm và buồn thảm, TS. Amit Weiner cho biết: Có rất nhiều bản nhạc sống động và thậm chí có người hoài nghi rằng tại sao có thể được viết và được biểu diễn trong thời Holocaust như bản sonata viết cho violin và piano được gọi là “Burlesque” - đó là một trò đùa, hoặc nhạo báng trong tiếng Ý. Và âm nhạc rất vui tươi, như thể thờ ơ với bạo lực đang diễn ra trong thế giới lúc bấy giờ. Tác giả của bản sonata này là Erwin Schulhoff, sinh ra tại Praha, là một thần đồng âm nhạc. Khi mới 10 tuổi, Erwin Schulhoff đã được nhận vào Học viện âm nhạc Praha. Sau đó ông theo học sáng tác với chơi piano cùng với những nhà soạn nhạc nổi tiếng như Claude Debussy và Max Reger. Tác giả bị bát và giam tại một trong những tại tập trung của Đức quốc xã và bị sát hại ở Austrict.

Theo TS. Amit Weiner, piano là một công cụ rất quan trọng đối với người Do Thái. Thay vì tuồn thực phẩm hoặc thuốc men vào các trại tập trung, họ quyết định để mang một cây đàn piano đến đó và không báo cho Đức quốc xã. Piano đã được tháo dỡ thành mảnh, và đưa dần vào. Nhạc cụ khác được dấu bên trong các cống rãnh, và đêm đến họ đưa ra, để chơi trong các buổi hòa nhạc nhỏ và buổi biểu diễn trong lòng đất.

Các nhà soạn nhạc từ Holocaust đã viết nhạc của mình bất chấp mọi điều kiện sống khủng khiếp. Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất về tầm quan trọng của âm nhạc trong thời kỳ đen tối này, TS. Amit Weiner cho hay.

Một số các nhà soạn nhạc thời kỳ Holocaust

Tại sao họ sáng tác? Tại sao âm nhạc lại quan trọng như vậy để họ sáng tạo nhạc trong những năm đó? TS. Amit Weiner đặt ra các câu hỏi và lý giải: Chúng ta biết được từ lời khai nhân chứng rằng âm nhạc là một cái gì đó để lại phía sau khi họ qua đời. Âm nhạc là một cách để chống lại Đức quốc xã và nó đã cho họ niềm hy vọng, ý nghĩa và ý chí để sống.

“Lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử Holocaust đã cho chúng ta thấy, rằng trong lúc bi kịch, âm nhạc đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ được coi là thú vui giải trí; mà nó là một công cụ quan trọng giúp con người tồn tại. Âm nhạc quan trọng hơn cả bánh mì”, TS. Amit Weiner một lần nữa nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu nhân dịp tưởng niệm các nạn nhân Holocaust, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar đã chia sẻ thông điệp: "Người Do Thái đã từng bị giày vò, lưu vong và hành hạ, nhưng chúng tôi không bao giờ đầu hàng. Tại những trại tập trung và trại Tử thần, người Do Thái chúng tôi vẫn luôn gìn giữ nhân phẩm bằng nhiều cách, trong đó có âm nhạc. Âm nhạc đã trở thành nguồn sống nuôi dưỡng tâm hồn người Do Thái".

“Trong các khu biệt cư và các trại tử thần, người Do Thái lập ra các trường học, hội đồng, họ kỷ niệm những ngày lễ, họ làm đám cưới và như chúng ta đã được nghe - họ sáng tác, hát múa ngay cả khi cái chết đang lờ mờ hiện ra trước mắt mình”, Đại sứ Meirav Eilon Shahar cho biết.

Nhân ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân Holocaust, bà Pratibha, điều phối viên Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam đã truyền thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki Moon: “Từ bóng đen Holocaust và sự tàn ác của chiến tranh thế giới thứ hai, Liên hợp quốc được thành lập để tái khẳng định niềm tin vào nhân phẩm và giá trị của mỗi người; và bảo vệ quyền được sống trong bình đẳng và không bị phân biệt đối xử. Những nguyên tắc này vẫn rất cần thiết cho đến ngày nay. Trên thế giới hàng triệu người đang chạy trốn khỏi chiến tranh, khỏi đàn áp và tước bóc, đang bị phân biệt đối xử và tấn công. Chúng ta có bổn phận nhớ về quá khứ - và giúp đỡ những người hiện đang cần sự giang tay”.

Minh Anh

Tin nổi bật