Hội nhà báo Việt Nam: Bước trưởng thành qua 9 kỳ Đại hội

Từ Đại hội I cũng là Hội nghị thành lập Hội diễn ra vào tháng 5/1950 tại Sơn Dương (Tuyên Quang), Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) đã trải qua 9 kỳ Đại hội. Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc HNBVN lần thứ 10- một con số đẹp- cùng nhìn lại chặng đường 9 kỳ Đại hội đã qua để thấy rõ những bước trưởng thành về mọi mặt của HNBVN.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu nhà báo tại Đại hội VI Hội Nhà báo Việt Nam.

ĐẠI HỘI LẦN THỨ I

Ngày 21/4/ 1950 đã trở thành một ngày lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi họ chính thức có một tổ chức chính trị-xã hội và nghề nghiệp của mình. Tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam.

Hội nghị thành lập Hội (Đại hội I) họp vào tháng 5/1950 ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Ðại hội thông qua Ðiều lệ, bầu Ban chấp hành Hội do ông Xuân Thuỷ làm Hội trưởng, các ông Hoàng Tùng và Ðỗ Ðức Dục làm Phó Hội trưởng, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.

ĐẠI HỘI LẦN THỨ II

Ðại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam họp trong 2 ngày 16 và 17/4/1959 tại Hà Nội. Ðại hội đã nhất trí đổi tên Hội thành Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua điều lệ mới, bầu Ban chấp hành mới gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thuỷ làm Chủ tịch; các ông Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng và Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch; Ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.

ĐẠI HỘI LẦN THỨ III

Đại hội lần thứ III HNBVN họp từ ngày 7 đến 8/9/1962 tại Hà Nội. Tại Đại hội, ông Hoàng Tùng được làm Chủ tịch. Các ông Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch. Ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký. Nhiệm kỳ Đại hội III HNBVN chứng kiến sự kiện lịch sử: Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất, lấy tên Hội là Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch; Các ông Tân Ðức và Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch, ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký.

ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV

Từ ngày 8-10/12/1983, Ðại hội đại biểu toàn quốc HNB VN lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 53 nhà báo, do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch: Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Ðào Tùng. Đại hội bầu Ban Thư ký do ông Ðào Tùng làm Tổng Thư ký. Từ tháng 1/1987, ông Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội vì lý do bận công tác Trung ương, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu ông Hồng Chương làm Chủ tịch Hội.

Một sự kiện đáng chú ý của nhiệm kỳ này là tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định lấy ngày 21/6 - ngày ra số đầu của báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập làm Ngày báo chí Việt Nam.

ĐẠI HỘI LẦN THỨ V

Từ ngày 16-18/10/1989, tại Hà Nội đã diễn ra Ðại hội lần thứ V HNBVN. Đại hội thông qua nghị quyết Đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, thông qua điều lệ HNBVN sửa đổi. Theo Điều lệ mới sửa đổi, BCH Hội không có chức danh Chủ tịch mà chỉ có chức danh Tổng thư ký.

Ðại hội V đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 người do ông Phan Quang làm Tổng Thư ký; các ông: Trần Công Mân, Hồ Xuân Sơn làm Phó Tổng Thư ký. Cũng trong nhiệm kỳ này, ngày 28/12/1989, kỳ họp thứ 6 QH khóa VIII quyết định thông qua Luật báo chí.

ĐẠI HỘI LẦN THỨ VI

Từ ngày 8-9/3/1995, Ðại hội lần thứ VI HNBVN diễn ra tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 Uỷ viên, do ông Phan Quang làm Chủ tịch; ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký và ông Nguyễn Long Khởi làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam (Điều lệ mới của Hội khôi phục lại chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch). Điểm nhấn lớn nhất tại Đại hội này là thông qua bản Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam. Cũng trong nhiệm kỳ này, HNBVN trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ).

ĐẠI HỘI LẦN THỨ VII

Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24- 25/3/2000 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành do ông Hồng Vinh làm Chủ tịch, ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, ông Ðinh Phong làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Sau Ðại hội, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2000), Hội đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Tại Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2000), giới báo chí Việt Nam và Hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng trao bức trướng với dòng chữ vàng “Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII

Ðại hội lần thứ VIII HNBVN diễn ra từ ngày 11-13/8/2005 tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 uỷ viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 uỷ viên. Ông Ðinh Thế Huynh, được bầu làm Chủ tịch; ông Lê Quốc Trung, làm Phó Chủ tịch Thường trực; ông Phạm Quốc Toàn, làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

Ðại hội đã quyết nghị thay “Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” bằng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, sửa đổi Ðiều lệ và Chương trình Hành động đến năm 2010.

ĐẠI HỘI LẦN THỨ IX

Ðại hội lần thứ IX HNBVN diễn ra từ ngày 10-12/8/2010 tại Hà Nội. Đại hội tiếp tục bầu ông Ðinh Thế Huynh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1/2011, đồng chí Đinh Thế Huynh được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đảm nhận chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Do yêu cầu công tác, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành HNBVN khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015) ngày 27/3/2012, đã nhất trí để đồng chí Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch, và bầu đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân tiếp quản chức Chủ tịch HNBVN. Tại nhiệm kỳ này, hoạt động của Hội đã được khích lệ mạnh mẽ sau cuộc gặp làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Hội Nhà báo ngày 23/7/2013, đưa ra nhiều kết luận quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động Hội trước mắt cũng như lâu dài.

Nguồn: Nguyễn Hà (Tổng hợp)/congluan.vn

Tin nổi bật