Tin tức ICTPress
Báo VietNamNet và Giao Hàng Tiết Kiệm khánh thành điểm trường ở Lai Châu
Submitted by nlphuong on Thu, 05/09/2024 - 20:46Tại điểm trường cũ dựng từ ván ghép, mùa mưa thì dột nước, mùa hè nóng nực, điểm trường mới mang tên Đán Tọ đã được khánh thành vào đúng ngày khai giảng năm học mới ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Tại điểm trường cũ dựng từ ván ghép, mùa mưa thì dột nước, mùa hè nóng nực, điểm trường mới mang tên Đán Tọ đã được khánh thành vào đúng ngày khai giảng năm học mới ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Công trình do báo VietNamNet phối hợp với UBND huyện Than Uyên, Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm xây dựng và được khánh thành vào sáng nay, 5/9.
Tham dự buổi lễ khánh thành có ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập báo VietNamNet; ông Phạm Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND huyện Than Uyên cùng đại diện nhà tài trợ.
Các đại biểu cắt băng khánh thành điểm trường Đán Tọ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập báo VietNamNet cho biết: "Chúng tôi rất vui khi được góp một phần công sức nhỏ trong việc xây dựng công trình lớp học tại điểm trường này. Việc khánh thành lớp học hôm nay vào đúng ngày khai giảng năm học mới rất ý nghĩa. Điểm trường được nâng cấp, xây dựng mới sẽ tạo điều kiện cho học sinh thuận lợi hơn trên con đường chinh phục tri thức".
Tổng biên tập báo VietNamNet cho hay: "Việc khánh thành lớp học vào đúng ngày khai giảng năm học mới rất ý nghĩa". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo ông Bá, việc xây dựng điểm trường Đán Tọ được báo VietNamNet triển khai vào tháng 3/2024. Quá trình tổ chức kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa, Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm đã tài trợ 300 triệu đồng để xây dựng mới điểm trường.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Bá gửi lời cảm ơn đến nhà tài trợ đã đồng hành cùng báo VietNamNet trong nhiều chương trình an sinh xã hội tại vùng sâu, vùng xa, nơi cuộc sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, người đứng đầu báo VietNamNet cũng dành lời cảm ơn đến chính quyền địa phương và nhân dân đã đồng hành, giúp đỡ chương trình được thực hiện thuận lợi.
Bà Hàn Thị Thủy chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bà Hàn Thị Thủy, Trưởng ban Truyền thông, Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm cho biết: "Điểm trường Đán Tọ đã được khoác tấm áo mới khang trang hơn, hiện thực hoá mong ước của cô và trò nơi đây.
Mùa khai giảng năm học này chắc chắn sẽ vui hơn những năm trước vì cô và trò đã có một công trình phòng học đầy đủ công năng, đảm bảo cho việc dạy học".
Bà Thủy chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng, một điểm trường xây dựng kiên cố sẽ có giá trị bền vững và lan tỏa giá trị tốt đẹp, nhân văn đến với nhiều thế hệ học trò tại xã Tà Mung. Đây sẽ là nơi ươm mầm tri thức, là hành trang để các con vươn tới những ước mơ...".
Điểm trường Đán Tọ nhìn từ trên cao. Ảnh: Xuân Quý |
Dành lời cảm ơn đến báo VietNamNet và nhà tài trợ, ông Phạm Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ, đặc thù xã Tà Mung còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư của địa phương có hạn. Các nhà tài trợ đã quan tâm, hỗ trợ xây dựng điểm trường Đán Tọ khang trang, kiên cố sẽ là điểm tựa quan trọng để các cô và trò nhà trường yên tâm giảng dạy và học tập trong thời gian tới.
Tổng biên tập báo VietNamNet cùng đại diện nhà tài trợ thăm phòng học mới xây dựng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Điểm trường Đán Tọ được khởi công vào tháng 4/2024. Dự án xây dựng mới một phòng học, hệ thống vui chơi ngoài trời, các công trình phụ trợ.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tà Mung, điểm trường Đán Tọ trước đây được dựng lên từ ván ghép. Sau hơn 10 năm sử dụng, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Vào mùa mưa thì dột nước, mùa hè nóng nực. Chính vì phòng học diện tích hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Bà Yến vui mừng chia sẻ: Nhờ có điểm trường mới nên năm nay số học sinh được đến trường tăng thêm so với năm học trước đó.
Phòng học mới có không gian rộng rãi, thoáng mát và trang bị các công trình phụ trợ hiện đại. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ngoài việc xây mới phòng học, điểm trường Đán Tọ được trang bị hệ thống vui chơi ngoài trời. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Học sinh tham gia buổi liên hoan đầu năm học. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Học sinh mầm non điểm trường Đán Tọ hào hứng với những trò chơi mới. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhiều em nhỏ lần đầu tiên được trải nghiệm hệ thống vui chơi ngoài trời. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Có 2 con gửi tại điểm trường mầm non Đán Tọ, chị Sùng Thị Lu rất mừng khi các con có thêm phòng học mới, nhiều trò chơi mới. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đoàn Bổng - Lê Anh Dũng/Vietnamnet.vn
Một kỷ niệm không bao giờ quên về Tổng Bí thư!
Submitted by nlphuong on Thu, 25/07/2024 - 21:35Hội báo Xuân đầu năm 2015 cách đây gần 10 năm, khi còn đang làm việc tại báo điện tử VnMedia, tôi rất vinh dự được đón tiếp Bác tới thăm quan gian báo chí của Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông.
Hội báo Xuân đầu năm 2015 cách đây gần 10 năm, khi còn đang làm việc tại báo điện tử VnMedia, tôi rất vinh dự được đón tiếp Bác tới thăm quan gian báo chí của Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày báo của Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông tại Hội Báo Xuân năm 2015. Ảnh: Đức Huy |
Hội báo Xuân năm đó, gian trưng bày của VnMedia ngoài những phần trình bày truyền thống như các gian trưng bày khác, còn có một “đặc sản” là cho chữ, tặng chữ. Hồi đó trong Hội báo Xuân chỉ mỗi gian VnMedia có đặc sản này, sau này thì phổ biến nhiều.
Khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tới thăm gian trưng bày của Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông tại Hội báo Xuân, chúng tôi bàn nhau không biết nên kính tặng Tổng Bí thư chữ gì: “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Nhẫn”, “Hỷ”… phân vân mãi, tôi đến bên anh Thầy đồ viết chữ để trình bày, hỏi ý kiến.
Anh ấy suy nghĩ trầm tư một lúc rồi nói: theo tôi anh nên kính tặng Bác chữ “Xuân”!.
Tôi lại hỏi “Anh nghĩ sao lại khuyên tôi kính tặng Bác chữ Xuân?”. Anh thủng thẳng trà lời: Này nhé, các chữ kia người ta hay cho, tặng nhau nhiều rồi. Giờ đầu năm mới, đầu Xuân, đang Hội báo Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước vào Xuân, mình tặng Tổng Bí thư chữ Xuân là đúng đấy!
Vâng vâng, anh viết chữ Xuân cho em thật đẹp vào nhé, tôi nhất trí luôn. Và đến khi Tổng Bí thư tới thăm gian trưng bày, tôi rất vinh dự được kính tặng Bác chữ “Xuân”. Bác vui vẻ nhận rồi động viên, khích lệ anh chị em và chụp ảnh chung cùng các nhà báo Thông tin và Truyền thông.
Luôn mãi nhớ về Bác, một tấm gương sáng, một Tổng Bí thư ấm áp, giản dị và luôn gần gũi với mọi người. Và luôn nhớ lời Bác: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Võ Quốc Trường, Nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử VnMedia, Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin - Bộ TT&TT
Nguồn: ictvietnam.vn
Báo VietNamNet đoạt giải báo chí 'Hải Dương khát vọng, phát triển'
Submitted by nlphuong on Thu, 28/03/2024 - 07:20Ban Tổ chức giải báo chí 'Hải Dương khát vọng, phát triển' đã lựa chọn ra 27 tác phẩm chất lượng. Trong đó, có 3 giải A, 3 giải B, 6 giải C và 15 giải khuyến khích.
Ban Tổ chức giải báo chí 'Hải Dương khát vọng, phát triển' đã lựa chọn ra 27 tác phẩm chất lượng. Trong đó, có 3 giải A, 3 giải B, 6 giải C và 15 giải khuyến khích.
Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển" được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm, chiến lược phát triển của tỉnh Hải Dương; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; thông tin nhiều mặt trên các lĩnh vực, góp phần quảng bá hình ảnh Hải Dương để tỉnh ngày càng phát triển, từng bước hiện thực hóa khát vọng, phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng trao giải cho các tác giả đoạt giải A. |
Ban tổ chức giải đã nhận được tổng số 370 bài dự thi của 131 tác giả, thuộc 29 cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
27 tác phẩm chất lượng được lựa chọn để trao giải. Trong đó có 3 giải A, 3 giải B, 6 giải C và 15 giải khuyến khích.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Chủ tịch UBND Tỉnh Hải Dương trao giải cho các tác giả đoạt giải C. |
Báo VietNamNet đoạt giải khuyến khích với tác phẩm “Bí quyết để Hải Dương bứt tốc giải ngân đầu tư công” của tác giả Nguyễn Thu Hằng. |
Phát biểu tại lễ trao giải, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho hay: Thành tích tỉnh Hải Dương đạt được trong những năm qua, đặc biệt là năm 2023 có phần đóng góp rất lớn từ sự ủng hộ, cổ vũ, động viên nhiệt tình và trách nhiệm của các cơ báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh.
Kết quả tuyên truyền của các cơ quan báo chí đã góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất và con người Hải Dương; thu hút đầu tư, từng bước hiện thực hóa “khát vọng, phát triển” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương.
Nguyễn Xuân Thông/vietnamnet.vn
Báo VietNamNet, Báo Người Lao Động, Báo Tuổi trẻ Thủ đô hợp tác đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số
Submitted by nlphuong on Fri, 15/03/2024 - 08:27Chiều 14/3, tại trụ sở Báo Người Lao Động đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Báo Người Lao Động, Báo VietNamNet, Báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Chiều 14/3, tại trụ sở Báo Người Lao Động đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Báo Người Lao Động, Báo VietNamNet, Báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tô Đình Tuân Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, 3 báo có nhiều nét tương đồng, sự đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau trong hành trình phát triển của mình, nhất là về các hoạt động chuyển đổi số, các chương trình sau mặt báo. Đây có thể nói là một điểm son trong hành chính phát triển của 3 cơ quan báo chí.
Báo VietNamNet, Báo Người Lao Động, Báo Tuổi trẻ Thủ đô ký kết hợp tác. Ảnh: Lê Tâm |
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhìn nhận và khẳng định đây là bước đầu tiên để chúng ta đi cùng nhau. Đây cũng là bước khởi đầu để các cơ quan báo chí gắn kết, chia sẻ và đồng hành với nhau.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tin tưởng với tình cảm và ý nguyện, sự hợp tác của 3 báo sẽ thực chất, đơm hoa kết trái trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, khẳng định với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Báo VietNamNet, Báo Người Lao Động, cùng với nỗ lực và sức trẻ của mình, Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ cố gắng học hỏi, tiếp tục phấn đấu để cùng nhau đi xa trong chặng đường sắp tới.
Ông Tô Đình Tuân trao quà lưu niệm cho lãnh đạo Báo VietNamNet, Báo Tuổi trẻ Thủ đô. Ảnh: Lê Tâm |
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, đây là sự kiện đặc biệt và ý nghĩa. Bởi từ trước đến nay, các cơ quan báo chí thường ký kết hợp tác với các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp; ít khi nào các cơ quan báo chí ký kết hợp tác với nhau.
Điều đặc biệt nữa là sự ký kết giữa một cơ quan báo chí Trung ương với hai cơ quan báo chí ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP HCM. Thêm nữa là ba cơ quan có đối tượng phục vụ khác nhau cũng như hoàn toàn tự chủ tài chính.
"Ngoài ra, khi cùng hoạt động trong một lĩnh vực sẽ có sự cạnh tranh nhưng hôm nay chúng ta cùng hợp tác để phát triển. Nhất là trong bối cảnh báo chí cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, cách làm báo thay đổi, tôi thấy sự hợp tác này càng ý nghĩa"- ông Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ ký kết hợp tác. Ảnh: Lê Tâm |
Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn sự hợp tác của 3 cơ quan báo chí sẽ đi vào thực chất, phối hợp chặt chẽ để tốt lên, mạnh lên; phát huy thế mạnh của nhau để hỗ trợ nhau phát triển. "Đây là cái cần nhất khi hợp tác với nhau"- ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng mong muốn 3 cơ quan báo chí làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền thông tin, nhất là công tác truyền thông chính sách.
Báo chí phải luôn giữ ngọn cờ tiên phong, dấn thân vào vùng đất lạ, làm việc khó hơn, mới hơn để tôi luyện, trưởng thành hơn
Submitted by nlphuong on Sat, 17/02/2024 - 21:40Nghề báo giờ chuyển thành nhặt “ngọc”, tức là tìm những thông tin, tri thức phù hợp với khẩu vị của tờ báo, nhặt rồi mài ngọc cho sáng, dùng thương hiệu của VietNamNet đưa những viên ngọc ấy, tinh hoa ấy đến với người dân Việt Nam.
Nghề báo giờ chuyển thành nhặt “ngọc”, tức là tìm những thông tin, tri thức phù hợp với khẩu vị của tờ báo, nhặt rồi mài ngọc cho sáng, dùng thương hiệu của VietNamNet đưa những viên ngọc ấy, tinh hoa ấy đến với người dân Việt Nam.
Đó chính là một trong những định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi Gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 với toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo điện tử VietNamNet chiều ngày 16/2/2024 tại Hà Nội. Cùng dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ.
Trong không khí đầm ấm đầu Xuân, Bộ trưởng đã đưa ra định hướng và trao đổi, trả lời câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên Báo VietNamNet.
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet đã báo cáo với Bộ trưởng về một số thành tựu nổi bật của Báo trong năm 2023 và đề ra các nhiệm vụ lớn trong năm 2024.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Cần tìm ra định nghĩa mới để báo in tiếp tục tồn tại, phát triển |
Báo cáo về việc xuất bản đặc san Hành trình VietNamNet Xuân Giáp Thìn 2024, là điểm nhấn của Báo trong năm 2023, ông Đỗ Hữu Khôi, Phó Tổng Thư ký tòa soạn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về việc báo chí phải cung cấp tri thức nhiều hơn, Ban lãnh đạo VietNamNet quyết tâm làm ấn phẩm báo Tết VietNamNet có sức cạnh tranh ngang bằng với các tờ báo giấy có truyền thống hàng đầu với cách làm khác biệt.
Thay vì các phóng viên viết bài trong lĩnh vực của mình, trong ấn phẩm Xuân Giáp Thìn, các phóng viên đã mời những người nổi tiếng nhất, uy tín nhất trong lĩnh vực của họ viết bài cho ấn phẩm này. Đồng thời, mời nhóm thiết kế hàng đầu Việt Nam phụ trách phần thiết kế tờ báo. Do đó, Hành trình VietNamNet Xuân Giáp Thìn 2024 đã đổi mới hoàn toàn về nội dung và hình thức, được đồng nghiệp và độc giả đánh giá cao. Đây là niềm tự hào của Báo VietNamNet.
Cần tìm ra định nghĩa mới để báo in tiếp tục phát triển
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ quan điểm về tương lai của báo in trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ trưởng, cần phải tìm ra định nghĩa mới để báo in tiếp tục phát triển, có một đời sống mới, giống như cách mà xe ngựa đã không biến mất mà chỉ thay đổi vai trò trong xã hội hiện đại. Báo in cũng cần phải tìm ra một định nghĩa mới để có thể phát triển.
Bộ trưởng cho rằng, báo in nên chuyển từ việc chỉ đơn thuần cung cấp thông tin sang việc chia sẻ tri thức, giảm bớt bài do phóng viên viết, tăng thêm lượng bài do những nhà chuyên môn xuất sắc viết. Nghề báo giờ chuyển thành nhặt “ngọc”, tức là tìm những thông tin, tri thức phù hợp với khẩu vị của tờ báo, nhặt rồi mài ngọc cho sáng, dùng thương hiệu của Vietnamnet đưa những viên ngọc ấy, tinh hoa ấy đến với người dân Việt Nam.
Tổng biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá báo cáo với Bộ trưởng về một số thành tựu nổi bật của Báo trong năm 2023 và đề ra các nhiệm vụ lớn trong năm 2024 |
Bộ trưởng chỉ rõ, nhặt ngọc cũng không thể nhặt bằng tay vì một ngày có khoảng 300 triệu tin trên không gian mạng. Do đó, nghề báo cũng trở thành nghề công nghệ. Bộ trưởng cũng lưu ý, đối với phóng viên mới vào nghề, cần khuyến khích họ viết, tìm những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới. Bộ trưởng cũng đặt vấn đề, tại sao không xuất bản báo Tết hàng tháng thay vì chỉ tập trung vào dịp Tết như các tờ báo khác?
Về vấn đề phát triển đội ngũ và công nghệ, Bộ trưởng cho rằng bước đi đúng đắn của báo VietNamNet là xây dựng lực lượng công nghệ của riêng mình (in-house). Trong thời đại chuyển đổi số, công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân lực số là nguồn lực cơ bản, đổi mới sáng tạo số là động lực cơ bản. Do đó, nhân lực công nghệ quan trọng như phóng viên, tham gia sản xuất tin bài như phóng viên. Cần có một tỷ lệ nhất định nhân lực công nghệ trong tổng số nhân sự của tờ báo để có thể cạnh tranh và phát triển trong thời đại số, ít nhất phải là 20%. Trong bối cảnh các tờ báo khác có đội ngũ công nghệ in- house vẫn còn rất ít, VietNamNet cần nắm bắt cơ hội này để vươn lên, trở thành tờ báo dẫn đầu.
Bộ trưởng dành nhiều thời gian lắng nghe chia sẻ và đưa ra định hướng phát triển cho các phóng viên, biên tập viên báo VietNamNet |
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng chia sẻ về ảnh hưởng của mạng xã hội đến cuộc sống hàng ngày, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội.
Về quan điểm “Làm thì nên nhanh, sống thì nên chậm” mà Bộ trưởng đã từng nêu ra trong Hội nghị giao ban, Bộ trưởng giải thích, trong khi công việc đòi hỏi sự nhanh chóng để tạo ra kết quả và giá trị, cuộc sống cá nhân lại cần được trải nghiệm một cách chậm rãi. Theo triết học, nhanh thì đi với chậm, bổ sung cho nhau để cân bằng hơn.
Phải làm tốt phần phản biện xã hội thì mới trở thành tờ báo xuất sắc
Kết thúc buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc quay về với giá trị ban đầu của VietNamNet sau 25 năm phát triển. Vietnamnet gồm 2 từ: Việt Nam và Net. Việt Nam là sứ mệnh quốc gia, Net là Internet. Vietnamnet đã làm rất tốt từ Việt Nam trong tên gọi của mình với các bài viết về các vấn đề quốc gia, vấn đề dân tộc, là một tờ báo phổ rộng, tờ báo của quốc gia.
Bộ trưởng lưu ý Báo VietNamNet phải luôn ghi nhớ tinh thần chính của VietNamNet là: Tôn trọng sự khác biệt và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm lì xì sách cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo VietNamNet nhân dịp đầu năm mới |
Với một tờ báo, tôn trọng sự khác biệt đóng vai trò quan trọng. Một sự việc, một hiện tượng có thể nhìn dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó mở ra những nhận thức mới. Báo chí nên giữ ngọn cờ tiên phong, dấn thân vào vùng đất lạ, làm việc khó hơn, mới hơn để tôi luyện, trưởng thành hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm lì xì sách cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Vietnamnet nhân dịp đầu năm mới |
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò phản biện xã hội của báo chí, mất đi vế phản biện xã hội là mất đi báo chí. Do đó, VietNamNet phải có mặt ở điểm nóng, phản ánh về vấn đề nóng, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Phải làm tốt phần phản biện xã hội thì mới trở thành tờ báo xuất sắc và trong khi phản biện xã hội thì phải giữ cho chắc ngôi sao dẫn lối: Đó là tính xây dựng.
Bộ trưởng kỳ vọng toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên đoàn kết xung quanh Tổng Biên tập báo, coi đó là hạt nhân, là điểm tụ, để cùng nhau tạo ra một giai đoạn phát triển mới của Vietnamnet, phụng sự Tổ quốc, đóng góp cho ngành, cho đất nước./.
Giang Phạm, Ảnh: Thảo Anh/mic.gov.vn
Lĩnh vực CNTT-TT phải là thế mạnh và nhiệm vụ của Báo VietNamNet
Submitted by nlphuong on Fri, 12/01/2024 - 20:37Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Báo VietNamNet, ngày 12/1, tại Hà Nội.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Báo VietNamNet, ngày 12/1, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 25 năm thành lập Báo VietnamNet, đánh giá cao sự đóng góp của Báo VietNamNet trong chặng đường 25 năm qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "VietNamNet là tờ báo, là cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông phải là thế mạnh số một và đó cũng là nhiệm vụ của VietNamNet".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông phải là thế mạnh số một và đó cũng là nhiệm vụ của VietNamNet. |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý Báo VietNamNet muốn đổi mới thì lại phải quay về với những giá trị, sứ mệnh ban đầu. Những chữ cần ghi nhớ là VietNam và Net. VietNam là sứ mệnh quốc gia, sứ mệnh phụng sự và hưng thịnh quốc gia, sứ mệnh của những vấn đề quốc gia, sứ mệnh của tinh hoa quốc gia, là khát vọng Việt Nam. Net là internet, là điện tử, là công nghệ số, là đổi mới sáng tạo số.
"Và VietNamNet còn là tinh thần VietNamNet, là ngôi nhà chung VietNamNet, thương hiệu chung VietNamNet: Tôn trọng sự khác biệt để nuôi dưỡng sáng tạo, chọn việc khó hơn để tôi luyện trưởng thành, luôn ở tuyến đầu, có mặt ở những điểm nóng, vấn đề nóng, phản biện xã hội, ý kiến chuyên gia, hướng tới giải pháp hơn là phê phán và tinh thần đồng đội của anh em nhà VietNamNet".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Huân chương Lao động Hạng Nhất tặng Báo VietNamNet. |
Ngày 19/12/1997, website VietNet xuất hiện đánh dấu sự ra đời của Báo điện tử VietNamNet, cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT. Báo VietNamNet được chuyển về Bộ TT&TT ngày 17/6/2008 theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 30/5/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 820/QĐ-TTTT về việc hợp nhất Báo điện tử VietNamNet và Báo Bưu điện Việt Nam thành báo VietNamNet như hiện nay. Từ một trang tin trực tuyến, đến nay, VietNamNet đã phát triển không ngừng, nâng tầm trở thành một thương hiệu có vị thế chính trị xã hội và sức lan tỏa lớn.
Theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet, suốt hành trình và phát triển, Báo VietNamNet đã kiên định chiến lược xây dựng một tờ báo "Tin cậy, Trách nhiệm, Sắc sảo và Đổi mới". Tiêu chí đưa tin "Nhanh, Chính xác, Khách quan và Chuẩn mực" chính là chìa khóa để Báo VietNamNet phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội để cùng hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Báo VietNamNet đã kiên định chiến lược xây dựng một tờ báo "Tin cậy, Trách nhiệm, Sắc sảo và Đổi mới". |
25 năm qua, VietNamNet luôn phấn đấu trở thành hình mẫu báo chí tích cực, báo chí giải pháp, truyền thông chính sách, truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy những giá trị cốt lõi của đất nước và nhân dân, cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo.
Với những thành tựu đạt được, Báo VietNamNet vinh dự được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Báo VietNamNet từng được tặng thưởng các Huân chương, bao gồm gồm: Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2012; Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2017.
Cũng tại buổi lễ, sự kiện trao giải Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2023 đã diễn ra.
Theo đó, vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh, thầy Thích Minh Niệm và hoa hậu H’hen Nie là những nhân vật được bình chọn thông qua phiếu bầu của độc giả.
Sự kiện này do Báo VietNamNet khởi xướng từ năm 2020 nhằm tôn vinh các cá nhân, tập thể góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng./.
Nguồn: ictvietnam.vn
Hoà nhạc Quốc gia 'Điều còn mãi 2023' lấy giao hưởng tôn vinh âm nhạc dân tộc
Submitted by nlphuong on Thu, 24/08/2023 - 21:16Tổng Biên tập Báo VietNamNet khẳng định Hòa nhạc 'Điều còn mãi' năm nay vẫn giữ hồn cốt của kho tàng âm nhạc Việt nhưng có sự đổi mới để tiếp tục đưa chương trình đến gần hơn với công chúng.
Tổng Biên tập Báo VietNamNet khẳng định Hòa nhạc 'Điều còn mãi' năm nay vẫn giữ hồn cốt của kho tàng âm nhạc Việt nhưng có sự đổi mới để tiếp tục đưa chương trình đến gần hơn với công chúng.
Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2023 do Báo VietNamNet phối hợp với Công ty IBgroup tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ diễn ra vào 14h ngày Quốc khánh 2/9/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tại buổi gặp mặt báo chí diễn ra ngày 24/8, Tổng Biên tập (TBT) Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá bày tỏ sự trân trọng tới 3 nguyên Tổng Biên tập của Báo VietNamNet là Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Sỹ Hoa và Phạm Anh Tuấn cùng các nhà tài trợ trong suốt hơn 10 năm qua đã cố giữ được chương trình, tạo điểm nhấn không thể quên vào chiều 2/9 lịch sử.
Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí. |
Nối tiếp truyền thống đó, TBT Báo VietNamNet khẳng định, năm nay chương trình vẫn giữ hồn cốt của kho tàng âm nhạc Việt Nam nhưng có sự đổi mới để tiếp tục đưa Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2023 đến gần hơn với công chúng.
Nhiều điểm mới trong 'Điều còn mãi 2023'
“Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2023 lần đầu tiên có Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đơn vị phối hợp sản xuất IBgroup”, ông Nguyễn Văn Bá nói.
Chia sẻ về những điều mới mẻ của chương trình, TBT Báo VietNamNet cho biết, với Điều còn mãi 2023, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng không chỉ biên tập mà còn chuyển soạn, hòa âm và phối khí cho toàn bộ các tác phẩm. Điều này tạo nên tính thống nhất về kịch bản âm nhạc.
Ngoài ra, đội ngũ sản xuất chương trình cũng bàn bạc kỹ khi quyết định mời Đồng Quang Vinh làm nhạc trưởng.
“Sau khi tìm hiểu về Đồng Quang Vinh, tôi thấy phong cách và con người của anh khá thú vị. Chia sẻ điều này với ê-kíp, tôi đều nhận được sự đồng tình. Hơn nữa, Đồng Quang Vinh được đào tạo tại Trung Quốc nên rất phù hợp với nét đặc biệt của Điều còn mãi năm nay - là đưa nhạc dân tộc vào giao hưởng”, ông Nguyễn Văn Bá cho hay.
NSƯT Trịnh Tùng Linh (áo trắng) - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí. |
TBT Nguyễn Văn Bá ghi nhận đóng góp của nhạc trưởng Lê Phi Phi như “tượng đài của Điều còn mãi” suốt nhiều năm qua đồng hành cùng VietNamNet. Tuy nhiên, với mong muốn giới thiệu những gương mặt mới, những nhạc trưởng tài năng thì việc mời Đồng Quang Vinh là lựa chọn phù hợp.
“Thông qua chương trình giới thiệu thêm được một nhạc trưởng tài năng cho nền âm nhạc Việt Nam, tôi nghĩ anh Lê Phi Phi sẽ rất vui. Kết quả mà nhạc trưởng Lê Phi Phi đã để lại cho Điều còn mãi sẽ là động lực để Đồng Quang Vinh lan toả hơn nữa tới công chúng”, ông Nguyễn Văn Bá khẳng định.
Là gương mặt thân thuộc của Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi, NSƯT Trịnh Tùng Linh cảm thấy thiếu vắng khi 2 năm trước do dịch bệnh mà chương trình không thể tổ chức.
“Những năm không tổ chức Điều còn mãi, đến tháng 8 tôi cứ nhớ nhung, bồi hồi. Hoà nhạc diễn ra lúc 14h là điều rất đặc biệt bởi dàn nhạc thường chơi vào buổi tối.
Không giống như nhiều chương trình khác, trước khi Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi diễn ra khoảng 10 ngày, điện thoại của tôi réo liên tục, thậm chí phải lấy sổ ghi chép ai đăng ký xin vé, ai nên mời hay không vì số vé có hạn. Có nghĩa là không phải tôi mà tất cả mọi người đều háo hức chờ đợi.
Chúng tôi luôn muốn được tham gia những sự kiện ý nghĩa như thế nên động viên nhau, bằng mọi cách để giữ được chương trình, khó khăn mấy cũng phải làm. Tất nhiên, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chỉ đóng góp chút công sức nhỏ bé, quan trọng là người đứng đầu chương trình - TBT báo VietNamNet”, NSƯT Trịnh Tùng Linh bày tỏ.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và ca sĩ Đỗ Tố Hoa |
Tự tin làm hết mình, tạo ra nét riêng của 'Điều còn mãi'
Tại họp báo, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh nhận được nhiều câu hỏi về việc: Có áp lực khi là người tiếp nối nhạc trưởng Lê Phi Phi?, anh hóm hỉnh cho biết “đã sống chung với rất nhiều mẹ chồng nên chịu được áp lực”.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh luôn coi mỗi tác phẩm khi thai nghén, xử lý xong là một sản phẩm và cần những người "mẹ chồng" nghiêm khắc thẩm định.
“Với tôi, Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng là một 'mẹ chồng', chỉ cần sai một tí thôi mà cảm giác như ‘trời sập’. Mẹ đẻ tôi cũng như mẹ chồng, lúc đi học không được điểm 10 là không vừa lòng.
Dưới những ách 'mẹ chồng' như vậy, tôi thấy phải có trách nhiệm với bản thân, tập trung làm việc hết sức. Điều đó khiến tôi tự tin để làm tốt, nỗ lực hết mình và tạo ra nét riêng ở Điều còn mãi”, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh tâm sự.
Không dám nhận là sẽ “vượt nhạc trưởng Lê Phi Phi” nhưng Đồng Quang Vinh khẳng định coi chất lượng chương trình là trên hết.
“Quá trình chuẩn bị, chúng tôi phải nhập tâm vào đó, sống với tác phẩm, luyện tập để diễn giải sao cho khán giả cảm nhận được cái hồn của tác phẩm. Có những tác phẩm tôi đã thực sự lên đồng, quên mất mình là ai khi biểu diễn. Nhiều người không rõ vai trò của nhạc trưởng, chỉ thấy anh ấy múa đũa ‘có vẻ nhàn’ nhưng thực sự phía sau đó muôn vàn khó khăn", Đồng Quang Vinh trải lòng.
Ca sĩ Đỗ Tố Hoa. |
Lần đầu tiên hát trong Điều còn mãi, Đỗ Tố Hoa thể hiện niềm vui vì được tham dự một chương trình rất quan trọng.
Là ca sĩ mặc áo lính, với Đỗ Tố Hoa, tất cả mọi việc được giao đều là nhiệm vụ nên luôn đau đáu để có những tác phẩm hay nhất tới khán giả.
“Tôi biết hát trước khi biết nói, coi việc lên sân khấu là lúc được hưởng thụ nhất. Tôi không thích sự nhạt nhoà, lên sân khấu phải ghi lại dấu ấn cho khán giả. Do vậy, tôi rất hồi hộp khi được mời tham gia chương trình.
Khi coi nhiệm vụ này là quan trọng, tôi sẽ dành tâm thế tốt nhất để biểu diễn. Ngoài giọng hát, cách trình diễn cũng vô cùng quan trọng, từ ánh nhìn, động tác, tôi sẽ không bỏ sót giây phút nào khi được đứng trên sân khấu Điều còn mãi”, Đỗ Tố Hoa tâm sự.
Ông Nguyễn Thuỳ Dương - Chủ tịch IBgroup Việt Nam (ngoài cùng bên phải). |
Lần đầu tiên đồng hành cùng VietNamNet, ông Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch IBgroup Việt Nam, bày tỏ sự hãnh diện vì đây là chương trình hòa nhạc quốc gia, tất cả những tác phẩm âm nhạc có giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước đều được chuyển thể sang nhạc giao hưởng - dòng nhạc bác học khiến ai cũng háo hức.
“Đây là lần đầu chúng tôi bắt tay trực tiếp sản xuất một chương trình hòa nhạc quốc gia lớn như vậy. Âm nhạc giao hưởng thính phòng cực kỳ kén người nghe, không phải ai cũng nghe được nhưng năm nay có sự sáng tạo đặc biệt khi đưa âm hưởng nhạc cụ dân tộc Việt Nam vào giao hưởng".
Tôi có niềm tin những nghệ sĩ, những người chịu trách nhiệm về chỉ huy dàn nhạc, về âm nhạc và những nhân tố hát nhạc nhẹ có thể hát thính phòng sẽ tạo nên một đêm nhạc lan tỏa rộng rãi.
Tôi tin không chỉ người chuyên nghe thính phòng mà cả những người nghe nhạc nhẹ, nhạc trẻ cũng sẽ yêu thích và có cảm xúc khi xem và nghe Điều còn mãi năm nay”, ông Dương nhận định.
Ông Dương cho biết, dù Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi không bán vé nhưng với ông, âm nhạc phải biến thành một sản phẩm, nghĩa là phải có người đón nhận.
“Điều còn mãi không giống chương trình doanh thu bán vé tôi đã làm. Nhưng cuối cùng vẫn là cảm xúc của khán giả - đó mới là điều giá trị nhất. Tất cả các nghệ sĩ, các anh các chị tham gia chương trình gần như là không lấy cát-sê. Điều đó chứng tỏ họ yêu Điều còn mãi, sẵn sàng làm vì cộng đồng, vì đam mê, lan tỏa nghệ thuật tới công chúng. Tôi tin tâm huyết, cái hồn của Điều còn mãi sẽ lan tỏa”, ông Dương khẳng định.
Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng như: Bóng cây Kơ Nia (Phan Huỳnh Điểu), Trăng sáng đôi miền (An Chung), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến), Tổ quốc yêu thương (Hồ Bắc), Lên ngàn (Hoàng Việt), Đàn chim Việt (Văn Cao) được phối khí mới, Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi năm nay còn giới thiệu ca khúc mới được nhiều người trẻ yêu thích như: My Kool Việt Nam (Thanh Bùi) và Những trái tim Việt Nam (Phương Uyên).
Điều còn mãi 2023 quy tụ các ca sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc thính phòng cổ điển như: NSƯT Đăng Dương, Phạm Thu Hà, Đỗ Tố Hoa, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác. Bên cạnh đó, ca sĩ Tùng Dương, nhóm nhạc Oplus cũng có khả năng thích ứng với dàn nhạc giao hưởng sẽ tham gia để tạo nên sự đa dạng về màu sắc giọng hát.
Sự góp mặt của Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn hợp xướng Kosmos Opera và NSƯT Lệ Giang nghệ sĩ độc tấu đàn bầu và jazz, nghệ sĩ saxophone An Trần, nghệ sĩ trống sấm Trương Thị Thu Hà cũng là một cách để giới thiệu với công chúng những nghệ sĩ tài năng của nước nhà, nhằm hướng Điều còn mãi 2023 tới một không gian âm nhạc vừa sang trọng nhưng vẫn hiện đại và truyền thống.
Nguồn: vietnamnet.vn
Tạp chí Tem - 30 mùa xuân đồng hành cùng đất nước
Submitted by nlphuong on Fri, 31/03/2023 - 17:24Mùa Xuân 2023 này, Tạp chí Tem - Tạp chí chuyên ngành về tem bưu chính duy nhất tại Việt Nam, diễn đàn của những người yêu tem, sưu tập tem bưu chính tròn 30 tuổi.
Mùa Xuân 2023 này, Tạp chí Tem - Tạp chí chuyên ngành về tem bưu chính duy nhất tại Việt Nam, diễn đàn của những người yêu tem, sưu tập tem bưu chính tròn 30 tuổi.
Phát hành số đầu tiên vào tháng 1/1993, 30 năm qua, Tạp chí Tem luôn thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, hoàn thành sứ mệnh trong công tác tuyên truyền các giá trị văn hóa, lịch sử, tư tưởng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và trở thành một kênh đối ngoại nhân dân hiệu quả.
Trong Lời chào ra mắt đăng trên số “trình làng”, ông Lê Quang Huy, Nhà sáng lập, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Tem nhấn mạnh: “Tạp chí Tem Việt Nam là tiếng nói, diễn đàn, nơi gặp gỡ ý kiến của tất cả những bạn có lòng yêu mến con tem, yêu mến khoa sưu tập tem; của các bạn chơi tem, làm ra và phát hành con tem bưu chính. Tạp chí Tem vui mừng gia nhập làng báo thế giới chuyên khoa sưu tập tem – Philately, cùng góp sức xây dựng “thú chơi”, “nghề chơi” sống động, hấp dẫn này vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tiến bộ xã hội”.
30 năm, chứng kiến tiến trình đổi mới đất nước theo đường lối của Đảng, những thay đổi của lĩnh vực Tem bưu chính, vượt qua nhiều khó khăn, thăng trầm, Tạp chí Tem kiên trì, bền bỉ phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác, duy trì phát triển đúng định hướng.
Suốt chặng đường vừa qua, Tạp chí Tem luôn tích cực đồng hành với sự phát triển văn hóa tem và phong trào sưu tập tem tại Việt Nam, tạo sân chơi trí tuệ lành mạnh, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị văn hóa, tư tưởng nền tảng, cốt lõi, cũng như về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hình ảnh của Tổ quốc, của Đảng, của các bậc tiền nhân, các vị lãnh tụ, của thiên nhiên, đất nước, con người thể hiện trên Tem bưu chính đã được Tạp chí làm rõ hơn, định hướng bạn đọc. Chuyên mục “Chính luận, chuyên luận” với những bài viết của người đứng đầu các lĩnh vực liên quan, đề cập vấn đề lớn, vấn đề “nóng” của đất nước dành được sự quan tâm của độc giả. Chuyên trang “Đất nước, con người” chuyển tải nội dung sâu sắc về các mẫu tem có chủ đề: Đảng, Bác Hồ, các chiến thắng lịch sử, các danh nhân, anh hùng, nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước…Hàng ngàn bài viết trên tạp chí không chỉ giới thiệu mẫu tem bưu chính một cách đơn thuần mà còn đậm dấu ấn chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, có sức hấp dẫn đối với bạn đọc và người yêu Tem.
Hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Tem đã giới thiệu các bộ sưu tập tem tham dự triển lãm, trưng bày về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi bộ sưu tập là một góc nhìn riêng, một cách tiếp cận riêng để công chúng hiểu sâu sắc hơn về tấm gương vĩ đại của Bác, từ đó có thể tự rút ra cho mình những bài học cho riêng mình để học và làm theo tấm gương của Người.
Tạp chí có một lượng lớn độc giả khá đặc thù, đó là những người yêu Tem và sưu tập Tem, nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của bạn đọc với Tạp chí đã tạo động lực thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và kinh doanh tem bưu chính, giúp nhiều chủ trương, quy định được ban hành có tính thực tiễn và khả thi cao, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của lĩnh vực tem bưu chính, nâng cao uy tín, giá trị của tem bưu chính Việt Nam trên trường quốc tế. Tạp chí cũng đã được nhiều nhà quản lý đánh giá là một kênh đối ngoại nhân dân hiệu quả, thông qua việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam khi tham gia các triển lãm tem khu vực và thế giới cũng như thông qua các hoạt động giao lưu hội nhập khác. Nhờ thông tin trên Tạp chí, nhiều người sưu tập tem trong nước đã có thêm nhiều cơ hội hợp tác với cộng đồng sưu tập tem trong khu vực và thế giới, qua đó lan tỏa sâu rộng dấu ấn, hình ảnh Việt Nam.
Là một ấn phẩm có quy mô nhỏ trong “làng báo Việt”, trước những biến động của thời cuộc, khi không ít cơ quan báo chí phải ngậm ngùi “đóng cửa”, sự tồn tại của Tạp chí Tem được nhìn nhận là một thành công lớn.
Tạp chí Tem đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy, là nguồn thông tin khảo cứu bổ ích đối với giới sưu tầm tem trong nước cũng như quốc tế; phản ánh kịp thời những hoạt động của Hội Tem Việt Nam, giúp các hội tem địa phương mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với nhau và với các đối tác nước ngoài.
Ngày nay, do sự phát triển của công nghệ dịch vụ, đặc biệt là công nghệ và phương tiện truyền thông, vai trò của con Tem bưu chính trong đời sống đã có những thay đổi, nhưng theo số liệu của Liên minh Bưu chính thế giới thì 192 quốc gia thành viên trên thế giới vẫn duy trì phát hành tem bưu chính một cách thường xuyên. Tại Việt Nam, mỗi năm vẫn có hàng chục bộ tem được phát hành, trong đó có rất nhiều bộ tem được phát hành đặc biệt nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện quan trọng của đất nước. Điều này đồng nghĩa vẫn còn đó cộng đồng khá lớn những người yêu tem, đam mê sưu tập tem, sẵn sàng làm độc giả trung thành của Tạp chí Tem. Vì vậy, Tạp chí cần nỗ lực hơn nữa để duy trì chức năng, vai trò “ngôi nhà chung” của người chơi tem. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng sẽ mở rộng giao lưu, kết nối, hợp tác quốc tế để đa dạng hóa bài viết, kiến thức, dữ liệu, đem lại nhiều lợi ích hơn cho độc giả, phát huy hơn hiệu quả hơn nữa vai trò kênh đối ngoại nhân dân.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra như vũ bão, lĩnh vực Tem nói chung và Tạp chí Tem nói riêng cũng cần định hướng cập nhật, ứng dụng công nghệ hiện đại để có thể hiện diện trên môi trường số nhằm tăng tính phổ cập, tiếp cận hiệu quả hơn tới công chúng độc giả, người chơi Tem thời 4.0.
Con đường tương lai có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển, song cũng không phải là “trải đầy hoa hồng”, đòi hỏi Tạp chí Tem phải luôn đổi mới sáng tạo để theo kịp được yêu cầu của bạn đọc, đồng hành với những đổi mới của báo chí Việt Nam cũng như báo chí thế giới.
Truyền thống 30 năm, bằng trí tuệ và kỹ năng, cầu thị và học hỏi, trách nhiệm và cam kết, chúng ta tin rằng đội ngũ những người làm Tạp chí hiện tại sẽ có sự kế tục xứng đáng, tiếp tục mang Tạp chí Tem đến với đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông: Nhiều hy vọng về sự “trưởng thành” của Tạp chí Tem
Ngay từ số đầu tiên phát hành năm 1993, Tạp chí Tem Việt Nam đã được độc giả, đặc biệt là những người sưu tập tem bưu chính đón nhận. 30 năm qua, dù trải qua không ít khó khăn (về lượng độc giả, về giá cả, nguồn lực làm báo đặc thù…), Tạp chí Tem Việt Nam vẫn nỗ lực để từng bước trở thành trang thông tin chuyên đề đặc biệt về tem bưu chính, mang lại cho độc giả thông tin văn hóa lành mạnh và kiến thức nghiệp vụ hữu ích cũng như cập nhật những hoạt động mới nhất về tem bưu chính trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Bưu chính |
Để phát huy hơn nữa những truyền thống và kết quả mà Tạp chí đã đạt được thời gian qua, một số ý kiến mong muốn được chia sẻ cùng Tạp chí:
Tạp chí Tem Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Hội Tem Việt Nam; thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, phổ biến kiến thức về sưu tập tem bưu chính và làm tốt công tác tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam và thế giới qua tem bưu chính, về lịch sử tem bưu chính Việt Nam và các nước…
Tạp chí cần chú trọng để có nhiều những bài viết chuyên sâu hướng dẫn về cách sưu tập tem hiện đại. Bên cạnh đó, phát triển Tạp chí “số” để có thể dễ dàng hơn đến với các độc giả, người sưu tập tem trẻ tuổi.
Kỷ niệm 30 năm Tạp chí Tem Việt Nam ra số đầu tiên, chúng ta trân trọng cảm ơn tất cả những người đã đóng góp vào thành công của tạp chí (đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên, các nhà văn, họa sĩ minh họa, nhiếp ảnh …), cùng với hy vọng về sự “trưởng thành” của Tạp chí Tem Việt Nam với những xuất bản phẩm ý nghĩa, truyền cảm hứng và đặc sắc.
Bà Chu Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Tem Việt Nam: Tạp chí Tem đã thực hiện tốt nhiệm vụ
Trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Tem đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, quảng bá về tem bưu chính, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tạp chí đã đưa tin một cách kịp thời, nhanh chóng về các sự kiện, thông tin lĩnh vực tem bưu chính trong nước và thế giới, các thông tin của Hội Tem Trung ương cũng như các hoạt động của hội tem địa phương, câu lạc bộ sưu tập tem, qua đó, góp phần phát triển phong trào sưu tập trên cả nước, nâng cao dân trí, thẩm mỹ hội họa, xây dựng và phát triển sân chơi văn hóa lành mạnh, trí tuệ, nhất là đối với lớp trẻ.
Bà Chu Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Tem Việt Nam |
Kể từ ngày ra số đầu tiên đến nay, Tạp chí Tem đã xuất bản 175 số, có 7 lần tham dự triển lãm quốc tế, thế giới và đều đoạt giải, cụ thể: Giải Mạ Bạc ở Triển lãm Tem quốc tế châu Á 1997 tại Hồng Kông; Giải Bạc ở Triển lãm Tem quốc tế châu Á 2000 tại Thái Lan và Triển lãm Tem Thế giới 2013 tại Thái Lan; Giải Bạc Lớn ở Triển lãm Tem quốc tế châu Á 2006 tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Triển lãm Tem thế giới 2011 tại Nhật Bản, Triển lãm Tem thế giới 2018 tại Thái Lan và Triển lãm Tem quốc tế châu Á 2021 tại Nhật Bản. Tạp chí Tem đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 2003); Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương; Giấy khen của Hội Tem Việt Nam và nhiều lần nhận Giấy khen của Liên Chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông.
Tuy nhiên, con người và tài chính luôn là khó khăn lớn nhất từ trước đến nay của Tạp chí. Nguồn nhân lực của Tạp chí rất mỏng, việc tìm kiếm và bồi dưỡng đội ngũ kế cận gặp nhiều khó khăn. Trong đội ngũ công tác hiện nay, nhiều bác đã lớn tuổi, song niềm đam mê với công việc, tâm huyết đối với Tạp chí và với tem chính là động lực lớn nhất giúp các bác ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn hàng ngày đến Tạp chí, cặm cụi lấy tin, viết bài, biên tập bài... Bên cạnh đó, điều kiện tài chính của Tạp chí cũng gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Hiểu được những khó khăn đó, Hội Tem Việt Nam đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hoạt động của Tạp chí. Bên cạnh đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ Tạp chí rất nhiều, giải quyết các vướng mắc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tạp chí.
Thời gian tới, tôi mong muốn được nhìn thấy sự đa dạng hơn nữa trong các chuyên mục của Tạp chí Tem, trưởng thành hơn cả về nội dung và hình thức, làm tốt vai trò cầu nối giữa người chơi tem trong nước, tiến tới kết nối sâu rộng hơn với người chơi tem quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Tem bưu chính Việt Nam.
Trên cương vị của Chủ tịch Hội Tem Việt Nam, tôi cũng mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn những gương mặt mới, trẻ, nhiệt huyết, đam mê với tem và công tác của Tạp chí Tem. Đây cũng là nỗi niềm của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội Tem Việt Nam và người đứng đầu Tạp chí.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tem: Nỗ lực vượt khó để duy trì ấn phẩm đặc thù
Bà Nguyễn Thị Hồng Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tem |
Là một tạp chí chuyên ngành hẹp và sâu, Tạp chí Tem đã sở hữu nhiều chuyên mục hấp dẫn, có hàm lượng thông tin nghiệp vụ cao. Những bài viết giá trị, hữu ích của Tạp chí Tem đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các nhà quản lý cũng như đông đảo công chúng, độc giả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, Tạp chí Tem cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mang tính đặc thù.
Đội ngũ biên tập viên và phóng viên đòi hỏi là người vừa có kỹ năng báo chí vừa có kiến thức chuyên sâu về tem bưu chính và hoạt động sưu tập tem bưu chính.
Những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế của thế giới diễn biến phức tạp, cộng thêm sự phát triển như vũ bão của báo chí điện tử và mạng xã hội, các báo in, tạp chí in gặp rất nhiều khó khăn về nguồn thu, kinh phí để duy trì sự tồn tại trong làng báo. Không ít tạp chí nói chung, tạp chí tem nói riêng ở nước ngoài đã phải đóng cửa.
Việc duy trì được Tạp chí Tem được đánh giá là một sự thành công rất lớn. Hy vọng thời gian tới, với những cơ chế mới, động lực mới, Tạp chí Tem sẽ được tiếp thêm sức mạnh để có những bước nhảy cao hơn, xa hơn, tiếp tục hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Hội Tem Việt Nam, là cầu nối giao lưu, kết nối trong nước cũng như quốc tế của những người yêu tem, sưu tập tem bưu chính.
Ông Trần Hữu Huệ, nhà sưu tập lão thành: Tạp chí Tem như bộ sách bách khoa toàn thư
Ông Trần Hữu Huệ, nhà sưu tập lão thành |
Là một người yêu tem, tôi sưu tầm tem từ năm 14 tuổi, đến nay đã 59 năm. Khi được cầm trên tay quyển Tạp chí Tem số phát hành tháng 1/1993, tôi hết sức vui mừng.
Con tem tuy nhỏ nhưng đã “mở ra khung trời lớn”. Thật vậy, với hơn 170 số đã phát hành, Tạp chí Tem với những người sưu tập như tôi là một bộ bách khoa toàn thư. Kiến thức mà các số tạp chí mang lại rất đa dạng, cả trong nước và ngoài nước.
Tạp chí Tem đã mang đến cho độc giả nhiều thông tin về lịch sử, địa lý, danh nhân, thắng cảnh Việt Nam. Càng chơi tem, càng đọc Tạp chí Tem sẽ càng yêu đất nước mình.
Bên cạnh đó, qua các bài giới thiệu tem các nước với khối kiến thức mọi mặt, Tạp chí Tem đã giúp sự hiểu biết về lịch sử thế giới, về danh lam thắng cảnh, về khoa học… được mở rộng không giới hạn.
Đối với một người chơi tem ở một huyện nhỏ, một “vùng trũng” như tôi, thì Tạp chí Tem là hết sức cần thiết. Nhờ những thông tin hoạt động hội tem theo từng thời điểm, tôi kịp thời tham gia các cuộc hội thảo, triển lãm và nhờ đó mang lại cho tôi nhiều giải thưởng, quả là một sự khích lệ lớn lao. Mặt khác, những bài viết từ Tạp chí Tem đã cung cấp nhiều tư liệu để tôi hướng dẫn các em học sinh trong các câu lạc bộ sưu tập tem, từng bước phát triển phong trào sưu tập tem ở các trường học. Qua Tạp chí Tem Việt Nam, những người yêu tem trong nước và trên thế giới đã đến gần nhau hơn. Chúng tôi trao đổi tem, các vật phẩm bưu chính cho nhau, dần dần bộ sưu tập của mình ngày một phong phú, đầy đủ hơn.
Tạp chí Tem Việt Nam rất xứng đáng là “người bạn đồng hành”, có vị trí vững chắc, là chỗ dựa quan trọng, không thể thiếu trong lòng người yêu tem trên mọi miền đất nước và trên thế giới.
Nguyễn Văn Phước, nhà sưu tập trẻ: Nguồn tư liệu quý cho các nhà sưu tầm tem trẻ tuổi
Nguyễn Văn Phước, nhà sưu tập trẻ |
Thuật ngữ “Tạp chí Tem” giờ đã không quá xa lạ với ngành bưu chính nói chung và các nhà sưu tầm tem nói riêng.
Người chơi tem săn đón những số Tạp chí Tem mới nhất không những chỉ để đọc và tìm hiểu về những con tem mình yêu thích mà Tạp chí Tem còn được các nhà sưu tầm xem như một vật phẩm sưu tầm, rất nhiều người muốn sở hữu được trọn vẹn các số Tạp chí Tem từ những số đầu tiên đến nay.
Với những nhà sưu tầm trẻ mới tập tành những bước đầu sưu tầm tem bưu chính, Tạp chí Tem có vài trò rất quan trọng. Đó là nguồn tư liệu quý để bổ sung nguồn kiến thức sưu tầm tem.
Em mong rằng Tạp chí Tem sẽ phát triển thêm nhiều chuyên mục để giúp cho các nhà sưu tập, đặc biệt là giới trẻ tìm hiểu; cập nhật thêm nhiều thông tin về mẫu tem vừa phát hành cũng như danh sách tem phát hành trong năm để có thể dễ dàng tìm kiếm, bổ sung vào bộ sưu tập tham gia các cuộc triển lãm.
Bình Minh
Tạp chí Tem số 176
Trao tặng gần 1000 cuốn sách cho trường học vùng cao tỉnh Hà Giang
Submitted by nlphuong on Thu, 30/03/2023 - 17:35Từ ngày 26 - 28/3/2023, Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Chi đoàn Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức chương trình tặng sách giúp xây dựng thư viện trường học tại hai trường vùng cao của tỉnh Hà Giang gồm Trường THPT Mèo Vạc và Trường THCS & THPT Tùng Bá.
Từ ngày 26 - 28/3/2023, Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Chi đoàn Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức chương trình tặng sách giúp xây dựng thư viện trường học tại hai trường vùng cao của tỉnh Hà Giang gồm Trường THPT Mèo Vạc và Trường THCS & THPT Tùng Bá.
Đoàn tặng sách giúp xây dựng thư viện trường học tại Trường THPT Mèo Vạc. |
Khoảng 1.000 cuốn sách với đa dạng thể loại sách phục vụ việc dạy - học của các thày cô giáo cũng như các em học sinh đã được trao tặng cho 2 trường: Trường THPT Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) và Trường THCS & THPT Tùng Bá (huyện Vị Xuyên) nhằm giúp lan tỏa văn hóa đọc, hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4.
Chương trình có sự đồng hành của Thư viện Hà Nội, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books), Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam, cùng một số cơ quan báo chí, hội viên Liên chi hội nhà báo TT&TT.
Đoàn tặng sách giúp xây dựng thư viện trường học tại Trường THCS & THPT Tùng Bá. |
Ông Trần Bình Tám, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo TT&TT nhấn mạnh: “Văn hoá đọc đã giúp cho con người rất nhiều trong mọi lĩnh vực. Nhiều bạn trẻ đã lập nghiệp, vươn lên làm giàu từ sách, có bạn nhờ sách mà bỏ đi thói hư tật xấu để hướng thiện. Nhờ sách mà tâm hồn trong sáng hơn, yêu thương nhau hơn”.
Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo TT&TT bày tỏ sự đồng cảm với những khó khăn trong hoạt động phát triển thư viện, lan tỏa văn hóa đọc tại các trường học vùng cao như Trường THPT Mèo Vạc và Trường THCS & THPT Tùng Bá.
“Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để có một thư viện chuẩn, làm thế nào để kéo học sinh đến với thư viện, đến với sách, coi sách như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Muốn làm được như vậy, những nhà quản lý và các trường học phải sớm hoàn thiện hệ thống thư viện, kết hợp với việc giới thiệu sách, tổ chức các tiết trích đọc tác phẩm hay, kể chuyện theo sách, chọn một số em có giọng đọc hay, truyền cảm để thành lập ra câu lạc bộ đọc sách…”, ông Trần Bình Tám khuyến nghị.
Bí thư Chi đoàn Cục Xuất bản, In và Phát hành Lê Ngọc Hà cho biết, hưởng ứng Tháng Thanh niên cùng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, Chi đoàn Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phối hợp với Liên chi hội Nhà báo TT&TT tổ chức hoạt động tặng sách giúp xây dựng thư viện trường học tại Hà Giang.
Nhân chuyến công tác này, các nhà báo TT&TT đã tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giáo dục của địa phương./.
Đức Huy
Tạp chí TT&TT trao đổi nghiệp vụ về Podcast
Submitted by nlphuong on Wed, 22/03/2023 - 09:01Ngày 21/3/2023, Tạp chí TT&TT đã tổ chức lớp trao đổi làm nghiệp vụ podcast. Buổi trao đổi có các hội viên nhà báo Tạp chí TT&TT và các hội viên nhà báo trong Liên chi hội nhà báo TT&TT.
Ngày 21/3/2023, Tạp chí TT&TT đã tổ chức lớp trao đổi làm nghiệp vụ podcast. Buổi trao đổi có các hội viên nhà báo Tạp chí TT&TT và các hội viên nhà báo trong Liên chi hội nhà báo TT&TT.
Podcast là một hình thức “nghe báo” đang nổi lên và trở thành một xu thế công nghệ mới, cách tiếp cận công chúng đầy hứa hẹn của báo chí, truyền thông thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Statista, đến hết năm 2022, ước tính số lượng người nghe podcast chiếm hơn 20% tổng lượng người sử dụng Internet trên toàn thế giới (khoảng 424 triệu người).
Toàn cảnh buổi trao đổi nghiệp vụ |
Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí TT&TT Trần Anh Tú cho biết trong năm 2023, Tạp chí thực hiện nghiên cứu, triển khai làm podcast theo 3 hướng: phóng viên thực hiện; ứng dụng AI để đọc các bài viết của các chuyên gia được đăng tải trên các ấn phẩm Tạp chí - phần nội dung rất phù hợp với podcast và podcast hoá một số bài phát biểu quan trọng của lãnh đạo Bộ TT&TT.
“Triển khai thực hiện podcast là lĩnh vực nghiệp vụ báo chí mới nhằm đa dạng hoá các sản phẩm báo chí của Tạp chí đáp ứng các nhu cầu bạn đọc khác nhau về nghe, nhìn, đọc”, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Trần Anh Tú nhấn mạnh.
Nhà báo Xuân Hào trao đổi nghiệp vụ về podcast |
Là giảng viên trực tiếp trao đổi về podcast, ông Xuân Hào, Báo Nông nghiệp Việt Nam, đã có nhiều năm là phóng viên phát thanh tại VOV, cho biết trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, báo chí không nằm ngoài cuộc. Podcast là định dạng âm thanh truyền tải trên nền tảng số một câu chuyện cụ thể và hiện nay nhiều tờ báo điện tử Việt Nam đã triển khai, trong đó có báo Nhân Dân, VNExpress, Thanh niên, VOV… Báo Nông nghiệp cũng đang phát triển mạnh bởi độc giả của báo là bà con nông dân nên việc tiếp cận báo in, điện tử còn có hạn chế. Podcast giúp bạn đọc của báo tiếp cận thông tin nhanh chóng và được bạn đọc truy cập lớn.
Buổi trao đổi tập trung các nội dung cơ bản của podcast và ứng dụng thực tế vào thực hiện podcast. Tạp chí TT&TT có thể hình thành các podcast về các đề tài của ngành TT&TT, chuyên gia phỏng vấn, các bài viết chuyên gia.
QA