Truyền thông Y tế đã đến lúc phát triển trên mạng xã hội

(ICTPress) - Báo Bưu điện Việt Nam, cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có 2 ấn phẩm: Báo Bưu điện Việt Nam bản giấy và Báo điện tử Infonet. Với chức năng nhiệm vụ của mình, báo luôn dành một vị trí xứng đáng cho lĩnh vực tuyên truyền về y tế nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của người dân về việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cũng như tuyên truyền đường lối chính sách về y tế của chính phủ đến với người dân.

Hiểu được vai trò của truyền thông giáo dục sức khỏe là đặc biệt quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hoạt động truyền thông y tế được thực hiện tốt sẽ giúp các chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về y tế đến với người dân nhanh hơn, chính xác hơn; người dân nhận biết được các yếu tố nguy cơ bệnh tật, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh... Chính vì thế, báo luôn dành nội dung ưu tiên cho những bài tư vấn về sức khỏe của các chuyên gia, bác sĩ có uy tín, báo còn theo kịp các vấn đề nóng trong ngành để người dân có thể tiếp cận được chính sách y tế một cách nhanh nhất.

Tuy nhiên, từ thực tế làm công tác truyền thông y tế trên Báo Bưu điện Việt Nam thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rằng sức mạnh của truyền thông y tế không chỉ dừng lại ở các kênh truyền thống mà cần mở rộng hơn - đó là truyền thông, quảng cáo y tế trên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, ngày nay truyền thông thông minh không phải là ti vi, đài tiếng nói hay các loại báo chí truyền thống, xu hướng thay đổi đó là sự tiếp cận ngày càng tăng của người dân với Internet và thiết bị liên lạc di động cần được kết hợp với ứng dụng chiến lược truyền thông xã hội để mang thông tin sức khỏe kịp thời tới người dân.

Thực tế, số lượng điện thoại di động và máy tính cá nhân đang tăng dần vượt qua số lượng ti vi. Tại Việt Nam, dân số Việt Nam 90 triệu nhưng có đến hơn 128 triệu thuê bao di động, 40 triệu người dùng Internet, 28 triệu tài khoản mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, trong đó có 24 triệu người lướt bằng điện thoại di động. Mỗi ngày, một người truy cập điện thoại khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6,5 phút, 43% người Việt Nam có Internet tại nhà, 94% có điện thoại di động, 37% có điện thoại thông minh (smartphone), tỉ lệ người sử dụng Internet bằng di động lên tới 31%, trong khi máy tính bàn là 18% và máy tính xách tay là 10%, 8% sử dụng điện thoại để đọc tin tức, trong khi 21% nghe tin từ radio và 19% đọc tin từ báo in. Chỉ những con số trên đã cho thấy xu hướng truyền thông y tế thời gian tới thiên về hướng nào. Ưu việt nữa, thông tin từ Internet và mạng xã hội được cho là rộng rãi, không bị áp đặt, dễ tiếp cận, cập nhật và có tính tương tác cao có thể ảnh hưởng đến cảm nhận về tính kịp thời và sự tin cậy của thông điệp so với các phương tiện thông tin truyền thống.

Thực tế ngày nay, người ta không còn dành thời gian 30 phút để nghe một chương trình tư vấn sức khoẻ trên đài, trên ti vi mà thay vào đó họ vừa vuốt màn hình điện thoại, vừa có thể cập nhật được các chương trình về truyền thông y tế. Xu hướng này càng phát triển và chiếm ưu thế bởi vì người sử dụng đã tăng lên kể cả đối tượng người trẻ và trung niên. Đây mới là nhóm người tiên quyết tới sức khoẻ của gia đình mình.

Đã đến lúc ti vi, đài phát thanh và các tấm pano không còn là những kênh thông tin duy nhất đem lại hiệu quả cao. Cơ quan công vụ cần lấp đầy khoảng trống trên mọi kênh thông tin, liên tục xây dựng sự tin cậy không chỉ qua hoạt động cập nhật thông tin hai chiều mà còn bằng thái độ coi người dân như “khách hàng” và những hành xử có trách nhiệm cao. Cơ quan y tế cần tạo ra những cách truyền thông mới đa chiều trên mạng xã hội để tránh người tiếp nhận hiểu sai lệch đi vấn đề.

Câu chuyện về tiêm phòng văcxin là một ví dụ điển hình cho thấy sự thiếu hụt của truyền thông y tế. Mặc dù chúng ta liên tục nói trên tivi, đài tiếng nói, báo chí truyền thống rằng cần tiêm phòng để phòng ngừa bệnh nhưng trên Internet người dân lại dễ dàng tiếp nhận thông tin ngược chiều về loại vắc xin này đó là những bằng chứng cho thấy sốc phản vệ, các con số thống kê hay những nước sử dụng loại vắc xin này. Chính vì thế, người dân sợ vắc xin Quivaxem và bùng nổ dịch sởi năm 2014.

Đây không phải là do người dân thiếu kiến thức về loại vắc xin này, người dân bị mạng xã hội dẫn lối mà nguyên nhân chính là trên các chia sẻ này không bao giờ thấy sự góp mặt của cơ quan quản lý y tế chính thống. Nếu những chia sẻ này không bị coi là spam mà hãy coi nó là kênh thông tin kiểu mới và bổ sung thêm vào để đa chiều thì sẽ tốt hơn rất nhiều thay vì coi nó là không chính thống.

Trong mọi câu chuyện, truyền thông y tế đã đi chậm hơn mạng xã hội một bước bởi chẳng mấy bà mẹ trẻ ngồi xem tivi, nghe đài mà họ thích lướt web, họ thích cập nhật, thích chia sẻ những điều họ cho là đúng. Ở vị trí một người cha, một người mẹ, ai cũng đôi lần đắn đo trước thông tin sức khoẻ họ nhận được và họ nhanh chóng lấy lại thăng bằng quyết định của mình đó chính là bác sĩ google.  

Ngành y tế đừng trách người dân mải mê chạy theo những bác sĩ google mà nên tìm hiểu lại cách truyền thông của mình làm thế nào để dễ gần gũi với người dân hơn. Nhiều bác sĩ cho rằng thay vì họ chia sẻ thông tin về y tế, cách phòng bệnh họ chọn fanpage, Zalo… các mạng xã hội khác họ còn cảm thấy vui hơn là lên tham gia một tọa đàm trên ti vi bởi ở đó họ có sự tương tác trực tiếp với khách hàng của mình chính là người dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế xử lý kịp thời các thông tin nóng liên quan về y tế, giảm thiểu khủng hoảng truyền thông trong y tế trên mạng xã hội sẽ tạo được dư luận tích cực, từng bước thay đổi cách nhìn nhận về công tác y tế; tiếp nhận và xử lý thông tin về công tác y tế, đặc biệt là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế thông qua hoạt động của đường dây nóng ở các cấp, mạng xã hội

Trong thời gian tới, nhất là hướng tới cơ chế tự chủ trong y tế, truyền thông y tế của cơ sở nào phát triển mạnh trên mạng xã hội họ sẽ thắng thế hơn so với các đơn vị đi theo lối mòn truyền thông cũ. Và trong sự phát triển mạnh mẽ của CNTT ngày nay, đã đến lúc truyền thông y tế cần phát triển mạnh trên mạng xã hội. 

                                                             Vũ Hoàng Huệ

Tham luận của Báo Bưu điện Việt Nam tại Hội thảo

“Công tác truyền thông thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ nhân dân”

Tin nổi bật