Tuyển sinh ngành học An toàn thông tin: trường khó, trường dễ

(ICTPress) - Tuyển sinh ngành học an toàn thông tin có trường khó, trường không.

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị của các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn an ninh thông tin ngày 29/3, 8 trường đào tạo trọng điểm đã chia sẻ những khó khăn và thuận lợi trong quá trình tuyển sinh ngành học này.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho hay qua khảo sát sơ bộ cho thấy một tồn tại số học sinh, sinh viên giỏi theo học đào tạo chuyên ngành an toàn thông tin không nhiều. Số điểm đầu vào ngành học này trung bình từ 19 - 23 điểm. Theo đó, cần phải có cơ chế thu hút như phải có mã ngành, cơ chế chính sách như xem xét miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên chuyên ngành CNTT và an toàn thông tin (ATTT) và cần sự hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Đàm Quốc Trị, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết Học viện Kỹ thuật mật mã từ năm 2004 đã tuyển sinh ngành học này, đến nay đã đào tạo được 1500 kỹ sư an toàn thông tin. Việc tuyển sinh các em học sinh giỏi vào học không hề dễ dàng, một phần liên quan tới chính sách. Học viện mật mã để thu hút các em vào học ngoài cấp học bổng, cơ sở đào tạo này còn kết hợp với kết quả học tập năm thứ nhất để sau đó cử đi đào tạo ở nước ngoài.

Nêu ý kiến của Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc cho biết Học viện đã đào tạo ngành ATTT từ năm 1992. Đến nay đã có 1700 sinh viên tốt nghiệp. Học sinh vào học ngành này phải có chất lượng tốt nên đề nghị 8 trường nên thống nhất điểm tuyển sinh đầu vào trong khoảng nhất định. Các trường cũng cần công nhận kết quả đào tạo của nhau và xây dựng giáo trình chung.

Học viện Kỹ thuật Quân sự đã xây dựng lộ trình từ nay đến 2020 dự kiến mỗi năm sẽ đào tạo 50 sinh viên, học viên ở cả ba cấp đào tạo là Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Cũng từ Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông Bùi Thu Lâm, Trưởng khoa CNTT cho rằng đầu vào ngành học này chưa có chỉ đạo thống nhất. Đầu vào cũng quan trọng như đầu ra để thu hút học sinh giỏi. Các doanh nghiệp CNTT nên chăng cần có sự hợp tác với các cơ sở đào tạo.

Về phía học viện Công nghệ BCVT, ông Hoàng Đăng Hải, Phó Giám đốc Học viện công nghệ BCVT cho rằng điểm đầu vào của cơ sở đào tạo này không cao, chưa thu hút được học sinh giỏi vào học ngành an toàn thông tin. Nếu thu hút theo điểm nhấn thì các khoa khác không còn hấp dẫn. Nhà trường cũng cần phải hỗ trợ cho các sinh viên ở các khoa khác.

Theo đó, Phó Giám đốc Học viện công nghệ BCVT kiến nghị muốn thu hút cần phải có Quỹ học bổng, Quỹ nghiên cứu khoa học trọng điểm để giảng viên sẽ hăng hái hơn. Tất cả các cách thức là để không quá lạc hậu trong khu vực.

Trong khi đó, một số trường trong 8 trường đào tạo trọng điểm về an ninh an toàn thông tin lại cho rằng các cơ sở này không có khó khăn trong việc thu hút sinh viên vào học như Học viện an ninh nhân dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học CNTT, ĐH Quốc gia TP. HCM.

Ông Lê Văn Thắng, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cho rằng số học sinh vào học ngành này ở Học viện có điểm đầu vào khá cao thấp nhất cũng là 25, và cao là tới 29 điểm.

Tuy nhiên, khó khăn của Học viện, theo ông Lê Văn Thắng là đội ngũ giáo viên, khi cử giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài, số giáo viên quay lại rất ít.

Cũng nêu thuận lợi về tuyển sinh, ông Ngô Hồng Sơn, Viện trưởng Viện CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết điểm đầu vào ngành học này của Viện là 25 – 26 điểm, thu hút được học sinh giỏi. Viện đã có lực lượng giảng viên đúng chuyên ngành an ninh ATTT, đã hợp tác với VNPT, CMC để xây dựng chuẩn đầu ra.

Ông Sơn cũng nhất trí cần có quỹ nghiên cứu khoa học để thu hút được nhiều giảng viên chuyên ngành.

Trao đổi về vai trò của nhân sự chuyên trách ATTT, ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã cho biết tại Việt Nam, theo khảo sát của một số tổ chức có uy tín trong lĩnh vực CNTT và ATTT, vấn đề lo ngại nhất chính là nhân sự chuyên trách cho ATTT và quy trình liên quan đến quản lý ATTT, đặc biệt là việc xử lý sự cố ATTT còn bỏ ngỏ trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Có rất ít cơ quan, doanh nghiệp trong số hàng trăm đơn vị được khảo sát có nhân sự chuyên ngành về ATTT hoặc có chứng chỉ ATTT thông dụng.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các các quan, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý chuyên trách của nhà nước trong lĩnh vực ATTT còn chưa tốt. Đây chính là điểm yếu trong mắt xích xây dựng hệ thống phòng thủ và bảo vệ chủ quyền số quốc gia, khi các thông tin không được cập nhật và thông báo kịp thời, chậm trễ trong việc ứng phó, ông Hải nêu.

Được biết các mục tiêu của Đề án 99 là xây dựng một số cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn an ninh thông tin có chất lượng tương đương với các nước trong khu vực với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đạt trình độ quốc tế, chương trình đào tạo, trang thiết bị tiên tiến và hiện đại; Thu hút được đội ngũ học sinh, sinh viên giỏi theo học chuyên ngành CNTT, an toàn an ninh thông tin; Đưa 3000 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo an toàn an ninh thông tin ở nước ngoài, trong đó có 100 tiến sĩ; Đào tạo được 2000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về chất lượng cao.

Minh Anh

Tin nổi bật