Phát triển cáp quang đến tận nhà đáp ứng thành phố thông minh

(ICTPress) - Khu vực đô thị ở châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng. Các công nghệ và quản trị thông minh được khai thác để phục vụ các dự án thành phố thông minh. Dù chưa có định nghĩa phổ quát nào về một thành phố thông minh, nhưng một thành phố thông minh cần có một cơ sở hạ tầng truyền thông hiện đại.

Cáp quang là một công nghệ cơ bản cho cơ sở hạ tầng truyền thông hiện đại của thành phố thông minh. Số lượng người được kết nối, thiết bị và máy móc ngày càng tăng đang nhanh chóng chuyển đổi các khu vực đô thị. Các thành phố thông minh được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phát triển của Internet của vạn vật (IoT), với 81% sự vật kết nối được tìm thấy trong các thành phố thông minh đến năm 2020.

Trong đô thị ngày càng được số hóa, một cơ sở hạ tầng cáp quang hỗ trợ một loạt các ứng dụng và dịch vụ có dây và không dây bao gồm năng lượng thông minh, quản lý rác thải và nước, an ninh thông minh, giám sát và kiểm soát truy cập, giao thông vận tải, lưu thông và bãi đỗ xe thông minh, y tế thông minh, giáo dục và phúc lợi, nhà cửa, tòa nhà và các cơ sở công nghiệp thông minh…

Ông Peter Macaulay, Chủ tịch hội đồng FTTH Châu Á Thái Bình Dương tại Hội thảo của “Hội đồng cáp quang đến tận hộ gia đình (FTTH) châu Á – Thái Bình Dương” được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam ngày 13/10 đã cho biết nhu cầu cung cấp âm thanh không bị gián đoạn, Internet tốc độ cao, video cap cấp (HD/4K/8K) ngày càng tăng. Mạng lưới cáp quang có thể cung cấp băng thông không giới hạn để hỗ trợ kết nối tới tận nhà/tòa nhà. Cơ sở hạ tầng thành phố thông minh dựa trên cáp quang có khả năng tích hợp nhiều mạng lưới thông minh, giảm tải giao thông di động thông qua Wi-Fi, truyền tải ngược hệ thống 3G/4G/5G với cáp quang tới các giải pháp anten, hệ thống đo lường thông minh và Internet tốc độ cao để hỗ trợ một số dịch vụ từ doanh nghiệp chính phủ và tư nhân cho giáo dục từ xa, giải trí, quản trị, an ninh, quản lý giao thông, nước, gas…

Đồng quan điểm, tại Hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng cục Viễn thông cũng khẳng định “Phát triển hạ tầng viễn thông, truyền dẫn cáp quang, cáp quang đến hộ gia đình (FTTH) và tòa nhà (FTTC) rất quan trọng”.

Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển để xây dựng hạ tầng băng rộng đến 2020 xây dựng mạng hiện đại, an toàn, có dung lượng lớn tốc độ cao để đáp ứng các dịch vụ đa dạng, như truyền hình chất lượng cao, truy nhập Internet dung lượng lớn, cũng như các dịch vụ truyền thống như truyền hình, dữ liệu của người dân đáp ứng sự bùng nổ dữ liệu ở Việt Nam, khi các thành phố thông minh được xây dựng ở các quốc gia và ở Việt Nam, các căn nhà thông minh, các ứng dụng IoT, mỗi thiết bị kết nối Internet thì lúc đó nhu cầu cần được đáp ứng.

Hà Nội đang xây dựng thành phố thông minh với các mục tiêu: chính quyền, người dân, nền kinh tế, di chuyển,  giáo dục, môi trường, y tế thông minh….

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết để xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh, Hà Nội đầu tiên xác định ứng dụng CNTT là quan trọng nhất, là giải pháp quyết định sự thành công. Theo đó, cơ sở hạ tầng của Hà Nội đã xây trung tâm dữ liệu, xây dựng kết nối toàn diện từ chính phủ xuống Hà Nội, chính quyền cơ sở cấp xã phường hoàn toàn bằng mạng cáp quang với 30 đơn vị hành chính cùng 51 các sở ngành,và đặc biệt 584 xã phường, thị xã, thị trấn hành chính đã được kết nối mạng diện rộng sử dụng hoàn toàn mạng cáp quang.

Về hạ tầng băng rộng, Hà Nội xác định nếu không có hệ thống hạ tầng băng rộng thì không xây dựng được chính quyền điện tử. Hạ tầng băng thông rộng được Hà Nội phát triển tương đối toàn diện với nhiều hình thức khác nhau như mạng Internet chủ yếu dùng FTTH, FTTx. Hà Nội qua thống kê hiện tại trên 4.920.000 thuê bao Internet băng rộng. Mạng thông tin di động Hà Nội có 7000 trạm BTS, trong đó 6000 trạm 3G, đang thử nghiệm 4G với 100 trạm 4G. Bên cạnh mạng diện rộng tốc độ cao, sắp tới cùng mạng 4G, FTTH, Internet băng rộng di động sẽ là nền tảng, cơ sở tốt để triển khai các ứng dụng. Hà Nội cũng sẵn sàng trang bị cho lãnh đạo các thiết bị smartphone, máy tính bảng để có thể làm việc mà không phải đến văn phòng.

Sắp tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng, hiện đại hóa hạ tầng FTTH của thành phố theo hình thức xã hội hóa và PPP. Thời điểm này đã có Viettel, FPT, Vinaphone, VNPT, CMC, MobiFone đăng ký hiện đại hóa hệ thống cáp quang cho Hà Nội. Lộ trình thực hiện theo Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động đến năm 2020, Hà Nội về cơ bản sẽ được ngầm hóa hệ thống hóa cáp quang. Giai đoạn đầu 2016 – 2018 cơ bản các quận trung tâm được ngầm hóa toàn diện. Tiếp theo là trên 600 tuyến đường của TP. Hà Nội sẽ được ngầm hóa.

“Sau khi có hạ tầng đầy đủ, Hà Nội tiếp tục xây dựng các ứng dụng phục vụ trực tiếp cho tổ chức, công dân, thực hiện thành phố thông minh”, ông Quang khẳng định.

Tại Hội thảo, các kỹ sư COMIT đã cùng với các chuyên gia từ Viavi giới thiệu các dòng sản phẩm như Smart OTDR 136B; OLP, FTTH kit… Các công cụ này góp phần triển khai mạng quang nói chung và mạng quang cho thành phố thông minh một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn. Các kỹ sư, chuyên gia của hai đơn vị này cũng tiến hành vận hành thử các thiết bị và giải đáp các thắc mắc kỹ thuật của khách hàng về sản phẩm, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng trong thời gian vận hành.

FTTH (Fiber to the Home) là dịch vụ băng thông rộng cáp quang, được nối tới tận nhà để cung cấp các dịch vụ tốc độ cao như điện thoại, Internet và truyền hình.

FTTH Hội đồng châu Á – Thái Bình Dương là thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ cáp quang bằng việc định hướng nhà cung cấp và người dùng về những cơ hội và lợi ích của FTTH để nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững; cung cấp một cái nhìn nhất quán và chính xác về tình hình FTTH; cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường FTTH.

QA

Tin nổi bật