Doanh nghiệp chữ ký số “kêu khó” phát triển

(ICTPress) - 9 nhà cung cấp chữ ký số tại Việt Nam đều thống nhất đều đồng loạt kêu không có thị trường, khách hàng mới, doanh nghiệp gặp khó phát triển.

Tại "Hội nghị định hướng quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng năm 2016" do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) tổ chức vừa diễn ra sáng 28/4, với sự tham gia của 9 nhà cung cấp là Viettel-CA, BKAV-CA, VNPT-CA, FPT-CA, Newtel-CA, Smartsign-CA, Safe-CA, CK-CA và CA2-CA.

Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia Lã Hoàng Trung chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp CA

Tất cả 9 doanh nghiệp đều phát biểu cho rằng không có khách hàng mới, thị trường không phát triển và rất nhiều vấn đề về đại lý, cộng tác viên chữ ký số (CA) hiện nay.

Cần mở rộng thị trường

Đại diện cho BKAV-CA, ông Ngô Tuấn Anh cho biết khoảng hai năm gần đây đơn vị này nhận thấy thị trường CA không dễ dàng đối với CA vì quy mô đối tượng, khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm, khoảng 600 - 700 ngàn doanh nghiệp, hầu như không có khách hàng mới. Theo đó, BKAV mong muốn các đơn vị CA và NEAC cùng đồng hành thúc đẩy, mở rộng quy mô khách hàng không chỉ là tổ chức, doanh nghiệp mà còn khách hàng là cá nhân để doanh nghiệp có "động lực, nguồn thu, phát triển".

Về phía FPT-CA, ông Lê Đình Cường cho biết kết quả kinh doanh CA năm 2015 của doanh nghiệp này rất khó khăn, lợi nhuận giảm thấy rõ so với các năm trước, do không có thị trường mới, chiết khấu % cho đại lý quá cao.

Theo đó, ông Cường đề xuất để phát triển, các CA phải tìm ra thị trường mới. FPT rất có nhiều giải pháp cho chính phủ điện tử, y tế… và doanh nghiệp này đã tư vấn, bên phần mềm cũng tích hợp dịch vụ CA cho các dịch vụ trên nhưng kết quả không cao. Chữ ký số triển khai trong ngành Hải quan thành công là do chính sách từ Tổng cục Hải quan xuống. Tiềm năng dịch vụ trong Ngân hàng cũng nhiều nhưng chưa có sự “ép buộc” từ trên xuống. Ngân hàng đã nhận thấy triển khai dịch vụ chữ ký số để thu hút thêm khách hàng thì họ đưa ra nhưng hình thức chưa có chỉ đạo trên xuống. Tuy nhiên, tìm kiếm thị trường mới thì phải có chỉ đạo, hỗ trợ từ Bộ TT&TT. Lĩnh vực tiềm năng nhất là ngân hàng, chứng khoán nhưng doanh nghiệp CA chưa thể tiếp cận

Bộ TT&TT có thể làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có chỉ đạo từ trên xuống như những thanh toán từ 300 triệu trở lên cần có CA, ông Cường đề xuất.

Về phía VNPT-CA, ông Đinh Đức Thụ, cho rằng thị trường có quy mô nhỏ trong khi số lượng nhà cung cấp quá đông, buộc họ phải cạnh tranh bằng mọi giá. Các đại lý đã lợi dụng thực tế này để ép ngược lại nhà cung cấp, dẫn tới tỷ lệ chiết khấu cuối cùng cao như vậy.

"Nếu hạch toán riêng mảng kinh doanh CA, chúng tôi chắc chắn lỗ. Sau khi tái cơ cấu, VNPT đã phải thay đổi tư duy, tự xây dựng kênh bán hàng để không phải phụ thuộc đại lý như trước nữa, chi phí trung gian ít, lại trực tiếp cung cấp dịch vụ đến tay khách hàng. Nhưng rõ ràng, cạnh tranh về giá là tự chặt tay chặt chân của mình", ông Thụ nêu.

CA đang bị bắt chẹt chiết khấu

Bên cạnh vấn đề thị trường, các doanh nghiệp CA cũng nêu vấn đề CA bị bắt chẹt. Ông Ngô Đình Vạn, đại diện Viettel-CA bày tỏ bức xúc: "Tôi nghe nói có nhà cung cấp chiết khấu tới 80% cho đại lý. Thử hỏi như vậy thì các ông sống kiểu gì? Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ cùng nhau chết mà thôi".

Theo ông Vạn, chữ ký số cũng đại diện cho dấu, tuy nhiên, thị trường hiện đã bão hòa, nhu cầu khó mở rộng thêm, cạnh tranh giữa các nhà cung cấp với nhau lại quá sức khốc liệt, thiếu tiếng nói chung. Điều nguy hiểm là các bên chỉ cạnh tranh nhau về giá và chiết khấu mà không cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ để đảm bảo sự bền vững cho thị trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Cường, đại diện FPT-CA cho biết tỷ lệ % cho đại lý đang "tăng phi mã": trước đây  chỉ 15 – 20%, giờ có thông tin 70 - 80%. Nếu cứ chiết khấu "ngất ngưởng" như vậy thì "các CA làm ra bao nhiêu chỉ nuôi đại lý là chính". Viễn cảnh "chúng ta cùng kéo nhau chết" được ông Cường lại nêu.

Kết luận hội nghị, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC cho biết sẽ tiếp thu và ghi nhận những chia sẻ thẳng thắn của doanh nghiệp, nhất là các vấn đề về mở rộng thị trường, siết chặt quản lý đại lý, cộng tác viên... 

Giám đốc NEAC cũng cho biết sẽ tham mưu Bộ TT&TT quản lý chặt vấn đề giá, đại lý, cộng tác viên trong thời gian tới, theo hướng tăng cường kiểm tra, xây dựng chế tài, đảm bảo công bằng trong hoạt động của các nhà cung cấp.

"Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ TT&TT để nghiên cứu, ban hành những chính sách mở rộng thị trường ứng dụng mới cho chữ ký số ra khỏi 3 trụ chính là thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cũng như tham mưu Bộ làm việc, trao đổi với các Bộ, ngành khác tìm cách thúc đẩy chữ ký số", ông Trung khẳng định.

HM

Tin nổi bật