Doanh nghiệp CNTT Việt Nam: Đầu tư R&D hay mãi là “ô sin” hạng bét

Theo Dự thảo Chương trình Quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, một trong 6 trụ cột quan trọng của công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020 là phát triển sản phẩm, thị trường.

Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, ngân hàng, tài chính... Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, Dự thảo chưa trả lời được câu hỏi đâu là thế mạnh trong phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác.

Ảnh minh họa.

"Nếu tập trung vào phát triển phần cứng tức là sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin như máy tính, điện thoại di động, thiết bị lưu trữ.. liệu các doanh nghiệp Việt Nam có tạo ra được những tên tuổi như HP, Nokia, Samsung, Lenovo hay không? Còn nếu tập trung thúc đẩy phát triển phần mềm, liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra các phần mềm đóng gói có khả năng "xuất ngoại", hay chỉ quanh quẩn với công việc làm gia công cho nước ngoài", ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam băn khoăn. Đó là chưa kể một số nhãn hiệu lớn như Samsung đang có hoạt động sản xuất tại Việt Nam nhưng phần tham gia của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 0,5%.

Cùng chung quan điểm này ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ nội dung số Việt Nam cho hay, từ bài học của Hanel trong phát triển các thiết bị thuộc phần cứng, nên chăng cần dựa vào nguồn lực nước ngoài để thực hiện. Còn doanh nghiệp nội địa sẽ tập trung nguồn lực phát triển phần mềm.

Cho rằng, muốn phát triển sản phẩm thuộc lĩnh vực phần cứng hay phần mềm, trước hết cần tập trung tìm hiểu thị trường và dồn lực cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP. HCM nhận xét, phải hình thành các sản phẩm trọng điểm từ nhu cầu thị trường, hoặc từ đặt hàng của Chính phủ. Nếu không, sản phẩm làm ra cũng khó có khả năng tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược của FPT, thay vì đầu tư dàn trải để phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, Nhà nước nên dành kinh phí để thực hiện những việc khó mà không ai muốn làm, như R&D. Bình luận này được ông Hòa rút ra từ chính hoạt động của FPT trong thời gian qua. Theo đó, Công ty mẹ FPT đã phải làm chuyện mà các công ty con không làm được, đó là trích 5% lợi nhuận trước thuế cho công tác R&D để trong vòng 3 năm nữa có thể đưa ra những sản phẩm thuần túy FPT. "Nếu không xây dựng được lịch trình rõ ràng cho R&D thì mãi mãi doanh nghiệp Việt Nam chỉ đi làm thuê và nhận tiền công với vai trò là "ô sin" hạng bét trong ngành", ông Hòa nhận xét.

Cho rằng, sự hỗ trợ của nhà nước cho R&D sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng tạo ra sản phẩm mới nhanh hơn, ông Công dẫn chứng, tại Ấn Độ, các doanh nghiệp trích khoảng 1% doanh thu cho công tác R&D bên cạnh được Nhà nước hỗ trợ. Kết quả là trong 5 năm qua, số lượng phát minh sáng chế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ đã tăng khoảng 30 lần; sản phẩm mới tạo doanh số tăng gấp 3 lần và số lượng các trung tâm nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp cũng tăng 4 lần.

Huyền Anh

(Theo Đầu tư)

Tin nổi bật