DN phần mềm "nội" khó ra biển lớn

Nếu không sớm cải thiện năng lực để đạt được các chuẩn quốc tế (như CMMI) thì trong vài năm tới, hơn 1000 DN phần mềm và nội dung số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ì ạch ngay trên “sân nhà” chứ đừng nói tới tham vọng vươn ra biển lớn.

Một khóa đào tạo Quy trình sản xuất phần mềm theo mô hình CMMI tại HanoiCTT. Ảnh: P.M

“Vất vả” mới giải ngân được 20 tỷ đồng

Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN về thực tế triển khai dự án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất phần mềm theo mô hình CMMI (Capability Maturity Model Integration - Mô hình trưởng thành năng lực tích hợp do Viện Công nghiệp Phần mềm Mỹ phát triển), ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết: Tính đến tháng 8/2011, dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI” do Chính phủ giao Bộ TT&TT làm chủ đầu tư (hỗ trợ mỗi doanh nghiệp 25.000 USD), triển khai trong 3 năm (2010 - 2012) từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đi được nửa chặng đường. Và trong giai đoạn 1 của dự án (năm 2010), mới có 16 doanh nghiệp tham gia và giai đoạn 2 trong năm 2011 thêm 14 doanh nghiệp; đồng thời tổng số tiền giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số (PM&NDS) lấy chứng chỉ và xây dựng quy trình CMMI hiện mới đạt khoảng 30% trong tổng kinh phí 60 tỷ đồng được nhà nước hỗ trợ (tương đương với 20 tỷ đồng).

“Một trong những khó khăn lớn khi triển khai dự án là tìm được doanh nghiệp hội tụ đủ điều kiện để tham gia lấy chứng chỉ CMMI. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đến nay hầu hết doanh nghiệp PM&NDS trong nước vẫn chỉ là doanh nghiệp nhỏ chủ yếu gia công phần mềm, hạn chế về nhân lực, nguồn vốn, không đáp ứng được đủ các điều kiện đặt ra”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Chính từ những thách thức xuất phát từ phía doanh nghiệp như vậy, ông Tuyên cho biết hiện Ban Quản lý các dự án công nghiệp CNTT (đơn vị trực tiếp triển khai dự án) cũng chỉ đặt mục tiêu “khiêm tốn” là đến khi kết thúc sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia và trong số đó có doanh nghiệp đạt được chứng chỉ, thay vì mục tiêu đạt khoảng 90 doanh nghiệp đạt CMMI for Development mức độ 3 theo như dự kiến ban đầu.

Thiếu chuẩn: "Sân nhà” vẫn gặp khó

Theo Báo cáo Toàn cảnh Công nghiệp Phần mềm Việt Nam 2010 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) công bố, tổng doanh thu ngành PM&NDS Việt Nam ước đạt 2 tỷ USD (khoảng hơn 41.000 tỷ đồng). Con số đó được đánh giá là một bước tiến dài của ngành PM&NDS trong nước, thế nhưng nếu so với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… thì Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé, trong khi sự phát triển của các doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều nỗi “gian truân” với nguồn thu chủ yếu từ gia công và dịch vụ, quy mô nhỏ lẻ…

Bà Đặng Thị Diệu Hương – Giám đốc Điều hành HanoiCTT (đối tác được Bộ TT&TT lựa chọn để triển khai khóa đào tạo về CMMI tại Hà Nội) nhận định, để khắc phục được những hạn chế như trên, trở thành một ngành công nghiệp thực sự, thì điều cần thiết là ngành PM&NDS Việt Nam phải đi theo một quy trình đạt chuẩn quốc tế. Chính vì thế, từ khi khái niệm CMMI liên tục được nhắc đến tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây thì đó được xem như “giấy thông hành” quan trọng để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh để đủ sức vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dù Nhà nước đã sẵn sàng hỗ trợ kinh phí (nên nhớ, mỗi doanh nghiệp đủ điều kiện và được Bộ TT&TT chọn tham gia dự án sẽ được hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ là 15.000 USD để tư vấn xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI và 10.000 USD cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ...) nhưng chính nội lực yếu kém của các doanh nghiệp lại là rào cản đáng lo ngại khi thời hạn của dự án không còn nhiều.

“Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới mạnh dạn hỗ trợ doanh nghiệp lấy chứng chỉ CMMI. Ngay như học phí để mỗi học viên tham gia khóa đào tạo về quy trình công nghệ sản xuất phần mềm theo mô hình CMMI trong 5 ngày cũng không dưới 1.000 USD. Trong khi đó, nhiều nước như Ấn Độ, Chính phủ hiện cũng không có ngân sách hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PM&NDS”, ông Aru David, Tổng giám đốc ECCI Group tại Việt Nam (đơn vị trực tiếp tư vấn, đào tạo cho các doanh nghiệp áp dụng chuẩn CMMI) khẳng định, đồng thời cũng cho rằng đây là thực tế khiến cho các doanh nghiệp PM&NDS trong nước phải nhìn nhận lại mình để sớm nâng cao năng lực.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, giới phân tích cho rằng với tình cảnh như hiện nay (khi chỉ khoảng hơn 10 doanh nghiệp tuyên bố đã đạt chuẩn CMMI, trong đó có hai doanh nghiệp duy nhất đạt CMMI mức 5 là FPT Software và TMA Solutions), thì câu chuyện “vươn ra biển lớn” của khoảng 1000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực PM&NDS tại Việt Nam trong vài năm tới vẫn sẽ vô cùng khó khăn. Thậm chí họ còn gặp khó ngay cả trên sân nhà khi vấp phải sự cạnh tranh của những doanh nghiệp mạnh.

“Chính vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ lấy chứng chỉ CMMI for Development thì quả thực sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì thế, hiện Ban Quản lý các dự án công nghiệp CNTT đang gấp rút nghiên cứu để báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT nhằm đưa ra phương án hỗ trợ cả các chuẩn quốc tế phù hợp khác”, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho hay.

Theo Phan Minh

ICTNews 

Tin nổi bật