Vết đen trên mạng xã hội và câu hỏi về đạo đức người làm báo

Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng xã hội và dư luận hết sức bức xúc trước sự việc liên quan tới nhà báo Mai Phan LợiPhó Tổng Thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng đại diện tại miền Bắc của Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Nhà báo này đã đăng tải bài viết và mở cuộc thăm dò xung quanh hai vụ tai nạn máy bay quân sự với nhiều thông tin phản cảm, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phía sau sự việc còn nhiều vấn đề cần làm rõ cũng là hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội và internet.

Cuộc “khảo sát” lạc lõng, vô trách nhiệm!

Ngày 18-6-2016, giữa lúc người dân cả nước đang đỏ mắt hướng về biển Đông, nơi vừa xảy ra hai sự cố đau lòng: Sự kiện máy bay chiến đấu Su-30MK2 do hai phi công điều khiển gặp sự cố rơi ở gần khu vực đảo Hòn Mắt và sau đó là sự kiện máy bay tìm kiếm cứu nạn CASA 212 chở theo 9 cán bộ, chiến sĩ bị rơi ở khu vực gần đảo Bạch Long Vỹ, thì nhà báo Mai Phan Lợi lại có việc làm không thể chấp nhận. Trong khi hàng trăm nhà báo và cơ quan báo chí cũng như cộng đồng mạng xã hội đều chung nhịp đập con tim đau xót, sẻ chia với những mất mát lớn lao của quân đội và bộ đội không quân, sát cánh cùng các lực lượng chức năng làm công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn thì nhà báo Mai Phan Lợi đã sử dụng trang mạng xã hội face book mang tên “Diễn đàn Nhà báo trẻ” do nhà báo này quản trị để đăng tải những thông tin vô cùng phản cảm và nguy hiểm.

Cũng giống như ở nhiều sự kiện khác, với vai trò là người quản trị diễn đàn, nhà báo Mai Phan Lợi thường mở các cuộc thăm dò dư luận xã hội trên diễn đàn. Với sự kiện máy bay rơi, ông Mai Phan Lợi đã mở cuộc thăm dò với tiêu đề ban đầu mang tên “Vì sao CASA tan xác?”. Ông Lợi viết: “Thật đau xót đến giờ này vẫn chưa tìm thấy 9 cán bộ trên máy bay CASA nhưng có thắc mắc thật khó lý giải thuyết phục là tại sao máy bay tan xác. Theo bạn:…”. Từ lời dẫn đó, cuộc thăm dò do ông Lợi khởi xướng đưa ra các phương án giả thuyết về về nguyên nhân máy bay rơi cho những người tham gia “cuộc thăm dò ý kiến” chọn lựa với nhiều phương án như: Bị bắn; không loại trừ bị bắn vỡ; máy bay tự nổ nên vỡ; máy bay bị tác động từ bên ngoài nên vỡ; máy bay rơi từ cao xuống biển nên vỡ…”.

Xin được nói thêm, Diễn đàn Nhà báo trẻ là trang mạng xã hội trên facebook do ông Mai Phan Lợi và một số người lập ra, hiện đã thu hút hơn 12.000 người tham gia, trong đó phần lớn là các nhà báo trẻ nên những thông tin được đăng tải có lượng đọc khá lớn. Trả lời phỏng vấn Báo Lao động vào tháng 12-2014, ông Mai Phan Lợi tiết lộ: “Diễn đàn Nhà báo trẻ được hình thành từ ý tưởng của các học viên khóa đào tạo “Phóng viên điều tra” tại Hà Nội hồi tháng 11.2011 do tôi làm giảng viên chính. Ban đầu diễn đàn chỉ có 30-40 thành viên, mục tiêu nhằm thảo luận các bài học nghiệp vụ đã trao đổi trên lớp và ứng dụng vào tình huống thực tế. Khi ấy tôi là người sáng lập nhưng không giữ vai trò admin, sau vì nhiều lý do các bạn ấy ủy quyền quản trị hết lại cho tôi. Đến thời điểm này, Diễn đàn đã có trên 10.000 thành viên khắp ba miền Bắc – Trung – Nam”. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng không rõ số lượng nhà báo tham gia diễn đàn là bao nhiêu, thậm chí có nhiều người không phải là nhà báo và cả những đối tượng thường xuyên viết bài chống phá Đảng, Nhà nước cũng được dung nạp vào diễn đàn.

Sau khi bài viết thăm dò dư luận về máy bay rơi của ông Mai Phan Lợi được đăng tải, ngay trên chính diễn đàn, có rất nhiều thành viên bày tỏ sự bất bình, phản đối. Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu, Phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới của Báo Công an nhân dân đã đăng quan điểm trên facebook cá nhân, bày tỏ sự ngạc nhiên, không đồng tình với cách mở cuộc thăm dò và những ngôn từ được dùng trong bài viết. Nhà báo Bùi Đức Toàn, công tác tại Báo Năng lượng mới viết: “Giữa một đám tang mà có ai đó vô duyên, nói cười hồn nhiên đã bị mọi người khinh ghét. Thế mà mấy hôm nay, quân và dân cả nước đang trong nỗi đau thương bởi 10 cán bộ, chiến sĩ ra đi làm nhiệm vụ ngoài biển khơi chưa trở về thì có người lại hả hê tung ra những phát ngôn bậy bạ, quy chụp thiếu căn cứ, gây hoang mang dư luận. Đáng tiếc, người đó lại mang danh “nhà báo”! Với tư cách là quân nhân, chúng tôi cực lực lên án phát ngôn vô trách nhiệm và thiển cận của nhà báo ấu trĩ và đáng nghi ngờ ấy”.

Giễu cợt, nhạo báng những điều thiêng liêng….

Bài viết đã gây nhiều phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng. Cựu chiến binh Thành Nam ở Hà Nam, một người lính từng tham gia chiến đấu trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12-1972 bức xúc viết: “Chúng ta đã bắn rơi 34 pháo đài bay B52 trong chiến dịch đó. Ngay cả kẻ thù đến ăn cướp đất nước này, ném bom giết dân lành, người dân Việt bao dung, nhân ái cũng không dùng từ máy bay tan xác. Vậy mà, tôi vô cùng bức xúc khi đọc trên báo mạng, thấy Mai Phan Lợi viết status “Vì sao CASA tan xác?”. Một câu hỏi không chỉ dửng dưng, vô cảm, mà thật sự là ác độc. Nó thật sự ác độc đối với những cán bộ, chiến sĩ không quân dũng cảm của chúng ta, trong lúc các anh đang đi làm nhiệm vụ tìm kiếm đồng đội lâm nạn. Trong lúc chín gia đình đang trông ngóng chín người cha, người chồng, người con thân yêu của mình, hi vọng mong manh về một phép màu kỳ diệu nào đó đưa các anh trở về; hàng triệu con tim cũng đang nghẹt thở chờ tin từng phút, từng giờ, thì có một người được gọi là “nhà báo trẻ” đã nghĩ ra cái phép thử “nhẫn tâm” kia! Anh ta định thăm dò, tìm kiếm điều gì?”.

Các bài viết của Mai Phan Lợi trên trang Diễn đàn Nhà báo trẻ gây bức xúc dư luận.

Phản hồi trên báo điện tử Năng lượng mới, bạn đọc Ninh Thị Yến viết: “Tôi - một người vợ của những chiến sĩ quân đội khi đọc được những comment của Mai Phan Lợi, tôi vô cùng bất bình và không thể chấp nhận được một người tự nhận mình là “nhà báo”, “thầy giáo” và chuyên lên mặt dạy về đạo đức. Trong khi cả nước đang hướng và cầu nguyện cho những chiến sĩ, những đồng nghiệp của chồng tôi bình an trở về thì lại có kẻ lại ngồi để poll những ý kiến làm bất an dư luận. Tôi xin thưa với anh Mai Phan Lợi rằng, những người ông, cha, chồng và những đồng chí đồng đội của chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Hai tiếng Tổ quốc luôn ở trong tim các anh. Gia đình, vợ con vẫn xếp thứ 2 sau cha Tổ quốc. Vì thế chúng tôi không thể để cho anh làm xấu hình ảnh của họ. Xin anh hãy ngồi yên đừng có mở mồm ra để dạy người khác nữa đi. Hãy từ bỏ sứ mệnh làm nhà báo đi để khỏi làm xấu hình ảnh của những nhà báo chân chính đi”.

Báo chí, công luận bất bình!

Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng và dư luận, ông Mai Phan Lợi đã phải gỡ bỏ bài viết “thăm dò” phản cảm và viết lời xin lỗi trên facebook. Tuy nhiên, trước đó, anh ta vẫn muốn níu giữ cuộc thăm dò bằng cách chỉ sửa hai từ “tan xác” thành “vỡ vụn”. Mặc dù nhiều ý kiến trên trang Diễn đàn nhà báo trẻ cho rằng Lợi đã “sửa sai”, nên “thông cảm” nhưng những phản ứng, bức xúc từ cộng đồng vẫn chưa chấm dứt. Một số tờ báo điện tử đã đăng tải bác bài viết của bạn đọc, bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi của ông Mai Phan Lợi và yêu cầu cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý thích đáng.

Báo Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam chiều 19-6 đã có bài viết “Đâu là cái tâm của nhà báo chân chính?” Báo Năng lượng mới ngày 19-6 đã đăng tải hai bài viết “Nhà báo thế này thì…vô đạo đức” và “Không để kẻ này cầm thẻ nhà báo”. Báo điện tử Người đưa tin cũng đăng hai bài “Bơi ngược dòng đạo đức” và “Hóa thân của kền kền” phê phán gay gắt ông Mai Phan Lợi. Trong bài “Hóa thân của kền kền”, tác giả Nhật Khôi viết: “Là người thường xuyên đứng ra “trao” giải thưởng mang tên Kền kền cho đồng nghiệp dựa trên tiêu chí “sai, hại, ác, sốc, sến, nhảm, không chuẩn mực và vụ lợi”, đương nhiên ông Lợi phải biết như thế nào là một nhà báo kền kền. Cú poll của ông Lợi tất nhiên không phải là một bài báo, nhưng ở một diễn đàn tập trung hàng chục ngàn phóng viên, nhà báo thì tính định hướng của nó còn lớn hơn gấp vạn! Xóa poll và xin lỗi là cách làm khôn ngoan, có thể phần nào giúp nhà báo Mai Phan Lợi thoát khỏi sự “trừng phạt” (nếu có). Nhưng theo tôi, một khi đã cấu xé niềm hy vọng của dân tộc, nhà báo này tốt nhất là nên tự vấn bản thân xem ai mới là hóa thân của kền kền!

Ngay cả khi ông Mai Phan Lợi đã xin lỗi, dư luận vẫn chưa đồng tình, bức xúc. Ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia lên tiếng: “Sao cũng được. Anh xin lỗi, cũng được! Nhưng cách dùng từ “tan xác” đủ để hiểu logic tự nhiên trào dâng trong tư duy của anh, một người Việt 43 tuổi. Anh cứ xin! Vấn đề là người cho!”.

Vi phạm đạo đức nghề nghiệp và pháp luật!

Đại tá, nhà báo Bùi Đức Toàn cho rằng: Mai Phan Lợi đưa ra 8 giả thiết về việc máy bay CASA và 9 cán bộ, chiến sĩ mất tích khi đăng trên Diễn đàn Nhà báo trẻ với status có tựa đề “Vì sao Casa tan xác?”. Chỉ với cụm từ “tan xác” đã thể hiện sự vô cảm, nhẫn tâm của người viết. Đặc biệt nghiêm trọng là tác giả status này viết rằng: “Không loại trừ bị bắn vỡ”. Nói như vậy nghĩa là có một đối tượng tác chiến nào đó đã bắn rơi máy bay, gây nghi ngờ, hoang mang dư luận, có thể ảnh hưởng tới cả quan hệ quốc tế. Rõ ràng, ông Mai Phan Lợi đã vi phạm đạo đức người làm báo. Nhà báo chân chính không ai viết lách và nói năng bậy bạ, vô trách nhiệm như thế. Không những thế, hành vi này còn vi phạm pháp luật khi xúc phạm danh dự, uy tín của một tổ chức quan trọng là Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Là người thường xuyên giảng dạy và tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo trẻ nhưng Mai Phan Lợi lại vi phạm đạo đức nghề nghiệp: Ảnh: mec.org.vn

Trao đổi với chúng tôi, luật sư cho biết thêm: Hành vi của nhà báo Mai Phan Lợi đã có dấu hiệu vi phạm hai điều thuộc Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Theo đó, Điều 5 của nghị định này qui định rõ các hành vi bị cấm trong đó có hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Còn tại Điều 26 của Nghị định qui định người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải “Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”.

Một cán bộ Trung tâm quản lý bay (Quân chủng Phòng không – Không quân) cũng bức xúc khi trao đổi với chúng tôi: “Việc phát tán thông tin nghi ngờ máy bay do lực lượng nào đó “bắn rơi” là những thông tin hoàn toàn bịa đặt, vô căn cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng của bộ đội cũng như gây nghi ngờ, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với quân đội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín Quân đội nhân dân Việt Nam. Hành vi này theo tôi cần được điều tra, làm rõ, thậm chí có thể xử lý trách nhiệm hình sự”.

Trong 9 qui định về đạo đức nghề nghiệp của Hội nhà báo Việt Nam, có 3 nội dung qui định nhà báo phải: “Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật; Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội”. Xét ở những khía cạnh này, thì hành vi của ông Mai Phan Lợi đã đã có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hành vi đó với với một nhà báo nói chung đã không thể chấp nhận huống hồ ông Lợi còn là Trưởng đại diện Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý và Ban quản trị Diễn đàn Nhà báo trẻ trong việc để xảy ra sự việc đáng buồn trên trước thềm kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay.

Nguồn: Công Chiến/congluan.vn

Tin nổi bật