Truyền thông "đa - đa" để tạo niềm tin cho giới trẻ

(ICTPress) - Thanh niên tin tưởng với lý tưởng Xã hội chủ nghĩa và Thông tin và Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ niềm tin ấy.

Đó là khẳng định của buổi Tọa đàm "Công tác thông tin, tuyên truyền góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh niên hiện nay" do Tạp chí Công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn khối các cơ quan Trung ương vừa tổ chức.

Tổng kết rất nhiều ý kiến tham luận tại buổi Tọa đàm, Quyền Bí Thư đoàn khối các cơ quan trung ương Nguyễn Thị Quý Hiền cho biết thanh niên vẫn yêu nước, vẫn sống nhiệt huyết, vẫn sống lý tưởng, vẫn yêu nồng nàn Tổ quốc của chúng ta, vẫn muốn bày tỏ cống hiến, khát khao để làm chủ đất nước, và có một tâm thế sẵn sàng nghiêng vai để gánh vác sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xứng đáng với thế hệ cha ông, khẳng định thanh niên vẫn nấu hoài bão khát khao.

Tuy nhiên, Quyền Bí thư Hiền cũng cho hay không thể phủ nhận rằng trong thực tế với những sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, cũng như với xu thế tất yếu của các xu thế toàn cầu hóa thì cách thức cũng như nội dung thông tin mà thanh niên tiếp nhận và đón nhận, chuyển hóa thành nhận thức, hành động ít nhiều có tác động và đó là những tác động hai mặt, cả tích cực và tiêu cực.

Theo đó, mặt tích cực được đánh giá là giới trẻ năng động, sáng tạo, là những công dân mang tính toàn cầu, có khả năng lập nên những diễn đàn có thể đối thoại với bạn bè quốc tế. Mặt chưa tích cực là tác động về nguy cơ, thách thức về lối sống, về những quan điểm thẩm mỹ, giá trị truyền thống, của dân tộc và những thách thức về an toàn thông tin… Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông mới và những tác động của mạng xã hội đối với công chúng trẻ. Giới trẻ không lỗi nhịp với đời sống, nhịp sống công nghệ thông tin bây giờ nhưng có xu hướng và hiện tượng phụ thuộc vào công nghệ còn gọi là "phonobia", gần như là tôn giáo. Đây là thách thức, không chỉ chi phối cách giao tiếp mà đánh giá, mà còn cách nhìn nhận, đánh giá thế giới và thái độ sống.

Vậy, trong thế giới bùng nổ các phương tiện truyền thông mới, thế giới thông đa - đa (đa dạng trong các hình thức truyền tải và tiếp nhận, đa chiều trong các thông tin, đa nền tảng trong các hạ tầng, đa phương tiện trong các công cụ, đa chủ thể (người phát - người nhận) ở mức độ nhiều, đa nghi… khó tin và dễ tin và có thể nghi ngờ, chúng ta phải làm gì?

Nhà báo Tạ Bích Loan trao đổi tại Tọa đàm

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết Việt Nam với 30 triệu thuê bao di động 3G, số người sử dụng smartphone ngày càng tăng, tạo ra khả năng tương tác cao. Bạn trẻ bây giờ tương tác qua Facebook, Youtube… Nhiều chương trình của VTV6 được thực hiện với tính tương tác cao như “Bữa trưa vui vẻ”, “Tôi lên tiếng”… Nhiều bạn trẻ cộng tác viên tích cực với VTV6 đã thực hiện nhiều video về những câu chuyện họ đang ở đâu và gửi thẳng chương trình VTV, thu hút bạn trẻ… Hay gần đây nhất, các bạn trẻ là những người nghĩ ra “MV Đường đến ngày vinh quang” và 500 bạn trẻ tham gia và đưa lên YouTube. VTV6 luôn tạo môi trường cho giới trẻ làm chủ kênh truyền thông, tranh luận về các vấn đề nóng về xã hội, tạo nên hiệu quả truyền thông tốt.

Đại diện Đoàn thanh niên Bộ Giao thông Vận tải, bạn Hoàng Ngọc Anh cho rằng hãy để thanh niên ra ngoài trải nghiệm nhiều, chúng ta còn nhiều gương người tốt việc tốt, có nhiều hoạt động thực tiễn để tuyên truyền. Hay có những tấm gương tốt của những người đi trước, thanh niên luôn soi theo tấm gương tiêu biểu. Điều này sẽ tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng để thấy xã hội tốt lên, chứ không hề đi xuống.

Cũng đồng quan điểm, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ thì lấy hình ảnh sinh động để chia sẻ cho biết truyền thông cần “Đổ nhiều nước trong vào trong cốc nước đục để tạo ra cốc nước trong”.

Từ Trung ương Đoàn, bạn Bùi Minh Bảo chia sẻ giới trẻ hiện nay đọc được nhiều thông tin và luôn đặt đặt ra những câu hỏi mà chưa có ai trả lời. Truyền thông cần phải trả lời trí tuệ, có góc nhìn khoa học, có bằng chứng, có khoa học là dân chủ và khách quan. Cần có sự tham gia của các bạn trẻ vào truyền thông.

Hiện nay, Trung ương Đoàn rất quan tâm đến việc sử dụng mạng xã hội, để khai thác những tiện ích mạng xã hội, để tuyên truyền, giới thiệu về những thông tin hoạt động của Đoàn, của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Đội Thiếu niên tiền phong. Trong đó, các cấp bộ Đoàn xây dựng những sản phẩm truyền thông như bộ ảnh, video clip đăng tải những bộ ảnh các hoạt động đoàn tại địa phương của mình.

Ngay cả đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh và các đồng chí Ban Bí thư, Ban Thường vụ đều sử dụng Facebook.

Trong tham luận “Khai thác hiệu quả mạng xã hội để định hướng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên”, bạn Phạm Văn Cường, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương trong cũng nêu ý kiến chúng ta sử dụng truyền thông xã hội với mục đích tốt, vận dụng những điều tốt đẹp của mạng xã hội mang lại thì chúng ta hoàn toàn có thể làm những điều rất tốt.

LP

Tin nổi bật