Trưởng lão trong làng báo

Có thể nói, GS Đào Nguyên Cát là một trong những Tổng biên tập cao tuổi nhất và giữ chức TBT lâu nhất thế giới. Năm nay, đã hơn 90 tuổi, ông vẫn đang là TBT Thời báo Kinh tế Việt Nam, tờ báo do ông sáng lập có một vị trí đáng kể trong đời sống kinh tế nước ta giai đoạn hội nhập với  kinh tế thế giới. Sinh thời, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi ông là “Trưởng lão trong làng báo”, như là một sự ghi nhận của lịch sử nghề báo chí cách mạng Việt Nam.

Giáo sư Đào Nguyên Cát sinh năm 1927, trong một dòng họ nổi tiếng tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Trước cách mạng tháng Tám, ông đã lăn lộn trong phong trào thanh niên trí thức. Sau Cách mạng tháng Tám, ông rời ghế nhà trường, hoạt động chủ yếu trong công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng.

Ông làm TBT của nhiều tờ tạp chí của ngành tuyên huấn. Sau này, được Thủ tướng Chính phủ phong học hàm GS chuyên ngành kinh tế học. Với những cống hiến, GS. Đào Nguyên Cát  đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1960) và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1983). Công danh ấy có vẻ như rất đầy đủ và viên mãn cho một nhà khoa học.

Khi ông 65 tuổi bắt đầu về hưu theo chế độ Nhà nước tưởng sẽ an nhàn nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, nhưng đây là lúc GS. Đào Nguyên Cát khởi đầu một sự nghiệp khác. “Năm 1991, tôi về hưu. Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng có ý định xây dựng một tờ báo thị trường đón đầu xu hướng phát triển kinh tế. Tôi làm việc với Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, khi đó Chủ tịch Hội là anh Trần Phương đồng ý cho ra đời ấn phẩm này. Tôi liền về chong đèn hì hục viết đề án cho tờ báo” – GS. Cát nhớ lại.

GS. Đào Nguyên Cát đã sử dụng cả gia tài và người trong gia đình mình phục vụ Thời báo. Trụ sở làm việc là một phòng nhỏ 40m2 tại nhà riêng của ông ở số 8 Lý Thường Kiệt, nơi vừa làm chỗ ở, sinh sống vừa là nơi làm việc, tiếp khách của tòa báo. Đây là nơi các nhà báo, nhà kinh tế gặp gỡ nhau, đề ra các ý tưởng, các chuyên đề báo, nơi đánh máy, sửa bài, dựng maket và là nơi tiếp các cộng tác viên.

Không có đội ngũ phóng viên, ông nhờ tất cả bạn bè của ông tham gia viết bài. Họ đều là “cây đa cây đề” của những tờ báo lớn, từng xông pha trận mạc hàng chục năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm báo. Hoặc họ là những nhà quản lý, chuyên gia kinh tế lẫy lừng tiếng tăm… Điều cảm động là các nhà kinh tế, nhà báo tài danh này tự nguyện viết cho báo và tự nguyện không nhận nhuận bút. Nhờ có đội ngũ người viết hùng hậu, vô cùng uy tín đó, những số báo đầu ra mắt đã được bạn đọc chú ý.

Thời kỳ đầu, tờ báo có tên là “Thông tin kinh tế”, được phép xuất bản mỗi tuần một kỳ, nhưng điều kiện kinh phí có hạn, năm đầu báo chỉ xuất bản mỗi tháng một kỳ. Những số báo đầu tiên vào cuối năm 1991, TBT Đào Nguyên Cát trực tiếp đạp xe đi phát hành, tìm đến các cơ quan, bộ, ngành để giới thiệu rồi bán báo. Nhiều người thấy cảnh ấy bảo ông là người không bình thường, bạn bè có người biết chuyện chỉ lắc đầu cười nhạt.

Sau 3 năm, vốn liếng của GS. Đào Nguyên Cát cùng con cái góp vào đã xây dựng được một tờ báo có chút thương hiệu, nhưng tổng kết lại thì lỗ mất 50 triệu đồng. Tờ báo có nguy cơ… vỡ nợ! Vào thời điểm ấy, Ringier AG, một tập đoàn xuất bản đa quốc gia của Thụy Sỹ có quy mô lớn nhất và uy tín nhất châu Âu, thông qua Sứ quán Việt Nam tại đó, ngỏ ý muốn đầu tư vào lĩnh vực báo chí ở Việt Nam.

Qua các đồng chí ở Bộ Ngoại giao, GS. Đào Nguyên Cát đã liên lạc và đàm phán thành công thỏa thuận hợp tác với Ringer AG. Sau đó, còn có một việc làm vô tiền khoáng hậu! Ấy là chuyện chỉ trong một đêm, GS. Đào Nguyên Cát đã “chạy” được đủ 13 chữ ký của 13 vị Ủy viên Bộ Chính trị đương thời để kết thành mối lương duyên giữa Thời báo Kinh tế Việt Nam và Tập đoàn Xuất bản Ringier AG.

Có được sự hỗ trợ của Ringier AG, những tinh hoa cùng tư duy vượt thời đại của ông mới phát tiết rực rỡ. Sau 10 năm hợp tác với Ringier AG, số lượng báo phát hành đã lên đến hàng vạn bản mỗi kỳ, từ báo tháng chuyển thành báo tuần, rồi một tuần 2 số.  

Nhận thấy, với cơ chế hợp tác này, tờ báo không có điều kiện để tích lũy vốn, nếu rời Ringier AG thì Thời báo Kinh tế Việt Nam sẽ có nguy cơ lại trở về điểm 0, do không có vốn để tái đầu tư. GS. Đào Nguyên Cát chia sẻ: “Với thương hiệu sẵn có, chúng tôi đã quyết tâm cải tổ lớn cả về tổ chức, nhân sự, thực hành tiết kiệm gắt gao, tinh giản bộ máy, giảm bớt tiền lương để trụ vững. Điều quan trọng là với việc giảm chuyên gia nước ngoài, chi phí quản lý bớt đi được 1/3.

Khi đối tác nước ngoài rời đi, tờ báo đã phát triển mạnh mẽ, trở thành báo phát hành hàng ngày và rất nhiều ấn phẩm khác ra đời. Giờ đây, “đế chế” của GS. Cát là gần chục sản phẩm báo chí có tên tuổi, có dấu ấn riêng như Thời báo Kinh tế Việt Nam ra hằng ngày, Tư vấn Tiêu & Dùng, Vietnam Economic Times, The Guide (bằng tiếng Anh - Nhật - Trung), VnEconomy Online, Niên giám Kinh tế Việt Nam, Kỷ yếu đầu tư nước ngoài, Trang vàng thương hiệu…

Đi từ hai bàn tay trắng, không có đồng vốn nào của Nhà nước, một tay GS. Cát đã xây dựng Thời báo Kinh tế Việt Nam trở thành một trụ cột trong làng báo kinh tế trong nước và đối ngoại. Đến nay, ông đã qua tuổi 90, nhưng vẫn làm Tổng biên tập, hàng ngày điều hành cơ quan báo chí lớn với hơn 250 cán bộ, nhân viên.

Nguồn: Thu Phượng/hanoitv.vn
Tin nổi bật