Cuốn sách hữu ích cho nghiên cứu, học tập lịch sử vẻ vang của Đảng

(ICTPress) - Thiết thực phục vụ việc nghiên cứu, học tập lịch sử vẻ vang của Đảng, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ TT&TT giới thiệu cuốn sách “Tiến trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2016)”.

Cuốn sách do PGS.TS. GVCC. NGƯT. Ngô Đăng Tri, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Đảng, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội biên soạn, trên cơ sở bổ sung, chỉnh sửa cuốn 80 năm và 82 năm Đảng Cộng sản Việt Nam- những chặng đường lịch sử (1930- 2010) đã xuất bản năm 2010 và năm 2012.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập đến nay đã có hơn 86 năm hoạt động. Tiến trình lịch sử hơn 86 năm của Đảng là tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tiến trình đó trải qua nhiều thời kỳ, nhiều chặng đường hết sức oanh liệt, vẻ vang và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu. Hồ Chí Minh cho rằng lịch sử của Đảng là “một pho lịch sử bằng vàng”.

Giới thiệu tiến trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là nêu lên các thời kỳ, các chặng đường nhận thức lý luận, đề ra đường lối, chủ trương cách mạng trên cơ sở quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và tổ chức quần chúng hiện thực hóa đường lối chủ trương đó, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng là kế thừa, liên tục và không ngừng phát triển, trong đó có những mốc, những giai đoạn chuyển biến quan trọng, có lúc là nhảy vọt trong tư duy nhận thức và chỉ đạo thực tiễn về con đường đi lên của cách mạng Việt Nam.

Như tên gọi và mục đích của của cuốn sách, trong thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1920 - 1930), tác giả đã trình bày bối cảnh lịch sử và tính tất yếu khách quan của sự phát triển phong trào yêu nước ở nước ta theo con đường cách mạng vô sản đầu thế kỷ XX và sự đáp ứng đúng đắn, kịp thời của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, dẫn tới sự xuất hiện và phát triển phong trào dân tộc, dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.

Thời kỳ thứ hai (1930 - 1945), nêu lên quá trình nhận thức càng ngày càng đúng đắn của Đảng về con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân, dẫn tới sự xuất hiện các cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, cuộc đấu tranh khôi phục phong trào cách mạng và tổ chức Đảng những năm 1932 - 1935, cao trào dân chủ 1936 - 1939, phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945, đi tới thắng lợi rực rỡ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lại độc lập cho dân tộc, lập nên chế độ dân chủ cho nhân dân bằng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thời kỳ thứ ba (1945 - 1954), giới thiệu sự đúng đắn, sáng tạo trong chủ trương kháng chiến kiến quốc và đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính của Đảng và Hồ Chí Minh, dẫn tới cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng đầy khó khăn và cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta, đi tới chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng miền Bắc, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Thời kỳ thứ tư (1954 - 1975), trình bày quá trình hình thành và nội dung đường lối chiến lược cách mạng chung của Đảng: đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền Bắc, Nam nhằm thực hiện mục tiêu chung của cả nước là giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất Tổ quốc, dẫn tới công cuộc xây dựng và bảo vệ hậu phương xã hội chủ nghĩa hào hùng của quân dân miền Bắc và cuộc kháng chiến quyết liệt, anh dũng của cả dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược, đi tới thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, thu giang sơn về một mối.

Thời kỳ thứ năm (1975- 1986), cuốn sách nêu lên những thuận lợi, khó khăn của nước ta sau ngày thắng Mỹ và đường lối, quyết tâm đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với nhiều thăng trầm, thách thức trong giai đoạn 1975- 1985.

Thời kỳ thứ sáu (1986- 1996), nêu lên nội dung đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự chỉ đạo đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống, đưa đất nước vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội với những thành tựu bước đầu quan trọng.

Thời kỳ thứ bảy (1996- 2016), trình bày sự lãnh đạo của Đảng trong việc chuyển đất nước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với những thành tựu hết sức to lớn về kinh tế xã hội nâng cao vị thế quốc tế của cách mạng và dân tộc Việt Nam.

Công trình cũng dành một phần quan trọng để tổng kết tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, khẳng định những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và đúc kết những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng qua những các thời kỳ lịch sử.

Phần phụ lục của cuốn sách tập trung giới thiệu chân dung, tiểu sử  Chủ tịch Đảng, các Tổng Bí thư của Đảng và danh sách các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày Đảng ra đời đến Đại hội lần thứ XII (2016), giúp người đọc có thêm thông tin cần thiết về các lãnh tụ và đội ngũ cán bộ cấp cao đã giữ vai trò quan trọng làm nên thắng lợi của Đảng, của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Minh Anh

Tin nổi bật