454.673 hộ nghèo, cận nghèo sắp được hỗ trợ đầu thu số STB

(ICTPress) - Đây là con số được Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam vừa cho biết chiều nay 21/1 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa

Cụ thể, tại cuộc họp Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam lần thứ 9, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa cho biết Bộ TT&TT đang phối hợp với UBND 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, HCM, và 19 tỉnh lân cận xác định được dự kiến khoảng 454.673 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương theo vùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được hỗ trợ đầu thu STB trong thời gian tới.

Hiện tại, Bộ TT&TT đã giao Quỹ Dịch vụ làm chủ đầu tư xây dựng dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số, đã thực hiện thủ tục triển khai dự án, và đăng thông tin kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự kiến tháng 4/2016 sẽ hoàn thành dự án đấu thầu và triển khai thực hiện hỗ trợ và lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận tại địa phương.

Theo kế hoạch ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 1/3/2016 ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất không thuộc danh mục kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; từ ngày 1/6/2016, ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tại mặt đất còn lại tại TP. Hà Nội, Hải Phòng, HCM, Cần Thơ.

Cũng tại cuộc họp này, Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa đã cho biết các công tác liên quan để hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại Đà Nẵng.

Theo đó, ngày 21/7/2015, Bộ TT&TT, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BTTTT-BTC, hướng dẫn hỗ trợ thí điểm đầu thu truyền hình số mặt đất trên địa bàn TP. Hà Nẵng và 4 huyện Bắc Quảng Nam. Cục Tần số VTĐ đã phối hợp với Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích (VTCI), UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam xác định số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Trung ương được hỗ trợ đầu thu STB theo quy định là 12.209 hộ nghèo, cận nghèo (Gồm 745 hộ tại Đà Nẵng, 11.464 hộ nghèo, cận nghèo tại 4 huyện Bắc Quảng Nam).

Tháng 10/2015, Quỹ dịch vụ VTCI, Bộ TT&TT đã hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu STB cho 11.464 hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. UBND TP. Đà Nẵng cũng đã triển khai hỗ trợ và lắp đặt đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho 5.043 hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn của TP. Đà Nẵng.

Tháng 10/2015, Đài Truyền hình VN đã hoàn thành việc triển khai phủ sóng truyền hình mặt đất đối với toàn bộ địa bàn TP. Đà Nẵng và 1 phần khu vực Bắc Quảng Nam tiếp giáp với Đà Nẵng với 1 trạm phát chính công suất 2kW đặt tại bán đảo Sơn Trà, và 2 trạm phát bù công suất nhỏ phủ sóng cho vùng lõm tại huyện Hòa Vang.

Trong quá trình chuẩn bị cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng, Cục Tần số VTĐ – Bộ TT&TT, đã chủ trì phối hợp với Sở TT&TT Đà Nẵng, Sở TT&TT Quảng Nam, Đài Truyền hình VN, Đài PTTH Đà Nẵng và Đài PTTH Quảng Nam tổ chức đoàn khảo sát để đo đánh giá chất lượng phủ sóng và vùng bị ảnh hưởng (Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại Đà Nẵng. Đến tháng 10/2015, vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất của VTV tại Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam đã lớn hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất, chất lượng thu vượt trội so với trueyenf hình tương tự mặt đất.

Được biết tại phiên họp lần thứ 8, Ban Chỉ đạo đã quyết định và thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mắt đất tại Đà Nẵng theo 2 giai đoạn: Ngày 1/7/2015, ngừng phủ sóng kênh VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1; Ngày 1/11/2015: Chính thức ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh chương trình truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng.

Tiểu ban giúp việc đã đánh giá với sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Ban chỉ đạo, sự phối hợp tích cực của UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, và Đài Truyền hình Việt Nam đã thành công. Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên tại khu vực ASEAN ngừng phủ sóng toàn bộ truyền hình tương tự mặt đất.

HM

Tin nổi bật