Một tiết học đặc biệt ở Mèo Vạc...

Một sáng tháng Sáu, vẫn tại phòng học thân quen của trường Trung học phổ thông Mèo Vạc (Hà Giang), học sinh bất ngờ được một thầy giáo – nhà báo miền xuôi đến thăm và giảng về lòng yêu Tổ quốc, yêu tiếng Việt, truyền cảm hứng để vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Tiết học đặc biệt của người thầy - nhà báo Trần Bình Tám

Người đứng trên bục giảng là thầy giáo – nhà báo Trần Bình Tám, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông. Và tiết học đặc biệt đó nằm trong chương trình tặng gần 1.000 cuốn sách cho trường Trung học phổ thông Mèo Vạc do Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020).

“...Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường...”.

Những câu thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của tác giả Lưu Quang Vũ vang lên trong lớp học, thu hút sự tập trung chú ý của gần 50 học sinh, trong đó nhiều em là người dân tộc thiểu số, hầu hết các em lần đầu tiên biết đến những vần thơ này.

Đoàn công tác tìm hiểu về cuộc sống của bà con vùng cao

Đọc xong khổ thơ, thày Tám đặt câu hỏi: “Các con thích câu thơ nào nhất? Vì sao?”. Không khí lớp học sôi động hẳn lên. Câu trả lời của mỗi trò một khác. Nhưng thầy đều tiếp nhận và hồi đáp với sự đồng cảm lớn. Thày nhiều lần nhấn mạnh thông điệp: “Chúng ta là người Việt Nam thì cần phải biết và phải yêu tiếng Việt. Các con muốn trở thành người giỏi giang, chung tay góp sức xây dựng và phát triển đất nước thì cần phải biết và phải yêu tiếng Việt”.

Rồi thầy giảng về lòng yêu nước, với những minh chứng cụ thể như sự bất khuất của Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm ma nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”; hoặc những tấm gương chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo Việt Nam...

Tiếp mạch cảm xúc, thầy Tám chia sẻ những khó khăn của người dân Mèo Vạc, đồng thời bày tỏ mong muốn những học trò ngồi đây sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn để giúp quê hương phát triển hơn lên.

Những đôi mắt của học trò vùng cao chăm chú dõi theo từng lời giảng của thầy giáo – nhà báo miền xuôi, thi thoảng lại sáng bừng lên khi có cơ hội bày tỏ suy nghĩ cá nhân trước mỗi câu hỏi của thầy.

Đoàn công tác thỉnh thoảng dừng xe lại để tặng những đứa trẻ vùng cao ít bánh kẹo, truyện tranh

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nông Thế Huân, Phó Hiệu trưởng phụ trách, cùng các thầy cô giáo của trường Trung học phổ thông Mèo Vạc cho biết, học sinh ở đây rất ít sách để đọc và tham khảo. Các tiết học trên lớp chủ yếu dựa theo nội dung sách giáo khoa. Tiết học của thầy Tám chỉ khoảng 30 phút ngắn ngủi nhưng chắc chắn sẽ là dấu ấn khó quên đối với các em học sinh. Nhà trường rất mong sẽ có thêm nhiều tiết học ngoài sách giáo khoa như vậy.

Để đến được với nơi này, thầy Tám cùng chúng tôi đã mất gần cả một ngày trời, vượt qua gần 500 cây số, trong đó, đáng ngại nhất là cung đường khoảng 160km vô cùng gập ghềnh, khúc khuỷu, liên tiếp cua tay áo từ thủ phủ Hà Giang đến thị trấn Mèo Vạc. Lần đầu tiên trải nghiệm cung đường này, tôi và một nữ phóng viên khác say lử người.

Rất may là Mèo Vạc đón chúng tôi với thời tiết đẹp. Qua cửa kính của ô tô, chúng tôi tha hồ ngắm những con đường mềm như lụa uốn quanh các sườn núi cheo leo, chiêm ngưỡng cảnh núi non mây trời hùng vĩ, thả mắt dõi theo những nương ngô phủ màu xanh mát cho vùng núi đá tai mèo...

Nhưng cũng qua cửa kính ô tô, chúng tôi khó tránh nỗi buồn man mác khi tận mắt nhìn thấy còn rất nhiều mái nhà đơn sơ, tuềnh toàng của người dân tộc thiểu số, rất nhiều đứa trẻ chân đất, cởi truồng, mặt mũi lem luốc, chỉ 3 – 4 tuổi cũng đeo gùi đi cắt rau, cắt cỏ ven đường... Thi thoảng, chúng tôi dừng xe, tặng mấy bé ít bánh kẹo, truyện tranh, rồi lại rời đi với sự băn khoăn, day dứt xem nên làm gì và có thể giúp gì để cuộc sống của chúng bớt cực khổ...

Chúng tôi cũng đã đi thực tế tại thôn Mã Phì Lèng, xã Pả Vi, nơi mà rất nhiều ngôi nhà nền đất trống tuềnh trống toàng chẳng có vật dụng gì đáng kể; đường trong thôn vẫn chỉ là đường đất sình lầy; sinh kế cũng èo uột, người dân chủ yếu là người Mông, sống dựa vào chỉ một vụ ngô duy nhất trong năm, có gia đình mấy tháng trời chẳng có nguồn thu nhập nào...

Chứng kiến thực tế cái nghèo còn hiện hữu tại Mèo Vạc, và chứng kiến tiết học đặc biệt của thầy Tám, chúng tôi, những người tham gia đoàn công tác của Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông không khỏi xúc động, rưng rưng. Chỉ mong sao có thêm nhiều tổ chức, đoàn thể, nhiều mạnh thường quân đến với Mèo Vạc, cùng chung tay để người dân nghèo nơi đây không bị bỏ lại phía sau.

Có những ước mơ không quá cao xa nhưng sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu thiếu sự quan tâm của cộng đồng. Chẳng hạn như ước mơ có đủ sách giáo khoa của thầy trò trường Trung học phổ thông Mèo Vạc. Được biết, năm học tới sẽ thay sách giáo khoa. Rất nhiều học sinh ở Mèo Vạc thuộc diện hộ nghèo, khó có điều kiện để mua sách mới. Nhà trường mong được hỗ trợ khoảng 300 bộ sách giáo khoa lớp 10, 150 bộ sách lớp 11 và 150 bộ sách lớp 12.

Chúng tôi tạm biệt Mèo Vạc với nhiều kỷ niệm khó quên. Biết rằng thoát nghèo là câu chuyện không thể thực hiện trong một sớm một chiều, đặc biệt là với những người dân huyện miền núi biên giới nơi địa đầu Tổ quốc. Tuy nhiên, những ánh mắt, nụ cười của các em học sinh trường Trung học phổ thông Mèo Vạc đã khiến chúng tôi tin tưởng hơn vào một tương lai tươi sáng cho mảnh đất vùng cao núi đá với rất nhiều xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn này.

Bình Minh/congluan.vn

https://congluan.vn/mot-tiet-hoc-dac-biet-o-meo-vac-post84106.html

Tin nổi bật