Nhà báo điều tra cũng không thể phạm luật

Khi nhập vai để điều tra, PV không được tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất.

Sáng 7-2, hội thảo về “báo chí điều tra và lợi ích công” được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham dự của Diễn đàn Nhà báo trẻ, nhiều PV, nhà báo điều tra kỳ cựu và đại diện của một số đơn vị quản lý báo chí.

Tại phát biểu đề dẫn, tổ chức RED Communication đã nêu vấn đề: Ở Việt Nam, quyền được thông tin được xem là một trong những quyền cơ bản của công dân và báo chí được tạo điều kiện hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, không bị hạn chế, cản trở.

“Cơ quan Nhà nước có chiếc khiên “bí mật Nhà nước” thì doanh nghiệp lại có công cụ là “bí mật nội bộ”” - ông Trần Nhật Minh Giám đốc RED Communication, nói. Đồng tình với ông Minh, nhà báo Nguyễn Bá Kiên (báo Tiền Phong) bày tỏ: “Theo Pháp lệnh về bảo vệ bí mật Nhà nước thì Bộ Công an nắm quyền ban hành văn bản các tài liệu mật. Vấn đề là hiện nay, ngay cả danh mục tài liệu mật, các ông cũng đánh dấu mật thì nhà báo biết cái nào là mật, cái nào không? Đi sâu vào thì có đến một rừng tài liệu mật”.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Viết Thịnh)

Một nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động “nhập vai” để điều tra, ông Nguyễn Đức Hiển (báo Pháp Luật TP.HCM), chia sẻ một số nguyên tắc: “PV chỉ nên nhập vai khi đó là cách tốt nhất để thu thập thông tin. PV không được tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất, không thúc đẩy sự kiện hoặc khiến nó diễn ra sớm hơn bình thường. (…) Nếu PV nhập vai buộc phải thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tòa soạn phải liên hệ với cơ quan công an và trình bày rõ ngọn nguồn trước khi hành vi ấy diễn ra (…)”.

Nguyên tắc “không được tác động” làm sự vật, hiện tượng thay đổi bản chất được nhiều đại biểu chú ý, vì liên hệ với vụ việc của nhà báo Hoàng Khương, nó là một chi tiết để xác định ranh giới: Nên chăng ông Hoàng Khương dừng lại ở mức ghi nhận sự kiện chứ không tham gia vào việc đưa tiền cho CSGT?

Cách đây vài ngày, trong một bài viết phân tích vụ việc này, nhà báo Trần Lệ Thùy đã trích lời Stephen Whittle, nguyên Giám đốc biên tập của BBC: “Nhà báo nên luôn luôn tránh vi phạm luật pháp. Trong trường hợp này, nếu công an nói rõ rằng anh ta sẽ trả lại xe nếu nhận được một khoản hối lộ thì nhà báo nên dừng lại. Nhà báo đã có đủ chứng cứ. Báo chí Anh không thường tham gia vào hành động tội phạm bằng cách trả tiền hay đưa ra những hành động ủng hộ thực tế”.

Hội thảo dừng lại ở việc xác định rằng luật pháp liên quan đến báo chí ở Việt Nam hiện nay còn thiếu những quy định rõ ràng về lợi ích công, an ninh quốc gia, quyền miễn trừ dành cho báo chí… để làm cơ sở cho hoạt động của hơn 2,2 vạn người làm báo nước ta.

Đăng báo cũng là một hình thức tố giác?

Một đại diện của Bộ Công an - ông Trần Thanh, điều tra viên cao cấp, cho biết: “Theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”. “Giá mà anh Hoàng Khương thực hiện như vậy thì sự việc đã hoàn toàn khác” - ông Thanh nói.

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Việt Chiến không hoàn toàn tán đồng ý kiến này. Với kinh nghiệm gần 20 năm làm báo điều tra, ông cho rằng hoạt động điều tra của lực lượng công an nhiều khi khá chậm chạp; thêm nữa, nhà báo Hoàng Khương đã đăng tải các bài báo về vụ việc này, nên chăng phải được coi là hành vi tố giác tội phạm thông qua con đường công luận?

Đoan Trang

Theo Pháp luật TP. HCM

Tin nổi bật