Những lưu ý thi viết thư quốc tế UPU 44: Viết về thế giới bạn muốn lớn lên trong đó

(ICTPress) - Cuộc thi viết thư quốc tế UPU hàng năm dành cho các em học sinh từ 10 đến 15 tuổi do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đưa ra chủ đề hàng năm đã được Ban Tổ chức tại Việt Nam vừa chính thức phát động tại Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát động cuộc thi và trao phần thưởng cho em Phạm Phương Thảo, học sinh lớp 7B8, trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã đoạt giải Nhất quốc gia Khuyến khích quốc tế cuộc thi viết thư quốc tế UPU 43.

Đây là cuộc thi lần thứ 44 (2015) và là cuộc thi lần thứ 25 các em Việt Nam tham gia. Cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu điện, Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức.

Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 năm 2015 tạm dịch là “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn lớn lên trong đó (Tiếng Anh: "Tell us about the world you want to grow up in").

Các em học sinh trường THCS Chu Văn An, Hải Phòng tại Lễ phát động cuộc thi

Nhằm giúp các em có một bài thi tốt, Ban Tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU 44 đã gợi ý về chủ đề và một số lưu ý về mặt kỹ thuật để các em tham khảo, cần tránh việc sao chép máy móc.

Về mặt kỹ thuật

Ban tổ chức lưu ý bức thư được viết dưới dạng văn xuôi, càng chân thật, tình cảm càng tốt. Trong bức thư đó, em có thể trao đổi, hoặc bày tỏ quan điểm mong muốn của mình về mô hình thế giới tươi đẹp để em được sống, được phát triển ở trong đó. Ngoài ra, Ban tổ chức còn gợi ý mang tính tham khảo:

Là một bức thư nên đương nhiên phải có người nhận. Em có thể lựa chọn đối tượng nhận thư (là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hoặc các thần tượng, lãnh tụ…), miễn sao đối tượng đó tạo được cảm xúc thật sự khi em viết thư.

Các em dự thi lưu ý trong cách hành văn, cần rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng dễ lôi cuốn, hấp dẫn; cần tránh lối viết sáo rỗng, trình bày tư liệu khô khan, hoặc hô khẩu hiệu chung chung mà không xuất phát từ cảm xúc thật.

Ban Tổ chức cho biết, các em nên đọc kỹ những bức thư đã đoạt giải cao trong các cuộc thi viết thư quốc tế UPU các năm trước để rút kinh nghiệm khi viết. Báo Thiếu niên Tiền phong sẽ đăng nhiều lần những bức thư này. Bài thi cũng không được viết dài quá 800 từ, vừa dài dòng văn tự vừa bị loại, sẽ rất uổng công.

Về mặt nội dung

Đề tài cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 yêu cầu các em viết một bức thư để nói về thế giới em mong muốn có để em được sống, được lớn lên trong đó. Đây là đề tài hay, độ mở lớn, nhưng mong muốn có một bức thư có giá trị thì các em cần phải lưu ý tìm hiểu, suy nghĩ thật kỹ trước khi viết.

Thế giới là gì?

“Thế giới” là danh từ dùng để chỉ toàn bộ bề mặt của trái đất – nơi toàn thể loài người đang sinh sống, làm việc, học tập. Như vậy, có thể hiểu thế giới bao gồm toàn bộ vật chất (thành phố, núi đồi, sông biển, nhà cửa…) và kinh tế, văn hóa, đạo đức, tinh thần (phong tục tập quán của các dân tộc, trình độ văn hóa, phong cách ứng xử…). Thế giới bao gồm tất cả những gì đã, đang và sẽ có trên trái đất mà chúng ta đang sống.

Vì sao cần nói về thế giới em mong muốn?

Cũng như hàng tỷ trẻ em đủ mọi dân tộc, màu da trên thế giới, em may mắn được sinh ra và sẽ lớn lên, học tập và trưởng thành trong thế giới này. Và để có thể phát triển một cách tốt và bền vững nhất, trẻ em cần có những điều kiện thuận lợi nhất về đầy đủ các mặt: kinh tế, văn hóa, môi trường, sự hòa bình và hữu nghị. Trong bài hát “Thiếu nhi thế giới hân hoan”, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết: “Vàng, đen, trắng - nước da không chia tấm lòng. Cơn chiến chinh không ngăn chúng ta trao tình. Cùm hoặc gong không ngăn đoàn ta ước mong một ngày sáng tươi cùng nhau liên hoan thái bình…”.

Chắc chắn rằng, em nào cũng mơ ước có được một thế giới tốt đẹp để mình có thể lớn lên một cách bình yên, hạnh phúc và trưởng thành đúng hướng.

Thế giới em mong muốn như thế nào?

Bắt đầu từ một thế giới nhỏ là gia đình, với ông bà, bố mẹ và anh chị em. Chắc em nào cũng mơ ước có một gia đình hạnh phúc, mọi người yêu thương và quý trọng nhau. Về kinh tế thì cũng cần có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ, để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được lao động và học tập.

Rộng hơn chút nữa, thế giới em mong muốn là những ngôi trường khang trang sạch đẹp với các thầy cô giáo và bạn bè thân thương. Ở đó, em được học kiến thức, học làm người để sau này em có thể trở thành kỹ sư, bác sĩ, cán bộ nghiên cứu…

Ngôi trường của em sẽ nằm trong một tỉnh, một thành phố và trong một đất nước. Nếu đó là nơi có môi trường xanh sạch đẹp, có các công trình hạ tầng hiện đại, có nếp sống văn minh thì thật là tuyệt vời.

Tất cả các nước sẽ gộp thành một thế giới của loài người. Một thế giới tốt đẹp phải hội đủ các yếu tố: hiện đại, văn minh, môi trường trong lành, mọi người luôn biết yêu thương – chia sẻ và giúp đỡ đồng loại, không có chiến tranh - hận thù. Trong bài hát “Em như chim câu trắng”, nhạc sĩ Trần Ngọc viết rất hay “Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa. Em mong sao trên trái đất mỗi con người, như em đây là chim trắng, chim hòa bình. Sống để yêu thương giữ đẹp trái đất xanh”.

Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, còn rất nhiều em không được đi học, phải lao động cực nhọc, thậm chí còn bị chết, bị thương vì chiến tranh. Vì vậy, con người còn phải phấn đấu rất nhiều để có một thế giới thực sự tốt đẹp. Tất nhiên để có được thế giới mơ ước đó, tất cả mọi người đều phải chung tay góp sức xây dựng. Ngay cả trẻ em, với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, các em cũng góp phần xây dựng thế giới tốt đẹp bằng cách chăm học, chăm làm, rèn luyện đạo đức và sức khỏe tốt, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, Ban Tổ chức cuộc thi lưu ý bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy, ghi đầy đủ: Họ tên, nam, nữ, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình (viết vào góc bên phải, bên trái bài dự thi). Không nhận bài photocopy và bài viết trên máy vi tính.

Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi, địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi từng thư (thư thường) qua đường Bưu điện. Ngoài ra phong bì, các em cần ghi rõ: Dự thi UPU 44-2015.

Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815.

Thời gian gửi bài dự thi từ ngày 9/10/2014 đến 8/3/2015 (theo dấu Bưu điện).

Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.

Các giải thưởng

Các thí sinh đoạt giải chính thức sẽ được công nhận Học sinh giỏi quốc gia môn Văn tương ứng và được cộng điểm khi xét chuyển cấp.

Các học sinh đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”. Giải Nhất được thưởng 5 triệu đồng; 3 Giải Nhì mỗi giải 3 triệu đồng, 5 giải Ba mỗi giải 2 triệu đồng và 30 giải Khuyến khích, mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các giải phụ dành cho thí sinh lọt vào vòng chung kết: Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh là người dân tộc và là người khuyết tật và giải Tập thể./.

Tin nổi bật