Các mạng di động chuyển hướng

Một trong những khó khăn khác mà các nhà mạng phải đối mặt là doanh thu bình quân trên mỗi số thuê bao (ARPU) giảm và tình trạng đổi mạng của khách hàng vẫn ở mức cao.

Không còn những cuộc chạy đua giảm giá mà chăm chút hơn cho các gói cước hấp dẫn, đào sâu thị trường ngách và đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ giá trị gia tăng, đó là chiến lược mới mà các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang áp dụng trong bối cảnh con số khách hàng thuê bao di động đang giảm và gần đạt ngưỡng bão hòa.

Các chuyên gia viễn thông cho rằng đó là những dấu hiệu tốt của thị trường bởi chiến lược kinh doanh của các nhà mạng ngày càng có chiều sâu, chú trọng đầu tư hơn cho chất lượng. Khác với trước đây, họ chỉ chạy đua về giá cả khiến doanh thu bình quân trên mỗi số thuê bao đang ngày càng giảm.

Chạm ngưỡng bão hòa

Nguồn: Internet

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, số thuê bao điện thoại phát triển mới của cả nước trong bảy tháng đầu năm 2011 đạt 5,7 triệu, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm 2010 (cụ thể, có 36.400 số thuê bao cố định và gần 5,7 triệu số thuê bao di động). Tính chung số thuê bao điện thoại cả nước, đến cuối tháng 7-2011 ước tính đạt 128,1 triệu (tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2010), bao gồm 15,5 triệu số thuê bao cố định và 112,6 triệu số thuê bao di động.

Mới đây, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã công bố mật độ thuê bao di động của Việt Nam hiện chỉ thấp hơn bảy quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Macao, Hồng Kông, Ả rập Xê út, Montenegro, Panama, Bermuda và Ireland. Một trong những điểm đáng chú ý là Việt Nam đang vượt rất xa nhiều quốc gia khác khi mật độ viễn thông (tỷ lệ số thuê bao di động trên tổng dân số) tăng từ 87% vào năm 2009 lên 175% vào năm 2010. Trong khi đó, mật độ viễn thông trung bình của các quốc gia đang phát triển chỉ khoảng 70% và các quốc gia phát triển cũng chỉ là 114%. Mật độ phát triển nhanh này là do các mạng đã bắt đầu triển khai thương mại hóa công nghệ 3G từ cuối năm 2009 và số lượng khách thuê bao tăng khá nhanh, đến nay đã đạt mức 8 triệu số thuê bao 3G.

Nhìn vào những con số nêu trên có thể thấy, việc một quốc gia với hơn 86 triệu dân mà đạt mật độ thuê bao di động ở mức quá cao như vậy cũng đồng nghĩa với việc con số thuê bao mới sẽ chững lại.

Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc mạng VinaPhone, thừa nhận thị trường đã có dấu hiệu bão hòa, vì thế trong giai đoạn phát triển tiếp theo của các nhà mạng, trong đó có VinaPhone, sẽ có nhiều thách thức.
Ngay cả các nhà bán lẻ cũng than phiền rằng mảng bán lẻ điện thoại di động cũng không còn hấp dẫn như trước khi phần lớn người dân ai cũng sở hữu từ một đến hai chiếc điện thoại.

Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc chuỗi siêu thị Thegioididong.com, nói rằng thị trường điện thoại di động đã bão hòa, lợi nhuận trên mỗi chiếc điện thoại bán ra khoảng từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng. Chính vì vậy mà Thegioididong.com đã chuyển hướng kinh doanh sang thị trường điện máy.

Một trong những khó khăn khác mà các nhà mạng phải đối mặt là doanh thu bình quân trên mỗi số thuê bao (ARPU) giảm và tình trạng đổi mạng của khách hàng vẫn ở mức cao.

Hãng nghiên cứu thị trường BMI (Anh) cũng cho biết năm 2010, ARPU của Việt Nam chỉ đạt 5 đô la Mỹ, giảm so với 5,52 đô la trong năm 2009. Trong khi đó, chỉ số ARPU trong năm 2008 và 2007 lần lượt là 6 đô la và 6,5 đô la. ARPU đang giảm nhanh chóng và BMI dự báo có thể giảm chỉ còn 3,51 đô la vào năm 2015.

Cũng theo một thống kê sơ bộ của các mạng di động, hiện trên thị trường đang có khoảng 4-5 triệu khách thuê bao luôn đổi mạng để tìm kiếm sự khuyến mãi. Theo các chuyên gia, đây chính là những trở ngại, thách thức đối với thị trường viễn thông Việt Nam, cần được sớm giải quyết mới có hy vọng đạt được sự phát triển bền vững và đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Mạng 3G mặc dù đã được triển khai nhưng chưa thực sự được tận dụng và chưa ổn định tại Việt Nam. Công nghệ 3G bắt đầu đưa dữ liệu số vào trong thiết bị di động và cái quan trọng nhất của dữ liệu số này sẽ phải là nội dung thông tin dựa trên chính phủ điện tử và thương mại điện tử. Những nội dung thông tin này mới là giá trị gia tăng đem lại lợi nhuận cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ nội dung số vẫn còn đang nghèo nàn.

Chính vì vậy, một khi thị trường viễn thông di động bão hòa thì các nhà mạng buộc phải đầu tư có chiều sâu cho chất lượng mạng và dịch vụ chăm sóc khách hàng thì mới mong tiếp tục phát triển.

Giữ chân khách hàng

Các mạng di động như VinaPhone, MobiFone và Viettel đều khẳng định rằng số khách hàng thuê bao của họ vẫn đang tăng, nhưng rất chậm. Thậm chí có nhà mạng lớn còn nói rằng ở thời điểm này việc giữ chân khách hàng cũ còn quan trọng hơn cả việc phát triển khách hàng mới, đặc biệt là giữ chân khách hàng thuê bao trả sau.

Trước đây, nhiều khách hàng của VinaPhone phàn nàn rằng họ đã trung thành với mạng di động này hàng chục năm nhưng hầu như chẳng bao giờ được ngó ngàng đến.

Đầu tháng 8, VinaPhone đã triển khai dịch vụ EZPay giúp người thuê bao di động trả sau có thể thanh toán cước phí nhanh chóng, thuận tiện bằng chính thẻ cào trả trước. Với dịch vụ mới này, khách hàng sẽ không phải mất thời gian ra bưu điện hoặc các trung tâm giao dịch của VinaPhone mà chỉ cần mua thẻ trả trước VinaPhone ở bất cứ đại lý hay cửa hàng thẻ nào là có thể dễ dàng thanh toán cước hằng tháng.

Trong khi đó, mạng MobiFone lại đầu tư mạnh cho hạ tầng thông tin phục vụ khách hàng bằng việc cho khách hàng lựa chọn nhiều hình thức liên lạc, tìm hiểu thông tin thông qua hệ thống kênh tư vấn, giải đáp thắc mắc. Ngoài các đại lý, điểm giao dịch hỗ trợ tư vấn trực tiếp, khách hàng MobiFone có thể gọi vào tổng đài 18001090 trả lời tự động, gọi tới các đầu số 9244 hay đường dây nóng 144. Bên cạnh đó, MobiFone cũng mở kênh tiếp nhận và trả lời thông tin qua e-mail và công cụ chat trực tuyến tại địa chỉ web www.mobifone.com.vn.

Cùng với việc chăm sóc khách hàng tốt hơn, các nhà mạng cũng đánh mạnh vào các thị trường ngách với khách hàng như sinh viên, cán bộ đoàn, các cặp đôi và kể cả ngư dân. Theo thống kê sơ bộ, MobiFone có các gói cước Q-Teen, Q-Student; Viettel có gói cước Tomato cho học sinh, sinh viên; S-Fone từng tung ra các gói cước FreeOne cho các cặp vợ chồng, tình nhân dùng trọn gói một tháng chỉ 250.000 đồng. Hay, Vietnamobile có gói cước Heart2Heart gọi miễn phí từ 22 giờ đến 10 giờ ngày hôm sau cho các cặp tình nhân; VinaPhone có gói TalkEZ dành cho học sinh, sinh viên...

Giữa tháng 8, Viettel tung gói cước Sea+ dành cho ngư dân có tính năng đặc biệt như cung cấp miễn phí bản tin thời tiết biển hằng ngày và có giải đáp thông tin về thời tiết của tổng đài số 1111, đồng thời giảm 50% cước gọi tới 10 số di động Viettel.

Đua ra biển lớn

Nhìn thấy thị trường trong nước đã chạm ngưỡng bão hòa, mới đây MobiFone đã bày tỏ ý định đầu tư ra nước ngoài. Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch của MobiFone, cho biết mạng di động này dự kiến sẽ đầu tư phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân.

Theo MobiFone thì việc đầu tư ra nước ngoài ở thời điểm này là vô cùng khó khăn và nhiều thử thách, nhưng là việc cần thiết phải làm để phát triển.

Trước MobiFone, Viettel là người đi tiên phong ra thị trường nước ngoài khi chính thức kinh doanh tại Campuchia từ năm 2009. Với kinh nghiệm tích lũy tại thị trường này, đến nay Viettel đã đầu tư sang Haiti, Mozambique và Peru. Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết tình hình đầu tư ra nước ngoài của Viettel rất khả quan. Mục tiêu của Viettel đến năm 2015 là sẽ có thị trường quy mô 300-500 triệu dân. Nếu đạt được con số này, Viettel sẽ đạt doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3-5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

Theo một nguồn tin từ FPT, tập đoàn cũng này đang có ý định đầu tư ra nước ngoài. Hiện FPT đã xây dựng kết nối mạng đường trục đến đường biên giới, từ đó cung cấp dung lượng kết nối cho các nhà khai thác tại Lào và Campuchia. Ngoài mục tiêu đầu tư vào hai nước này, FPT cũng đang chuẩn bị bước vào thị trường Nigeria khi đầu tháng 7 vừa qua đã cùng Công ty 21st Century Technologies của Nigeria ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị. Trong đó, FPT sẽ tìm cơ hội hợp tác trong các dịch vụ băng thông rộng, nội dung số, trò chơi trực tuyến, các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông và sản phẩm công nghệ...

Thu Hiền

Theo TBKTSG

Tin nổi bật