"Đau đầu" vì thuê bao cố định rời mạng

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm 73% thị phần điện thoại cố định đang "khóc dở" vì số thuê bao "rũ áo ra đi" ngày càng tăng. Trước nhiều lần "kêu cứu", Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Thông tư 22/2011/TT-BTTT nhằm giảm bớt phần bù lỗ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cố định bằng cách nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt từ 270 đồng/phút lên 415 đồng/phút kể từ ngày 1/10.

Khi khách hàng không mặn mà

Giá cước di động ngày càng rẻ, cộng với các chương trình khuyến mại ồ ạt đã khiến người dân sử dụng dịch vụ viễn thông không còn mặn mà với cố định - dịch vụ vốn lên "ngôi" từ nhiều năm.

Gia đình anh Nguyễn Sơn Nam - Phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) nói: "Tôi vừa làm thủ tục ngừng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định có dây và một máy không dây. Cả ngày gia đình đi vắng hết, tối về liên lạc lại sử dụng di động vì tài khoản khuyến mại còn nhiều. Vì vậy, mấy tháng gần đây, gia đình tôi chỉ còn phải trả tiền cước thuê bao điện thoại cố định gần 30.000 đồng/tháng và tiền cước cuộc gọi phát sinh trả thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/tháng". Anh Nam cho biết thêm: Vài năm trước, khi giá cước di động còn đắt đỏ thì mỗi tháng gia đình anh phải tiêu tốn vài trăm nghìn đồng tiền cước.

Nhà mạng “khóc dở” khi thuê bao "rũ áo ra đi" ngày càng tăng.

Không chỉ gia đình anh Nam, mà giờ đây, rất nhiều gia đình tại Hà Nội cũng không còn mặn mà với điện thoại cố định. Thậm chí một số thanh niên còn ví von nói ngược về việc dùng điện thoại cố định như là một dịch vụ "xa xỉ".

Đại diện VNPT cho rằng: Doanh thu từ dịch vụ cố định đang giảm rất nhanh (khoảng 20%/năm) và VNPT đã phải lấy các nguồn thu khác để bù vào bởi chi phí để phát triển và duy trì một số thuê bao điện thoại cố định mới vẫn tăng lên nhưng lợi nhuận lại đi xuống.

Ông Vũ Tiến Dương, Phó Ban Kinh doanh của VNPT từng cho hay: Doanh thu của mỗi thuê bao điện thoại cố định của VNPT hiện chỉ còn 40.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi thuê bao chỉ gọi khoảng 20.000 đồng/tháng, còn lại 20.000 đồng là cước thuê bao. VNPT đang phải bù lỗ cho điện thoại cố định rất lớn. Không chỉ vậy, VNPT cũng như một số doanh nghiệp viễn thông khác đang phải đối mặt với việc "rũ áo ra đi" của khá nhiều thuê bao. Theo ước tính, VNPT mất đi khoảng 1 triệu thuê bao cố định/năm. Trong khi đó, "việc ngành điện tăng giá thuê cột điện cũng khiến VNPT gặp khó khăn. Với giá treo cáp để cung cấp dịch vụ điện thoại cố định tới nhà khách hàng khoảng 20.000 đồng/cột/tháng, thì những nơi có ít thuê bao, doanh nghiệp lỗ rất nặng", một cán bộ của VNPT trần tình.

Phía VNPT Hà Nội cũng cho hay: Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 60.000 thuê bao điện thoại cố định ngừng hoạt động để chuyển sang dùng di động. Trong khi đó, chi phí để phát triển và duy trì thuê bao điện thoại cố định mới vẫn tăng lên, nhưng lợi nhuận lại ngày càng giảm, thậm chí là lỗ.

Theo các chuyên gia viễn thông, nếu như việc gia nhập thị trường di động đang khó khăn do liên quan đến tài nguyên tần số, thì dịch vụ cố định lại được mở cho tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện. Nhiều giấy phép cung cấp dịch vụ cố định đã được cấp cho SPT, FPT... hay những tên tuổi mới như Gtel, AVG... vẫn chỉ mang nặng tính "hữu danh vô thực".

Chia sẻ khó khăn

Không chỉ đối mặt với việc thuê bao cố định ngày càng sụt giảm mà VNPT cũng đã từng đề cập tới sự bất ổn của chính sách cước kết nối giữa di động và cố định, gây bất lợi cho dịch vụ điện thoại cố định. Cụ thể: Với mỗi phút kết nối từ mạng di động sang mạng cố định, nhà mạng di động chỉ phải trả cho nhà mạng cố định 270 đồng/phút. Trong khi đó, nhà mạng cố định phải trả tới 415 đồng với mỗi phút kết nối từ dịch vụ điện thoại cố định sang mạng di động.

Trước sự việc này, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư 22, được xem là biện pháp "cứu" thuê bao cố định. Theo đó, từ ngày 1/10 tới, cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt, cước kết nối cuộc gọi là 415 đồng/phút (chưa bao gồm VAT). Như vậy, mức cước kết nối này đã tăng thêm 145 đồng/phút. Các mức cước trên không phân biệt giờ bình thường, thấp điểm hay cao điểm.

Trao đổi với Tin Tức, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT-TT Hà Nội) cho biết: Bộ TT-TT đã có cơ chế điều tiết để tạo điều kiện cho dịch vụ điện thoại cố định phát triển bởi mạng cố định băng rộng là xương sống của hạ tầng viễn thông quốc gia. Không chỉ vậy, trên nền dịch vụ điện thoại cố định còn có sự phát triển của các dịch vụ giá trị gia tăng khác như: Truyền hình cáp IPTV, chương trình MyTV, Internet ADSL...

Theo ông Sỹ, việc Bộ TT-TT đã chuẩn bị Dự thảo cho Chương trình phổ cập các dịch vụ viễn thông và Internet đến mọi người dân trong cả nước, trong đó có đề cập việc ưu tiên hỗ trợ phát triển mới điện thoại có dây nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững là giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp phát triển dịch vụ điện thoại cố định.

Theo đó, giai đoạn 2011-2015, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) sẽ hỗ trợ các gia đình sử dụng dịch vụ viễn thông tại 69 huyện nghèo, các xã đảo xa bờ cùng 32 xã hiện vẫn "trắng" dịch vụ viễn thông và Internet. Chương trình này không sử dụng chỉ tiêu mật độ thuê bao điện thoại cố định/100 dân để đánh giá mức độ phát triển dịch vụ VTCI mà tính theo số hộ dùng điện thoại cố định (có dây và không dây). Đặc biệt, Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2011-2015 đã xác định rõ mục tiêu ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng băng rộng; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu phát triển để sản xuất ra các trang thiết bị, nhất là thiết bị đầu cuối phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI.

Minh Phương

Theo TTXVN

Tin nổi bật