Sống xanh từ những cuốn sách cũ

Những cuốn sách cũ có thể không cần thiết nữa với người này, nhưng lại hữu ích với người khác. Có điều, việc trao tặng sách đến rất nhiều nơi, rất nhiều người trên mọi miền đất nước Việt Nam không chỉ đơn giản là việc trao yêu thương, lan tỏa văn hóa đọc như tất cả thường thấy mà dự án Căn phòng đầy sách còn hy vọng thông qua hoạt động này, mọi người sẽ hiểu rõ hơn triết lý kinh doanh, sống xanh từ những cuốn sách cũ của các bạn trẻ thế hệ 9x.

Trần Đăng Thịnh bên lô sách chuẩn bị tặng một cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nói như nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ Vương Hồng Sển (1902-1996) trong cuốn Thú chơi sách thì "Vũng nước ngọt giữa bãi sa mạc, đối với kẻ lỡ độ đường, quý hơn vàng xoàn. Thư viện, đối với người biết chữ, là một bồng lai tiên đảo để cho họ sống một đời lạc thú, an nhàn, vô tư lự, cạnh những thức ăn tinh thần vừa dạy luyện bắp thịt, vừa dạy luyện trí óc". Với dự án Căn phòng đầy sách, bên cạnh thú chơi sách, nó còn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng.

Triết lý sống xanh

Hẹn gặp nhiều lần nhưng vì dịch Covid-19 nên mãi tôi mới gặp được Trần Đăng Thịnh, trưởng nhóm dự án Căn phòng đầy sách tại Tiệm sách truyện cũ Casanova của anh. Không khó để tìm được ngôi nhà nằm trên đường Trương Hán Siêu, phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Con đường tập trung nhiều hộ kinh doanh và người xe qua lại liên tục, với đủ thứ âm thanh hỗn tạp, tôi vẫn cảm nhận được sự tĩnh lặng, thoáng đãng của một căn phòng đầy sách là sách. Sách được bầy kín hai bên lối đi, được chồng trên những kệ gỗ thay vì xếp trên các tủ gỗ hay giá sắt như thường thấy ở nhiều hiệu sách và được Thịnh sắp xếp theo từng chủ đề vào mỗi khu vực riêng.

Bỏ qua sự choáng ngợp ban đầu khi đứng giữa căn phòng đầy sách của Thịnh và các cộng sự trong nhóm, ý nghĩ về sự mênh mông của lượng tri thức trong đó và nhớ lại một ai đó đã ước chừng lượng sách nhỏ bé mà chúng ta có thể đọc được trong đời người, tôi thấy bất ngờ hơn về ý nghĩa của dự án Căn phòng đầy sách mà Thịnh và các bạn thực hiện trong hơn bốn năm qua từ những cuốn sách cũ.

Trong quá trình hoạt động của mình, dự án đã trao tặng sách đến rất nhiều nơi như trường đại học, trường mẫu giáo, cơ sở tôn giáo, các lớp học tình thương, kết nối với những dự án giáo dục khác... Thịnh nhẩm tính, đến hiện tại đã có khoảng hơn 10.000 đầu sách các thể loại được anh và nhóm trao tặng bằng hình thức trực tiếp hoặc trung gian. Đáng chú ý, bên cạnh việc kêu gọi ủng hộ những đầu sách văn học, truyện tranh..., dự án còn kêu gọi ủng hộ sách giáo khoa để trao tặng các bạn học sinh miền trung, nơi đã trải qua những cơn bão lịch sử trong năm 2021 và 2022.

Nếu chỉ là việc tặng sách, xây dựng thư viện thì nhiều nơi, nhiều cá nhân và tổ chức cũng đã làm trước đó, thậm chí còn lớn hơn, quy mô hơn. Điểm đặc biệt ở Căn phòng đầy sách là nhóm không chỉ hướng đến mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc mà còn nhằm bảo vệ môi trường thông qua hoạt động tặng sách, tặng đồ cũ. Nghĩa là nhóm còn hơn một tổ chức thiện nguyện. Theo Thịnh, Tiệm sách truyện cũ Casanova sẽ thu mua sách cũ phục vụ cho việc kinh doanh của mình, như sử dụng, bán lại cho người có nhu cầu. Những loại sách không phù hợp mục đích, bên tiệm không thu mua nhưng để tránh việc người bán bỏ ve chai, đồng nát, tiệm sẽ thuyết phục để họ bán rẻ hoặc tặng lại cho các nhóm sách từ thiện hoạt động cộng đồng bên tiệm. Khi đó, thông qua các hình thức lan tỏa và mục đích hướng đến, nhóm nhận sách sẽ cam kết cho mượn sách đọc hoặc trao tặng sách đến những nơi, những người thật sự cần thiết. Nhờ đó, Căn phòng đầy sách vừa trực tiếp, vừa như cầu nối giúp lan tỏa văn hóa đọc, cũng như biến việc trao sách trở thành vòng tuần hoàn, tận dụng hiệu quả và tránh lãng phí nguồn sách đã qua sử dụng. Đồng thời, nhóm sẽ tạo ra một cộng đồng mà mọi người có thể huy động hoặc tìm đến để trao tặng sách cũ, thay vì bán đồng nát, vứt bỏ hay cất một góc tủ và trên hết là xây dựng cách "sống xanh" giữa người tặng và các nhóm nhận.

Ngoài ra, trong quá trình Tiệm sách truyện cũ Casanova tiếp cận người dọn dẹp nhà cửa, thanh lý sách thì nếu có quần áo, đồ dùng học tập, sổ tay, vở trắng, thú bông, cặp, ba-lô, giày dép... và nhiều đồ dụng sinh hoạt khác đã cũ nhưng còn sử dụng được, tiệm sẽ chuyển giao cho các nhóm công tác xã hội có nhu cầu. Như Thịnh cho biết, hoạt động này sẽ phần nào hạn chế rác thải rắn ra ngoài môi trường. Anh nói thêm: "Tiệm sách truyện cũ Casanova có liên kết với nhiều nhóm công tác xã hội, nhóm sách từ thiện, thư viện cộng đồng và nhóm tái chế đồ cũ cho nên chúng tôi sẽ phân loại phù hợp, tặng đúng nơi, chứ không chỉ là mục đích tặng từ thiện. Thí dụ sách kỹ thuật, nghiên cứu tặng cho các trường đại học, trường dạy nghề, đồ dùng cũ còn sử dụng được tặng cho các nhóm công tác xã hội phục vụ cộng đồng vùng xa, biên giới, trung tâm khiếm thính, nuôi dưỡng chăm lo bà mẹ đơn thân và trẻ em...

Chàng trai thích làm thiện nguyện

Bố mẹ làm nghề giáo và cũng dành thời gian để kinh doanh sách cũ trước đây nhưng với Thịnh, con đường đưa anh đến với dự án Căn phòng đầy sách hoàn toàn ngẫu nhiên. Chàng trai sinh năm 1994 từng học ngành quản trị kinh doanh, Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp (CTIM) cho biết, anh tham gia nhiều hoạt động từ thiện, trong đó có nhóm giải cứu chó mèo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ mô hình này, như việc nhận chó mèo, thông báo tìm người sở hữu hoặc người nhận nuôi trên mạng xã hội, Thịnh nảy ra ý tưởng thành lập một dự án giáo dục phi lợi nhuận được bảo trợ bởi Tiệm sách truyện cũ Casanova. Và dự án Căn phòng đầy sách ra đời vào tháng 11/2018 với các hoạt động chính là tặng quần áo, những đồ vật cần thiết với cuộc sống hằng ngày đã qua sử dụng và nhất là sách cũ.

Thú vị là không biết có phải vì yêu chó mèo hay không mà Thịnh cũng đặt tên tiệm sách truyện cũ của mình là Casanova. Anh cho biết, Casanova là kỷ niệm giữa anh và người anh khi xem phim hoạt hình Tom và Jerry, với một phần có tên Casanova Cat (Mèo Casanova). Theo Thịnh tiết lộ thêm, Casanova cũng là một nhân vật lịch sử nhưng thay vì nói đến Casanova như một người đàn ông hào hoa, quyến rũ, anh muốn nhắc tới ông như một tài năng trong nhiều lĩnh vực và ưa thích xê dịch.

Dù hoạt động của dự án Căn phòng đầy sách rộng khắp, họ vận hành mà không cần nhiều nhân lực và kinh phí, chủ yếu mang tính kết nối. Như Thịnh giải thích, trừ những sách mua vào, nhận tại Tiệm sách truyện cũ Casanova, họ có thể phân loại sách ngay tại nhà người muốn bán hoặc tặng, gửi tạm tại đó trong ít nhất một tuần và sau đó thông báo cho những nhóm công tác xã hội có nhu cầu nhận sách đến lấy. Cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển của nhóm và cũng giúp các nhóm xã hội nắm bắt nhanh thông tin về người tặng sách, số lượng sách hay sách loại gì thay vì mất thời gian kêu gọi trên mạng xã hội.

Trong quá trình đó, vai trò của Thịnh như một người kết nối cộng đồng, làm truyền thông, quản lý nhóm, lan tỏa văn hóa đọc và tư duy sống xanh. Anh cho biết thêm, với các nhóm công tác xã hội có thể trao tặng sách cho tổ chức hay cá nhân nhưng với dự án Căn phòng đầy sách nếu trực tiếp trao tặng sẽ chỉ dành cho các tổ chức, tập thể. Giải thích về điều này, Thịnh nói, họ muốn việc tặng sách mang tính cộng đồng, muốn hoạt động này mang tính tuần hoàn, chẳng hạn như sách tặng cho thư viện sẽ do thư viện quản lý, người này đọc xong sẽ có người khác đọc, trong khi sách tặng cho cá nhân sẽ không thể có tính cộng đồng và lan tỏa lớn. Thế mới nói, đành rằng "của cho không bằng cách cho" hay "tặng sách là một nghệ thuật", những cuốn sách mà Căn phòng đầy sách gửi đi khắp nơi chứa đựng trong đó tình yêu thương, trách nhiệm của các thành viên.

Ngoài ra, họ cũng đề nghị những nhóm được tặng sách khi lấy sách sử dụng thùng giấy, túi vải, bao tải nhằm hạn chế dùng túi ni-lông. Điều đó cho thấy dự án Căn phòng đầy sách rất coi trọng việc bảo vệ môi trường và họ muốn lan tỏa nhiều hơn cách sống xanh.

Theo Thịnh tiết lộ, trong tương lai, nhóm hy vọng dự án Căn phòng đầy sách ngoài hai cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội còn có thể mở rộng ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, họ có thể tham gia các chương trình, cuộc thi để lan tỏa văn hóa đọc. Đúng là họ đang tận dụng sự lãng phí để tạo ra lợi nhuận và đóng góp cho xã hội nhưng họ cũng cần xây dựng một quỹ hoạt động cho việc chạy quảng cáo, họp offline, mở những buổi trò chuyện, buổi đọc sách hay liên kết với một số nhóm khác trong các hoạt động xã hội ở những nơi như bệnh viện, trại giam, làng SOS, trung tâm khiếm thính...

Để theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng đó, tôi biết Thịnh đã phải chấp nhận gác thú sưu tập tờ nhạc sang một bên, vất vả với các công việc làm thêm và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động của dự án. Hàng trăm, hàng nghìn tờ nhạc mà tôi thấy trên bàn làm việc của anh có giá trị không nhỏ nhưng Thịnh cho biết, anh giữ chúng mà không muốn bán đi là để mọi người biết rằng, anh không chỉ mua bán, trao tặng sách cũ mà còn là người sưu tầm. Đây có lẽ cũng là một cách để anh duy trì tình yêu và đam mê với sách cũ. Nhờ đó, ngoài việc biết thêm về anh và dự án khi họ đồng hành cùng Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) trong chương trình "Sống xanh" trong trao tặng sách đến thư viện Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, tôi còn thấy những hoạt động tương tự mà họ và Hội từ thiện Thánh Linh dành cho trẻ em tại Gia Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) hay trao tặng sách cho Thư viện cộng đồng ở thị trấn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông (Kon Tum)...

Chợt nhớ câu "Đừng chê sách cũ sách bong, em như cơm nguội no lòng canh khuya" trong cuốn Thú chơi sách của Vương Hồng Sển. Tôi hiểu rằng sao lại cần chia sẻ với người khác những tri thức trong đó mỗi tủ sách, mỗi cuốn sách và càng thêm trân trọng công việc mà Thịnh và dự án Căn phòng đầy sách đang và sẽ nỗ lực thực hiện nhằm đưa sách đến nhiều nơi, nhiều người trên mọi miền đất nước.

https://nhandan.vn/song-xanh-tu-nhung-cuon-sach-cu-post736425.html

Tin nổi bật