Tết về, nhớ Hội Báo Xuân!

Tết Nhâm Dần 2022 này là tròn 30 năm kể từ Hội Báo Xuân đầu tiên được tổ chức. Tết Nhâm Thân - 1992 là cái Tết đầu tiên Việt Nam mở Hội Báo Tết. Từ đó đến nay, Hội Báo Tết - Báo Xuân đã là một sắc thái văn hóa đặc sắc riêng có của Việt Nam ta.

Hội Báo Tết - Báo Xuân, sắc thái riêng có của Việt Nam

Nói đến khởi lập Hội Báo Tết – Báo Xuân thì chẳng thể nào quên, cho dù đã 30 năm qua đi. Nhớ, sáng mùng 2 Tết năm Tân Mùi (1991), chúng tôi gồm: Nhà báo Phan Quang - Tổng Thư ký (nay là Chủ tịch) HNBVN; Trần Công Mân, Hồ Xuân Sơn - Phó Tổng Thư ký; Hữu Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và tôi (kẻ viết bài này) - Ủy viên Ban Thư ký (nay là Thường vụ) Trưởng ban Nghiệp vụ & Ban Công tác Hội... đón Tổng Bí thư Đỗ Mười tới chúc Tết tại trụ sở 59 Lý Thái Tổ và thăm gian Trưng bày báo, tạp chí Tết tại Nhà Văn hóa 12 Lý Đạo Thành.

Ngày ấy, chúng tôi báo cáo với Tổng Bí thư về thành công bước đầu báo chí đổi mới, phục vụ hữu hiệu sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo... Dịp ấy, chúng tôi xin Tổng Bí thư cho HNBVN hằng năm phối hợp với các Ban, Ngành chức năng mở Hội Báo Tết - Báo Xuân. Nghe chúng tôi nói mục đích, cách thức mở Hội Báo Tết - Báo Xuân cốt để thi đua làm báo đẹp, báo hay; để lan tỏa vai trò báo chí; để gom gửi ấn phẩm báo chí tặng các chiến sĩ biên giới, hải đảo... Tổng Bí thư cho phép, lời như đinh đóng: Làm đi. Làm thật tốt ngay từ Tết tới!...

Hội Báo Tết - Báo Xuân chính thức mở đúng dịp Tết Nhâm Thân – 1992 tại Trung tâm Báo chí số 12 Lý Đạo Thành... năm có sự kiện thiên văn rất đặc biệt. Ấy là ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán trùng với tiết lập xuân (4/2/1992). Cũng có nghĩa là sinh nhật Đảng đúng vào 30 Tết (Ngày 3/2). Sự độc đáo này tạo cảm hứng kép đầy lý thú cho báo chí thi đua làm báo đẹp, báo hay gói trong một kỳ báo đặc biệt (Báo Tết – Báo Xuân). Hầu hết các trang bìa báo đều giăng khẩu hiệu rất đậm: “Mừng Đảng, mừng xuân” hoặc là “Xuân mừng Đảng, mừng đất nước”.

Những tấm pano, biểu ngữ với dòng chữ trên được dựng và giăng cao ở những vị trí quan trọng của phố, phường Thủ đô. Hội Báo mở đầu Tết Nhâm Thân ấy thu hút nhiều trăm tờ báo tham gia. Tết năm sau cũng mở tại Trung tâm này, nhưng trưng bày tới 500 tờ báo, với 12 gian hàng, trong đó 11 gian thuộc Hội Nhà báo các địa phương, tiêu biểu như Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Huế, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng...

Những lần Hội báo mở, các đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ... đều tới dự. Hội Báo Tết – Báo Xuân Mậu Dần (1998) được tổ chức tại Dinh Thống Nhất mừng 30 năm Sài Gòn Giải phóng - thống nhất đất nước mang tên TP.HCM; mừng 300 năm thành lập thành phố, thu hút cả vạn lượt người xem.

Kế tiếp, Xuân Canh Thìn (2000), Xuân kết thúc thế kỷ XX, Xuân báo giới sôi nổi mở Hội thi đua toàn quốc, Xuân chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ VII của HNBVN, nên Hội Báo năm ấy tưng bừng với cả trăm gian hàng, trưng diện cả ngàn tờ báo Tết, cùng các phương tiện truyền thông hiện đại của báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử của Trung ương và địa phương suốt cả tuần tại Nhà Triển lãm Quốc gia Giảng Võ, thu hút cả vạn lượt người xem...

Tham dự Hội Báo, một lão thành nói với chúng tôi: “Thế giới chẳng mấy đâu có được cái Tết linh đình, trọng thể, vui tươi, đậm đà truyền thống như Tết Nguyên đán của Việt Nam. Tập quán cổ truyền, ngày Tết trong các gia đình khó để thiếu cành đào, cành mai, chậu quất, bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ… Nay bức tranh gà, câu đối đỏ giảm đi thì tờ báo Tết lại như một lẽ đương nhiên có của các gia đình. Báo Tết có nhẽ là một đặc trưng duy nhất của Việt Nam. Hội Báo Tết – Báo Xuân như một sắc thái văn hóa đặc sắc riêng có nhất của Việt Nam ta”!.

Những Tết sau này Hội Báo mở tùy theo sự kiện của năm chẵn, năm lẻ... tới những năm lại đây, đổi tên là Hội báo Toàn quốc. Hội Báo mở tưng bừng vào dịp tháng 3 hằng năm, với những chủ điểm sâu đậm, tinh tế, sáng tạo, hấp dẫn lưu dấu trong lòng người tham dự để yêu, để nhớ... Tiếc nỗi, đại dịch COVID-19 đã ngáng trở cả mấy Hội báo Xuân Toàn quốc. Nhưng Hội Báo Tết - Báo Xuân vẫn mở đều dặn, vẫn hay, vẫn đẹp, rộn ràng ở các tỉnh, thành phố khắp mọi miền đất nước...

Báo Tết – Báo Xuân là hay, là đẹp...

Để có được tờ báo Tết thật đẹp, thật hay, sắc thái văn hóa thực sự truyền thống luôn là một kỳ công của mỗi cơ quan báo chí truyền thông. Hay và đẹp đích thực là trí tuệ, là thẩm mỹ, là sự mẫn cảm của những người trực tiếp làm báo Tết, báo Xuân ở khắp mọi miền đất nước, thuộc hết thảy các phương tiện báo in, báo nói, báo ảnh, báo hình, báo mạng v.v...

Làm báo Tết là một kỳ công, là sự đóng góp công sức, trí tuệ của hàng trăm người trong nhiều tháng trời. Sản phẩm báo Tết cũng còn là minh chứng của sự tiến bộ, đổi mới trong kỹ nghệ thông tin… mà những nhà sáng tạo chẳng khi nào chịu dập khuôn theo lối mòn. Họ luôn trăn trở, tìm tòi sao cho báo Tết, chương trình Tết hay hơn, đẹp hơn, sinh động và hấp dẫn hơn lên. Làm báo và chương trình Tết hệt như một cuộc thi đua ngầm mà công chúng luôn là giám khảo đích thực khi sản phẩm báo chí đã là một loại hàng hóa đặc biệt trong cơ chế thị trường.

Hội báo Xuân cũng còn là Hội của trí tuệ, văn hóa, là Hội để giao lưu, học hỏi, hiểu biết, là Hội để làm giàu thêm kinh nghiệm của những người làm báo. Đến với Hội báo Xuân là để trình làng một thứ sản phẩm vô giá của tập thể tòa soạn, để biết cái mình hay, cái mình hơn, cái mình cần hoàn thiện.

Bởi Hội báo Xuân luôn có các cuộc thi: Trình bày báo đẹp, thi xã luận, thi câu đối Tết, thi bìa báo đẹp, thi gian báo hấp dẫn v.v… Cái đẹp bao hàm cái hay, cái đúng, trúng, hấp dẫn có tác động sâu sắc đến tình cảm và suy nghĩ của con người. Nghĩa là báo Tết phải chứa đựng tính truyền thống bản địa (mùa xuân - ngày Tết) tính đổi mới, hiện đại. Một bạn đọc Nghệ An gửi câu đối về Hội báo Xuân Bính Tý (1996) như gợi lên tiêu chí về cái hay, cái đẹp của báo Tết: “Người Việt Nam, cảnh Việt Nam, hương sắc Việt Nam, hòa nhập năm châu luôn giữ gìn tinh hoa, bản sắc/ Dòng Hồng Lạc, cháu Hồng Lạc, tâm hồn Hồng Lạc giao lưu bốn biển phát huy trí tuệ, tài ba”.

Đẹp là thủ pháp, là phương thức tối cần thiết để chuyển tải thông tin, chuyển tải nội dung, góp phần làm nên hiệu quả đích thực của tờ báo. Đáp ứng yêu cầu thông tin cho đối tượng chính là sắc thái mùa xuân với bản sắc riêng của mỗi báo, mỗi tạp chí được thể hiện gắn quyện ngay ở trang bìa (gương mặt tờ báo) và được quán xuyến ở các trang trong.

Căn cốt của việc trình bày báo Tết là cách sắp đặt tin bài sao cho hợp lý, khoa học, logic, tôn nội dung lên. Cái đẹp hàm chứa ngay ở cách chọn kiểu chữ tít, cỡ chữ. Việc sử dụng tranh ảnh minh họa, màu sắc cho mỗi bài viết phải hợp lý, hài hòa sao cho bắt mắt bắt lòng...

Ngày nay, dân trí nâng lên, các kênh truyền hình phát triển mạnh, người đọc khó tính hơn, khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn nên thông tin báo chí cần đa dạng, nhiều chuyên mục, nhiều thể loại, nhiều cái hữu ích để nghe, xem và đọc... Sự kỳ công của người làm báo Tết, làm nên vẻ đẹp truyền thống, dân tộc và hiện đại còn phải nói đến công của nhà in. In ấn đẹp, sáng rõ là một đòi hỏi cao, là cách lưu dấu ấn sự tiến bộ trong kỹ nghệ thông tin…

Xuân ấm đang về tạo thêm cảm hứng cho những nhà báo, nhà thơ, cho các cộng tác viên, ai đó đã nảy ra thơ ăm ắp ý đối, để tôi mãi nằm lòng: “Đất nước vào xuân/ Nét bút nên thơ, thơ có thép/ Non sông đổi mới/ Câu văn có thép, thép nên thơ”!.

Ba mươi năm đã qua, giờ đây Hội báo Tết - Báo Xuân vẫn là một nét đẹp đáng nhớ của làng báo Việt mỗi độ Tết đến Xuân về.

Chào xuân Nhâm Dần – 2022

Nguyễn Uyển

(Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – HNBVN)

Nguồn: congluan.vn

https://congluan.vn/tet-ve-nho-hoi-bao-xuan-post178005.html

Tin nổi bật