Adobe: “Tượng đài” thầm lặng của Thung lũng Silicon

Được thành lập vào năm 1982, tập đoàn phần mềm máy tính Adobe (Mỹ) sắp bước sang tuổi 40. So với những công ty khác tại Thung lũng Silicon, đây từng là một cái tên khá tẻ nhạt.

Adobe: “Tượng đài” thầm lặng của Thung lũng Silicon. Ảnh: AFP

Không thường xuyên xuất hiện trên mặt báo với những phi vụ sáp nhập khổng lồ hay những giám đốc màu mè, Adobe lẳng lặng xâm nhập vào các mảng ngành đang phát triển mạnh mẽ nhất của thế giới, trong đó có công nghệ đại điện toán đám mây.

Kể từ năm 2007 khi ông Shantanu Narayen đảm nhiệm vị trí Giám đốc của Adobe, giá trị vốn hóa thị trường của Adobe đã tăng mạnh mẽ từ 24 tỷ USD lên 307 tỷ USD trong năm 2021. Trong 10 năm, Adobe đã vượt mặt Microsoft và Salesforce, một công ty sản xuất phần mềm đối thủ khác.

Đối với nhiều người, Adobe là “tượng đài” trong mảng phần mềm xuất bản trên máy tính. Công ty này đã đặt ra những tiêu chuẩn mang tính toàn cầu, trong đó có ngôn ngữ PostScript - là một ngôn ngữ lập trình cấp độ cao, có vai trò hướng dẫn vị trí của từng chấm mực cho máy in, và định dạng PDF - một “định dạng tài liệu di động”, cho phép tài liệu in ấn được chia sẻ trực tuyến.

Bên cạnh PostScript, Adobe cũng phát triển nhiều phần mềm chỉnh sửa nội dung số. Một trong đó là Photoshop - cái tên thậm chí đã trở thành một động từ. Phần mềm đắt đỏ này của Adobe được cài đặt trong nhiều máy tính và cập nhật thường niên.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng phát triển và một số công nghệ trở nên bão hòa, thay vì bấu víu vào phương pháp kinh doanh lâu năm nhiều lợi nhuận, ông Narayen đã chớp thời cơ để “tái tạo lại”, điển hình là việc tận dụng công nghệ điện toán đám mây để cải thiện sản phẩm.

Ngày nay, hai mảng kinh doanh phần mềm ban đầu của Adobe đã được chuyển hóa thành hai dịch vụ điện toán đám mây trả phí định kỳ. Đầu tiên là dịch vụ đám mây Document Cloud nhỏ hơn, cung cấp những dịch vụ từ thông thường nhất (như chuyển định dạng văn bản từ PDF sang một định dạng được sử dụng bởi các phần mềm xử lý văn bản) cho tới những dịch vụ tối quan trọng về quản lý văn bản số của các cơ quan chính phủ. Tất cả những dịch vụ này đều đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn giãn cách xã hội do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Mảng kinh doanh còn lại và lớn hơn rất nhiều, là dịch vụ đám mây Creative Cloud, cho phép người dùng chỉnh sửa nhiều loại nội dung số, từ website tới video trên các thiết bị khác nhau.

Tuy nhiên, thành công của Adobe sẽ không vang dội như vậy nếu thiếu đi những bước tiến khác. Một trong số đó là mô hình mà họ đặt tên Mô hình hoạt động điều hướng dữ liệu (DDOM). Đây là mô hình sử dụng dữ liệu để cải thiện các dịch vụ số, đồng thời phát triển những dịch vụ mới, và vòng xoay này lặp lại liên tục.

Với những thành công bước đầu, Adobe tiếp tục phát triển dịch vụ đám mây thứ ba có tên Experience Cloud. Đây là dịch vụ cho phép những công ty khác tối ưu hóa chính các sản phẩm số của mình. Bên cạnh đó, dịch vụ “cũng cho phép người trả phí theo dõi hành vi của khách hàng trực tuyến và đưa ra phương pháp tốt nhất giúp họ bán được sản phẩm, bên cạnh một số chức năng khác.

Một bước tiến quan trọng khác là cơ cấu quản lý của Adobe. Trong khi một số tập đoàn công nghệ khác như Apple áp dụng phương pháp quản lý vi mô từ trên xuống, hoặc Alphabet áp dụng phương pháp quản lý từ dưới lên - vốn gần như quá lỗi thời, Adobe kết hợp hai phương pháp này một cách nhuần nhuyễn.
Ông Narayen sẽ là người đưa ra mục tiêu và những nhân viên quản lý sẽ đề ra lộ trình thực hiện cụ thể. Ví dụ, để mô hình DDOM và Experience Cloud hoạt động hiệu quả, ông đưa ra một mục tiêu cụ thể và chính xác, đó là nền tảng dữ liệu của Adobe phải có khả năng cung cấp nội dung trong vòng dưới 1/10 giây. Tuy nhiên, việc làm thế nào để đạt được mục tiêu này sẽ tùy thuộc vào các kỹ sư.

Những dịch vụ đám mây đầy tiện lợi, mô hình hoạt động sáng tạo và phương pháp điều hành phân cấp rõ ràng có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho những kết quả kinh doanh khả quan của Adobe. Quý III/2021, doanh thu tập đoàn tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 3,9 tỷ USD, và biên lợi nhuận hoạt động đạt 46%, theo Bernstein.

Cho đến nay, thị trường dịch vụ dữ liệu toàn cầu vẫn còn rất hứa hẹn. Vào ngày 7/10, Adobe đã hoàn tất thương vụ trị giá 1,3 tỷ USD nhằm mua lại Frame.io, một dịch vụ chỉnh sửa video. Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ trí thông minh nhân tạo cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội mới, ví dụ như sự ra đời của một sản phẩm gần đây của Adobe có khả năng biến file PDF thành một trang web, có thể được sử dụng dễ dàng trên điện thoại thông minh. Ngoài ra, việc phát triển những công nghệ tương tự có thể giúp các nhà sáng tạo nội dung làm việc hiệu quả hơn và giúp Photoshop trở nên thân thiện hơn với người mới sử dụng.

“Nền kinh tế sáng tạo” vẫn còn rất non trẻ. Cùng với đó, khái niệm mới mang tên “metaverse” (vũ trụ số) nhằm kết nối nhiều thế giới ảo khác nhau hiện cũng đang trở nên rầm rộ và ngày càng quen thuộc đối với thế giới. Đây được kỳ vọng là một “miền đất hứa” để Adobe tập trung khai thác trong tương lai./.

Nguồn: Quang Minh-Phương Nga/bnews.vn

https://bnews.vn/adobe-tuong-dai-tham-lang-cua-thung-lung-silicon/219993.html

Tin nổi bật