Phóng viên tác nghiệp trong dịch COVID-19: Những ngày không quên

Trong gần 2 năm xảy ra dịch COVID-19, những phóng viên, nhà báo không quản hiểm nguy vào tâm dịch để tuyên truyền cũng là những chiến chiến sỹ xung kích trên mặt trận truyền thông.

Phóng viên Danh Lam tác nghiệp trong tổ dân phố My Diềm 1, huyện Việt Yên (Bắc Giang). (Ảnh: TTXVN)

Nghề báo là một trong số ít nghề nghiệp không vì dịch COVID-19 mà ngừng lại, thậm chí, nhiều phóng viên, nhà báo, nhiều cơ quan báo chí còn phải làm việc với cường độ công việc cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường để kịp thời đưa những thông tin cần thiết đến bạn đọc.

Đó là khi tham gia các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp bất kể ngày đêm, là khi phóng viên bất chấp hiểm nguy để lao vào tâm dịch, ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn… để có được những dòng thông tin nóng hổi, những bức ảnh, những thước phim chân thực, sống động chuyển tải đến độc giả.

Lao vào “điểm nóng”

Nhận quyết định về công tác tại Cơ quan thường trú Bắc Giang từ đầu tháng 5/2021, đúng vào thời điểm dịch bùng phát, nhà báo Lê Danh Lam không kịp có thời gian để làm quen với địa bàn như những phóng viên mới khác, mà trực tiếp lao vào những “điểm nóng” để tác nghiệp.

“Cơ quan thường trú có 3 phóng viên, một nữ đồng nghiệp đang nghỉ chế độ thai sản. Được sự hỗ trợ của anh Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Cơ quan thường trú TTXVN tại Bắc Giang, tôi cũng nhanh chóng tiếp cận được công việc," nhà báo Lê Danh Lam chia sẻ.

Ý thức được việc tuyên truyền trong tâm dịch là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, bởi số lượng người mắc COVID-19 quá nhiều song nhà báo Lê Danh Lam cùng đồng nghiệp vẫn quyết tâm xông vào tâm dịch, nỗ lực bằng mọi cách để có được những hình ảnh, những dòng thông tin nhanh, nóng hổi về tình hình dịch bệnh gửi về cơ quan.

Anh cùng với các đồng nghiệp của mình không ngần ngại lao vào những “điểm nóng” ở tâm dịch Bắc Giang như thị trấn Nếnh, tổ dân phố My Diềm... và đặc biệt thôn Tru Đồng, nơi bị cách ly đặc biệt do số lượng người mắc COVID-19 được phát hiện rất nhiều và mật độ dân cư đông đúc…

Nhà báo Lê Danh Lam chia sẻ tác nghiệp trong cái nắng nóng khủng khiếp của những ngày hè thực sự rất vất vả, bởi các anh phải trùm lên người bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi túa ra ướt đẫm, vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, khi vào trong vùng tâm dịch là huyện Việt Yên, tận mắt chứng kiến lực lượng y tế, vũ trang, thanh niên... và chính quyền địa phương đang căng mình ra chống dịch, các anh quên đi những vất vả của mình, quên cả những hiểm nguy đang rình rập, chỉ mong sao có những hình ảnh, những dòng thông tin chính xác, nhanh chóng và kịp thời chuyển tải đến bạn đọc.

“Hình ảnh ấn tượng và gây xúc động nhất với chúng tôi là khi vào khu cách ly các trường hợp F1 có 12 em nhỏ tầm 2-3 tuổi, lứa tuổi đáng ra phải được chăm bẵm, bế bồng, nhưng ở đây, các em tự mình làm mọi việc. Đến giờ ăn cơm, nghe loa gọi tên, các em tự ra lấy suất cơm của mình mang về, tự ngồi xúc cơm ăn, ăn xong lại tự giác mang bát đũa ra để đúng nơi quy định, rồi tự giác đeo khẩu trang để phòng bệnh, kể cả khi ngủ… Những hình ảnh ấy khiến các phóng viên nghẹn lòng," nhà báo Lê Danh Lam bùi ngùi nhớ lại.

Khi được hỏi, tác nghiệp trong tâm dịch như thế có sợ không? Nhà báo Lê Danh Lam thành thật: "Sợ chứ, sợ nhất là mình không phòng hộ cẩn thận, chẳng may lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng, bởi đặc thù nghề nghiệp khiến mình đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nếu chẳng may bị nhiễm thì sẽ rất mệt. Chính vì vậy, tôi luôn ý thức tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng hộ, phun xịt khử khuẩn liên tục, học cách mặc và cởi đồ bảo hộ theo đúng trình tự như bác sỹ hướng dẫn… để bảo vệ mình an toàn khi tác nghiệp."

Vất vả, hy sinh của tuyến đầu chống dịch

Là phóng viên theo dõi mảng thời sự, phóng viên Vũ Thị Liễu, báo điện tử VTC News liên tục xông pha vào những địa bàn xuất hiện các ca mắc COVID-19 để viết tin, bài, nhưng ấn tượng nhất là đợt tác nghiệp tại ổ dịch Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hồi tháng 5 vừa qua.

Phóng viên Vũ Thị Liễu kể tình cờ khi liên hệ với lãnh đạo huyện qua điện thoại, được biết trong vùng cách ly có nhiều trường hợp đặc biệt, nhiều cái hay để khai thác, chị cùng đồng nghiệp nhanh chóng hội ý rồi quyết định tiến vào ổ dịch ở làng Mão Điền.

"Để tiếp xúc và phỏng vấn các trường hợp F1, chúng tôi phải đánh đổi rất nhiều. Sau khi mặc quần áo bảo hộ, phun khử khuẩn theo hướng dẫn của bác sỹ, chúng tôi vượt qua hàng rào vào sâu khu cách ly. Các trường hợp F1 mà chúng tôi tiếp xúc khi đó toàn là bố mẹ, anh chị em ruột của các trường hợp F0 ở làng Mão Điền. Ngay khi chúng tôi đang phỏng vấn, có trường hợp F1 sốt rất cao, có khả năng thành F0 bất cứ lúc nào. Thú thực lúc đó, chúng tôi cũng rất sợ, nhưng vẫn cố làm cho xong để hoàn thành nhiệm vụ," chị Liễu kể.

“Lúc làm không nghĩ nhiều nhưng đến khi làm xong, ra ngoài, chúng tôi cũng thấy hoang mang, lo lắng. Bây giờ mình sẽ về đâu, về như thế nào. Ở nhà còn bố mẹ, con nhỏ, rồi hàng xóm láng giềng, chẳng may mình lây bệnh rất nguy hiểm… Tôi đã gọi điện về nhà, nhờ ông bà đón các con qua nhà ông bà ở, còn tôi tự ra phường khai báo y tế, cam kết tự cách ly tại nhà một mình," nhà báo Vũ Thị Liễu chia sẻ.

Nhà báo Vũ Thị Liễu kể chị từng đi tuyên truyền ở vùng tâm dịch nhiều, cũng nhiều lần mặc đồ bảo hộ, nhưng trước đây là mùa Đông nên không cảm thấy khó chịu lắm. Lần này, dịch bùng phát đúng mùa Hè nắng nóng, khi mặc bộ đồ bảo hộ, mới chỉ nửa tiếng mà đã không thể chịu nổi, lúc đó thấy thương các y bác sỹ, những người cả ngày phải mặc bộ đồ đó, không biết sẽ khó chịu và khổ như thế nào.

Tác nghiệp trong khu cách ly, chị chứng kiến nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Chị đã lặng người khi nghe một anh bộ đội rơi nước mắt kể, bố anh bị tai biến mà anh không thể về chăm được. Chị đã xót xa khi chứng kiến hai em bé có bố vừa qua đời do COVID-19, mẹ và anh trai đều dương tính, đang được cách ly điều trị. Hai chị em bé phải tự chăm sóc nhau trong khu cách ly Thuận Thành, Bắc Ninh…

“Tận mắt chứng kiến và nghe những câu chuyện trong khu cách ly, tôi thấy thương bà con và thấy dịch thật đáng sợ, nó cướp đi quá nhiều thứ của chúng ta. Dịch không những ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, mà nó còn khiến cho người trong gia đình phải chia ly, người làm con không giữ tròn được chữ hiếu, cha mẹ ốm đau không được ở bên chăm sóc, cha mẹ qua đời cũng không được về chịu tang… Từ những trải nghiệm trực tiếp của bản thân, tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao chuyển tải một cách chân thực nhất những gì mình đã chứng kiến đến bạn đọc, để mọi người biết là tuyến đầu chống dịch đã phải vất vả hy sinh quá nhiều, để mọi người thấy được những đau thương, mất mát, đáng sợ của dịch… để mỗi người dân đều có ý thức hơn trong việc chung tay phòng chống dịch," nhà báo Vũ Thị Liễu chia sẻ.

Những ngày tác nghiệp khó quên

Với nữ nhà báo Mạnh Minh, phóng viên cơ quan đại diện TTXVN tại Hải Dương, những ngày tác nghiệp trong tâm dịch Hải Dương đợt Tết Nguyên đán 2021 khiến chị không thể nào quên.

“Đến giờ ngồi nghĩ lại những ngày ăn ngủ với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 ở Hải Dương mà tôi vẫn toát mồ hôi. Trong suốt 2 tháng dịch bùng phát, nhiều cảm xúc đan xen lắm. Mệt mỏi vì áp lực thông tin xen lẫn lo lắng, xúc động, vui mừng…," nhà báo Mạnh Minh nhớ lại.

Tháng 8/2020, một đợt dịch bùng phát tại trung tâm thành phố Hải Dương. Đợt dịch xảy ra đầu năm 2021 là đợt căng thẳng nhất vì số ca mắc tăng cao kỷ lục và cũng vì xảy ra vào giáp Tết Nguyên đán, nên tình hình càng thêm phức tạp.

Nhà báo Mạnh Minh kể chị còn nhớ rất rõ sáng 28/1/2021, khi dự cuộc họp khẩn do Đoàn công tác của Bộ Y tế về làm việc với tỉnh, chị hiểu tính chất đợt dịch này vô cùng nguy hiểm, vì nó xảy ra tại một công ty có hơn 2.000 công nhân trong Khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh.

Làm xong tin thời sự về cuộc họp đã trưa, chị cùng một bạn phóng viên Truyền hình Nhân Dân chỉ kịp ăn vội chiếc bánh bao, rồi phóng xe máy gần 40km xuống thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh để phản ánh thực tế tại tâm dịch, cũng như những hình ảnh đầu tiên khi thành phố thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Đến nơi, sau khi ghi nhận thông tin, hình ảnh về điểm phong tỏa ở thôn Kim Điền xong, chị và đồng nghiệp tiếp tục ra ghi nhận không khí lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, rồi làm tin, bài phản ánh gửi về cơ quan.

“Mặc dù trang bị bảo hộ kỹ càng theo quy định nhưng có lẽ do trời lạnh, lại chạy xe máy đường xa, làm việc căng thẳng, tối đó về, tôi bắt đầu có biểu hiện mệt trong người và nuốt nước bọt thấy đau họng. Tôi đã rất lo lắng, rủ chị đồng nghiệp đi cùng hôm trước đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm. Thời gian chờ kết quả tôi thực sự lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí ám ảnh đến mức, tôi ngủ mơ thấy mình mắc COVID-19 và phải nhập viện. Đến ngày hôm sau, khi nhận được thông báo xét nghiệm âm tính, tôi mới thở phào và yên tâm tiếp tục công việc. Khi Hải Dương trở lại thời kỳ hết giãn cách, tôi thở phào vì mình đã vượt qua mùa dịch một cách an toàn mặc dù bị sút mất mấy cân. Nhưng tôi vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ thông tin và vui hơn nữa là toàn bộ anh em trong cơ quan thường trú không ai bị mắc bệnh," nhà báo Mạnh Minh nhớ lại.

Những ngày tác nghiệp trong tâm dịch, rất nhiều hình ảnh, rất nhiều câu chuyện đã để lại ấn tượng sâu sắc và khiến chị xúc động.

Đó là khi đi viết bài về tình người trong tâm dịch, xúc động khi chứng kiến cảnh những chị lưng áo đẫm mồ hôi khi đi thu hoạch nông sản, dọn dẹp nhà cửa, cho vật nuôi ăn hàng ngày… giúp cho những gia đình cả nhà bị đi cách ly tập trung.

Đó là khi chị đi ghi hình, phỏng vấn cá nhân, doanh nghiệp đứng ra thu mua rau tại các vùng trồng rau của xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc để tiếp tế người dân đang cách ly, rồi theo đoàn xe tình nguyện từ ruộng rau về đến tâm dịch của huyện Cẩm Giàng.

Nhóm phóng viên cơ quan thường trú TTXVN tại Hải Dương phỏng vấn người dân về tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tháng 3/2021. (Ảnh: TTXVN)

Rồi vừa tác nghiệp, chị vừa tham gia kết nối nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố hỗ trợ Hải Dương chống dịch, vận chuyển và đưa hàng hóa cũng như các khoản tài trợ đến những điểm tiếp nhận…

Chứng kiến cảnh mọi người dù rất mệt mỏi nhưng vẫn khẩn trương với công việc, khi ấy, chị thấm thía hơn lúc nào hết câu nói “cả xã hội chung tay chống dịch."

Một trong những lần tác nghiệp để lại ấn tượng sâu sắc với nhà báo Mạnh Minh là lần vào tâm dịch thành phố Chí Linh ghi nhận không khí chuẩn bị đón Giao thừa.

Chị đến thăm một gia đình, chứng kiến cảnh hai cụ già ngoài 80 tuổi, ngậm ngùi chia sẻ tâm trạng buồn tủi khi năm đầu tiên đón Tết mà không được sum vầy với con cháu.

“Nhìn hai bác gọi điện cho con cho cháu chúc Tết, trong lòng tôi trào dâng nỗi nhớ nhà và nhớ bố mẹ ở quê, thèm đến vô cùng không khí tất bật dọn dẹp, nấu nướng bữa cơm tất niên và 3 ngày Tết... Nhưng rồi tôi tự nhủ, đâu chỉ riêng mình, mà có hàng nghìn người lao động xa quê, hàng nghìn người trong khu cách ly cũng không được đón cái Tết đoàn viên, việc mình không về nhà cũng đã góp một phần nhỏ vào mục tiêu chiến thắng dịch bệnh," nhà báo Mạnh Minh chia sẻ.

Nhà báo Mạnh Minh cho biết những ngày tác nghiệp trong tâm dịch rất mệt mỏi và áp lực, chị cũng thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi thăm tình hình cuộc sống và sức khỏe từ người thân, đồng nghiệp và lãnh đạo cơ quan… sự quan tâm của mọi người chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn để giúp chị hoàn thành công việc được giao, có được nhiều hình ảnh, tin bài chất lượng, kịp thời chuyển đến độc giả.

Đó chỉ là một vài câu chuyện trong số hàng trăm chuyện về những nhà báo tác nghiệp ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Ngoài Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…, hàng trăm phóng viên ở các cơ quan báo chí khác nhau cũng lăn xả vào tâm dịch để có được những hình ảnh, những thông tin nóng hổi xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên mặt báo.

Có thể nói, trong gần 2 năm dịch COVID-19 xảy ra, ngoài tuyến đầu chống dịch là đội ngũ y bác sỹ, lực lượng an ninh, quân đội…, những cơ quan báo chí, những phóng viên, nhà báo không quản hiểm nguy vào tâm dịch để tuyên truyền cũng là những chiến chiến sỹ xung kích trên mặt trận truyền thông, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch.

Nói về vai trò của nhà báo trong mặt trận chống COVID-19, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định báo chí đã phản ánh một cách kịp thời, sống động, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của giới báo chí đối với những việc trọng đại, trọng tâm, trọng điểm của đất nước.

Có thể nói, tinh thần dấn thân quên mình của các nhà báo trong hoạt động tác nghiệp là một điểm rất nổi bật trong năm nay. Ở nơi nào khó khăn, các nhà báo đều có mặt. Dù đó là trên mặt trận chống dịch COVID-19, hay trên mặt trận chống lũ lụt, thiên tai...

Các tác phẩm báo chí thuộc các thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình… đều thể hiện một cách hết sức sống động với nhiều tác phẩm xuất sắc.

"Điều đó cho thấy sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm với xã hội của các nhà báo, cho thấy tinh thần dấn thân, tinh thần hy sinh, tinh thần quả cảm của các nhà báo khi tác nghiệp, bởi tác nghiệp ở những địa bàn như vậy, là nhà báo phải đối diện với khó khăn, thách thức, hiểm nguy và đôi khi là nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng điều này cũng có nghĩa, các nhà báo đã góp phần làm sáng ngời tinh thần chiến đấu của báo chí, tinh thần làm nghề hết sức đúng đắn, dũng cảm để khẳng định giá trị tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam - một nền báo chí lấy nhân dân, đất nước để phục vụ...," nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh./.

Nguồn: Phương Lan (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=721413
Tin nổi bật