Bộ sách giúp hiểu về dịch bệnh

Bước sang năm thứ hai của dịch Covid-19, tốc độ lây lan nhanh chóng cùng sự xuất hiện biến thể mới của virus khiến công tác kiểm soát và phòng chống dịch ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Đặc biệt những ngày gần đây, các ca bệnh đang tăng lên một cách chóng mặt, thực sự khiến nhiều người lo lắng.

Với mong muốn đồng hành trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, Omega+ xin giới thiệu Bộ sách Hiểu về dịch bệnh - mang đến cái nhìn rõ ràng hơn về các căn bệnh và đại dịch từ trước tới nay. Qua đó giúp độc giả bớt lo lắng và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân tốt hơn.

Dịch bệnh - Kẻ thù nguy hiểm nhất

Là cuốn sách vô cùng thiết thực của hai tác giả Michael T. Osterholm và Mark Olshaker. Đây là tác phẩm viết về các bệnh truyền nhiễm, các đại dịch trong thời đại ngày nay từ góc nhìn của chuyên gia dịch tễ, được tổng hợp từ quá trình quan sát, nghiên cứu đại dịch, cũng như sự phát triển của các chính sách chống lại những vấn đề y tế công cộng nổi cộm hiện đại.

Với 21 chương được trình bày một cách khá tóm tắt, luôn khu trú vào mục tiêu là những kẻ thù nguy hiểm nhất, với cách khai thác các thông tin liên quan tới kẻ thù nguy hiểm đó bằng những câu hỏi kinh điển: Who (ai), What (cái gì), When (khi nào), Where (ở đâu), and Why (tại sao) và chữ How (như thế nào).

Các tác giả dẫn dắt chúng ta như cách các thám tử điều tra một vụ án trong suốt hơn 400 trang sách, bằng việc tìm hiểu về các loại dịch bệnh tiêu biểu đã tác động lên nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày nay như: Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918, dịch hạch ở London, dịch SARS ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á với những nguy cơ và thách thức cấp bách nhất, qua đó đề xuất những biện pháp có thể giải quyết các vấn đề của nhân loại.

TS.BS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock đánh giá: “Cả thế giới đang trải qua những ngày bàng hoàng, lúng túng với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19. Chúng ta sẽ còn ngạc hiện hơn khi đại dịch này đã được tác giả Michael T. Osterholm và Mark Olshaker dự báo trước trong “Dịch bệnh: Kẻ thù nguy hiểm nhất” từ năm 2017".

Đọc cuốn sách này, theo TS.BS. Nguyễn Thu Anh, chúng ta không khỏi tự hỏi bản thân, dù đã dự đoán trước về khả năng xảy ra đại dịch, con người đã chuẩn bị gì để ngăn chặn và ứng phó? Liệu trong tương lai, chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn không? Đây là một cuốn sách tham khảo rất hay, không chỉ dành cho những người trong ngành Y tế hay những người quan tâm đến dịch bệnh, mà cả những người đang công tác và học tập trong nhiều lĩnh vực khác như khoa học xã hội, thương mại, quản lý công, chính sách, kinh tế… Và đặc biệt cho sinh viên các trường đại học, thậm chí cả các em học sinh phổ thông cũng nên đọc.  

Nguồn gốc dịch bệnh - Động vật, con người và đại dịch toàn cầu tiếp theo

Là một kiệt tác thu hút giới truyền thông thế giới của tác giả David Quammen, mang đến góc nhìn khoa học về các mầm gây bệnh trên động vật, và đôi khi lây truyền cho chính con người.

Trong cuốn sách, tác giả đã dệt lên một câu chuyện đặc biệt, một tiểu thuyết trinh thám với những kẻ sát nhân khác biệt, nhưng cũng rất chân thực. Chúng là virus, vi khuẩn và những sinh vật đơn bào gây bệnh trên động vật; nhưng đôi khi, chúng sẽ thay đổi mục tiêu – và nhảy sang loài người.

Ở mỗi chương, những căn bệnh đều dần trở nên rõ ràng, bắt đầu chỉ từ đôi ba tin đồn, vài cái chết bí ẩn dường như chẳng hề liên quan đến nhau. Quá trình điều tra dần dần bóc gỡ vấn đề, cho đến khi cuối cùng chân tướng của thủ phạm được phơi bày. Suốt quá trình đó, chúng ta sẽ được thấy muôn vàn cách mầm bệnh có thể di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác – qua phân, dịch tiết, chấy nhầy và máu – và khám phá những hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến phơi nhiễm: leo cây, uống nhựa chà là, ăn hay chỉ đơn thuần là chạm vào động vật đã chết… Quammen cũng tìm kiếm cả những đồng phạm không cố ý: những loài động vật mang mầm bệnh trước khi truyền cho người: lợn, chim, khỉ, khỉ đột và dơi.

Sự xuất hiện của những căn bệnh lây truyền từ động vật – những mầm bệnh tìm đến chúng ta từ những loài sinh vật khác – không phải điều gì mới mẻ, nhưng đang có xu hướng tăng lên, và Quammen đi tìm lý do ẩn sau hiện tượng đó trong chương cuối cùng của cuốn sách: dân số khổng lồ của loài người, cùng với lượng gia súc vô cùng lớn, sự hủy diệt của môi trường sống tự nhiên, những hệ sinh thái bị phá vỡ – những thứ hoàn toàn có thể biến thành cuộc tranh cãi về sự trả thù của tự nhiên lên loài người.

Nói về cuốn sách, Walter Isaacson, tác giả của Leonardo Da Vinci nhận xét: “Đây là một kiệt tác báo cáo khoa học đáng sợ và hấp dẫn, giống như một câu chuyện trinh thám. David Quammen đưa chúng ta vào cuộc tìm hiểu về AIDS, Ebola và các căn bệnh khác có chung một điểm chung đáng sợ: chúng đều nhảy từ động vật hoang dã sang người. Bởi Giải thích cho xu hướng đang phát triển này, Quammen không chỉ đưa ra lời cảnh báo về những căn bệnh mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai, anh ấy còn khiến chúng ta suy ngẫm về vị trí của chúng ta với tư cách là con người trong hệ sinh thái trái đất".

Hệ Miễn Dịch - Khám phá cơ chế tự phòng chữa bệnh của cơ thể người

Trong cuốn sách “Hệ miễn dịch”, nhà miễn dịch học hàng đầu Daniel M.Davis đã ví von rằng, nghiên cứu hệ miễn dịch trong cơ thể con người cũng giống như nghiên cứu những vì sao và ngân hà trong vũ trụ của chúng ta vậy. Tác giả đưa cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về bức tranh rộng lớn của hệ miễn dịch, cùng những câu chuyện về hành trình khám phá ra những mảnh ghép của bức tranh ấy.

Cơ thể con người có khả năng chiến đấu với bệnh tật và tự chữa lành vết thương là một trong những bí ẩn và tuyệt tác của thiên nhiên. Đó gọi là hệ thống miễn dịch, nó giữ vai trò rất quan trọng trong việc tự bảo vệ sức khỏe của con người.

Cuốn sách được chia ra làm hai phần: Phần đầu tiên giải thích những khái niệm cơ bản về sức đề kháng, đồng thời kể về hành trình khám phá các tế bào cùng các cơ chế phức tạp trong hệ miễn dịch. Phần thứ hai bàn về những nghiên cứu hiện đại về việc những tác nhân khác nhau ảnh hưởng thế nào đến hệ miễn dịch của chúng ta.

Theo Publishers Weekly: “Davis để lại cho độc giả một lời nhắc nhở rằng, đối với tất cả những tiến bộ khoa học được mô tả trong cuốn sách, hệ miễn dịch của con người vẫn mạnh hơn nhiều so với bất kỳ loại thuốc nào chúng ta đã nghĩ ra…” 

Chẩn trị Covid-19 bằng Đông-Tây y

“Chẩn trị Covid-19 bằng Đông-Tây y” là cuốn sổ tay giới thiệu các phương pháp chẩn đoán và điều trị Covid-19 trong y học cổ truyền Trung Quốc và phương Tây. Cuốn sách được biên soạn bởi hai tác giả Trương Bá Lễ và Lưu Thanh Tuyền - các chuyên gia có tiếng về Trung y truyền thống, đã trực tiếp tham gia quá trình chống dịch Covid-19.

Cuốn sách mang đến cái nhìn trực diện cho độc giả bằng cách tiếp cận căn bệnh trên nhiều khía cạnh, bao gồm: đặc điểm lâm sàng, cơ chế ủ bệnh và phát bệnh, nguồn và cách lây nhiễm, tiêu chuẩn và quy trình chẩn đoán bệnh, tiến triển của căn bệnh trên toàn thế giới.

Theo hai tác giả, điểm nổi bật của Tây y là phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus và kháng sinh, thuốc miễn dịch, thuốc điều chỉnh hệ sinh thái đường ruột, sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏe mạnh, áp dụng lọc máu liên tục ngoài thận… Tuy nhiên, cuốn sách cũng đề cao ưu điểm của Đông y trong cách dự phòng, chẩn đoán và hồi phục, dựa trên kinh nghiệm thực tế của tác giả khi làm việc ở bệnh viện dã chiến và các nghiên cứu lâm sàng về thuốc Đông.

Từ những lời khuyên chi tiết về thói quen sinh hoạt, những bài thuốc từ thảo dược kết hợp bấm huyệt hay châm cứu cho đến các bài tập luyện nhẹ nhàng, tất cả đều giúp “phòng bệnh ngay từ khi chưa có bệnh, phù trợ chính khí để tránh bệnh tật”.

 Súng, Vi trùng và Thép – Định mệnh của các xã hội loài người

“Súng, vi trùng và thép” – Jared Diamond là tác phẩm đã đạt giải Pulitzer. Đây là một quyển sách thuộc hàng kinh điển viết về 13000 năm xã hội loài người phát triển.

Cuốn sách giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được, cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác, cùng lúc bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á-Âu dựa trên trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền. Jared Diamond lập luận rằng, sự khác biệt về quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường, trong đó sự khác biệt này được khuếch đại không ngường. Qua đó, ông giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á – Âu như Trung Quốc, lại trở thành các thế lực thống trị.

Tuy cuốn sách này nói cho cùng là về lịch sử và tiền sử, song chủ đề của nó không chỉ có giá trị hàn lâm mà còn có tầm quan trọng to lớn về thực tiễn và chính trị. Lịch sử tương tác giữa các dân tộc khác nhau chính là cái đã định hình thế giới hiện đại thông qua sự chinh phục, bệnh truyền nhiễm và diệt chủng. Các xung đột đó tạo ra những ảnh hưởng lâu dài mà sau nhiều thế kỷ vẫn chưa thôi tác động, vẫn đang tích cực tiếp diễn ở một số khu vực nhiều vấn đề nhất của thế giới ngày nay.

“…Xét từ quan điểm của chúng ta thì đau cơ quan sinh dục, tiêu chảy, sốt và ho là những “triệu chứng bệnh”. Còn xét theo quan điểm của vi trùng, đó là những sách lược tiến hóa thông minh để chúng có thể phát tán. Chính vì vậy vi trùng mới quan tâm đến việc “làm cho con người phải bệnh”. - Trích Chương 11, Tặng phẩm chết người của gia súc - Súng, Vi trùng và Thép.

ND

Tin nổi bật