Một công trình nghiên cứu về người bán du mục ở Cao nguyên Việt Nam

“Chúng tôi ăn rừng” (tên gốc: “Nous avons mangé la forêt de la Pierre-Génie Gôo”) là một công trình nghiên cứu dân tộc học về cộng đồng Mnông Gar. Đây là cuốn nghiên cứu mang tính kinh điển của Georges Condominas vừa được xuất bản.

Tuyển tập dựa trên tư liệu ông ghi chép, quan sát và tìm hiểu tại chỗ, không qua phiên dịch, trong hai năm, từ năm 1946, sống với người Mnông Gar ở Sar Luk, những người bán du mục ở Cao nguyên Việt Nam.

Xuất bản lần đầu trên tạp chí Mercure de France năm 1957, cuốn sách ngay lập tức được các nhà dân tộc học vĩ đại như Claude Lévi-Strauss và các nhà phê bình văn học như Maurice Nadeau, Édouard Glissant… khen ngợi khi mang đến một góc nhìn mới về cuộc sống cũng như bản mô tả cấu trúc xã hội của người Mnông vào giữa thế kỷ thứ XX.

Tác giả Georges Condominas (1921-2011) là Tiến sĩ văn học và khoa học nhân văn, Giám đốc Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á và khu vực Nam đảo, Giáo sư thỉnh giảng tại một số trường Đại học ở Mỹ, Nhật Bản…

Ông được đánh giá là một trong những nhà dân tộc học xuất sắc nửa sau thế kỷ 20, là người đại diện cho một thế hệ, một trường phái "điền dã" kinh điển trong nghiên cứu khoa học xã hội. Tên tuổi của ông trong giới nghiên cứu dân tộc học gắn liền với những nghiên cứu thực địa về văn hóa của dân tộc Mnông (Mnông Gar) ở ngôi làng Sar Luk thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam cũng như ở phạm vi rộng lớn hơn của vùng Đông Nam Á.

Trong tác phẩm kinh điển - Chúng tôi ăn rừng, Georges Condominas mang đến cho độc giả cuốn sách về một cộng đồng Mnông Gar. Không chỉ trình bày những khía cạnh khác nhau trong đời sống của nhóm người này, mà qua đó tác giả còn dựng lên một mô hình cấu trúc xã hội của người Mnông. Cuốn sách là một bản sưu tập những tư liệu thô thu nhặt được và rút ra từ các sổ tay ghi chép của chính tác giả trong thời gian lưu trú dài ngày tại Sar Luk.

Hii saa bri… (Chúng tôi đã ăn rừng…) được người Mnông Gar hay Phii Brêe (“Những con người của rừng”) dùng để chỉ một năm nào đó. Những người làm rẫy bán du cư này của vùng Tây Nguyên Việt Nam không có cách xác định thời gian nào khác ngoài việc căn cứ vào khoảng không gian được đánh dấu bởi những vạt rừng do họ phát và đốt để gieo trồng hằng năm. Ở Sar Luk, “Chúng tôi đã ăn rừng Đá‑Thần Gôo” là cách nói để chỉ năm 1949, hay chính xác hơn, năm trồng trọt kéo dài từ cuối tháng 11/1948 đến đầu tháng 12/1949. Và cuốn sách của Condominas sẽ mô tả những sự việc diễn ra tại Sar Luk trong chu kỳ nông nghiệp ấy.

Với “Chúng tôi ăn rừng”, đời sống của nhóm người Mnông hiện lên qua những thí dụ cụ thể rút ra từ thực tế hằng ngày. Chẳng hạn, thay vì đưa ra một lễ Tâm Bôh Mnông Gar lý thuyết, Condominas sẽ trình bày một Lễ Trao đổi hiến sinh trâu cụ thể có ngày tháng và được đặt lại trong bối cảnh cuộc sống thường ngày – cuộc trao đổi giữa Baap Can và Ndêh: tức có phong phú thêm những chi tiết nằm ngoài chủ đề chính.

Tương tự, tác giả không phác thảo một lược đồ hôn nhân điển hình của người Mnông Gar, mà kể lại đám cưới của Srae và Jaang đã diễn ra như thế nào, với mọi tình tiết cụ thể.

Mục đích của cuốn sách này là trình bày những tư liệu thô về cuộc sống một làng Mnông Gar hiện tại. Một làng, bởi vì đơn vị chính trị cổ truyền của bộ lạc này không vượt quá phạm vi đó: chính thông qua đơn vị này ta có thể cảm nhận ra quá trình thích nghi của nó với đời sống hiện đại. Các tư liệu được thu thập trong diễn biến của một chu kỳ nông nghiệp trọn vẹn trong một năm; vì đó là biểu hiện đặc trưng cho một tổng thể thời gian có thể nắm bắt được trọn vẹn nhất.

Bên cạnh một công trình nghiên cứu lý thuyết về cấu trúc của một xã hội, Condaminas mong muốn cung cấp một bức tranh càng chính xác và tỉ mỉ càng tốt về cách sống của những con người cấu thành xã hội đó, và cái cách họ thực hiện sự tồn tại của chính “mẫu hình” văn hóa đó. Đây có thể là cơ sở quan sát để nhiều nhà nghiên cứu khác tìm ra những khía cạnh mới cho một nội dung mà chúng ta đã nghiên cứu.

Theo đánh giá của Kirkus Reviews, “Condominas là một phóng viên xuất sắc, không chỉ ghi lại các thủ tục nghi lễ và nhiều sự kiện trong đời sống thường ngày mà còn cả những lo lắng và sự kháng cự nhất thời của họ.”

Trong khi đó theo Claude-Lévi Strauss, “Chúng tôi ăn rừng đã đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay.”

ND

Tin nổi bật