VietNamNet đạt giải A báo chí viết về 75 năm Quốc hội Việt Nam

Tối nay (4/1) tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải Báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam”. Đây là lần thứ hai, giải thưởng báo chí viết về đề tài Quốc hội được tổ chức.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trải qua 75 năm hình thành và phát triển, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng hành với quá trình phát triển của Quốc hội luôn có vai trò quan trọng của báo chí.

Với tính chất là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của đời sống xã hội, báo chí đã thực sự trở thành cầu nối quan trọng giữa Quốc hội với cử tri. Qua phản ánh của báo chí, các ĐBQH sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Báo chí cũng là công cụ chuyển tải các ý kiến, phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học để ĐBQH có thêm luận chứng, luận cứ khi tham gia phát biểu, tranh luận trên diễn đàn Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc lễ trao giải.

Thời gian qua, VPQH đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí tham gia đưa tin về các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH, VPQH, góp phần phản ánh kịp thời, chính xác thông tin về hoạt động của Quốc hội tới cử tri và nhân dân cả nước.

Sau hơn 4 tháng phát động, Ban Tổ chức giải đã nhận được gần 500 tác phẩm của 51 cơ quan báo chí, bao gồm các thể loại báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và ảnh báo chí.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, các tác phẩm tham dự giải đã bảo đảm thông tin thời sự, nhanh nhạy, sinh động về các chủ đề gắn với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH với các vấn đề đời sống, an ninh chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Phản ánh kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng, đề xuất của cử tri và nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, chân dung nhiều ĐBQH tiêu biểu trong lịch sử 75 năm qua đã được khắc họa rõ nét trong nhiều tác phẩm và có sức lan tỏa.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải cho các tác giả đạt giải A.

Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, như các tác phẩm viết về thành tựu lập pháp của Quốc hội Việt Nam; về Quốc hội điện tử; truyền thông trong xây dựng luật; nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí hoặc phản ánh vấn đề rất mới hiện nay như xây dựng chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM... Một số tác phẩm có chất lượng tốt, phản ánh chuyên sâu về các dự án luật.

Các tác phẩm có chất lượng nội dung khá đồng đều, phong phú về đề tài, bảo đảm thông tin bám sát chủ đề tuyên truyền 75 năm Quốc hội Việt Nam.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải cho các tác giả đạt giải B.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, hơn 90 tác phẩm tiêu biểu vào vòng chung khảo, các thành viên ban chung khảo đã xem xét kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, tham vấn ý kiến của các chuyên gia và lựa chọn được 43 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng Giám khảo quyết định trao giải.

Báo điện tử VietNamNet đạt giải A với loạt tác phẩm 5 kỳ “Lấy phiếu tín nhiệm và quyền năng giám sát của Quốc hội” của tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng và Trần Thị Hồng Nhì.

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải cho các tác giả đạt giải C.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là lần thứ 3 Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh này.

Để bạn đọc thấy rõ ý nghĩa và hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như góp phần đưa Nghị quyết 85/2014 của Quốc hội (về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn) vào cuộc sống, VietNamNet tổ chức vệt gồm 5 bài. 

Lấy phiếu tín nhiệm và quyền năng giám sát của Quốc hội

Bài 1: Kỳ vọng bản lĩnh, sự công tâm của đại biểu

Bài 2: "Bộ trưởng trong sạch và trách nhiệm, tôi chấm tín nhiệm cao"

Bài 3: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì sau kết quả tín nhiệm

Bài 4: Ghế nóng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khó được tín nhiệm cao

Bài 5: Ấn tượng phiếu tín nhiệm của nữ Bộ trưởng duy nhất

Thành Nam/vietnamnet.vn

Tin nổi bật