Một nhà báo cần mẫn lưu giữ những ký ức Hà Nội

Sau đợt mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nếu không nhầm “Đi ngang Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến (ảnh) là cuốn duy nhất tiếp tục viết về đề tài Hà Nội. Sách dày 340 trang với 32 bài ký sự, có tính chất khảo cứu về một số sự kiện - hiện tượng đã và đang diễn ra ở Thăng Long - Hà Nội, theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại.

Ngổn ngang những tiếc nuối

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (Ảnh: vietnam.vnanet.vn)

Thật khó để xác định trong cuốn sách này bao nhiêu phần trăm Nguyễn Ngọc Tiến trích từ tư liệu khảo cứu, bao nhiêu phần trăm anh trải nghiệm và tự tìm hiểu về Hà Nội. Chỉ biết đọc “Đi ngang Hà Nội” là cả một sự tích lũy từ nhiều năm của chính bản thân anh.

Bằng cách kết hợp những tư liệu cũ và cách nghĩ, cách nhìn riêng của mình về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến đã viết nên 32 bài ký sự đặc trưng. Và chắt ra những cái đặc trưng trong 32 bài ký sự ấy, gạn được một nỗi “man mác buồn”. Buồn bởi nhẽ trong mắt Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, nhất là về văn hóa: “Có những cái thay đổi làm cho văn hóa Hà Nội tốt lên, nhưng có những thay đổi làm cho ta phải tiếc nuối”.

Cái gì là văn hóa mất đi thì cũng tiếc cả. Cài gì mà Hà Nội nay không còn, đã mất đi từ lúc nào không biết đó chính là cách đối xử giữa con người với con người, Nguyễn Ngọc Tiến trầm ngâm kể: “Thời cụ kỵ tôi thì tôi không dám nói đến nhưng đến thời tôi chẳng hạn, gia đình trong xóm, trong cùng khối phố cư xử với nhau rất bình đẳng, thoải mái và thẳng thắn, nhất là trong việc giáo dục con cái. Ví dụ người này mach trẻ con nhà anh hư lắm thì người được mách ấy không bực mình và không cho rằng đó là xấu. Họ cùng có trách nhiệm giáo dục con trẻ. Bây giờ, kiểu sống đó không còn nữa, nhà nào biết nhà đó, hàng xóm ở với nhau 5 - 7 năm có khi không biết tên nhau, rồi chuyện giáo dục con trẻ mang tính cộng đồng dường như không còn. Với tôi, đó thật sự là một mất mát hết sức đáng tiếc”.

Lưu giữ ký ức Hà Nội và tiếp tục “Dọc bên Hà Nội”

Ngoài viết sách khảo cứu về Hà Nội xưa và nay, Nguyễn Ngọc Tiến còn biến nhà mình thành bảo tàng “thời bao cấp” từ năm 2000 cho đến nay. Trong nhà anh hiện giờ chỗ nào cũng ngổn ngang những kỷ vật thời bao cấp của Hà Nội, nhiều nhất là sổ mua phụ tùng xe đạp, xe máy, tem phiếu các loại, thậm chí là cả những là đơn chấp thuận cho ly hôn… Anh bảo: “Mặc dù tính từ thời chúng ta bỏ bao cấp đến nay chưa phải là quá xa nhưng không hiểu sao với tôi và hẳn với nhiều người nữa tưởng như nó đã rất lâu rồi. Và trong một điều kiện kinh tế gia đình đã khá hơn rất nhiều thì rất nhiều gia đình muốn loại bỏ những thứ cũ đi, tôi tiếc bởi những thứ ấy thuộc về một thời kỳ rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Hà Nội nói riêng”.

Bộ tem phiếu thời bao cấp được Phạm Ngọc Tiến lưu giữ trong "bảo tàng" riêng của mình (Ảnh: vietnam.vnanet.vn)

Hiện, Nguyễn Ngọc Tiến đang rốt ráo chuẩn bị cho ra đời đứa con tinh thần thứ hai về Hà Nội. Anh đặt một cái tên khiêm tốn, dễ gần: “Dọc bên Hà Nội”. Nguyễn Ngọc Tiến cũng bật mí, trong sách của anh có nhiều thứ chưa có ai viết hoặc chưa khảo cứu đến đầu, đến đũa. Ví dụ, lâu nay người ta hay nói đến kẻ cắp chợ Đồng Xuân. Thực ra thì chợ Đồng Xuân có nhiều kẻ cắp hay không thì chưa ai tìm hiểu và viết ra một cách thuyết phục. Hay như thanh niên Hà Nội thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước hay nói câu “Một chọi một lên cột đồng hồ”? Vậy thì cái cột đồng hồ đó có phải là cột đồng hồ ở đầu phố Hàng Đậu hay không hay cột đồng hồ ở chỗ khác? Và tại sao thanh niên khi “chọi nhau” lại phải rủ nhau lên đấy? Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Tiến kể, anh viết cả về những thứ từng gắn liền với Hà Nội như thuốc phiện, heroin, rồi rượu, cả chuyện răng trắng, đến những hàm răng ngấm tetracycline, và cả còn chuyện hoa Hà Nội, đặc biệt là lịch sử hoa đào… Hoa đào thì ai cũng nói đến nhưng vì sao những năm 1954 - 1955, hoa đào bị coi là hoa tư sản và từng bị dân chơi chứng khoán kiêng hoa anh đào…

Với cá nhân Nguyễn Ngọc Tiến, hẳn anh cũng không thể chắc chắn rồi đây anh có con viết về Hà Nội nữa hay thôi. Nhưng với một người cần mẫn, chăm chỉ nhặt nhạnh những câu chuyện về Hà Nội, anh sẽ lại là người cày xới cho ra vấn đề, để mọi người qua đó có cơ hội được hiểu, biết thêm về Hà Nội, yêu hơn mảnh đất kinh kỳ, ngàn năm văn hiến mà anh chỉ dám đi ngang, rồi lại dọc bên Hà Nội bằng sự trân quý theo cách nghĩ của riêng mình.

Phạm Nguyễn

Phụ nữ Thủ đô

Tin nổi bật