Cuộc gặp gỡ thú vị giữa các tác giả trẻ của làng văn Việt Nam

Tập truyện ngắn “Giấc mơ trên những cánh rừng” và tập văn “Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” được báo Thời nay, NXB Hội Nhà văn phối hợp giới thiệu chiều 28/11, tại Hà Nội.

Đây là hai cuốn sách được chọn lọc từ hai chuyên mục: Truyện ngắn và Tản văn "Nơi ta đã qua, người ta đã gặp" hàng tuần của báo Thời nay: Truyện ngắn và Tản văn là món quà hướng tới kỷ niệm 10 năm báo Thời nay ra số đầu (2010 - 2020), góp phần khẳng định tình cảm dành cho người cầm bút, hoạt động sáng tác văn học trẻ của Hội nhà văn Việt Nam và báo Nhân dân trong nhiều năm qua.

Hai cuốn sách là cuộc gặp gỡ thú vị, phong phú của nhiều tác giả đã và đang ghi tên mình trên văn đàn cũng như trong lòng bạn đọc. Đó là các nhà văn, nhà thơ: Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Thanh Kim, Nguyễn Mỹ Nữ, Bùi Kim Anh, Nguyễn Ngọc Phú, Di Li, Võ Hồng Thu, Nguyễn Thị Việt Hà, Lữ Thị Mai, Đinh Phương, Nguyễn Văn Học, Hoàng Công Danh, Văn Thành Lê, Thái Hương Liên, Hoàng Thanh Hương, Cấn Vân Khánh, Nguyễn Hồng, Phong Lan, Trần Huy Minh Phương, Phạm Thanh Thúy, Hoàng My, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Anh Đào, Lê Đức Quang, Vũ Thị Huyền Trang, Lý A Kiều… Nhiều cái tên trong sách cũng là những gương mặt đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc năm 2011 và 2016. 

Tập truyện ngắn “Giấc mơ trên những cánh rừng” có sự góp mặt của 39 tác giả với 39 truyện ngắn. Cuốn sách truyền tải tình cảm mến thương gia đình, dòng tộc, cộng đồng, quê hương, đất nước; những dáng nét văn hóa từ nhiều vùng đất; thể hiện cái nhìn nhân văn trước thực tế xã hội, thiên nhiên…

Nhà văn Chu Lai

Nói về cuốn sách, nhà văn Chu Lai cho rằng: Chẳng lên gân, không gồng sức, chẳng làm ra vẻ văn chương cũng không cố tạo mùi triết lý vân vi này nọ. Nhưng kỳ lạ làm sao, cái triết lí, cái chất văn nó vẫn cứ bồi hồi nổi lên, nhen nhóm ẩn nhòa vào từng con chữ làm cho ý tưởng câu chuyện bật nảy, bay lên, tỏa xuống khiến cho người đọc buộc phải chú tâm, ngẫm ngợi rồi giật mình bởi sự lôi cuốn bình dị, hơi phá cách, tiết tấu nhanh, không vòng quanh mà gợi mở, công phá thẳng vào những vấn đề mà tác giả cần nói đến. Truyện mang đậm tính cộng hưởng trong chuyện có tôi, trong tôi có chuyện, hai mà một, một mà hai. Vậy chính là cuộc đời và cũng chính là văn chương. 

Tập tản văn “Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” quy tụ 55 tác giả với 98 tản văn. Đó là những lát cắt nhỏ trên những nẻo đường, nơi những miền đất, với những con người trên mọi miền đất nước. Là những phản chiếu để lại ấn tượng đẹp của niềm vui, nỗi buồn, lòng thương mến và trân quý trước muôn màu cuộc sống. Được thể hiện qua những cảnh quan, tập quán, ngôn ngữ, món ăn, kỷ vật, kỷ niệm tuổi trẻ, tuổi ấu thơ, những ứng xử và tâm sự đời thường, dung dị mà lay động.

Nhà phê bình văn học Hoài Nam cảm nhận: Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” - một cái tên vừa khéo để xuyên suốt nội dung tinh thần và ôm gọn hai chủ đề cơ bản của các tản văn có mặt trong tập sách này: Đất và Người. Về Đất, đó có thể là những ghi chép nhanh và sắc, đầy hứng khởi, như một bức tốc họa, của lữ khách trước một miền đất lạ mà bàn chân mới biết đến lần đầu tiên trong đời… Viết về Người, nhiều tác giả đã không dừng lại ở những nét phác chân dung hay kể chuyện đơn giản, mà có sự phục bút khá kỹ lưỡng, khiến cho tác phẩm tản văn mang được dáng dấp của những truyện ngắn để lại nhiều dư ba. Và điều quan trọng hơn cả, đọc chúng, người ta thêm tin tưởng rằng, dù có thế nào thì người tốt, điều tốt vẫn còn trong cuộc đời nhiều thương khó này”.

Báo Thời Nay từ khi ra số đầu, luôn khuyến khích và tạo điều kiện đăng tải tác phẩm cho các cây bút trẻ. Nhiều tác giả trẻ sau khi tham dự hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ tám (năm 2011 tại Tuyên Quang) và lần thứ chín (năm 2016 tại Hà Nội) do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, đã kết nối, cộng tác thường xuyên với hai chuyên mục trên của báo Thời Nay. 

Mỹ Bình

Tin nổi bật