Khuyến khích báo chí giám sát nhà mạng, đại lý dung túng SIM rác, tin nhắn rác

(ICTPress) - “Khuyến khích báo chí giám sát phát hiện, phê phán trước công luận các nhà mạng, đại lý dung túng cho việc để xảy ra tình trạng SIM rác, tin nhắn rác”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đề nghị báo chí giám sát phát hiện, phê phán trước công luận các nhà mạng, đại lý dung túng cho việc để xảy ra tình trạng SIM rác, tin nhắn rác tại Hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ TT&TT chiều 12/7.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết Bộ TT&TT đang đề nghị Bộ Công an vào cuộc xử lý đại lý, nhà mạng để tình trạng này kéo dài, vi phạm có tính chất hệ thống.

Bộ trưởng cũng đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực TT&TT, trong đó có phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng không phép, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về báo chí; in lậu, phát hành xuất bản phẩm lậu.

”Thanh tra Bộ triển khai thanh tra theo kế hoạch, đột xuất, các đơn vị doanh nghiệp được dư luận quan tâm”, Bộ trưởng đã yêu cầu.

Trước đó, Bộ trưởng cho biết tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn nhiều. Một số doanh nghiệp viễn thông cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động có thu cước nhưng vẫn không thông báo đầy đủ cho người tiêu dùng biết.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đánh giá cao công tác thông tin tuyên truyền trong 6 tháng đầu năm 2016. Các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại đã thông tin, tuyên truyền tốt, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016 của cả nước; Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo...

Đặc biệt, báo chí đã đưa tin tương đối toàn diện, phân tích phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề hải sản chết bất thường ở miền Trung để gây rối, làm mất an ninh, trật tự xã hội.

Mới đây nhất, cũng chính báo chí đã phát hiện và đưa ra công luận vụ việc chôn chất thải Formosa tại đất Giám đốc công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, theo đó Hà Tĩnh đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

Bên cạnh những hiện tượng như báo chí đưa tin thiếu chính xác, chạy đua thông tin giật gân, một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để nhũng nhiễu doanh nghiệp, vai trò phát hiện tiêu cực, bất thường cũng như phản biện xã hội của báo chí vẫn được thể hiện rõ nét trong thời gian qua. Những gì báo chí làm tốt, không quản nguy hiểm, vất vả để phát hiện thông tin có giá trị cần được ghi nhận, biểu dương, Bộ trưởng đã đề nghị.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã quyết liệt rà soát, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với một số cơ quan báo chí có nhiều sai phạm. Một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoạt động tác nghiệp báo chí đã bị thu hồi thẻ nhà báo. Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời những thông tin sai sự thật, chống phá, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Chỉ đạo công tác báo chí 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản quan trọng như Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới và các văn bản hướng dẫn luật An toàn thông tin mạng, luật Báo chí; Xây dựng các nghị định: Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT và báo chí, Quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước, Quy định về lưu chiểu điện tử đối với báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí;

Bộ TT&TT sẽ phối hợp các bộ, ban ngành và cơ quan báo chí đẩy mạnh triển khai luật Báo chí, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam tại trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc cung cấp thông tin sai sự thật và các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Công tác thông tin đối ngoại tiếp tục được triển khai cả theo chiều rộng lẫn chiều sâu như Xây dựng bộ tài liệu và bản đồ các bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; thực hiện số hóa kho dữ liệu biển, đảo Việt Nam; Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 16 địa điểm trong đó có 11 tỉnh, thành phố, 1 điểm đảo và 4 đơn vị quân đội; Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2015-2017...

Tính đến tháng 6, số lượng cơ quan báo, tạp chí in đã được cấp phép là 859. Trong đó: Báo in: 199; Tạp chí: 660. Số lượng cơ quan báo điện tử đã được cấp phép: 126. Có 16.892 nhà báo được cấp thẻ nhà báo.

Hiện cả nước có 180 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá; 77 kênh chương trình phát thanh, quảng bá.

HM

Tin nổi bật