Khung kiến trúc CPĐT chính thức giới thiệu đến các tỉnh miền Bắc

(ICTPress) - Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam phiên bản 1.0 (v.1) vừa được giới thiệu đến Giám đốc CNTT của 30 tỉnh miền Bắc.

Tại phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT (CIO) của cơ quan nhà nước (CQNN) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc ngày 19/5, thường trực Hội đồng, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã giới thiệu Khung kiến trúc CPĐT v.1 tới các Giám đốc CNTT, đại diện của 28 Sở TT&TT các tỉnh, thành phố miền Bắc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT chủ trì phiên họp (Ảnh: Giang Phạm)

Khung kiến trúc CPĐT v.1 vừa được Bộ TT&TT ban hành hồi cuối tháng 4/2015, nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kế chi phí, thời gian triển khai của CQNN; Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế và tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai CPĐT tại Việt Nam.

Được Bộ TT&TT xây dựng và ban hành nhằm thúc đẩy phát triển CPĐT Việt Nam trong giai đoạn mới, Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam v.1 xác định và thống nhất Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT của quốc gia. Đây là căn cứ để CQNN các cấp xác định trách nhiệm, vị trí của mình trong sự phát triển CPĐT đồng bộ của quốc gia.

Bên cạnh đó, Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam v.1 còn làm căn cứ để các Bộ, cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc CPĐT chi tiết của mình, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ.

Trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam và Kiến trúc CPĐT chi tiết của các Bộ/tỉnh, các CQNN có thể xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình và các cấp, bảo đảm sự kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin.

Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam với các thành phần chính gồm: Người sử dụng; Kênh giao tiếp; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; Kiến trúc CPĐT của Bộ/ tỉnh; Các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia; Các hệ thống thông tin ngoài CQNN; Hạ tầng kỹ thuật; Quản lý, chỉ đạo; An toàn thông tin. Sơ đồ này cũng thể hiện tổng thể sự kết nối của các hệ thống thông tin các cấp.

Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam v.1

Cùng với đó, trong Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0, Bộ TT&TT cũng đã thể hiện Khung Kiến trúc CPĐT cấp Bộ, tỉnh; một số đề xuất lộ trình triển khai các thành phần trong Kiến trúc; và mô hình kết nối của Kiến trúc CPĐT quốc gia.

Khung kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh

Theo văn bản ban hành Khung Kiến trúc CPĐT, Bộ TT&TT và các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm trong việc xây dựng, triển khai Kiến trúc CPĐT. Theo đó, Bộ TT&TT quản lý, duy trì, cập nhật thường xuyên Khung kiến trúc CPĐT, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng; Thẩm định, cho ý kiến về sự phù hợp, tuân thủ Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam đối với kiến trúc CPĐT cấp Bộ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…

Trách nhiệm của cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, tỉnh là xây dựng kiến trúc CPĐT cấp tỉnh đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt sau khi có ý kiến đồng thuận của Bộ TT&TT…

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội đồng, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết Khung Kiến trúc CPĐT đã được bắt đầu xây dựng cách đây 7 năm và sau nhiều thời gian chuẩn bị và đến nay là thời điểm thích hợp để thực hiện. Sau cuộc họp này, Thường trực Hội đồng sẽ có tập huấn cho cán bộ CNTT ở các Sở TT&TT, tăng tính pháp lý cho Khung kiến trúc CPĐT.

Hội đồng cũng đã thống nhất thông qua, các Sở TT&TT nghiên cứu, lập Kế hoạch chi tiết xây dựng Kiến trúc CPĐT của Bộ/tỉnh mình để thực hiện, đồng thời gửi về Bộ TT&TT trước ngày 30/6/2015.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng đã đề nghị các Sở TT&TT các tỉnh cần phối hợp, trao đổi, và thời gian gửi về Bộ TT&TT không nên lâu hơn nữa để Bộ TT&TT tổng hợp. Trong một số cuộc họp gần đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT cần đánh giá phát triển CPĐT của các Bộ ngành, địa phương theo cách đánh giá của Liên hợp quốc. Đây là cơ hội để lĩnh vực này rà soát, đánh giá lại tình hình bởi Chính phủ đã rất quan tâm tới phát triển CPĐT, tích cực trong nhiều chỉ đạo để CPĐT đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam được xây dựng dựa trên các tham khảo Khung Kiến trúc CPĐT của quốc tế, như Kiến trúc CPĐT của Đài Loan, một số mô hình CPĐT địa phương đang triển khai tại Việt Nam như Đà Nẵng, bảo đảm phù hợp với các đặc thù của Việt Nam.

Được biết khung kiến trúc CPĐT Việt Nam sẽ được Bộ TT&TT ban hành theo nhiều phiên bản khác nhau theo từng giai đoạn để phù hợp với thực tế phát triển.

HM

Tin nổi bật