Ngắm Sài Gòn sau 42 năm thống nhất Đất nước

Sau 42 năm Thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh ngày càng tươi đẹp, văn minh với những công trình tráng lệ mọc lên khắp nơi. Thành phố từng được mệnh danh là "hòn ngọc viễn đông" đang là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Sau 42 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2017), thống nhất đất nước. TP HCM có sự thay đổi mạnh mẽ từ cơ sở hạ tầng, kiến trúc cũng như nền kinh tế đứng đầu cả nước. Ảnh: Văn Dũng
Ngắm nhìn Sài Gòn từ trên cao, sự thay đổi kỳ diệu thể hiện càng rõ nét hơn, khi những vùng đất hoang vắng nhiều chục năm trước đã được thay thế bởi hàng loạt những ngôi nhà hiện đại, các tòa nhà cao tầng, chung cư cao cấp được hình thành, hệ thống kênh rạch được làm xanh mới, sạch đẹp, mang lại không khí trong lành hơn cho người dân thành phố. Ảnh: Viên Lê
Dinh Độc Lập, một trong những biểu tượng của TP HCM tồn tại hàng trăm năm qua, trước đây dinh có tên là Dinh Norodom được chính quyền Pháp thuộc xây dựng năm 1868. Ảnh: Văn Dũng
Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng từ năm 1863. Tên chính thức "Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội". Ngày nay, đây là một công trình kiến trúc thật sự có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và nghệ thuật kiến trúc xây dựng. Mặc dầu nhà thờ Đức Bà đã trải qua trên trăm năm tuổi nhưng ngày nay nó vẫn tồn tại như một di tích sống minh chứng cho sự tư do tín ngưỡng của đất nước. Ảnh: Văn Dũng
Kế bên Nhà thờ Đức Bà là Bưu điện trung tâm TP HCM. Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng với phong cách đậm chất châu Âu 1886 - 1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Ảnh: Văn Dũng
Nhà hát Thành Phố Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Nhà Hát Lớn. Nhà Hát Lớn được khởi công năm 1898 và đến ngày 1/1/1900 thì khánh thành. Ngày nay, Nhà hát được trang bị với trang thiết bị điện, chiếu sáng và hệ thống âm thanh tối tân nhất. Nhà hát phục vụ âm nhạc và sân khấu truyền thống Việt Nam, âm nhạc phương Tây cổ điển, các buổi biểu diễn của trường học, lễ tốt nghiệp và các sự kiện văn hóa đặc biệt khác. Ảnh: Văn Dũng
UBND TP Hồ Chí Minh, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Ảnh: Văn Dũng
Chợ Bến Thành (Chợ Mới hoặc Chợ Sài Gòn) đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần 100 năm qua Chợ Bến Thành đã trở thành một chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao thay đổi thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mai lớn nhất đất nước. Ảnh: Văn Dũng
Chợ Bình Tây được biết đến với tên gọi Chợ Lớn (mới) do thương gia người Hoa là Quách Đàm bỏ tiền xây năm 1928 theo kỹ thuật của Pháp. Kiến trúc hình bát quái được cho là nét độc đáo nhất của chợ, gồm 12 cổng, bên trong có hoa viên rộng rãi để khách ngồi nghỉ. Hệ thống móng nền làm bằng đá sỏi, bê tông chắc chắn nên không có hiện tượng sụt, lún. Ảnh: Văn Dũng
Chợ Lớn được Trung tâm Bảo tồn di tích - Sở Văn hóa - thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét duyệt di tích Thành phố Hồ Chí Minh công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vai trò của Chợ Lớn ngày nay là cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế của Sài Gòn. Ngày 15/11/2016, chợ Bình Tây bị đóng cửa để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công tiến hành sửa chữa và nâng cấp chợ. Ảnh: Văn Dũng
Đường Đồng Khởi, là một trong những con đường sầm uất nhất Sài Gòn vì tập trung các cửa hiệu sang trọng, các khách sạn, trung tâm mua sắm. Con đường này còn lưu lại một vài nét cổ xưa và riêng biệt của một đô thị ở Đông Nam Á. Tọa lạc trên con đường này có khách sạn Continental, được xây dựng vào năm 1878 dưới thời Pháp thuộc và khánh thành năm 1880. Sau 42 năm ngày Giải phóng, khách sạn này đã được thay đổi ít nhiều, từ bảng hiệu, những ô cửa đầy hoa, màu sơn mới... chỉ có kiến trúc cơ bản của khách sạn được giữ lại vẹn nguyên như lúc đầu. Ảnh: Văn Dũng
Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Văn Dũng
Cầu Bình Lợi (quận Thủ Đức nối quận Bình Thạnh), công trình băng qua sông Sài Gòn với chiều dài 1,1 km, 6 làn xe mỗi hướng, được hoàn thành cuối tháng 8/2013. Hạng mục vòm Nielsen của cầu là một trong những cấu trúc có kỹ thuật tiên tiến trong số các công trình cầu hiện nay, rộng 48 m, vòm cầu dài 150 m. Ảnh: Văn Dũng
Hầm Thủ Thiêm, là hầm chui vượt sông đầu tiên của cả nước và lớn nhất Đông Nam Á. Là hạng mục quan trọng nhất của dự án đại lộ Đông Tây, hầm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490m. Đường hầm bao gồm 585m hầm dẫn phía Khánh Hội (Q.1), 535m hầm dẫn phía Thủ Thiêm (Q.2) và phần dìm dưới sông có chiều dài 370m gồm 4 đốt hầm.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670 mét, rộng 64 mét, với kinh phí xây dựng gần 430 tỷ đồng. Phố đi bộ Nguyễn Huệ là công trình hiện đại, ghi dấu ấn mạnh về mặt kến trúc của thành phố HCM. Ảnh: Văn Dũng
Dự án vệ sinh môi trường thành phố trên lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng số tiền 8.600 tỷ đồng đã cải tạo trở thành dòng kênh xanh mát giúp hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa ven kênh đang xanh trở lại trước sự vui mừng của người dân thành phố - những người đã phải sống trong các ngôi nhà ổ chuột ven kênh từ xa xưa. Ảnh: Văn Dũng
Ngoài lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hàng loạt dòng kênh khác ở thành phố cũng được cải tạo, mang lại không khí trong lành và thoáng mát. Ảnh: Viên Lê
Sau 42 năm giải phóng, Sài Gòn của ngày hôm nay đã trở thành "miền đất hứa", một thành phố trẻ đáng sống, đáng để lập nghiệp, một thành phố mà mọi người có thể tự do hít thở bầu không khí luôn căng tràn năng lượng và nhựa sống. Ảnh: Văn Dũng

Nguồn: Văn Dũng/Đời sống và Pháp lý

Tin nổi bật