Pháp luật giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam hiện nay (Bài 2)

Dương Quốc Huy, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Hoài Văn

 Để giải quyết một vụ tranh chấp, người ta phải căn cứ vào những quy phạm nội dung và những quy phạm hình thức. Quy phạm nội dung là căn cứ để xác định quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp. Quy phạm hình thức giúp cho việc giải quyết tranh chấp tuân thủ theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan, chính xác. Các văn bản pháp luật tham gia giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông vì vậy cũng được chia làm hai nhóm. Nhóm các văn bản quy định về kết nối, bao gồm: Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông (BCVT), Nghị định 160/2004/NĐ-CP và Quyết định 12/2006/QĐ-BBCVT. Nhóm các văn bản quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kết nối, trong đó có Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật Cạnh tranh và Pháp lệnh trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, để phù hợp tính chất đặc thù của lĩnh vực Viễn thông, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kết nối còn được quy định tại Pháp lệnh BCVT, Nghị định 160/2004/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh BCVT về Viễn thông và Quyết định 12/2006/QĐ-BBCVT của Bộ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông).

Bài viết này tập trung chủ yếu vào phân tích thực trạng và bước đầu đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp luật để giải quyết vụ việc tranh chấp kết nối Viễn thông mà không đi sâu vào những quy định mang tính nội dung của kết nối.

Ảnh minh họa: WATblog

1. Áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Bộ luật tố tụng dân sự bao gồm 36 Chương, 418 Điều, được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ 01/01/2005. Ngay trong Điều 1, Bộ luật tố tụng dân sự đã nêu rõ, Bộ luật quy định trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại; Trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về kinh doanh, thương mại tại Tòa án. Bằng quy định này, kể từ ngày 01/01/2005, mọi tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại đều có thể được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Toà án nhân dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép các bên trong tranh chấp kết nối Viễn thông khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết. Như vậy, khẳng định rằng, khởi kiện ra tòa là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam hiện nay. Khi vận dụng Bộ luật tố tụng Dân sự vào giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, cần lưu ý một số quy định cơ bản sau đây:

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự

Về xét xử sơ thẩm, hiện nay, tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án nhân dân cấp tỉnh đều có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp kết nối Viễn thông. Bộ luật tố tụng Dân sự quy định, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (tòa án cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ giữa tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận (Điều 29, Điều 33, Bộ luật Tố tụng dân sự). Tranh chấp kết nối là tranh chấp giữa các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông với nhau, đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận, do vậy, tranh chấp kết nối có thể được coi là vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Theo Khoản 2, Điều 34, Bộ luật tố tụng Dân sự, tòa án cấp huyện có thẩm quyền thụ lý xét xử sơ thẩm nếu Tòa cấp tỉnh không lấy lên để giải quyết. Cũng tại cấp sơ thẩm, tòa án nhân dân  tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể giải quyết những vụ tranh chấp kết nối Viễn thông, nếu tranh chấp ấy không thuộc thẩm quyền của tòa cấp huyện hoặc trong trường hợp tòa cấp tỉnh nhận thấy cần thiết lấy lên để giải quyết (Điều 34, Bộ luật tố tụng Dân sự) hoặc vụ tranh chấp kết nối viễn thông ấy có yếu tố nước ngoài (Khoản 2, Điều 20, Bộ luật tố tụng Dân sự).  

Về xét xử phúc thẩm, trường hợp có kháng cáo, kháng nghị, tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp của cấp xét sử sơ thẩm sẽ xét xử theo thủ tục phúc thẩm tranh chấp kết nối Viễn thông. Như vậy, chỉ có tòa án cấp tỉnh và tòa án tối cao mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục phúc thẩm các vụ tranh chấp kết nối Viễn thông. 

Với thủ tục giám đốc thẩm vụ tranh chấp kết nối Viễn thông, thẩm quyền thuộc về: Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị; Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa phúc thẩm, Tòa kinh tế của Tòa án nhân dân tối cao bị kháng nghị; Tòa án có thẩm quyền cấp trên đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của các cấp Tòa án khác nhau (Điều 291, Bộ luật tố tụng Dân sự).

Thủ tục tái thẩm vụ tranh chấp kết nối Viễn thông thuộc thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm tòa án nhân dân cấp Tỉnh và Tòa tối cao (309, Bộ luật tố tụng dân sự).

Tóm lại, nếu vụ tranh chấp kết nối Viễn thông được giải quyết theo con đường tòa án, thì với quy định như hiện nay trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, tòa án nhân dân cấp Huyện trở lên đều có khả năng thụ lý, giải quyết.

- Thủ tục khởi kiện vụ tranh chấp kết nối Viễn thông theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự

Để vụ việc được tòa án giải quyết, doanh nghiệp (DN) viễn thông có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm phải tiến hành khởi kiện (Ðiều 162, Bộ luật tố tụng Dân sự). Đơn khởi kiện tuân thủ đầy đủ nội dung hướng dẫn tại Điều 164, Bộ luật tố tụng Dân sự như: Tên, địa chỉ người khởi kiện, những vấn đề cần giải quyết, tài liệu chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.v.v… Đơn được nộp trực tiếp tại Tòa hoặc gửi theo đường Bưu điện. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án sẽ thông báo ngay cho DN Viễn thông khởi kiện biết để đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án thụ lý vụ án khi DN khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Thủ tục khởi kiện kết thúc. 

- Hòa giải trong tố tụng dân sự

Trong xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự vụ án kinh doanh thương mại nói chung và tranh chấp kết nối Viễn thông nói riêng, hòa giải vừa là nguyên tắc, vừa là một bước quan trọng của tiến trình giải quyết vụ việc. Ðiều 10, Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Về nguyên tắc, sau khi thụ lý, Tòa án có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp kết nối trong trường hợp các bên đã tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án (Điều 192). Thủ tục hòa giải cũng có khi được tiến hành tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thông qua phiên hòa giải do thẩm phán chủ trì, hoặc tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm thông qua việc chủ tọa phiên tòa hỏi về việc các bên có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ tranh chấp hay không (Điều 220, 260, 268). Tranh chấp kết nối Viễn thông là dạng tranh chấp đặc thù, trong đó các bên vẫn phải quan hệ, hợp tác chặt chẽ với nhau sau khi tranh chấp, do vậy, hòa giải luôn là một hình thức cần thiết để phù hợp với đặc thù đó.

- Xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm

Sau khi thụ lý, vụ việc chuyển sang giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trong giai đoạn này, Tòa sẽ tiến hành hòa giải các bên, trường hợp hòa giải không thành, sẽ chuyển sang xét xử.

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng Dân sự, vụ án kinh doanh thương mại, trong đó có tranh chấp kết nối Viễn thông sẽ được xét xử theo hai cấp. Xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Xét xử sơ thẩm là việc tòa án có thẩm quyền xem xét và giải quyết lần đầu tiên vụ tranh chấp. Nhìn chung, về cơ bản việc xét xử tại phiên tòa sơ thẩm được tiến hành qua các bước như: Thủ tục trước khi bắt đầu, Thủ tục bắt đầu phiên tòa, Thủ tục hỏi, Thủ tục tranh luận, cuối cùng là Nghị án và tuyên án.

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị đối với phán quyết tại phiên sơ thẩm, vụ tranh chấp được xét xử phúc thẩm. Phán quyết tại phiên phúc thẩm là chung thẩm và các bên buộc phải thi hành và chuyển sang giai đoạn thi hành án. Về thủ tục tại phiên Phúc thẩm, nhìn chung, giống như phiên sơ thẩm.

Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện những tình tiết mới hoặc có sai sót trong quá trình xét xử, bản án sẽ được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thủ tục tại phiên tòa Tái thẩm và Giám đốc thẩm có nhiều điểm tương đồng, về cơ bản như sau: Sau khi chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên của Hội đồng trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Ðại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị. Các thành viên của Hội đồng thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Ðại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án.

- Thi hành án

Bản án, phần bản án đã có hiệu lực pháp luật sẽ được thi hành. Trường hợp các bên không tự nguyện thi hành, bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án các cấp ra quyết định thi hành án. Bên yêu cầu phải có đơn yêu cầu thi hành án hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án kèm theo bản án hoặc quyết định có yêu cầu được thi hành. Công tác thi hành án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, đôn đốc.

- Thời gian giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự

Từ khi nộp đơn khởi kiện đến thi hành án (sau phúc thẩm, chưa kể tái thẩm và giám đốc thẩm) là khoảng hơn 600 ngày (thụ lý, bổ sung đơn kiện, phân công thẩm phán, chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa, gửi quyết định sang thi hành án, chưa kể quá trình thi hành án). Thời gian ngắn nhất để một vụ tranh chấp kết nối viễn thông có thể được giải quyết theo thủ tục tố tụng quy định trong Bộ luật tố tụng Dân sự là 120 ngày, xảy ra khi các bên thỏa thuận được với nhau và được tòa án công nhận ngay trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. 

Trên đây là một số điểm đáng lưu ý trong trường hợp các bên có ý định đưa vụ tranh chấp kết nối viễn thông ra giải quyết tại Tòa án theo quy định pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn tranh chấp và giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, chưa có vụ việc nào được giải quyết bằng con đường khởi kiện tại Tòa án, mặc dù giải quyết bằng con đường tòa án có những ưu điểm như: Độc lập, chặt chẽ, khách quan trong trình tự giải quyết, tính bắt buộc thực hiện phán quyết vụ việc..v.v…

2. Áp dụng Luật Cạnh tranh giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004 gồm 6 Chương, 123 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005.

Điều 56, Luật Cạnh tranh quy định, việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của Luật này. Về nguyên tắc, kể từ ngày 1/7/2005, tranh chấp kết nối Viễn thông giữa các DN Viễn thông mang dấu hiệu của hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể được giải quyết theo tố tụng cạnh tranh quy định tại Luật cạnh tranh. Như vậy, hiện nay, khiếu nại lên cơ quan quản lý cạnh tranh là một trong những hình thức được lựa chọn để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam.

Theo tinh thần các quy định trong Luật cạnh tranh, khi một bên tham gia tranh chấp kết nối Viễn thông xét thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của Luật cạnh tranh như: Có dấu hiệu cho thấy, tranh chấp kết nối là hệ quả của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; Phân bổ cơ sở hạng tầng mạng không công bằng; Phân biệt giá cước kết nối nhằm hạn chế việc gia nhập thị trường; Tranh chấp kết nối nhằm mục đích hạn chế sự phân phối dịch vụ hoặc ngăn cản việc gia nhập thị trường của DN Viễn thông mới; Áp dụng cước kết nối cao hơn cước áp dụng cho DN thành viên hoặc DN khác; Buộc phải thực hiện các nghĩa vụ không liên quan đến kết nối; Từ chối dịch vụ; Lạm dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn cản dịch vụ của đối thủ .v.v…thì DN Viễn thông có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh, yêu cầu giải quyết theo trình tự, thủ tục của tố tụng cạnh tranh. 

Hồ sơ khiếu nại phải được gửi kèm chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm. Thời hiệu khiếu nại là 2 năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện (Điều 58, Luật Cạnh tranh). Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên khiếu nại về việc thụ lý hồ sơ. Bên khiếu nại nộp tạm ứng án phí cho việc xử lý (Điều 59, Luật cạnh tranh).

Sau khi thụ lý Hồ sơ khiếu nại, Cơ quan quản lý (CQQL) cạnh tranh, trong 30 ngày điều tra sơ bộ, quyết định có điều tra chính thức hay không (Điều 86). Nếu có cơ sở để quyết định điều tra chính thức thì thời hạn tối đa cho phép thực hiện điều tra chính thức là 360 ngày (chính thức, gia hạn và điều tra bổ sung). Những nội dung căn bản cần làm sáng rõ trong điều tra chính thức bao gồm: Xác minh thị trường liên quan; Xác minh thị phần trên thị trường liên quan của bên bị điều tra; Thu thập và phân tích chứng cứ về hành vi vi phạm. Trường hợp qua điều tra phát hiện vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, điều tra viên phải kiến nghị ngay với Thủ trưởng CQQL cạnh tranh xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.

Sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Hội đồng này có 30 ngày để ra quyết định mở Phiên điều trần xem xét, xử lý vụ việc. Phiên điều trần được tổ chức sau đó chậm nhất là 15 ngày. Phiên điều trần có thể được mở công khai hoặc xử kín. Tham gia Phiên điều trần có thể bao gồm: Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thư ký phiên điều trần; Bên bị điều tra; Bên khiếu nại; Luật sư; Điều tra viên đã điều tra vụ việc cạnh tranh; Những người khác được ghi trong quyết định mở phiên điều trần.

Sau khi nghe những người tham gia phiên điều trần trình bày ý kiến và tranh luận, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày kể từ ngày ký nếu trong thời hạn đó không bị khiếu nại.

Trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên có quyền khiếu nại lên Hội đồng Cạnh tranh. Trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Thủ trưởng CQQL cạnh tranh, các bên có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Thương mại. Những phần của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại thì chưa được đưa ra thi hành. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại, Hội đồng cạnh tranh hoặc Bộ trưởng Bộ Thương mại có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền; Trường hợp đặc biệt phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được gia hạn, nhưng không quá 30 ngày.

Hội đồng cạnh tranh có quyền: 1/ Giữ nguyên quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nếu xét thấy việc khiếu nại là không đủ căn cứ; 2/ Sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nếu quyết định này không đúng pháp luật; 3/ Hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại trong các trường hợp: Chứng cứ chưa được thu thập và xác minh đầy đủ; Thành phần Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không đúng quy định của Luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về tố tụng cạnh tranh.

Khi xem xét, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của CQQL cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Thương mại có các quyền: 1/ Giữ nguyên quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nếu xét thấy việc khiếu nại là không đủ căn cứ; 2/ Sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nếu quyết định này không đúng pháp luật; 3/ Hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và yêu cầu CQQL cạnh tranh giải quyết lại trong trường hợp chứng cứ chưa được thu thập và xác minh đầy đủ.

Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký. Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền. Những phần của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không bị khởi kiện ra Tòa án vẫn được tiếp tục đưa ra thi hành.

Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, DN Viễn thông vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; Phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, DN Viễn thông vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: 1/ Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; 2/ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ngoài các hình thức xử phạt quy định trên đây, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị: Cơ cấu lại DN lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; Chia, tách DN đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần DN đã mua; Cải chính công khai; Loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh; Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm. Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh là những chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

DN Viễn thông có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Cũng giống như Bộ luật tố tụng dân sự, thực tiễn về tranh chấp và giải quyết tranh chấp trong thời gian qua cho thấy, tố tụng cạnh tranh chưa được sử dụng như một hình thức giải quyết tin cậy đối với các DN Viễn thông. Trên thực tế, mặc dù nhiều DN Viễn thông ý thức được về khả năng lựa chọn Luật cạnh tranh để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, các DN Viễn thông cũng không có ý định khiếu nại lên CQQL cạnh tranh để xử lý vụ việc (quan điểm của một số chuyên gia phụ trách kết nối và giải quyết tranh chấp kết nối tại một số DN lớn).

3. Áp dụng Pháp lệnh trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 gồm 8 Chương, 63 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2003. Điều 1 Pháp lệnh quy định, Pháp lệnh này quy định về tổ chức trọng tài, tố tụng trọng tài để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại theo sự thoả thuận của các bên. Như vậy, trường hợp các bên trong tranh chấp kết nối Viễn thông có sự thoả thuận thống nhất đưa vụ tranh chấp ra trọng tài để giải quyết thì những quy định về trình tự, thủ tục trong Pháp lệnh này sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc tranh chấp. Với quy định này, Trọng tài là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam hiện nay. 

Có thể nói, trọng tài là một loại hình giải quyết tranh chấp truyền thống, phổ biến trong lĩnh vực thương mại nói chung và Viễn thông nói riêng, là trường hợp đặc biệt của giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba. Thông thường, người ta chia trọng tài thương mại thành hai loại: Trọng tài thường trực và trọng tài vụ việc. Đối với thủ tục trọng tài, việc lựa chọn trọng tài viên, trọng tài vụ việc hay thường trực .v.v…hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên. Thỏa thuận lựa chọn trọng tài có thể là một điều khoản trong hợp đồng chính (Thỏa thuận kết nối) hoặc lập một thỏa thuận khác. Riêng trong lĩnh vực Viễn thông, nhiều trường hợp việc lựa chọn trọng tài lại xuất phát từ sự khuyến khích hoặc ủy nhiệm trực tiếp của CQQL nhà nước về Viễn thông. Luật Viễn thông 1996 của Mỹ1 cho phép Ủy ban quản lý Viễn thông quốc gia sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông. Australia cũng có quy định tương tự khi cho phép ACCC (Ủy ban người tiêu dùng và tranh chấp Australia) lựa chọn trọng tài tham gia giải quyết vụ tranh chấp Viễn thông đã được các bên yêu cầu ACCC giải quyết. Chính sách trọng tài của Guatemala cho phép các DN Viễn thông được quyền yêu cầu cơ quan quản lý Viễn thông SIT thực hiện thủ tục trọng tài nếu các DN không được thỏa thuận trong vòng 40 ngày kể từ ngày có đề nghị kết nối chính thức.

Khác với một số nước trên thế giới có trình tự, thủ tục giải quyết bằng trọng tài dành riêng cho tranh chấp kết nối Viễn thông, hiện nay, tại Việt Nam việc giải quyết này được vận dụng chung với các tranh chấp thương mại khác. Điều này được thừa nhật tại Khoản 1, Điều 2, Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003, theo đó, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận. Bằng việc đưa ra khái niệm “hoạt động thương mại” (Khoản 3, Điều 2),2 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 đã cho phép trọng tài giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, trong đó có tranh chấp kết nối Viễn thông.

- Theo tinh thần các quy định trong Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003, để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông bằng trọng tài, phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản sau:

Một là, tranh chấp kết nối Viễn thông chỉ được giải quyết bằng trọng tài nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, các bên có thoả thuận trọng tài.

Hai là, khi giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư. Nếu không đạt được tiêu chuẩn này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính đúng đắn, chính xác, khách quan và khả năng thi hành của phán quyết trọng tài.

Ba là, nguyên tắc giữ bí mật phải được tôn trọng thực hiện. 

Bốn là, quyết định trọng tài là chung thẩm, các bên phải thi hành quyết định trọng tài, trừ trường hợp toà án huỷ quyết định trọng tài.

Năm là, nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp. Theo quy định này, đối với vụ tranh chấp giữa các doanh nghiệp Viễn thông của Việt Nam, hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật tương ứng của Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

(Còn tiếp)

Tin nổi bật