Những thách thức và cơ hội của NGN ở Việt Nam

TS. Đặng Đình Trang, ThS. Nguyễn Sơn Hải

Phát triển và kinh doanh mạng thế hệ mới NGN đã và đang là vấn đề nóng trong ngành viễn thông vài năm gần đây. Bài viết này trình bày tóm tắt các nghiên cứu đánh giá về thách thức và cơ hội mà NGN có thể tạo ra cho nhà khai thác viễn thông. Bài viết tập trung vào các vấn đề nổi cộm, gây ra nhiều tranh luận của NGN như khi nào nên triển khai NGN, Softswitch hay IMS, các vấn đề của chuyển đổi và kinh doanh NGN.

1. Giới thiệu

Mạng thế hệ mới (Next Generation Network - NGN) bắt đầu được đề xuất, nghiên cứu thảo luận nhằm chuẩn hóa từ khoảng năm 2003. NGN không phải là một ý tưởng cách mạng, NGN là sự phát triển tất yếu của quá trình tiến hóa công nghệ mạng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Có rất nhiều động lực thúc đẩy quá trình tiến hóa này: nhu cầu của khách hàng điện thoại chuyển từ cách chỉ dùng các dịch vụ do công ty cung cấp điện thoại truyền thống cung cấp sang thế giới Internet mở với khối lượng nội dung và năng lực liên lạc khổng lồ; sự hội tụ tất yếu của các mạng liên lạc trước đây chỉ dùng cho các mục đích riêng (ví dụ mạng PSTN nhằm cung cấp liên lạc điện thoại cố định, mạng GSM dành cho điện thoại di động) sang mạng sử dụng giao thức IP hoàn toàn (all-IP) có bản chất đa tính năng, có mặt tại mọi nơi mọi chỗ và chi phí thấp; sự tách biệt phần truyền tải của mạng và các dịch vụ chạy trên lớp truyền tải, cho phép sáng tạo ra các dịch vụ mới độc lập với lớp truyền tải, gây ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh và giá cước dịch vụ…

Ảnh minh họa: nextgenerationnetwork.ie

Trong mạng điện thoại truyền thống PSTN, kết nối liên lạc điện thoại dùng chuyển mạch kênh sử dụng một đường kết nối vật lý giữa người dùng tại hai đầu của mạng. Đường kết nối này bị chiếm dụng và phải được đảm bảo trong suốt quá trình liên lạc. Trên Internet, dữ liệu được truyền tải với giao thức IP. Thông tin được cắt nhỏ vào các gói dữ liệu chứa đầy đủ địa chỉ IP của bên gửi và bên nhận. Các gói thông tin được gửi tới các thiết bị định tuyến (router) tiếp nối nhau đến khi gói dữ liệu cuối cùng được gửi đến bên nhận. Các gói dữ liệu không nhất thiết phải đi theo cùng một đường đến bên nhận, vì vậy mạng IP cho phép thiết lập liên lạc không cần đường kết nối cố định. Mỗi loại mạng đều có các điểm mạnh và yếu riêng. Mạng NGN được xây dựng với mục tiêu kết hợp các tính năng tốt nhất của hai mạng PSTN và Internet.

Tuy nhiên, mạng PSTN được xây dựng và khai thác trong thế kỷ trước sẽ không thể thay thế được trong một sớm một chiều. Gác lại một bên những vấn đề về công nghệ của NGN - vốn đang được phát triển, chuẩn hóa và chưa thật sự chín muồi - bài viết này tập trung vào các thách thức mà các nhà khai thác viễn thông sẽ phải đối mặt khi lên kế hoạch triển khai mạng NGN trong tương lai. Nên hay không, khi nào nên bắt đầu tiến tới NGN, lộ trình chuyển đổi sang NGN, phải giải quyết như thế nào với khách hàng cũ, cơ sở hạ tầng cũ, cơ cấu tổ chức cũ. Triển khai NGN không đơn thuần là lắp đặt và khai thác mạng, nó kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan mật thiết như cơ cấu lại quy trình khai thác, kinh doanh trong môi trường mới, thiết lập lại các quy định kết nối trong và ngoài nước, tính cước, quản lý nhà nước… Chuyển đối sang NGN yêu cầu sự chuyển mình và đổi mới của toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vô số cơ hội mà NGN có thể mang tới như giữ chân khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu suất khai thác vận hành, giữ và tạo ra các nguồn lợi nhuận mới… Các nhà khai thác cần hiểu rõ và vận dụng một cách hợp lý, đúng thời gian và địa điểm để thu lợi nhiều nhất từ các cơ hội mà NGN mang đến.

2. Những điểm đáng lưu ý của NGN

2.1. NGN là gì?

NGN là một khái niệm rộng, khó định nghĩa một cách chính xác, ngắn gọn. Ngay cả các diễn đàn chuẩn hóa lớn nhất cũng có cách tiếp cận NGN đôi chút khác nhau. Bắt đầu từ tên gọi, Korea Telecom triển khai xây dựng mạng thế hệ mới với tên gọi Broadband convergence Network (BcN), British Telecom đặt tên mạng là 21CN, Telekom Global Network (TGN) là tên mạng NGN của Deutsche Telekom… Khi sử dụng khái niệm NGN, một số người muốn đề cập đến quá trình chuyển hóa từ PSTN sang mạng trên nền IP, một số khác muốn nói đến việc sử dụng công nghệ IP trên phần nào đó của mạng hay cuộc gọi [1]. Dưới một góc nhìn nào đó các cách hiểu này đều có lý do có thể chập nhận được.

NGN có thể phát triển, sử dụng nhiều công nghệ mạng bao gồm mạng quang, cáp, cố định, di động… Mục tiêu là chuyển đổi từ “mạng đơn dịch vụ” sang “mạng đa dịch vụ”. Đối với các nhà khai thác, NGN là công cụ quan trọng để giữ vị thế cạnh tranh trên thị trường trong thế giới hội tụ của dịch vụ và nội dung, khi doanh thu từ điện thoại truyền thống ngày càng giảm sút. Trên thị trường viễn thông, động lực của NGN là nhu cầu dịch vụ điện thoại, dữ liệu, video tích hợp, mọi lúc mọi nơi, trên mạng cố định cũng như di động. Về mặt công nghệ, sự khác biệt của NGN là chuyển mạch gói so với chuyển mạch kênh truyền thống trên PSTN.

Nhóm nghiên cứu ITU-T SG13 định nghĩa NGN trong Khuyến nghị Y.2001 [9] như sau: “Mạng truyền tải gói cho phép cung cấp các dịch vụ liên lạc viễn thông và có khả năng sử dụng nhiều loại hình băng rộng, các công nghệ truyền tải đảm bảo QoS, trên đó các chức năng liên quan tới dịch vụ độc lập với các công nghệ truyền tải phía dưới. Nó cho phép người dùng truy nhập tự do tới các mạng, các nhà cung cấp dịch vụ và/hoặc các dịch vụ theo ý muốn của họ. Nó hỗ trợ tính năng di động (generalized mobility), khả năng cung cấp dịch vụ ổn định, mọi lúc mọi nơi”.

2.2. Lộ trình chuẩn hóa NGN

NGN đã và đang là một đề tài nóng trong lĩnh vực viễn thông trên toàn thế giới, nhiều diễn đàn, tổ chức và dự án đang hoạt động rất tích cực trong tiến trình chuẩn hóa NGN.

Trên hết phải nhắc tới vai trò chủ đạo của ITU-T trong chuẩn hóa NGN. Khởi đầu bằng hội thảo “Next Generation Netwroks: What, When and How?” tại trụ sở của ITU-T ở Geneva, Thụy Sỹ tháng 6/2003. Sau đó FGNGN (Focus Group on NGN) được thành lập để soạn ra các phác thảo chuẩn đầu tiên của NGN. Kết quả của nó được tiếp tục bởi ITU-T SG13, nhóm nhiên cứu hàng đầu về NGN, đưa ra các khuyến nghị chính thức của ITU-T về NGN. Sau FGNGN, NGN-GSI (Global Standards Initiative) được thiết lập là nhóm quản lý hệ thống tập trung về NGN, bao gồm các nhóm nghiên cứu SG11 (về các giao thức báo hiệu), SG17 (về an ninh mạng) và SG19 (về các mạng di động) [10]. Kết quả của các nhóm làm việc này đến thời điểm hiện nay là NGN Release 1 gần hoàn chỉnh tập trung vào các dịch vụ trên nền phiên (session-oriented), các Khuyến nghị Y.2xxx, Q.3xxx về lưu lượng và quản lý QoS, chuyển đổi từ PSTN/ISDN, quản lý mạng, an ninh, di động (mobility), báo hiệu… [11]. NGN Release 2 sẽ đi sâu vào các dịch vụ dòng (streaming) như IPTV và mở rộng sang di động.

Gần như song song với ITU-T, Viện Tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI) bắt đầu dự án TISPAN (Giao thức và mạng hội tụ viễn thông và Internet cho các mạng tiên tiến) tháng 9/2003 để soạn thảo ra chuẩn châu Âu về NGN và cố gắng đưa chúng thành các chuẩn quốc tế ITU-T. 3GPP IMS được chọn là nền tảng cơ bản cho NGN. Mục đích của TISPAN là: (1) mở rộng IMS cho các khách hàng băng rộng, PSTN/ISDN; (2) cung cấp đầy đủ các dịch vụ PSTN/ISDN hiện tại cho các khách hàng trên mạng thế hệ mới để hỗ trợ các kịch bản chuyển đổi; (3) mở rộng các phạm vi thuộc về quản lý của IMS mà 3GPP chưa hỗ trợ như gọi khẩn cấp (Emergency calling), nghe trộm đúng luật (Lawful Interception), báo cuộc gọi có mục đích xấu (Malicious Call Indication - MCI), CLIP/CLIR… [3]. Các kết quả của TISPAN khá giống của ITU-T, TISPAN NGN Release 1 ban hành vào 2005 là các chuẩn nền tảng để phát triển và xây dựng NGN. Release 2 vẫn trong quá trình hoàn thiện tập trung vào tính năng di động, cung cấp nội dung và các dịch vụ mới với mức an ninh và quản lý mạng nâng cao [12].

Tiếp đó phải kể đến 3GPP, nơi khởi động mô hình IMS. IMS là một phần trong công việc chuẩn hóa công nghệ di động 3G trên mạng UMTS. Công việc này sau đó được 3GPP, 3GPP2, TISPAN mở rộng, hỗ trợ các mạng khác như wireless LAN, CDMA2000 và mạng cố định. 3GPP vẫn tiếp tục tập trung vào phát triển phần lõi của IMS. Họ đã phát hành các Release 99 (nền tảng), 4 (giới thiệu MMS và TD-SCDMA), 5 (HSDPA và IMS), 6 (nâng cao HSPA và IMS). Release 7 đang trong thời gian hoàn thiện, mở rộng IMS sang các mạng cố định.

Ngoài ra, còn phải nhắc đến rất nhiều các dự án và diễn đàn nghiên cứu khác cùng đóng góp vào sự phát triển của NGN: Internet Engineering Task Force (IETF), MultiService Forum, các tổ chức liên quan tới Service Delivery Platform (SDP) như OSA/Parlay, JAIN, European Regulators Group…

2.3. Softswitch hay IMS?

Định nghĩa của ITU-T chỉ nêu ra khái niệm chung về mạng NGN mà không cụ thể hóa cách thức để xây dựng NGN. Nói đến NGN hiện nay chúng ta thường nhắc đến Softswitch (chuyển mạch mềm) và IMS (IP Multimedia Subsystem). Đó là hai hệ thống được biết đến rộng rãi trong thế giới NGN, nhưng cũng nên lưu ý rằng một nhà cung cấp hay khai thác mạng nào đó có thể có phương thức riêng để triển khai theo mục đích, nhu cầu của họ, không nhất thiết phải là Softswitch hay IMS.

Theo ý tưởng thiết kế ban đầu, Softswitch đúng nghĩa là software switch, dùng để thay thế cho TDM switch (tổng đài chuyển mạch TDM). Vì mạng điện thoại truyển thống dùng chuyển mạch kênh, Softswitch cần có giao diện với cơ sở hạ tầng đã có, bao gồm đường truyền thông TDM (media path) và báo hiệu SS7. Vì tính phân tán của mạng IP, cộng thêm sự ra đời ngày càng nhiều Softswitch, các chức năng của nó được tách ra thành các phần riêng: Media Gateway (MGW), Signaling Gateway (SGW) nằm tại biên mạng làm nhiệm vụ chuyển đổi lưu lượng (sang gói IP) và báo hiệu (sang H.248 hay SIP) và phần xử lý cuộc gọi tạm gọi là Call Control. Hình 1 trình bày các chức năng chính của Softswitch. Ban đầu, Softswitch cũng được thiết kế phù hợp với cấu trúc chuyển mạch truyền thống gồm có các tổng đài Class 4 và Class 5. Theo thời gian, cùng với việc chia tách các thành phần như MGW, SGW, Call Control của hệ thống Softswitch, sự tách biệt chức năng chuyển mạch Class 4/5 trở nên không cần thiết. Các Softswitch hiện nay đều cung cấp đầy đủ các chức năng chuyển mạch Class 4 và 5.

Hình 1. Các thành phần chính của hệ thống Softswitch [7]

Cấu hình IMS ban đầu được 3GPP xây dựng nhằm cung cấp các dịch vụ truyền thông đa phương tiện (IP multimedia) cho khách hàng di động. IMS mô tả một cấu trúc lớp với các chức năng mạng cụ thể tại mỗi lớp, nhưng định nghĩa các thành phần hay thiết bị mạng cung cấp các chức năng đó. Các nhà cung cấp có thể tùy ý thiết kế và chào mua các thiết bị nhưng phải tuân theo các giao diện chuẩn để có thể kết nối, hoạt động tương thích với thiết bị IMS của nhà cung cấp khác. IMS có các chức năng chính như: P/S/I-CSCF (Proxy/Serving/Interrogating-Call Session Control Function), HSS (Home Subscriber Server), BGCF (Breakout Gateway Control Function), MGCF (Media Gateway Control Function), MRF (Media Resource Function), AS (Application Server)… (Hình 2). Với các mục đích và tầm nhìn rộng mà IMS đang hướng tới, có vẻ như IMS là hướng phát triển chủ đạo của mạng thế hệ mới NGN.

Hình 2. Cấu trúc chức năng của IMS [13]

Song song với IMS, các diễn đàn chuẩn hóa cũng đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Softswitch. Theo xu hướng phát triển IMS, tất cả các nhà cung cấp Softswitch đều vạch ra lộ trình chuyển đổi hay cải tạo hệ thống sang IMS trong tương lai. Một vài hiện thực nên xem xét tới khi phân tích quan hệ giữa Softswitch và IMS: (1) IMS chưa phải là một công nghệ chín muồi và khó có thể dự báo được thành công trong tương lai; (2) hệ thống Softswitch hiện nay đã khá phát triển và ngày càng có nhiều tính năng mới phù hợp với xu thế phát triển mạng và dịch vụ. Ranh giới giữa Softswitch và IMS ngày càng mờ; (3) tùy theo mục đích kinh doanh, tình trạng mạng hiện tại, năng lực thị trường, nhu cầu khách hàng… các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không nhất thiết cần đến IMS, một giải pháp Softswitch nâng cao có thể là phù hợp nhất với nhu cầu của họ; (4) có vẻ như sự tồn tại song song của cả hai công nghệ là phương án ít rủi ro nhất cho các nhà cung cấp dịch vụ: Softswitch cho kết nối thoại (hiệu quả và tin cậy) và IMS dành cho các dịch vụ nâng cao mới.

3. Những thách thức và cơ hội của NGN

Khi phân tích đánh giá những thách thức và cơ hội mà NGN có thể đem lại cho nhà khai thác viễn thông, bài viết này đi sâu vào ba lĩnh vực đáng lưu ý nhất: quyết định triển khai NGN, phương thức triển khai và phương án kinh doanh trên NGN.

3.1.  NGN: nên hay không?

Có thể khẳng định chắc chắn rằng NGN mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà khai thác viễn thông. Điều này đã được thảo luận rất nhiều trong các hội thảo chuyên đề hay trong các bài nghiên cứu liên quan [1], [3], [4], [6], một vài ý chính có thể được tóm lược như sau:

(1) Kinh doanh thuần túy trên đường truyền thông (“pipe” business) và dịch vụ điện thoại cơ bản ngày càng trở nên thông dụng và có nhiều đối thủ cạnh tranh. Ví dụ trên thị trường viễn thông Việt Nam ngoài VNPT, nay đã có thêm các công ty viễn thông như Viettel, FPT, EVN, S-fone, HT và sắp tới là GTel. Các nhà khai thác phải cạnh tranh quyết liệt về giá cả, dẫn đến giảm lợi nhuận đáng kể. Nếu nhà khai thác muốn thành công trong hoàn cảnh mới, họ phải tìm ra cách tăng thêm giá trị vào dịch vụ truyền thông của họ. NGN là nền tảng để cung cấp các dịch vụ nâng cao mới, giữ chân khách hàng, mở ra những cơ hội thị trường mới, lợi nhuận mới.

(2) Mạng NGN tạo nền tảng cho các nhà khai thác mạng phát triển, cung cấp hiệu quả các dịch vụ mới, loại bỏ các phương thức xây dựng dịch vụ kém hiệu quả, đơn chiếc, cá thể, và không sử dụng lại được như hiện nay. NGN giúp giảm thời gian đưa ra thị trường (time-to-market) và chi phí cho vòng đời (life-cycle) của các dịch vụ mới.

(3) Năng lực của các giải pháp NGN (Softswitch hay IMS) đều lớn hơn nhiều so với các tổng đài chuyển mạch Class 4/5 cũ. Hơn nữa, NGN có chi phí khai thác và vận hành thấp hơn. Những tính năng này rất hấp dẫn không chỉ với các công ty mới tham gia thị trường, mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà khai thác truyền thống khi xem xét mở rộng hay thay thế mạng lưới hiện tại. Nền tảng IP cho phép hiệu quả hóa quản lý mạng và sử dụng tài nguyên mạng.

(4) Làm giảm nhu cầu vế số lượng cũng như không gian dùng để lắp đặt các tổng đài, thiết bị mạng. Việc này kéo theo tiết kiệm đáng kể về nhà đặt tổng đài, điểm kết nối và năng lượng tiêu thụ.

Chuyển đổi sang NGN là xu hướng tất yếu của ngành viễn thông. Tuy nhiên, một số nhà khai thác cũng có thể đưa ra lý do để không triển khai NGN. Hiện nay tại phần lớn các thị trường, số lượng khách hàng điện thoại cố định đã bão hòa và có xu hướng giảm dần. Mạng PSTN sẵn có vẫn có năng lực, chất lượng tốt cung cấp dịch vụ trong nhiều năm nữa. Tại sao lại đầu tư vào NGN với phần lớn các dịch vụ như cũ, sự tiếp nhận của khách hàng và thành công của các dịch vụ NGN mới chưa thật sự rõ ràng và chắc chắn? Đây là bài toán của một chiến lược kinh doanh dài hạn. Chiến lược kiểu “phòng thủ” nếu may mắn có thể giúp nhà khai thác giữ được vị thế trên thị trường đến một thời điểm nào đó. Thành công chỉ thật sự đến với sự sáng tạo trong kinh doanh và sự nắm bắt hợp lý các cơ hội. Với các cơ hội như đã trình bày ở trên, việc chọn lựa NGN hay không có lẽ tương đối dễ trả lời. Cái khó với các nhà khai thác viễn thông là việc tận dụng hợp lý các cơ hội của NGN. Trước tiên là quyết định khi nào nên bắt đầu triển khai NGN?

Triển khai NGN yêu cầu đầu tư ban đầu không nhỏ. Triển khai NGN quá sớm sẽ làm lãng phí năng lực mạng sẵn có. Bộ máy kinh doanh chưa sẵn sàng gây ra hiệu quả kinh doanh kém. Thị trường chưa chín muồi sẽ không bị hấp dẫn bởi các dịch vụ NGN mới. NGN là công nghệ vẫn đang phát triển, đầu tư sớm có thể có nhiều rủi ro, các thiết bị cũ sẽ không tương thích với các chuẩn NGN sau này. Triển khai NGN quá muộn cũng sẽ không tận dụng được các cơ hội NGN đem lại. Đối thủ cạnh tranh nào triển khai NGN trước sẽ chiếm lĩnh các lợi thế của NGN trên thị trường. Mặt khác, đầu tư tiếp vào mạng cũ là lãng phí khi chi phí đó có thể dùng để khởi động mạng NGN có năng lực và tính năng vượt trội. Vì vậy, quyết định triển khai NGN đúng đắn phải được xem xét cân nhắc kỹ lưỡng theo hoàn cảnh cụ thể của thị trường, của mỗi nhà khai thác.

3.2. Chuyển đổi sang NGN

Nhà khai thác viễn thông sau khi đã quyết định triển khai NGN sẽ phải đối mặt với một thách thức tiếp theo: chuyển đổi sang NGN. Chuyển đổi mạng truyền thống PSTN – hình thức mạng về cơ bản là không đổi trong nhiều thập kỷ qua - sang NGN không đơn thuần chỉ là bài toán kỹ thuật. Chuyển sang NGN là sự thay đổi về hệ thống của toàn công ty, cần có một chiến lược chuyển đổi tổng thể rõ ràng. Kế hoạch chuyển đổi sang NGN sẽ liên quan, trực tiếp hoặc gián tiếp, đến nhiều lĩnh vực: chiến lược, kinh doanh và bán hàng, phát triển dịch vụ, các hệ thống IT (bao gồm OSS, BSS, khai thác và quản lý mạng…), hiệu quả hóa mạng, quản lý cung cấp thiết bị và các đối tác cung cấp thiết bị, nguồn nhân lực… Các vấn đề sau cần phải xem xét đến trong kế hoạch:

  • Các hạn chế và thách thức của nguồn nhân lực và tài nguyên mạng,
  • Những rủi ro có thể xảy ra trong chuyển đổi liên quan tới cung cấp dịch vụ liên tục và đảm bảo các dịch vụ và chuyển đổi khách hàng,
  • Đánh giá chi tiết về các chi phí chuyển đổi và các khoản tiết kiệm được trong quá trình thay đổi hệ thống,
  • Các nguồn lợi nhuận mới có thể thu được từ việc cung cấp các dịch vụ (NGN) mới trên thị trường.

Một kế hoạch chuyển đổi chung cho toàn hệ thống dịch vụ điện thoại POTS và dữ liệu thông thường mất khoảng 3 đến 8 năm, theo như kinh nghiệm của nhiều nhà khai thác trên thế giới. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, nhà khai thác có thể chọn con đường chuyển đổi nhanh hay chậm trong khoảng thời gian trên. Chuyển đổi chậm, kéo dài có vẻ như là ít chi phí và ít rủi ro nhất, đảm bảo sự chuyển đổi trơn tru của các dịch vụ và khách hàng. Số lượng đường thuê bao phải chuyển đổi hàng ngày có thể được nhân lực sẵn có thực hiện. Thách thức có thể xảy đến khi chuyển đổi chậm là trong khoảng thời gian đó các nhà khai thác khác trên cùng thị trường có thể đã hoàn thành NGN trước, cung cấp trước các dịch vụ cạnh tranh hoặc mới với giá rẻ hơn. Do đó suốt quá trình chuyển đổi nhà khai thác phải liên tục nghiên cứu xem xét động thái của thị trường để có phản ứng, điều tiết phù hợp. Ngược lại chuyển đổi rất nhanh mang lại nhiều thuận lợi cho kinh doanh nhưng sẽ yêu cầu chi phí lớn cũng như ẩn chứa nhiều rủi ro. Số lượng đường thuê bao phải chuyển đổi hàng ngày có thể rất lớn, vượt quá khả năng của nhân lực hiện tại. Bên cạnh đó đầu tư nhanh cũng khiến chi phí chuyển đổi cao. Thời gian ngắn hạn chế các thử nghiệm, nghiên cứu nhu cầu thị trường, vì vậy làm tăng rủi ro trong vận hành và khai thác mạng.

Một vấn đề quan trọng khác của chuyển đổi là việc sử dụng (lại) một cách hiệu quả nhất hệ thống, cơ sở hạ tầng hiện tại. Nhà khai thác truyền thống thường khai thác các mạng hạ tầng sau: mạng TDM (nội hạt, liên tỉnh, kết nối quốc tế), mạng dữ liệu/Internet, mạng pre-NGN (VoIP, SIP). Các hệ thống này có thể sử dụng tiếp/lại vào các mục đích hỗ trợ khách hàng truyền thống cho đến khi họ chuyển sang NGN, làm (một phần) mạng lõi cho mạng NGN mới, hay nâng cấp/chuyển đổi thành một phần của NGN mới. Có thể thấy trước rằng mạng cũ sẽ hoạt động song song với mạng mới trong suốt quá trình chuyển đổi và có thể thêm vài năm tiếp theo nữa. Thời điểm cần chấm dứt hoạt động của mạng cũ là khi chi phí vận hành nó đã lớn hơn nhiều so với lợi ích mà nó mang lại.

Tuy không trực tiếp là mục tiêu của chuyển đổi nhưng mở rộng băng thông truy nhập của các thuê bao là việc nhất thiết phải thực hiện trong giai đoạn chuyển đổi để khách hàng thực sự trải nghiệm được các dịch vụ mới và các tiện ích sẽ được mời chào trong môi trường NGN. Nghiên cứu triển khai các công nghệ truy nhập tốc độ cao như ADSL2+ hay truy nhập quang FTTx, PON, GPON… cần được xem xét phát triển.

3.3. Kinh doanh và khai thác NGN

Có rất nhiều vấn đề về mô hình kinh doanh và khai thác NGN, tuy nhiên phần này tập trung vào một số điểm đáng chú nhất liên quan đến cơ hội và thách thức khi khai thác NGN; những thách thức và cơ hội khi NGN đã được lựa chọn và khai thác thương mại. Các điểm liên quan đến định vị chiến lược, marketing dịch vụ, và những thay đổi về tổ chức, mà trước mắt là khi hội tụ di động cố định sẽ được trình bày lần lượt.

3.3.1.  Định vị chiến lược của nhà khai thác dịch vụ 

Ngay trong định nghĩa về NGN của ITU thì dịch vụ viễn thông cũng chỉ là một loại dịch vụ cung cấp trên NGN. Các nhà khai thác viễn thông – bất kể là truyền thống (incumbent) hay mới hình thành (alternative) – đều có cơ hội mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực khác như cung cấp nội dung thông tin, các ứng dụng trực tuyến hay truyền thông… Ngay trong giai đoạn tiền NGN, nhiều nhà khai thác viễn thông đã tự định vị mình thành nhà cung cấp thông tin (China Mobile), nhà xử lý thanh toán (Smart Phillipines), nhà cung cấp hạ tầng cho phong cách sống (NTT DoCoMo). Hoặc như với SingTel, công ty không còn nhấn mạnh về một thế giới không khoảng cách (no distance), mà muốn biến thế giới thành một sân chơi (playground) cho khách hàng trẻ. Nhà khai thác có thể lựa chọn, tuy nhiên định vị chiến lược luôn là bước đi quan trọng nhất quyết định sự thành công, và cả thất bại.

Xét ở phạm vi hẹp hơn và truyền thống hơn, NGN đặt ra cơ hội và thách thức cho nhà khai thác viễn thông thay đổi vị trí chiến lược của mình trong chuỗi giá trị của các dịch vụ viễn thông, liên lạc.

Với khả năng xử lý rất mạnh, dung lượng không hạn chế, và tính mở của NGN như mong muốn của ITU có thể khiến cho NGN mở ra cơ hội tương đối bình đẳng giữa những thành viên tham gia thị trường: nhà khai thác mạng, nhà cung cấp dịch vụ, nhà bán lại dịch vụ, nhà cung cấp nội dung thông tin và cả người sử dụng cuối cùng. Trong môi trường NGN, người sử dụng cuối cùng - vốn thụ động trong các mô hình kinh doanh viễn thông trước đây - có thể tự thiết kế cho mình các dịch vụ với tính năng và yêu cầu rất riêng về chất lượng. NGN còn đưa nhà khai thác viễn thông gần hơn với khách hàng doanh nghiệp (DN), biến những đòi hỏi phức tạp và yêu cầu rất cao thành những giải pháp sẵn có và mềm dẻo. Một vấn đề quan trọng khác tính mềm dẻo và khả năng phân tán kiểm soát của NGN có thể làm cho nhiều người trên thị trường trở thành nhà bán lại dịch vụ; các nhà bán lại dịch vụ này chính là khách hàng mua buôn của nhà khai thác.

Vậy nhà khai thác sẽ phân định ranh giới với “khách hàng” ở điểm nào, sẽ dành cho họ mức độ linh hoạt ra sao để vừa thỏa mãn được khách hàng mà vẫn giữ được quyền kiểm soát và mức lợi nhuận đủ hấp dẫn? Tại Việt Nam khi mà các đối thủ cạnh tranh tiềm năng đến từ bên ngoài ngành viễn thông chưa đủ mạnh, thì lợi thế nghiêng nhiều hơn về các nhà khai thác viễn thông.

3.3.2. Marketing dịch vụ

Một số khía cạnh marketing dịch vụ NGN sẽ được phân tích như sau:

Về phát triển dịch vụ: Từ cách đặt vấn đề, NGN sẽ có khả năng rất lớn để cung cấp các dịch vụ sáng tạo. Tuy nhiên, thế giới mới chỉ đưa ra dự báo về xu hướng phát triển dịch vụ và những đòi hỏi cần có của chúng; và hiện chưa biết dịch vụ nào sẽ đắt khách, sẽ là động lực cho sự phát triển của NGN. Trong trường hợp này, người phát triển dịch vụ đứng trước mặt trái của quyền được lựa chọn, đó là: không biết chọn gì. Tuy nhiên, việc bứt phá khỏi khuôn mẫu dịch vụ cũ, tư duy hướng khách hàng và dám thử nghiệm sẽ là những điều cần thiết để tận dụng cơ hội phát triển dịch vụ từ NGN. Một điều chắc chắn và dễ nhận ra đó là việc gộp các dịch vụ lại thành những gói dịch vụ hội tụ, giữa cố định - di động - nội dung - dữ liệu, sẽ là một cơ hội để bán kèm dịch vụ và tạo rào cản thay đổi nhà cung cấp.

Về định giá: NGN có lợi thế là khả năng tính cước mạnh và mềm dẻo. Tuy nhiên, do mô hình kinh doanh trên NGN vẫn dựa trên hiệu ứng mạng (network effect) - “càng đông càng vui” - nên trước tiên là phải định giá nhằm mở rộng thị trường, nhanh chóng đạt quy mô đủ lớn. Hiệu ứng mạng sẽ biến kẻ lớn mạnh thành lớn mạnh hơn và kẻ yếu thành yếu hơn; điều này đồng thời tạo ra cả thách thức và cơ hội cho nhà cung cấp dịch vụ NGN. Điều dễ nhận thấy là giá cước sẽ phải tính theo gói vì NGN là mạng đa truy nhập và đa dịch vụ; như vậy cũng phù hợp với xu hướng hội tụ.

Về bán hàng và phân phối: NGN sẽ thách thức nhà cung cấp với khái niệm khách hàng và kênh phân phối. Khách hàng không chỉ phân biệt giữa cá nhân và DN; và kênh phân phối sẽ có nhiều biến đổi, chủ yếu là ngắn lại. Một đối tượng khách hàng “hiếu chiến” nhất đó là các DN viễn thông hoặc các nhà bán lại dịch vụ. Đối tượng khách hàng này có doanh số mua lớn, nhưng lại luôn tìm cách mở rộng vai trò trong chuỗi giá trị, và thực tế là muốn lấn át nhà khai thác. Kênh bán hàng cho đối tượng này cũng hết sức chuyên biệt. Tuy vậy, ngay trong mô hình kinh doanh cũ, đến 80% lợi nhuận của các khách hàng này lại chảy về nhà khai thác mạng. Do đó, việc cạnh tranh và hợp tác cũng như phát triển quan hệ hai chiều là rất cần thiết. Đối tượng khách hàng đáng nói tiếp theo đó là các đối tác cùng kinh doanh; đó là các nhà cung cấp nội dung thông tin, cung cấp các dịch vụ kết hợp trong gói dịch vụ hội tụ… Đối tượng này về cơ bản đem lại cơ hội cùng thắng (win-win) và sẽ được tận dụng bằng các hoạt động cùng tiếp thị (co-marketing).

Về chăm sóc khách hàng (CSKH): Một trong những đặc điểm của NGN đó là: công nghệ ngày càng hội tụ, nhưng khách hàng ngày càng phân ly/tán. Khả năng truy nhập không hạn chế và cá thể hóa mềm dẻo chính là lý do của hiện tượng này. Ngoài ra, công nghệ và đặc tính dịch vụ đã trở nên tinh vi và khó sử dụng hơn. Do đó việc thông tin, CSKH là một thách thức lớn. Quá trình CSKH đòi hỏi nhiều thông tin, và thông tin cá thể hóa nhiều hơn. Tuy nhiên, NGN lại có khả năng thu thập rất nhiều thông tin từ khách hàng, đặc biệt là mô thức sử dụng. Do đó, nguồn thông tin từ CSKH là rất có giá trị. Bản thân việc quản lý và khai thác thông tin khách hàng trên NGN cũng là một dạng kinh doanh đầy tiềm năng. Như đã nói trên đây, hiện cả thế giới vẫn đang đi tìm các dịch vụ ăn khách, tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp, và nói một cách khác, các nhà khai thác đang “thử nghiệm trên khách hàng”; do đó quá trình chăm sóc, quan sát khách hàng đem lại nhiều lợi ích cho kinh doanh trên NGN.

2.3.3. Thay đổi về tổ chức

Chuyển đổi sang NGN sẽ kéo theo những thay đổi sâu sắc về mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh của nhà khai thác viễn thông.

Đầu tiên có thể nhận thấy là số người cần thiết để vận hành mạng NGN sẽ giảm mạnh. Nhiều nhà tư vấn cho rằng họ có thể giảm đến 60% chi phí nhân công vận hành mạng khi chuyển sang NGN. Tuy nhiên, việc làm và nhân sự luôn là một vấn đề nan giải cho mọi cuộc cải cách mà NGN không phải là ngoại lệ; và điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức với nhà khai thác.

Khả năng mở rộng, lấn sân sang các lĩnh vực kinh doanh mới sẽ kéo theo việc hình thành những người lao động mới, với chuyên ngành mới. Ngoài ra, khi chuỗi giá trị dịch vụ viễn thông trên NGN thay đổi, quy trình cung cấp dịch vụ, mô hình tổ chức cũng phải thay đổi theo. Việc hình thành những đối tượng khách hàng mới, có mức độ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận như khách hàng là các nhà khai thác khác, là nhà bán lại dịch vụ…sẽ thúc đẩy hình thành các bộ phận bán buôn, các nhân viên quản lý khách hàng lớn chuyên quản (account manager).

Sự hội tụ về công nghệ, dịch vụ cũng thúc đẩy quá trình hội tụ về mô hình khai thác và bán hàng. Xu hướng “riêng và rõ” các dịch vụ như trước đây không còn phù hợp. Quá trình hội tụ không nhất thiết phải bắt đầu bằng hội tụ công nghệ, mà, đôi khi chỉ đơn giản là sự hội tụ về hành động, về khai thác hoặc mục tiêu kinh doanh.

Xu hướng “hội tụ” cố định - di động ở thị trường viễn thông vào loại lớn nhất thế giới là Trung Quốc là một ví dụ. Những vụ “hội tụ” thuần túy về kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn: China Mobile với China Tietong, China Unicom (GSM) với China Netcom và China Telecom với China Unicom (CDMA). Tương tự như vậy, ở Việt Nam, Nga, Pháp, Hàn Quốc… đều có việc tái cấu trúc các nhà khai thác viễn thông. Quá trình “hội tụ” thông qua sáp nhập, mua lại như trên có ảnh hưởng lớn về tổ chức, con người và hệ thống kinh doanh khai thác. Với quá trình “hội tụ thực sự” trên NGN thì thì việc tổ chức kinh doanh của nhà khai thác sẽ hoàn toàn khác

Tất cả những sự thay đổi này đều nhằm mục đích tận dụng cơ hội; tuy nhiên thách thức luôn nằm ở phương pháp và hiệu quả thực hiện.

4. Kết luận

Bất cứ sự thay đổi nào cũng ẩn chứa cơ hội và thách thức. Chuyển đổi sang mạng NGN trên nền IP thậm chí còn nhiều thách thức hơn vì đây là sự thay đổi toàn diện về hệ thống của mạng PSTN được phát triển và khai thác suốt trong nhiều thập kỷ qua. Từ góc nhìn khác, mạng NGN mới sở hữu những tính năng vượt trội phù hợp với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp thông tin và truyền thông, là nền móng vững chắc cho cạnh tranh và kinh doanh sáng tạo trong thế giới thương mại tự do và toàn cầu hóa hiện nay và tương lai. Nhà khai thác viễn thông đứng trước quyết định chuyển đổi cần phải có cái nhìn toàn diện và sâu rộng về các cơ hội cũng như thách thức của việc triển khai NGN. Mục đích của bài viết này là chỉ ra và phân tích một số thách thức và cơ hội, với mong muốn cung cấp thêm thông tin, hỗ trợ nhà khai thác viễn thông ra quyết định khi triển khai NGN.

Tài liệu tham khảo

[1]. T. Cohen, Next Generation Networks (NGN) Regulation Overview, Global Symposium for Regulators, Dubai, UAE, 5-7 February, 2007.

[2]. K. Knightson, N. Morita, T. Towle, NGN Architecture: Generic Principles, Functional Architecture, and Implementation, IEEE Communications Magazine, October 2005.

[3]. C. Lee, D. Knight, Realization of the Next-Generation Network, IEEE Communications Magazine, October 2005.

[4]. T-Systems, Next Generation Network: Motivation and Challenges for Incumbents, White Paper.

[5]. I. Jenkins, NGN Control Plane Overload and its Management, MSF-TR-ARCH-007-FINAL, MultiService Forum, February 2006.

[6]. P. Dailey, The Softswitch – Driving a New Vision of Communication as the Central Element in the Next-Generation Network, Frost & Sullivant.

[7]. IMS & the Future of Softswitches in Next-Gen Network, Heavy Reading, Vol. 4, No. 19, December 2006.

[8]. S. Marcus, Interconnection in an NGN Environment, ITU Background Paper, NGN/02, 23 March 2006.

[9]. ITU-T Recommendations Y.2001, General Overview of NGN, December 2004.

[10]  N. Morita, H. Imanaka, O. Kamatani, T. Oba, K. Tanida, Overview and Status of NGN Standardization Activities at ITU-T, NTT Technical Review.

[11]. International Telecommunication Union, http://www.itu.org

[12]. TISPAN, http://www.tispan.org

[13]. I. Gronbaek, NGN, IMS and Service Control – Collected Information, Telenor R&I Research Note, R&I N 31/2006.

Tin nổi bật