IPTV và IPTV di động – Xu thế phát triển ở Việt Nam

Quý Minh  -  Thanh Dương

CÁC ƯU THẾ CỦA IP TV

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của số lượng thuê bao Internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình IP TV và IPTV di động đã trở nên phổ biến ở một số nước trên thế giới và cũng đang phát triển ở Việt nam. Đó là một xu thế phát triển tất yếu của các dịch vụ thông tin truyền thông.

IPTV là dịch vụ truyền hình số trên giao thức Internet (Internet Protocol Television). Vì dùng chung giao thức Internet, IPTV mang các đặc tính của Internet, với khả năng hội tụ, tương tác và cá thể hoá. Các dịch vụ IPTV cho phép các dịch vụ viễn thông và dịch vụ truyền hình hội tụ lại trên một hạ tầng truyền dẫn duy nhất. Do vậy, ngoài dịch vụ truyền hình, mạng IPTV có thể tích hợp nhiều dịch vụ đặc thù của mạng viễn thông như truyền tải dữ liệu băng rộng, Internet, điện thoại,… và có thể tích hợp cả các dịch vụ di động. Sự kết hợp Viễn thông - Truyền hình này còn cho phép hình thành các dịch vụ mới như truyền hình theo yêu cầu, điện thoại truyền hình…

 Hình 1. Mô hình các loại  mạng truyền hình

Không thụ động như truyền hình truyền thống, IPTV cho phép người dùng đặt lịch xem phim, xem truyền hình theo yêu cầu, không lệ thuộc vào giờ phát sóng, và thậm chí tham gia vào các chương trình truyền hình trực tuyến. Do đó nó thể hiện rõ tính tương tác cao. Đồng thời, nhờ khả năng tương tác những người dùng có thể đăng nhập hệ thống dịch vụ với các tài khoản khác nhau vào các không gian giải trí trực tuyến khác nhau và có thể tự do tuỳ biến giao diện khiến IPTV có khả năng cá thể hóa [1, 2, 3, 4, 5].

Với IPTV, khán giả có thể tuỳ ý yêu cầu, lựa chọn các nội dung muốn xem mà không lệ thuộc vào giờ phát sóng, với âm thanh, hình ảnh chất lượng cao, đồng thời có thể cung cấp không giới hạn các dịch vụ tương tác qua truyền hình như chăm sóc sức khoẻ tại nhà, học tập từ xa, mua sắm trực tuyến, giao dịch ngân hàng tại nhà, ...

Đây thực sự là một cuộc cách mạng về hạ tầng truyền thông - truyền hình, cho phép cung cấp các dịch vụ truyền hình kỹ thuật số hai chiều trên các hạ tầng mạng IP băng rộng như ADSL, FTTH, HFC, 3G, Wimax…. Việc hội tụ đa dịch vụ truyền thông trên một hạ tầng truyền dẫn duy nhất này được gọi là Multiplay. Những ưu điểm nổi bật kể trên khiến IPTV đã và đang dần trở thành một xu thế mới.

Hiệu quả kinh tế

Theo các số liệu nghiên cứu [4, 5], dự kiến đến năm 2013, doanh thu video trực tuyến là 31 tỷ đô la so với 2.1 tỷ đô la năm 2007 (ABI Research).

Cũng đến năm 2013, có 1 tỷ người dùng video trực tuyến từ con số 295 triệu người năm 2007 (ABI Research).

Các luồng VOD sẽ vượt con số 7 tỷ vào năm 2012, tăng 6 lần so với 2007; 55% số TV số sử dụng tại gia đình sẽ là HDTV vào năm 2012, tăng từ con số 34% vào năm 2007. Internet Video làm gia tăng băng thông với tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 41%. Tới 2012, 90% lưu lượng Internet sẽ là video.

Hình 2: Truyền hình tương tác và video theo yêu cầu nhìn từ  phía người sử dụng

Nhu cầu và tốc độ phát triển của loại hình dịch vụ tích hợp viễn thông – truyền hình được dự đoán khá khả quan. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất được đặt ra hiện nay là làm thế nào để có thể triển khai IPTV ở quy mô lớn với chi phí thấp và phù hợp với những điều kiện đặc thù ở Việt Nam.

IP TV và IP TV di động ở Việt Nam

Cũng như tình hình chung ở nhiều nơi trên thế giới, việc phát triển các dịch vụ IPTV ở Việt Nam tương đối độc lập, thường chỉ giới hạn trong nội mạng, chưa thực sự định hình về tính tiêu chuẩn hoá cũng như về mô hình tổ chức triển khai dịch vụ ở quy mô lớn (liên kết mạng, liên thông dịch vụ,… trên đa dạng nền tảng mạng).

Do yêu cầu khắt khe của một mạng truyền hình chất lượng cao, các mạng dịch vụ IPTV thường phải là các mạng cam kết chất lượng theo mô hình cung cấp từ- đầu-cuối-đến-đầu-cuối (end-to-end). Bên cạnh đó, cùng với nhiều nguyên nhân từ bài toán kinh tế cục bộ, nên các giải pháp IPTV hiện nay thường có xu thế đóng kín với các công nghệ độc quyền, để có thể tối đa hoá lợi nhuận với đầu tư tối thiểu mà không phải quan tâm nhiều đến các tham số phức tạp của bài toán chung.

Tính cục bộ trong giải pháp và hiện trạng phân tán về tiêu chuẩn trên từng mạng dịch vụ riêng biệt (mạng đóng) dẫn đến hạn chế khả năng phát triển thuê bao (giới hạn trong nội mạng) và tăng chi phí cho thiết bị đầu cuối cũng như tăng chi phí phát triển thuê bao mỗi khi kết nối, mở rộng và khó khăn cho việc phối hợp chia sẻ dịch vụ giữa các nhà cung cấp do bị lệ thuộc vào các công nghệ độc quyền.

 Việc thiếu sự thống nhất các tiêu chuẩn tham chiếu chung cũng dẫn đến những hạn chế trong khả năng kết nối liên mạng dịch vụ, gây nhiều bất tiện cho người sử dụng, hạ tầng đầu tư chồng chéo gây nhiều lãng phí cho xã hội.

 Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tối ưu lợi ích cục bộ mà không quan tâm đến bài toán tổng thể sẽ nhanh chóng tạo ra các mâu thuẫn và xung đột lợi ích với người tiêu dùng, đồng thời gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Về lâu dài, chính các nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường chỉ bó hẹp trong số thuê bao hiện có, với các dịch vụ tự phát triển hiện có.

Hinh 3. Mô hình triển khai đa  phương tiện gia đình (Home Media)

Công việc thiết lập các khung tham chiếu tiêu chuẩn chung cho một địa bàn rộng lớn ở tầm quốc gia và khu vực thông thường sẽ vượt ra ngoài phạm vi hoạt động của một doanh nghiệp đơn lẻ, mà thuộc về phạm vi của các cơ quan quản lý nhà nước, với những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các dự án cấp quốc gia cùng sự tư vấn chặt chẽ của của các liên minh công nghệ lớn và sự phối hợp của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - truyền hình trên toàn quốc.

Cùng với việc hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, việc thống nhất các mô hình triển khai với một khung tham chiếu chung cho phép các mạng dịch vụ có thể liên thông (roaming), làm giảm giá thành và nâng cao tiện nghi cho người tiêu dùng khi đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Tại mỗi gia đình, toàn bộ các dịch vụ truyền thông giải trí, liên lạc, tự động hoá ngôi nhà,… được kiểm soát thông qua màn hình TV với một cổng truyền thông gia đình (Home Gateway). Đó là ý tưởng của một trong những chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước về CNTT và Truyền thông giai đoạn 2006 – 2010 [6]. Chương trình nghiên cứu này cũng đề xuất một mô hình khung tham chiếu chung (Reference Framework) về Open IPTV và hạ tầng kỹ thuật tích hợp đa dịch vụ truyền thông trên nền IP (Multiplay) cho các nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ viễn thông - truyền hình tại Việt Nam.

Xuất phát từ việc nghiên cứu, phân tích các yêu cầu của người sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ, và của hoạt động quản lý nhà nước, 2 khung tham chiếu chính đã được đề xuất. Đó là: HomeMedia® Framework  và  MPF® Framework.

+ HomeMedia® Framework: Khung tham chiếu cục bộ cho thiết lập một hạ tầng mạng tích hợp đa dịch vụ truyền thông tại một khu đô thị hay cụm dân cư.

HomeMedia® Framework tập trung vào môi trường truyền thông toàn diện trong các gia đình và quan hệ Doanh nghiệp-Người tiêu dùng (B2C) với các đặc tả mạng dịch vụ người dùng  và các mô tả cho phép thiết lập các mạng quy mô nhỏ có khả năng sẵn sàng liên thông (roaming) tới các mạng dịch vụ khác để phát triển thuê bao và chia sẻ nội dung/dịch vụ. 

 + MPF® Framework: Khung tham chiếu chung về kiến trúc mạng dịch vụ quy mô lớn, tập trung vào giao diện và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp (B2B) nhằm tạo ra một thị trường chung từ khâu cung cấp nội dung, mạng truyền tải, tới người tiêu dùng trong trong một chuỗi cung ứng dịch vụ có quy mô toàn quốc.

Nhằm cân đối hài hoà tất cả các lợi ích có liên quan, MPF® Framework và HomeMedia®Framework đưa ra các điều kiện ràng buộc về phát triển hạ tầng trong một môi trường phát triển bền vững. 

Những ràng buộc này ban đầu cũng sẽ có thể gây ra những trở ngại nhất định đối với các nhà cung cấp dịch vụ, chủ yếu là xuất phát từ các yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, vì mục tiêu cuối cùng của các khung tham chiếu này là để tạo ra một môi trường phát triển bền vững trong một tầm nhìn dài hạn, nên chắc chắn rằng các nhà cung cấp dịch vụ sẽ hưởng ứng một cách tích cực hơn khi nhận ra và đánh giá đúng về các lợi ích trong tầm trung và dài hạn.

HomeMedia® Solution là giải pháp về một hạ tầng tích hợp đa dịch vụ truyền thông cho các cụm dân cư và khu đô thị mới, được xây dựng dựa trên khung tham chiếu HomeMedia® Framework, hướng vào các tiện nghi truyền thông giải trí toàn diện cho các cộng đồng dân cư với các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thông qua một mạng IP băng rộng (đến từ mạng viễn thông băng rộng hoặc cáp truyền hình), HomeMedia® Solution cung cấp nhiều tiện nghi truyền thông với đa dạng các dịch vụ hội tụ số cho mỗi gia đình. Chẳng hạn như: Các dịch vụ truyền thông giải trí nghe nhìn: Truyền hình theo yêu cầu và rạp hát gia đình;Nghe nhạc/Game theo yêu cầu…Các dịch vụ truyền thông liên lạc, internet và truyền số liệu: Chăm sóc sức khoẻ trực tuyến (Home-Care) và e-Learning; Điện thoại truyền hình và chia sẻ dữ liệu băng rộng; Gửi nhận email và duyệt web qua màn hình TV; Giao dịch thương mại trực tuyến và ngân hàng tại nhà…; Các dịch vụ tự động hoá ngôi nhà, camera giám sát, kết nối thiết bị gia dụng và các dịch vụ ngôi nhà thông minh khác; Cổng tích hợp truyền thông trong gia đình (Home Gateway)

Mô hình khung tham chiếu chung (Reference Framework) về Open IPTV và hạ tầng kỹ thuật tích hợp đa dịch vụ truyền thông trên nền IP (Multiplay) cho các nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ viễn thông - truyền hình tại Việt Nam đã được đề xuất. Đây là cơ sở để tiêu chuẩn hoá cho việc triển khai các dịch vụ IPTV ở quy mô lớn, trên phạm vi toàn quốc để có thể cùng tạo một nền tảng chung nhằm phát triển mạnh mẽ dịch vụ này ở Việt Nam.

Việc thống nhất các mô hình triển khai với một khung tham chiếu chung cho phép các mạng dịch vụ có thể liên thông, nâng cao chất lượng và giảm giá thành dịch vụ, điều đó mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, lợi nhuận cho nhà cung cấp, đồng thời cũng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về chất lượng mạng và dịch vụ.

Hình 4. Triển khai IPTV

Tại thị trường Việt Nam, trong những năm qua số lượng thuê bao di động tăng lên rất nhanh. Tỷ lệ tăng trưởng của thị trường di động trong khu vực nằm ở mức cao nhất trên thế giới. Các dịch vụ thông tin di động ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Cùng với đó, một thành phần quan trọng không thể thiếu trong các dịch vụ thông tin di động đó là các dịch vụ giá trị gia tăng. Việc phát triển các dịch vụ nội dung cho phép các nhà khai thác mạng phối hợp cùng các nhà cung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời mang lại nguồn doanh thu lớn.

Hiện nay, cùng sự ra đời của các giải pháp cho mạng và dịch vụ 3G, với trọng tâm là triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng truyền số liệu và các dịch vụ trên nền Internet, cơ hội thu hút và tăng trưởng nhảy vọt về doanh thu của các nhà mạng và các nhà cung cấp nội dung đã xuất hiện. Nhiều nhà khai thác có kinh nghiệm và có chính sách phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng tốt có thể phát triển được tới trên 30% tổng doanh thu của mạng.

Các dịch vụ 3G và IP TV di động phổ biến nhất mà các nhà mạng tại Việt Nam hiện nay đang giới thiệu đến người dùng là:

- Cuộc gọi thấy hình (Video Call)

- Internet di động (Internet Mobile)

- Truyền hình di động (Mobile TV)

- Cmera di động

- Di động băng rộng (Mobile Broadband)

- Cổng thông tin Portal

-  Các dịch vụ nội dung khác: xem và tải clip về điện thoại, nghe và tải nhạc, game online…

Sự quan tâm chú trọng phát triển giá trị gia tăng đã và đang đem lại những kết quả khả quan minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn của các nhà mạng. Kết quả kinh doanh của các nhà khai thác viễn thông cho thấy: tỷ trọng doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng trong tổng doanh thu của toàn mạng liên tục tăng cao. Con số tăng trưởng có thể lên tới 30%, thậm chí là 50%.

Lợi nhuận từ các dịch vụ giá trị gia tăng phát triển rất nhanh và điều đó khẳng định xu hướng của thị trường khi mà nhu cầu sử dụng các dịch vụ thoại đang chững lại và nhu cầu sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng đang tăng mạnh. Sự hội tụ, công nghệ 3G cùng với IP TV, IP TV di động …đã mở ra cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ các loại dịch vụ cho thông tin di động.

Tài liệu tham khảo

[1].“ FlexiISN and Core Network”, Nokia Siemens Networks, 2008

[2]. 3GPP website www.3gpp.org

[3]. Broadband - Network and Service, ZTI Training, 2010.

[4]. 3G Services,  Huwei Presentation, Sep 2010.

[5]. IP Trend, Cisco report, 2008.

[6]. Đề tài cấp nhà nước KC.01.14/06-10

Tin nổi bật