Nội dung chủ yếu của Luật Bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP

Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, dự án Luật này Bưu chính đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và ngày 17/6/2011, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính đã được Chính phủ ban hành và Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2011. Sau đây là bố cục và nội dung chủ yếu của Luật Bưu chính và Nghị định số 47/2011/NĐ-CP:

1. Bố cục và nội dung chủ yếu của Luật Bưu chính

Luật Bưu chính gồm 10 chương 46 điều với nội dung cụ thể như sau:

Chương I – Những quy định chung

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) tập trung thể hiện rõ chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính và xác định rõ phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực bưu chính đối với các lĩnh vực khác để tránh chồng chéo. Lĩnh vực bưu chính bao gồm hoạt động bưu chính (dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát), không điều chỉnh các dịch vụ không có cùng bản chất nhưng từ trước đến nay vẫn được cung ứng trên mạng bưu chính như dịch vụ tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền bưu điện hoặc phát hành báo chí. Những dịch vụ này chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật khác có liên quan. Việc phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực bưu chính sẽ góp phần giảm sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật nói chung đồng thời làm tăng tính khả thi của Luật trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.

Chương II – Cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Chương này gồm 12 điều (từ Điều 8 đến Điều 19) và quy định nhiều nội dung mang tính nghiệp vụ bưu chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người sử dụng dịch vụ.

Chương III – Đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính

Chương III gồm 7 điều (từ Điều 20 đến Điều 26) quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính và các điều kiện kinh doanh dịch vụ bưu chính. Theo đó, các quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính được thể hiện rõ ràng, rành mạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, khuyến khích hoạt động kinh doanh hợp pháp cũng như đảm bảo lợi ích của người sử dụng.

Trong Chương này, hai nội dung lớn là cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính và xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được thể hiện khá chi tiết và đầy đủ.

a) Cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính

Việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính được quy định khá cụ thể nhằm thể hiện rõ ý chí cũng như mục tiêu quản lý vì mục đích bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an ninh quốc gia.

Việc cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính gắn liền với việc bảo vệ bí mật thư tín và quyền trao đổi thông tin của công dân như đã được đưa ra tại Điều 12 của “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên Hiệp Quốc. Quyền được trao đổi thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người và điều này cũng được thể hiện rõ trong Công ước của Liên minh Bưu chính thế giới. Ngoài ra, việc đảm bảo bí mật thư tín và quyền thông tin của công dân đã được thể chế hóa trong Hiến pháp cũng như các quy định khác của pháp luật như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự cũng như các quy định chuyên ngành.

Như vậy, bưu chính là một trong những nghề kinh doanh có điều kiện nhằm bảo vệ bí mật thư tín, quyền trao đổi thông tin của công dân, nên doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành nghề đó, kể từ khi có đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép bưu chính được thực hiện một cách linh hoạt dưới nhiều hình thức để phù hợp với thực tế hoạt động của thị trường cũng như công tác quản lý nhà nước.

b) Xác nhận thông báo hoạt động bưu chính

Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bưu chính được đầy đủ và hiệu quả thị bên cạnh việc cấp giấy phép bưu chính, Luật bưu chính và Nghị định số 47/2011/NĐ-CP đã quy định chi tiết việc cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đối với một số hoạt động bưu chính. Trong số các hoạt động bưu chính cần phải thông báo hoạt động, có những hoạt động đã được quy định trong các văn bản trước đây nhưng cũng có nhiều hoạt động mới được bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành.

Với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, mỗi loại hình hoạt động bưu chính sẽ có quy trình, thủ tục, hồ sơ phù hợp.

Chương IV – Chất lượng và giá cước dịch vụ bưu chính

Chương này gồm 2 điều (từ Điều 27 đến 28) quy định về chất lượng và giá cước dịch vụ bưu chính.

Chương V – Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, người sử dụng dịch vụ bưu chính

Chương V gồm 2 điều (Điều 29 và 30) quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính cũng như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính.

Các quy định trong Chương này đã làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như thể hiện quyền bình đẳng trong quan hệ giữa doanh nghiệp và người sử dụng.

Chương VI – Hoạt động bưu chính công ích

Chương VI gồm 4 điều (từ Điều 31 đến Điều 34) tập trung quy định các vấn đề về nguyên tắc hoạt động bưu chính công ích cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Bên cạnh đó, Luật Bưu chính cũng có quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình xây dựng trong việc bố trí địa điểm lắp đặt hệ thống thùng thư công cộng, thực hiện lắp đặt các hộp thư tập trung tại chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng.

Trong lĩnh vực bưu chính, bên cạnh việc xây dựng thị trường bưu chính kinh doanh phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh thì hoạt động bưu chính công ích là một trong những nội dung chủ yếu trong công tác quản lý nhà nước với những vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, các quy định về hoạt động bưu chính công ích được xây dựng dựa trên một số định hướng cơ bản sau đây:

a) Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích

Dịch vụ bưu chính công ích nhằm phụ vụ nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu của toàn xã hội. Do vậy, các tổ chức và công dân đều có quyền tiếp cận, có quyền thụ hưởng và bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ. Theo Điều 3 của Công ước Liên minh Bưu chính thế giới mà Việt Nam là thành viên thì các nước thành phân phải đảm bảo để tất cả mọi công dân đều có quyền được hưởng dịch vụ bưu chính phổ cập ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ nước mình. Do vậy, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ này được thực hiện một cách liên tục, có chất lượng đến mọi người dân với giá cước hợp lý.

b) Chỉ định doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích

Để đảm bảo quyền được trao đổi thông tin thiết yếu của người dân về bưu chính và để mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ bưu chính cơ bản ở khắp mọi nơi thì mạng lưới cung ứng dụng vụ phải rộng khắp, đặc biệt là ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp ngại đầu tư cung ứng dịch vụ bưu chính (vì kinh doanh không có lãi và khó thu hồi vốn) nên rất cần sự đầu tư của Nhà nước. Mặt khác, hiện tại, tình hình kinh tế xã hội cũng như bưu chính của Việt Nam nhiều vùng phát triển còn thấp, đặc biệt là những vùng nghèo, Nhà nước cần tập trung đầu tư cho doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, tập trung lưu lượng, tận dụng mạng lưới đã đầu tư, giảm bớt gánh nặng chi phí và sự hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, Luật Bưu chính đã quy định về việc chỉ định doanh nghiệp thực hiện cung ứng dụng vụ bưu chính công ích với các quyền và nghĩa vụ cụ thể.

c) Về vi phạm dịch vụ bưu chính dành riêng

Phạm vi dịch vụ dành riêng là một phân đoạn thị trường bưu chính được Nhà nước dành riêng cho doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính phổ cập nhằm bù đắp chi phí cho việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập mà Nhà nước giao. Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng ở các nước được quy định với nấc khối lượng và mức cước khác nhau nhằm mục đích hài hòa các lợi ích của từng quốc gia, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính phổ cập.

Tại các nước phát triển, dịch vụ dành riêng là một cơ chế hỗ trợ tài chính có hiệu quả và được thực hiện tương đối lâu dài. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, sản lượng dịch vụ còn thấp, mức cước còn thấp hơn giá thành thì cơ chế này trước mắt chưa tạo ra lợi nhuận mà chỉ có tác dụng tập trung lưu lượng, giảm giá thành dịch vụ, từ đó giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách của Nhà nước.

Luật Bưu chính đã quy định: Dịch vụ bưu chính dành riêng, gồm dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 2 kilogram (kg) với mức giá cước theo quy định của pháp luật; và phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng giảm dần căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ.

Chương VII – Tem Bưu chính

Chương VII gồm 3 điều (từ Điều 35 đến Điều 37) quy định về tem bưu chính Việt Nam và sử dụng tem bưu chính. Các quy định trong Chương này được quy định nhằm đảm bảo phù hợp với Công ước của Liên minh Bưu chính thế giới và thông lệ quốc tế.

Chương VIII - Giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Chương này gồm 5 điều (từ Điều 38 đến Điều 42) quy định về giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại. Các quy định trong Chương này được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan trong hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Chương IX – Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính

Chương IX gồm 2 điều (Điều 43 và Điều 44) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chương X – Điều khoản thi hành

Chương này gồm 2 điều (Điều 45 và Điều 46) quy định hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.

Các quy định về bưu chính của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

2. Bố cục và nội dung cơ bản Nghị định số 47/2010/NĐ-CP

Nghị định quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính gồm 6 chương 30 điều với nội dung cụ thể như sau:

Chương I - Những quy định chung

Chương I bao gồm 2 điều (Điều 1 và Điều 2), quy định phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ.

Theo quy định tại chương này, dự thảo Nghị định điều chỉnh một số nội dung trong hoạt động bưu chính: đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, giấy phép bưu chính, thông báo hoạt động bưu chính, tem bưu chính, bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Chương II - Đầu tư trong lĩnh vực bưu chính

Chương này gồm 2 điều (Điều 3 và Điều 4), quy định về thẩm tra dự án đầu tư; thực hiện, chuyển nhượng dự án đầu tư. Theo đó, các dự án có mức vốn khác nhau sẽ có các quy định quản lý phù hợp với từng loại.

Ngoài ra, chương II cũng quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thanh lý dự án đầu tư hoặc có điều chỉnh khác đối với dự án đầu tư.

Chương III - Giấy phép bưu chính và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính

Chương III bao gồm 11 điều (Điều 5 đến Điều 15), quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính; hồ sơ đề nghị xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; quản lý và sử dụng giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

Bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, dự thảo Nghị định cũng quy định chi thiết các nội dung liên quan đến việc cấp giấy phép bưu chính và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính Theo đó, để được cấp giấy phép bưu chính, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về mức vốn tối thiểu; về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính; về cấp lại giấy phép bưu chính hết hạn; cấp lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Cũng trong chương này, Nghị định còn quy định cụ thể lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Cũng trong Chương này, Nghị định còn quy định về việc thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính; về lệ phí cấp giấy phép bưu chính.

Chương IV - Tem bưu chính

Chương về tem bưu chính, bao gồm 8 điều (từ Điều 16 đến Điều 23), quy định việc phân loại tem bưu chính Việt Nam; sử dụng tem bưu chính Việt Nam; nhập khẩu tem bưu chính; quy hoạch đề tài tem bưu chính Việt Nam; hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính Việt Nam; thiết kế mẫu tem bưu chính Việt Nam và mẫu dấu đặc biệt; lưu trữ tem bưu chính; kinh phí hoạt động tem bưu chính.

Chương V - Bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Chương này bao gồm 4 điều (từ Điều 24 đến Điều 27), quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường thiệt hại; mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại; thực hiện bồi thường thiệt hại và thu hồi tiền bồi thường thiệt hại.

Chương VI – Điều khoản thi hành

Chương về Điều khoản thi hành gồm 3 điều (Điều 28 đến Điều 30) quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2011.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông về bưu chính, Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 2 tháng 8 năm 2007 về dịch vụ chuyển phát, quy định về bưu chính trong Nghị định 121/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2008 về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông hết hiệu lực.

(Tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật 2011 – Luật Bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP)

Tin nổi bật