Internet đang đổi thay xã hội thế nào?

Trung tâm nghiên cứu về truyền thông đại chúng của Italy, thành lập từ năm 1964 - mới công bố bản báo cáo thứ 13 với tiêu đề “Truyền thông đại chúng giữa giới tinh hoa và thường dân”.

Internet đang là công cụ truyền thông hữu hiệu của xã hội hiện đại. Ảnh minh họa

Đó là một công trình nghiên cứu quy mô, dẫn chứng rất nhiều dữ liệu cho thấy sự thay đổi nhu cầu trên thị trường truyền thông đại chúng Italy, và ở một mức độ nhất định, minh họa cho sự đổi thay đang diễn ra trong xã hội thời nay.

Nhu cầu công chúng đang thay đổi mạnh mẽ

Theo bản báo cáo đó, thì vô tuyến truyền hình tiếp tục là phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến rộng rãi nhất: 97,5% dân số ưa thích truyền hình hơn, lượng khán giả tăng trên 0,8% trong năm. Phát thanh cũng có vị trí cao không kém: thu hút 84,9% dân số.

Trong khi đó, mức độ phổ biến của những ấn phẩm trên mạng Internet nhích lên, lượng độc giả tăng hơn 2% trong năm. Mặt khác, lượng người đọc sách giấy giảm đi gần 4,3% trong năm, tổng số người đọc sách giấy hiện nay chỉ còn 47% toàn bộ dân số. Từ bỏ thói quen đọc sách giấy, lượng người đọc sách điện tử tăng không đáng là bao, chỉ hơn 1%, nhưng tổng số độc giả này chỉ chiếm 10% toàn bộ dân số. Mức tăng trưởng này có được là nhờ có thêm cơ hội tiếp cận mạng Internet: lượng người sử dụng mạng đã tăng 2,8% so với năm ngoái, cư dân mạng chiếm 73,7% toàn bộ dân số Italy (riêng trong giới trẻ dưới 30 tuổi, số người sử dụng Internet chiếm phần áp đảo, chiếm 95,9%).

Tính trong 10 năm gần đây, rào chắn kỹ thuật số đã bị dỡ bỏ khá nhiều, lượng người sử dụng Internet tăng 28,4% - nếu năm 2007 họ chỉ chiếm dưới phần nửa, thì nay đã lên ba phần tư toàn bộ dân số.

Vai trò của các phương tiện truyền thông mới

Từ những dữ liệu công bố trong báo cáo của Censis nổi lên vấn đề lớn: sự phổ biến nhanh chóng của mạng xã hội và dịch vụ miễn phí đang được khoảng 90% thanh niên sử dụng, nhanh nhất là Whatsapp (gửi và nhận tin nhắn tức thời mà không phát sinh chi phí tin nhắn) lượng người sử dụng tăng 61,3%, con số đó là 56,2% ở Facebook (cho phép mọi người kết nối với nhau mà không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý), là 46,8% ở Youtube (chia sẻ video).

Những con số do Censis cung cấp góp phần hình dung tác động của các phương tiện truyền thông mới đến xã hội, mối quan hệ qua lại của các phương tiện truyền thông mới với giới tinh hoa. Censis nêu nhận xét, rằng các phương tiện kỹ thuật số “phi trung gian hóa” (disintermediation) đã chêm một cái nêm vào kẽ hở, chia rẽ giới tinh hoa và giới thường dân, lật đổ những hình thức khác nhau trong quan niệm vốn đã định hình về uy tín, tràn vào những hình thái luôn biến động của chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa đại chúng, làm cho tính phi hệ thống và tính cực đoan lan truyền với nhịp độ rất nhanh ở Tây Âu.

Theo Censis, nguyên nhân của các dịch chuyển mang tính kiến tạo đang làm rung chuyển nền dân chủ phương Tây nằm ở Internet và phương tiện truyền thông mới. Ví dụ, những phương tiện truyền thông mới đã dẫn đến “những hình thức đa dạng của thói bàng quan, vô cảm” ở nhiều người, thậm chí ở cả trong giới “có học và đang làm việc”.

Trong công trình điều tra của mình, Censis có dẫn ra một hiện tượng: trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về vấn đề Brexit, thanh niên thì lên mạng xã hội tỏ thái độ, đa số là không ủng hộ, song, trên thực tế chỉ một lượng không đáng kể người trong số họ đến chỗ bỏ phiếu. Vô cảm, dân túy, nổi dậy chống giới tinh hoa, lật đổ những uy tín, xung đột giữa cha mẹ và con cái... những biểu hiện không lành mạnh ấy tạo nên cảm giác là tất cả dường như đều phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông mới.

Rất có thể chúng ta hơi cường điệu khi gán cho Internet vai trò dấy lên những xáo động xã hội, trong khi đó, Internet chỉ làm mỗi cái “tăng âm” cho những xáo động đó. Ngay như việc giảm nhiệt tình của giới trẻ trong các cuộc bầu cử, nó diễn ra đã từ lâu, có thể là vì phụ thuộc vào chỗ: giới trẻ không nhìn thấy ý nghĩa của việc tham gia cuộc chơi mà họ thường xuyên bị thua thiệt.

Cũng như vậy - nguyên nhân nỗi bất bình của họ phải tìm ngay ở mức độ thất nghiệp trong giới trẻ khá cao, tới khoảng 50%, chứ không phải ở sự “phi trung gian hóa”. Còn tâm thế lảng tránh chính trị và giải thiêng phải phụ thuộc vào sự bất lực của nền dân chủ đang ngự trị và các viện nghiên cứu của nó, họ đã không đưa ra được giải pháp phù hợp cho các vấn đề toàn cầu hóa.

Các phương tiện truyền thông mới đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa, nhưng những thay đổi đang diễn ra không thể được giải thích “chỉ tại Internet”. Vấn đề đó có bản chất phức tạp hơn rất nhiều./.

Ngọc Nhật Theo báo Il Foglio, Italy, 29/9/2016

Nguồn: nguoilambao.vn

Tin nổi bật