Công nghệ thực tại ảo trong báo chí đa phương tiện

Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ luôn luôn có những ảnh hưởng nhất định đến phương thức vận hành của nền báo chí - truyền thông. Báo chí ngày nay với sự hỗ trợ của máy tính, điện thoại di động và mạng Internet đã mang đến cho công chúng những sản phẩm tin tức vô cùng hấp dẫn và nhanh nhạy. Thời gian gần đây, lĩnh vực báo chí một lần nữa lại được đón nhận thêm một công nghệ mới mang tính đột phá, đó là công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality - VR).

Tiềm năng của công nghệ thực tại ảo

Công nghệ thực tại ảo được biết đến trên thế giới từ cuối những năm 1960, nhưng phải đến đầu những năm 1990 thì công nghệ này mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Và đến nay, thực tại ảo đã, đang trở thành công nghệ mũi nhọn nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống như:  giáo dục, y tế, kiến trúc, nghệ thuật, an ninh, quốc phòng...

Có thể hiểu, thực tại ảo là một môi trường không gian ba chiều được giả lập bằng máy tính nhằm mô phỏng lại thế giới thực. Trong môi trường mô phỏng đó, khác với đồ hoạ 3D thông thường, ở đây con người không chỉ quan sát mà còn có thể thực hiện những thao tác mà mình mong muốn. Tính năng này tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ giữa người xem với thế giới ảo. Thiết bị máy tính có khả năng nhận biết được tín hiệu vào của người sử dụng và thay đổi ngay lập tức thế giới ảo. Người sử dụng nhìn thấy sự vật thay đổi trên màn hình ngay theo ý muốn của họ và bị thu hút bởi sự mô phỏng này. Bằng khả năng tương tác thời gian thực như vậy mà người xem có cảm giác như đang đứng giữa chính bối cảnh thật và hiểu tận tường từng “ngóc ngách” trong đó.

Công nghệ thực tại ảo đã bước đầu được nghiên cứu và triển khai đưa vào phục vụ việc sáng tạo các tác phẩm báo chí đa phương tiện. (Ảnh minh hoạ)

Tuy chưa thực sự được ứng dụng mạnh mẽ như các lĩnh vực khác, nhưng trong lĩnh vực báo chí, công nghệ thực tại ảo đã bước đầu được nghiên cứu và triển khai đưa vào phục vụ cho việc sáng tạo các tác phẩm báo chí đa phương tiện. Đặc điểm của loại hình báo chí này là giúp công chúng tiếp nhận thông tin với những cảm giác như đang nhập vai vào nhân vật đang hiện diện trong môi trường diễn ra thông tin. Hiện nay, trong các công trình nghiên cứu khoa học cũng như trong nhiều bài viết đã sử dụng thuật ngữ “Immersive Journalism” (tạm dịch là Báo nhúng) cho tác phẩm báo chí ứng dụng công nghệ thực tại ảo.

Tin nổi bật