Những bước chuyển biến tích cực trong hoạt động truyền thông Y tế

(ICTPress) - Y tế là một ngành đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân do đó các thông tin liên quan đến y tế trên các phương tiện truyền thông được cộng đồng quan tâm đặc biệt.

Trong 2 năm qua, không ai có thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của ngành Y tế trong việc giảm tải, cải cách thủ tục hành chính, phòng chống dịch bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, áp dụng kĩ thuật tiên tiến... thu được những kết quả tích cực được nhân dân ghi nhận.

Với vai trò cầu nối, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền sâu rộng những kết quả đó đến với toàn dân, đồng thời phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về y tế.

Ngoài ra báo chí là kênh phản biện hiệu quả các thông tin y tế chưa chính xác mà gần đây nhất là câu chuyện vắc xin Quinvaxem, câu chuyện nhập 9 tấn chất tạo nạc Salbutamol...

Thông qua báo chí, ngành Y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý hàng loạt sai phạm, tiêu cực, khuyết điểm từ chuyện vòi vĩnh nhận phong bì, tiêu cực trong khám chữa bệnh, đạo đức xuống cấp đến chuyện trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT), lạm dụng khám dịch vụ... Từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để kịp thời cổ vũ, báo chí viết nên những gương sáng của ngành y, đồng hành với những cống hiến hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế để cộng đồng sẻ chia, thấu hiểu, khâm phục.

Xác định được tầm quan trọng của truyền thông, những năm qua, ngành y tế đã có những bước chuyển tích cực trong hoạt động truyền thông, các đầu mối đã cởi mở, cung cấp thông tin chủ động hơn cho báo chí. Tuy nhiên thực tế người dân vẫn chưa hiểu được những yếu tố đặc thù của ngành Y và những khó khăn của y tế Việt Nam, nói như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, những việc làm được thì không được nêu nhưng khi có “sự cố”, có sai sót thì bị dư luận phản ứng, bức xúc.

Hiện ngành Y đã có quy chế về việc phát ngôn thông tin, tuy nhiên thực tế nhiều sự cố, vụ việc nóng xảy ra, báo chí không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía ngành chức năng. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, vòng vo còn diễn ra, nhiều nhà báo theo dõi “ăn chực nằm chờ” để canh thông tin nhưng vẫn không được.

Khi nguồn tin chính thống bị o bế sẽ dẫn đến nhiễu loạn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cả chuyên gia, mạng xã hội... mà nhỡn tiền là câu chuyện dịch sởi 2013, vụ 3 cháu bé tử vong ở Quảng Trị, Quinvaxem. Chính điều này khiến người dân mất niềm tin và hệ thống y tế, dễ có những phản ứng tiêu cực khi có bất kỳ tai biến y khoa xảy ra.

Tình trạng né tránh thông tin cũng xảy ra tại các bệnh viện - nơi chăm sóc, điều trị trực tiếp cho người dân. Khi tai biến xảy ra, trong khi vụ việc đã chia sẻ hầu khắp mạng xã hội thì thông tin chính thức từ phía bệnh viện vẫn chưa có. Báo chí có liên hệ thì đùn đẩy hết người này đến người kia, yêu cầu để lại giấy giới thiệu, liên lạc lại sau... Sự chậm chễ này vô hình trung tạo ra hiệu ứng ngược.

Đứng ở góc độ báo chí, nhiều nhà báo, tờ báo cũng phải rút kinh nghiệm. Do ngành Y đặc biệt nhạy cảm nên trong những vụ tai biến y khoa cần đưa thông tin thận trọng, đa chiều, thay vì đơn thuần phản ánh bức xúc một phía từ gia đình.

Một bài học sâu sắc gần đây nhất là câu chuyện nước mắm. Vì áp lực tốc độ, bạn đọc, nhiều tờ báo đã vội vã đăng nguyên văn thông cáo báo chí của Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng VN trong khi chưa kiểm chứng đầy đủ tính chính xác của thông tin, một số ít đã đưa được ý kiến 2 chiều nhưng vẫn còn thông tin trên tít dễ gây hiểu lầm.

Cũng liên quan vụ việc này, khi nhìn nhận trách nhiệm từ phía ngành Y tế, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng khi có thông tin nước mắm nhiễm asen, Bộ Y tế đã phản ứng không kịp thời trong việc trấn an dư luận để bảo vệ người dân, bảo vệ hàng Việt.

Theo bà Lan, khi xảy ra sự việc về mặt chuyên môn, Bộ Y tế phải phân tích đúng sai xem asen vô cơ toàn phần, asen tổng là gì, asen hữu cơ có sẵn trong nước mắm ra sao để chia sẻ cho cộng đồng kịp thời, nhưng thực tế việc này đã chậm trễ.

Do đó, tôi hy vọng trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ có những cơ chế cung cấp thông tin chủ động và cởi mở hơn, giao trách nhiệm phát ngôn tới từng đơn vị để thông tin đa chiều kịp thời đến với đông đảo người dân.

Để chủ động, theo tôi Bộ Y tế nên tổ chức các cuộc giao ban với báo chí hàng tháng, hàng tuần để có thể kịp thời giải đáp những vấn đề nóng dư luận đang đặt ra như nhiều Bộ, ngành khác đã và đang triển khai.

Hiện mỗi cơ quan báo chí thường phân công 01 phóng viên chuyên trách theo dõi y tế. Tuy nhiên do liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyên môn đặc thù, nên ngoài kiến thức chung về hoạt động báo chí, phóng viên theo dõi mảng phải thường xuyên cập nhật các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực được phân công. Do đó, ngành Y tế cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ phóng viên theo dõi y tế, tránh tình trạng thông tin chuyển tải sai lệch bản chất, chuyên ngành.

Phạm Anh Tuấn

Tổng Biên tập Vietnamnet

Tham luận của Báo Vietnamnet tại Hội thảo

“Công tác truyền thông thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ nhân dân”

Tin nổi bật