Game lậu: Nhà phát hành và game thủ đều “trả giá”

Việc nhà phát hành đưa game ra thị trường khi không có phép và game thủ lao vào chơi các game này đã khiến cả 2 bên cùng "trả giá" khi cơ quan chức năng vào cuộc.

Nhà phát hành "trả giá".

Để "lách luật" việc cơ quan chức năng không cấp phép cho game online mới tại Việt Nam, nhiều công ty kinh doanh game trong nước đã quyết định phát hành game theo hình thức đặt máy chủ ở nước ngoài để thoát khỏi sự quản lý và những game họ phát hành đều không có phép, hay vẫn gọi là game lậu. Tuy nhiên, cách làm này lại đem lại cho các công ty rất nhiều "rủi ro".

Mặc dù biện pháp này khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát nhưng khi bị phát hiện các công ty sẽ bị xử phạt hành chính và bị yêu cầu đóng cửa game mình cung cấp.

Ảnh minh họa.

Với việc yêu cầu đóng cửa game từ cơ quan chức năng, nhà phát hành sẽ bị thiệt hại rất nhiều cho việc làm của mình, trong đó gồm phí mua bản quyền game online từ đối tác (thường rất lớn, có thể lên đến cả triệu đô la), chi phí thuê máy chủ ở nước ngoài và đầu tư về hạ tầng kỹ thuật... Quan trọng hơn nữa đó chính là đội ngũ con người đang vận hành game đó cũng sẽ phải "ra đường", vì không còn việc để làm. Thực tế, điều này đã vừa xảy ra tại thị trường trong nước khi nhà phát hành game Xgo bị cơ quan chức năng buộc phải đóng cửa 3 game online đang phát hành vì không có giấy phép gồm: Thần Bài, Cửu Đỉnh và Tiên Kiếm. Bên cạnh đó một game nữa tên Ngạo Kiếm nhiều khả năng cũng chịu chung số phận.

Xgo bị xử lý, được xem là điều cảnh báo của các cơ quan chức năng đối với các công ty đang phát hành game theo hình thức không hợp pháp như trên tại Việt Nam bởi trên thực tế, có rất nhiều công ty đang áp dụng kiểu làm này.

Người chơi "thiệt đơn, thiệt kép"

Tham gia chơi các game online không phép trên thị trường hiện nay, người chơi cũng đang bị thiệt rất nhiều, bởi họ gần như có thể mất trắng bất cứ lúc nào nếu game online đó đóng cửa.

Game thủ đã vào chơi các game này sẽ phải chấp nhận chơi game theo kiểu không có nhà phát hành (vì chẳng công ty nào dám nhận game không phép này là của mình) và cũng sẽ không được hỗ trợ đầy đủ. Khi chơi game nếu chẳng may gặp sự cố, họ cũng không biết sẽ phải kêu ai vì mọi hỗ trợ đều được thực hiện thông qua email xuất hiện trên trang chủ của game. Nhưng thiệt hại lớn nhất ở đây là việc game thủ sẽ phải mất toàn bộ công sức chơi game, cũng như số tiền mình bỏ vào game trang bị cho nhân vật, nếu như game đó bị buộc phải đóng cửa. Trường hợp này diễn ra là bất khả kháng, vì game họ đang chơi không được cấp phép, đã vi phạm pháp luật và game thủ lúc này chỉ biết cắn răng chịu đựng.

Chính vì thế, việc tham gia vào các game lậu đang có mặt trên thị trường hiện nay, người chơi như đang nắm trong tay mình một con dao hai lưỡi, trong đó hoặc sẽ được tiếp tục giải trí, hoặc sẽ chẳng còn gì nếu như có sự cố diễn ra.

Nhìn chung cả nhà phát hành và người chơi game đều bị thiệt hại trong việc phát hành cũng như chơi các game này, nhưng ở thời điểm hiện tại rất khó để chấm dứt. Bởi ngoại trừ một số doanh nghiệp game lớn đã ăn nên làm ra, ổn định được doanh thu từ game của mình, nhiều doanh nghiệp mới bước vào làm game cho biết, các game họ đã ký kết đối tác bắt buộc phải triển khai cho đúng tiến độ và như thế đành chấp nhận phạm luật, tiến hành phát hành game theo kiểu "được ăn cả, ngã về không".

Nhìn chung cả nhà phát hành và người chơi game đều bị thiệt hại trong việc phát hành cũng như chơi các game không phép, nhưng ở thời điểm hiện tại rất khó để chấm dứt.

Lê Mỹ

(Theo ICTNews)

Tin nổi bật