Viettel “bắt buộc” ra nước ngoài

(ICTPress) - Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết "...thị trường trong nước to nhưng mảnh áo chật..."

Khách hàng của Natcom tại Haiti (Ảnh: baotintuc)

Ngày 7/9/2011, Viettel đã chính thức cung cấp các dịch vụ viễn thông tại thị trường Haiti. Ngay khi ra mắt, công ty NATCOM, liên doanh giữa Viettel và Ngân hàng Trung ương Haiti (BRH) đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, hiện đại nhất. 

Haiti là thị trường khó khăn nhất: xa về địa lý; khác biệt về văn hóa; bị ảnh hưởng bởi trận động đất lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Bù lại, thị trường 9,8 triệu dân này cũng rất tiềm năng bởi mật độ điện thoại mới chỉ đạt 35%, Internet mới chỉ được sử dụng rất ít với chất lượng và tốc độ thấp...

Với kinh nghiệm bình dân hóa dịch vụ viễn thông đã được thực hiện thành công tại Việt Nam, đến nay Viettel đã chính thức đầu tư tại 5 quốc gia là Lào, Campuchia, Haiti, Peru và Mozambique. Với phương thức triển khai “mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau” và triết lý 4 Any (viễn thông là mọi lúc, mọi nơi, giá rẻ và dành cho mọi người), ở cả hai quốc gia đã chính thức cung cấp dịch vụ Campuchia (Metfone) và Lào (Unitel), Viettel đều là nhà cung cấp dịch vụ đến sau cùng nhưng ngay từ khi khai trương đã là nhà cung cấp có hạ tầng lớn nhất và chỉ sau 2 năm chính thức kinh doanh đều đã vươn lên số 1 về thị phần thuê bao.

Chia sẻ suy nghĩ tại buổi tọa đàm về triển vọng Viễn thông Việt Nam 2012 ngày 28/12, Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thị trường trong nước to nhưng mảnh áo chật, bắt buộc phải ra nước ngoài. "Bắt buộc" nhiều khi hay hơn "muốn".

Ông Hùng cho biết có ý kiến cho rằng sản xuất muốn thắng thì cần công nghệ, tiền, nguồn nhân lực. Viettel cho rằng cần thị trường trước. 6 tỷ người là thị trường của mình chứ không phải chỉ 80 triệu người trong nước. Viettel đang giải câu chuyện thị trường trước. Đến 2015 có 100 triệu thuê bao trong nước và 500 triệu ở nước ngoài, bằng nửa Trung Quốc. Thị trường 600 triệu thuê bao đủ lớn để hình thành sản xuất cạnh tranh. Hiện Viettel đã được 100 triệu thuê bao ở nước ngoài, sang năm thêm 100 triệu nữa.

"Thống kê hoạt động kinh doanh ICT vừa rồi cả thế giới có 1.300 doanh nghiệp lỗ, 600 doanh nghiệp có lãi. Người ta chạy ra thì mình chạy vào, người ta chạy vào thì mình chạy ra.", ông Hùng cho biết thêm về chiến lược của Viettel.

Trong năm qua, cũng đánh dấu một doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Đó là FPT đầu tư sang Nigeria. Tháng 6/2011, một thị trường mới bất ngờ mở ra với FPT cùng với chuyến thăm và làm việc với FPT của Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch Công ty 21st Century của Nigeria. Sau 3 buổi làm việc, vị lãnh đạo này đã khẳng định "đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh với FPT" và tỏ ý muốn đặt quan hệ hợp tác với FPT trong lĩnh vực ICT và Internet.

Tháng 8/2011, FPT đã cử đoàn công tác gồm đại diện các đơn vị thuộc lĩnh vực kinh doanh chủ chốt gồm: Công ty Cổ phần (CP) Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty CP Thương mại FPT (FPT Trading) và Đại học FPT sang nước cộng hòa Tây Phi này và đã được diện kiến với Tổng thống Nigieria Goodluck Jonathan cũng như được cam kết hỗ trợ từ ông này. Thỏa thuận thành lập Đại học FPT tại Nigeria đã được ký vào tháng 9 và sẽ triển khai tuyển sinh vào 2012. Cùng đó là hàng loạt các dự án khác về CNTT trong các lĩnh vực hạ tầng mạng viễn thông và CNTT, Internet, phần mềm… đang được bàn thảo giữa FPT và các đối tác tại Nigeria.

Từ Nigeria, FPT muốn tạo một bàn đạp để đi sang châu Phi, nơi có diện tích rộng lớn, dân cư đông đúc và hạ tầng CNTT - Viễn thông chưa phát triển sẽ là mảnh đất màu mỡ cho chiến lược toàn cầu hóa của FPT nói riêng cũng như mở đường cho nhiều doanh nghiệp CNTT khác của Việt Nam. Đây cũng là thị trường cứu cánh của cả FPT và nhiều doanh nghiệp khác khi mà thị trường châu Âu và Mỹ đang trong tình trạng cắt giảm chi phí tối đa, còn Nhật Bản - thị trường lớn của CNTT Việt Nam cũng nảy sinh nhiều bất lợi  do động đất, sóng thần và nhiễm xạ.

VTC trong vài năm qua cũng đã đầu tư ở nước ngoài để kinh doanh lĩnh vực kinh doanh nội dung số. Từ năm 2010, lần lượt các công ty con của VTC đã xuất hiện và tiến hành kinh doanh game online tại Indonesia, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, Nga…

Phải chăng thị trường trong nước to nhưng mảnh áo đang chật và các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT đang có những chiến lược “thoát”. Nhưng “thoát” theo Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị “một ngày đẹp trời thì các doanh nghiệp phải hợp lực để đi”.

Linh Hoàng

Tin nổi bật