Việt Nam không nên "chậm chân" trong triển khai 4G

(ICTPress) - Thời điểm để triển khai 4G đã "chín muồi" là đồng tình của nhiều chuyên gia công nghệ viễn thông tại Hội thảo quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong lần thứ nhất năm 2015 do Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG ASEAN vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hiện nay chúng ta đã nhận thấy được sự tác động của công nghệ băng rộng nói chung và công nghệ LTE nói riêng đối với ngành kinh tế. 3G được triển khai đã cho phép kết nối băng rộng. Triển khai LTE sẽ mất thời gian nhưng LTE có ưu điểm về băng rộng, tốc độ cao sẽ hữu ích hơn cho ngành kinh tế. Ở các quốc gia như Singapore, Hồng Kông, Ả rập Saudi, tốc độ sử dụng dữ liệu của người dùng đã tăng trưởng 7% mỗi tuần và điều này cho thấy mọi người sử dụng băng rộng để kết nối bạn bè, gia đình, công việc, kinh tế… “Việt Nam không nên chậm chân trong triển khai 4G”, ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương cho biết.

Theo ông Mantosh Malhotra, có hai lợi ích rõ ràng khi Việt Nam thương mại 4G LTE. LTE cho phép những bệnh viện xa xôi có thể kết nối với các bệnh viện ở hai thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM để chẩn trị, chữa bệnh.

Lợi ích thứ 2 theo ông Malhotra là LTE là kết hợp truyền hình quảng bá với mạng băng rộng LTE. Trong lĩnh vực đào tạo với mô hình trường học kết nối, các trường học ở các thành phố lớn có thể truyền hình bài giảng của giáo viên, gửi các học liệu thông qua mạng LTE đến vùng sâu, vùng xa. Chất lượng học tập của học sinh sẽ được nâng lên nhiều và đảm bảo tính công bằng của xã hội. Học sinh ở vùng sâu, xa sẽ không còn bị thiệt thòi so với học sinh ở thành phố.

Việt Nam có thuận lợi khi triển khai 4G là đã có hạ tầng 3G khá tốt, độ bao phủ rộng trên toàn quốc, số người sử dụng 3G nhiều, cùng với với chính sách băng tần của nhà nước đã được hoạch định cho triển khai 4G. Việt Nam đã có đầy đủ điều kiện và là thời điểm "chín muồi", ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào, và Campuchia cũng cho biết.

Bên cạnh đó, để triển khai thành công 4G, ông Thiều Phương Nam cũng cho biết hệ sinh thái di động gồm chính sách cấp phép triển khai 4G, các nhà cung cấp thiết bị phải cung cấp thiết bị hỗ trợ 4G và nội dung phải sẵn sàng.

Thế giới đang đón nhận sự phát triển nhanh chóng của mạng 4G LTE. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp thiết bị di dộng (GSA), tính hết năm 2014, tổng số thuê bao 4G LTE trên toàn cầu đạt 497 triệu, với mức tăng trưởng hàng năm đạt 140%. Riêng trong 6 tháng cuối năm 2014, số lượng thuê bao 4G LTE đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với thuê bao 3G/WCDMA-HSPA là 20%. Dự kiến đến hết năm 2014, toàn thế giới sẽ có ít nhất khoảng 450 mạng LTE triển khai thương mại so với con số 364 mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thời điểm cuối năm 2014. Trên phương diện thiết bị đầu cuối, theo GSA, đến tháng 2/2015, tổng số thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G được đưa ra thị trường là khoảng 2600 thiết bị, với tốc độ tăng trưởng đạt 93%. Với ưu thế vượt bậc về khả năng cung cấp các dịch vụ truy cập tốc độ cao cùng với xu hướng gần phổ cập các thiết bị đầu cuối có thể khẳng định rằng mạng 4G LTE sẽ là xu thế phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng tại Hội thảo đã cho biết đến nay mạng 3G ở Việt Nam đã được 3 nhà mạng phủ sóng tại 63 tỉnh thành phố với 93% dân số. Năm bắt xu hướng về nhu cầu dịch vụ và phát triển công nghệ thông tin di động, Bộ TT&TT đã quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm LTE từ năm 2010.

“Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, dự kiến Việt Nam sẽ triển khai thông tin di động thế hệ tiếp theo 4G dựa trên công nghệ LTE/LTE-Advanced từ năm 2016 với các mục tiêu sử dụng hiệu quả băng tần cao, khả năng dùng chung chia sẻ mãng lõi/truy nhập vô tuyến: để tạo được môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và phát triển tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của đất nước”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay.

Cho biết về chiến lược triển khai 4G LTE của Tập đoàn VNPT, ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT cho biết ngày 1/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành Thông tư cho phép triển khai 4G LTE ở cả băng tần 1800 MHz mà hiện các doanh nghiệp đang dùng cho 2G. Trong năm nay hoặc đầu sang năm, khách hàng Vinaphone có thể sử dụng mạng LTE nhất là khách hàng đã có thiết bị hỗ trợ LTE như iPhone 5 và 6.

Các số liệu khác về thiết bị di động cũng rất đáng quan tâm khi triển khai kết nối di động LTE được các chuyên gia công nghệ cho biết tại Hội thảo. Được biết thế giới đã hiện đã có hơn 7 tỉ thiết bị di động trong đó hơn 3,6 tỉ người dùng. Ngành di động cũng trở thành ngành kinh tế quan trọng và lớn giống như ngành điện, ngành nước. Dự báo đến năm 2020, lĩnh vực di động sẽ đóng góp cho GDP thế giới khoảng 5%.

Theo một thống kê về số điện thoại thông minh bán ra từ 2014 - 2018 sẽ khoảng 8 tỷ chiếc, và số lượng thuê bao sử dụng smartphone cũng tăng lên gấp đôi. Điều này thể hiện hai mặt sự phát triển của công nghệ smartphone và sự chấp nhận, ứng dụng, sử dụng smartphone của người dùng. Sự phát triển phụ thuộc vào thị trường, tuy nhiên, ngay thị trường phát triển tỷ lệ ứng dụng smartphone người dùng từ nay đến 2016 cũng trên 50%. Nghiên cứu phát triển (R&D) cho smartphone cũng mang lại lợi thế cho nhiều ngành kinh tế khác, các ngành như y tế, tài chính… đã “thông minh” hơn. Ảnh hưởng của smartphone không bó gọn trong ngành viễn thông nữa.

 HM

Tin nổi bật