Việt Nam có bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng thứ 4 “IoT”

(ICTPress) - Với chủ đề “Internet of Things” (IoT), Hội thảo được tổ chức trong Ngày Internet Việt Nam hôm nay 19/11 đã được thu hút sự tham dự của đông đảo của những người quan tâm tại Hà Nội.

Hội thảo về "Internet of Things" được tổ chức nhân ngày Internet Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam sáng nay với tham luận chính “Internet of Things”, ông Trương Gia Bình, CEO của FPT cho biết xu hướng IoT sẽ đem lại cơ hội chưa từng có cho tổ chức, doanh nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu cho quá trình đổi mới và ước tính sẽ mạng lại các giá trị tương đương 1.900 tỷ USD vào năm 2020. Hiện nay, có khoảng 11,8 tỷ thiết bị kết nối Internet và dự báo vào năm 2020 con số này sẽ tăng gấp 5 lần và có thể hơn.

Các doanh nghiệp, tổ chức trên toàn thế giới đang nắm bắt cơ hội này. Theo ông Bình, mọi doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành doanh nghiệp số, lãnh đạo sẽ trở thành lãnh đạo số, mỗi người đều có trở thành doanh nghiệp số… Ngành viễn thông với những thiết bị phức tạp sẽ hướng tới máy tính và phần mềm. Nền kinh tế sẽ trở thành nền kinh tế chia sẻ. “Việt Nam có bằng mọi giá chớp cơ hội từ cuộc cách mạng thứ tư này không nếu không muốn bị bỏ lỡ”, ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cho biết Nhật Bản đang phát triển nền nông nghiệp chính xác (precise agriculture) hay nói một cách khác là nông nghiệp số. Các tập đoàn ICT hàng đầu của Nhật như Fujitsu, Toshiba, Panasonic đang hướng vào lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp chính xác là nông nghiệp dựa trên IoT. Các ngành công nghiệp, giao thông đều có thể nắm bắt cơ hội này.

Trước cơ hội này, FPT đã nắm bắt và đang triển khai IoT cho một bệnh viên tại Singapore để thực hiện chăm sóc người già 24/7. Dựa trên cơ sở dữ liệu lớn do IoT mang lại, bệnh viên này có được các thông tin của bệnh nhân thời gian thực để định lượng các phương pháp chăm sóc, lượng thuốc… Singapore là một quốc gia tìm mọi cách để ứng dụng IoT, ông Bình cho hay.

Trong khi đó, ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Mai Liêm Trực cho biết Việt Nam hiện nay đã thay đổi rất nhiều nhờ có Internet, Internet đã từng bước thay đổi thể chế, hy vọng IoT là cơ hội để Việt Nam nắm bắt theo kịp sự phát triển của thế giới và ngang bằng với các nước. Ông Mai Liêm Trực cũng mong muốn Việt Nam hãy khát vọng đưa Internet đến 100% người dân Việt Nam thay cho dự kiến khoảng 60 - 65% dân số được sử dụng Internet vào năm 2020.

Trình bày vai trò của IPv6 đối với sự phát triển của Internet, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đưa ra một thông điệp “muốn kết nối phải triển khai IPv6” bởi IPv6 có không gian kết nối lớn hơn cho phép plug-and-play, kết nối cuối tới cuối, bảo mật mặc định, trong băng rộng 4G thì IPv6 được mặc định. Hiện nay, mới chỉ có 35% website kết nối IPv6 nhưng chưa có báo điện tử lớn có bạn đọc lớn kết nối IPv6.

Chuẩn bị cho xu hướng IoT, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Đông Dương cho biết kết nối không dây rất quan trọng. Kết nối không dây để hỗ trợ IoT khác với kết nối hiện nay bởi nhu cầu kết nối IoT rất đa dạng. “Để kết nối IoT hạ tầng phải sẵn sàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh, vượt thách thức đặc thù”, ông Nam nhấn mạnh.

Trước xu thế IoT, ông Nam cho biết chiến lược của Qualcomm có những điều chỉnh, hiện nay tập trung vào kết nối di động và khả năng tính toán của thiết bị. Qualcomm bắt đầu tối ưu 4G cho các nhu cầu trao đổi dữ liệu, đa dạng công nghệ, giải pháp, sản phẩm cho IoT như nhà thông minh, ô tô, thành phố thông minh…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, đồi với phần đông dân số, đặc biệt là giới trẻ, các dịch vụ Internet đã trở thành  một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Có thể khẳng định, với một hạ tầng mạng lưới viễn thông băng rộng đang tiếp tục được đầu tư phát triển, cùng với đặc điểm dân số trẻ, yêu công nghệ, Việt Nam đang có những tiền đề quan trọng, là thị trường tiềm năng để thu hút, phát triển các sáng kiến, ứng dụng trên nền công nghệ Internet of things.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo

Để đón đầu và hỗ trợ kịp thời cho sự phát triển này, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết thêm, Bộ TT&TT đã chủ động ban hành và tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng tiếp tục phát triển hạ tầng mạng lưới và các dịch vụ, ứng dụng trên Internet, trong đó có 03 nội dung quan trọng sau:

Thứ nhất, để chuẩn bị sẵn sàng nguồn tài nguyên viễn thông, internet đáp ứng xu thế bùng nổ các loại hình kết nối máy với máy M2M trên nền tảng di động trong năm 2015, Bộ đã ban hành quy hoạch kho số viễn thông mới trong đó mở rộng không gian kho số cho di động với 6 đầu mã và bố trí riêng 01 đầu mã sử dụng cho loại hình thuê bao là thiết bị. Bộ cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả Đề án số hóa truyền hình mặt đất để giải phóng băng tần số 700 MHz phục vụ cho việc phát triển băng rộng di động, thúc đẩy triển khai sử dụng thế hệ địa chỉ IPV6.

Thứ hai, để tiếp tục phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới, trong năm 2016, Bộ TT&TT sẽ cấp phép triển khai mạng di động công nghệ 4G/LTE, triên khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2020, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư thiết lập hạ tầng mạng băng rộng cố định, di động tại các xã trên toàn quốc chưa có mạng băng rộng.

Thứ ba,tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó đặt mục tiêu triển khai đô thị thông minh tại ít nhất 03 địa điểm.

Ngày Internet Việt Nam - Internet Day 19/11 là ngày cách đây 18 năm Việt Nam chính thức hòa nhập vào cộng đồng Internet toàn cầu. Ngày Internet Việt Nam là sự kiện thường niên của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet, hội viên Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) trong và ngoài nước, đại diện của các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý trong ngành công nghệ ở các lĩnh vực thông tin, viễn thông, truyền thông gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ, khẳng định vai trò quan trọng của Internet đã và đang góp phần thay đổi cuộc sống người Việt Nam.

HM

Tin nổi bật