Triển khai đô thị thông minh cần cả những giải pháp phi công nghệ

(ICTPress) - CNTT-TT (ICT) đóng một vai trò quan trọng trong triển khai đô thị thông minh (ĐTTM). Tuy nhiên, cũng cần triển khai những giải pháp phi công nghệ cho ĐTTM.

Tại Hội nghị chuyên đề  “ICT trong xây dựng ĐTTM ở Việt Nam” do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, nhiều đại biểu, chuyên gia đã khẳng định cần những giải pháp phi công nghệ trong xây dựng ĐTTM.

Tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc nắm bắt và sử dụng công nghệ mới là yếu tố làm nên một thành phố thông minh, chứ không phải bản thân công nghệ đó. Do đó, để thực hiện tốt điều đó nên tập trung đầu tư vào chất xám, chú trọng phát triển nhân tố con người nhằm có những ý tưởng hay để xây dựng vào thực tiễn.

Cần phải chú trọng công tác tuyên truyền xây, xây dựng chương trình truyền thông hướng dẫn sử dụng các dịch vụ thông minh cho người dân thông qua các kênh như cổng thông tin trực tuyến, báo đài, e-learning, trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống trải nghiệm… tập trung giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vì đây là nền tảng vững chắc giúp hiện thức hóa mô hình thành phố thông minh, ông Liêm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Ngô Hùng Tín, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng cần tổ chức các chương trình đào tạo cộng đồng diện rộng để nâng cao khả năng tiếp nhận và sử dụng ICT của người dân; Triển khai đào tạo chương trình truyền thông hướng dẫn sử dụng các dịch vụ thông minh cho người dân thông qua các kênh như cổng thông tin trực tuyến, trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống trải nghiệm dịch vụ thông minh…

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho rằng "Để thực hiện ĐTTM, không chỉ cần nhân lực, từ quản lý, cán bộ kỹ thuật mà còn cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ĐTTM, về khả năng công nghệ, có chiến lược đào tạo dài hạn".

Theo đó, ông Ngô Văn Quý kiến nghị nên xây dựng chiến lược, đề án phát triển ĐTTM quốc gia: cần giải pháp cơ bản để triển khai thống nhất toàn quốc; ban hành quy định liên quan đến ĐTTM và có các bộ chuyên ngành đi trước để khuyến nghị địa phương, hoặc có định hướng chung.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh cho biết mục tiêu của đề án ĐTTM tại TP. HCM là lấy người dân làm trọng tâm. Việc xây dựng ĐTTM là một quá trình liên tục và mang tính chất mở. Do đó, sau khi dự thảo đề án được hoàn thành, TP. HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân trước khi ban hành. Ngoài ra, TP. HCM cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến phản biện của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban măt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trên các lĩnh vực, đại diện các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, lực lượng tri thức trẻ, hiệp hội các ngành nghề, các doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc tại TP. HCM.

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ KHCN đã cho biết về tình hình triển khai ĐTTM ở các địa phương Việt Nam. Theo đó, một số địa phương có kết quả ban đầu có thể kể đến như các Đề án tổng thể của Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh đã được phê duyệt trong cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Một số địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành. ĐTTM được xây dựng trên cơ sở phát triển chính phủ điện tử. Một số ứng dụng thông minh ngành dọc đã bắt đầu triển khai như: giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, quản trị chính quyền.

Ông Lê Xuân Công cũng cho biết quan điểm về xây dựng, áp dụng bộ tiêu chí. Theo đó, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) vì các khuyến nghị của ITU đã và đang được tích hợp với ISO, Liên hợp quốc, khuyến khích 1 thành phố đủ điều kiện của Việt Nam đăng ký tham gia dự án thí điểm KPI của ITU. Bộ TT&TT sẽ kết hợp nghiên cứu bộ tiêu chí của các nước, xác định sự phù hợp điều kiện Việt Nam để xây dựng ĐTTM hướng tới phát triển bền vững; các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội vì các tiêu chí ĐTTM liên quan mọi ngành, lĩnh vực. Khác với bộ tiêu chí nông thôn mới, bộ tiêu chí quốc gia về ĐTTM đóng vai trò như một “thư viện” đầy đủ các tiêu chí cho mọi lĩnh vực của ĐTTM, trước mắt không nhằm mục đích xếp hạng ĐTTM vì mỗi đô thị có những đặc thù riêng, có những ưu tiên phát triển riêng.

Theo ông Công, có 8 nguyên tắc xây dựng ĐTTM là: địa phương đóng vai trò chủ động; Xây dựng Kế hoạch tổng thể giai đoạn 3 - 5 năm, trong đó 1 - 2 năm triển khai các dự án thí điểm; Khảo sát nhu cầu của người dân; Thực hiện dần từng bước: thí điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình phù hợp; Huy động nguồn vốn xã hội; Các dự án ngành dọc cần được xây dựng trong một tầm nhìn tổng thể có thể kết nối, liên thông dữ liệu, dùng chung hạ tầng vật lý và dữ liệu tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, như IoT platform; Chú trọng áp dụng các công nghệ phù hợp với ĐTTM như IoT, điện toán đám mây, điện toán biên, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…; Đảm bảo an toàn thông tin.

Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch triển khai nghiên cứu về xây dựng ĐTTM ở Việt Nam, trong đó đã huy động lực lượng chuyên gia từ các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn đang triển khai ĐTTM; đã đề xuất và được Bộ KHCN phê duyệt nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia liên quan đến ĐTTM trong Chương trình KC.01/16-20.

Bộ TT&TT sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ KHCN xây dựng, thí điểm và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá ĐTTM ở Việt Nam; hướng dẫn các địa phương về bộ tiêu chí đánh giá và các nội dung về xây dựng, triển khai ĐTTM trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật ICT, trong đó tập trung quy định tiêu chuẩn liên thông dữ liệu, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, kiến trúc ICT cho ĐTTM, đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP)… Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ĐTTM.

Về triển khai ĐTTM ở các Bộ, Bộ KHCN sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng, các hiệp hội, tổ chức tư vấn nghiên cứu các mô hình đánh giá mức độ phát triển ĐTTM; Nghiên cứu phương án tổ chức đánh giá, công nhận mức độ phát triển của các ĐTTM ở Việt Nam; Ưu tiên phê duyệt các nhiệm vụ KHCN quốc gia liên quan đến ĐTTM, chính phủ điện tử… Bộ Xây dựng sẽ lồng ghép nội dung phát triển ĐTTM vào chiến lược phát triển đô thị quốc gia, chủ trì lựa chọn các dự án ĐTTM thí điểm.

Các Bộ ngành khác căn cứ định hướng chung quốc gia, nhu cầu phát triển và quản lý ngành, nhu cầu của địa phương để chủ động thúc đẩy đề xuất các dự án ĐTTM trong các lĩnh vực ưu tiên do Bộ, Ngành lựa chọn, đặc biệt là các lĩnh vực giao thông, y tế, môi trường, năng lượng, xây dựng… Doanh nghiệp tích cực thực hiện chương trình hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020, phối hợp với địa phương xây dựng và triển khai các dự án ĐTTM thí điểm, hỗ trợ Bộ TT&TT trong việc tìm kiếm mô hình điển hình phù hợp thực tế, đề xuất các hình thực hợp tác công tư trong xây dựng ĐTTM…

Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định triển khai thành công ĐTTM sẽ biến đô thị trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và bền vững cả ở khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ TT&TT mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu về những nội dung cần thiết, các giải pháp và cách thức tổ chức triển khai ĐTTM phù hợp ở Việt Nam.

HM 

Tin nổi bật