Tiết kiệm 1.600 tỷ đồng năm 2015 khi giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện

(ICTPress) - Nhiều lợi ích trong việc giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.

Thời gian qua, một số Bộ, ngành như: Bộ Công An, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; cùng một số địa phương: An Giang, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Yên Bái chủ động áp dụng là việc tiếp nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện.

Tuy nhiên, để có cơ sở cho việc triển khai trên phạm vi rộng, Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa ra lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện.

Tại Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu điện hôm nay ngày 5/5/2016 tại Nghệ An do Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ TT&TT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức nhiều đại biểu đã thống nhiều lợi ích trong việc giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.

Dự thảo Quyết định được xây dựng dựa trên quan điểm cần tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm cả cán bộ, công chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và chất lượng dịch vụ hành chính; gia tăng sự lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính và quan trọng là việc lựa chọn sử dụng dịch vụ được thực hiện trên tình thần tự nguyện của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Quyết định để điều chỉnh cơ chế tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện và những vấn đề pháp lý có liên quan với những định cụ thể như: không điều chỉnh việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân không được ủy quyền mà phải có mặt để trực tiếp nộp và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cho phép tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn gửi hồ sơ hoặc nhận kết quả giải quyết thu tục hành chính; gửi hồ sơ và lựa chọn gửi hồ sơ hoặc nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Dự thảo Quyết định được đưa ra lấy ý kiến gồm 17 Điều.Quyết định cũng quy định về nguyên tắc quyền lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong nộp phí, lệ phí thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu điện, như: chuyển khoản đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, chuyển khoản hoặc nộp phí, lệ phí trực tiếp cho tổ chức bưu điện để chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính hoặc phương thức khác nếu được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính chấp thuận).

Đặc biệt, dự thảo cũng quy định về trách nhiệm giải quyết đối với hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính bị thiếu, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng; về trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Được biết, hiện nay, mỗi ngày trên toàn quốc có tối thiểu 600.000 giao dịch liên quan tới thủ tục hành chính. Theo hình thức truyền thống, người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp gặp cán bộ giải quyết thủ tục hành chính hoặc bộ phận một cửa để thực hiện theo đúng hướng dẫn. Sau một thời gian có kết quả, người dân và doanh nghiệp lại mất thời gian đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính để lấy kết quả. Do đó mất rất nhiều thời gian, chi phí và công sức đi lại. Tuy nhiên nếu sử dụng dịch vụ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện, người dân có thể đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất hoặc nhân viên bưu điện sẽ tới tận địa chỉ khách hàng đăng ký để mang hồ sơ đó nộp cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Khi có kết quả, Bưu điện sẽ nhanh chóng mang trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp.

Người dân thực hiện giao dịch liên quan tới thủ tục hành chính tại Bưu điện Hà Nam

Theo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2015, với gần 9 triệu lượt thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội thì tổng chi phí khi trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết thủ tục hành chính lên tới hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng nếu sử dụng dịch vụ của Bưu điện thì chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra là trên 234 tỷ đồng (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính). Theo đó, số tiền tiết kiệm được là hơn 1.600 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc triển khai tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu điện đã giảm được thời gian đi lại, công sức, chi phí cho người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Mặc khác, phương thức này cũng góp phần hạn chế nguy cơ tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển của loại hình dịch vụ công ích, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung cho cả cộng đồng, xã hội. Việc triển khai phương thức trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện đến tận nhà tại cũng nhận được sự đồng thuận của đông đảo các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

 Minh Anh

Tin nổi bật