Tạo môi trường thông thoáng thúc đẩy ứng dụng CNTT

(ICTPress) - "Quản lý phải bắt kịp sự phát triển của CNTT, quản lý phải tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho cộng đồng CNTT trong ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT".

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh khi tổng kết Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT năm 2006 ngày 23/11 tại Hà Nội.

Thuê dịch vụ CNTT vẫn còn vướng tư tưởng

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Luật CNTT được ban hành năm 2006 lần đầu tiên đưa ra đầy đủ các trụ cột theo định nghĩa của thế giới, từ đó hình thành để cho toàn xã hội, thống nhất về các khái niệm và tạo nền tảng ban đầu. Trong thời gian qua, thế giới đã đánh giá cao sự phát triển CNTT của Việt Nam. CNTT từ hạ tầng, ứng dụng, nguồn nhân lực đều có bước phát triển hơn mức trung bình chung và đặc biệt công nghiệp CNTT có mức phát triển cao nhờ có sự đóng góp của các Tập đoàn nước ngoài như Intel, Samsung…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức tổng kết đánh giá phát triển CNTT sau 10 năm thi hành Luật CNTT cần gắn với đánh giá hệ thống pháp luật nói chung liên quan tới phát triển CNTT chứ không chỉ Luật CNTT và việc tổ chức, thực thi Luật để tạo bước chuyển biến mới.

Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Ứng dụng CNTT rất quan trọng. Nếu ứng dụng tốt sẽ tác động tới trực tiếp tới việc ứng dụng CNTT trong các ngành khác, doanh nghiệp. Ưng dụng CNTT thì bộ máy hành chính nhà nước phải gương mẫu đầu tiên.

Để thúc đẩy ứng dụng CNTT, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã khuyến khích thuê ngoài dịch vụ CNTT. Tuy nhiên có cơ quan sáng tác ra thuê máy, thuê phần mềm và cho rằng đó là thuê ngoài là không đúng, nếu chúng ta thuê máy, thuê phần mềm nhưng không ra dịch vụ cung cấp cho người dân cũng là lãng phí, mà phải thuê cung cấp các dịch vụ cuối cùng.

Theo Phó Thủ tướng, làm CNTT không như làm một con đường, nếu năm nay ta làm con đường có ít xe đi nhưng con đường nó còn nguyên đó đó. Nhưng CNTT thì khác, chúng ta mua máy mua phần mềm, bỏ tiền làm dữ liệu nhưng không ra được dịch vụ, 1 - 2 năm sau giá trị mua máy, thuê làm dữ liệu đó chỉ còn giá trị một nửa. Việc thuê máy, thuê phần mềm rồi để đó ít nhất là mắc lỗi lãng phí, chưa nói đến tiêu cực.

“Hiện nay việc thuê dịch vụ CNTT có thể còn vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, nhưng điểm vướng nhất vẫn là tư tưởng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khi thuê dịch vụ CNTT, nhất định phải chú ý, đăt đầu bài cho đơn vị được thuê dịch vụ về an toàn thông tin. Nhất định phải chú ý đảm bảo an ninh an toàn đối với dịch vụ ngay từ đầu. Nhưng nói thế không phải sợ mà không thuê dịch vụ. Không phải cứ đặt máy chủ ở cơ quan mình mới an toàn. Cần phải thay đổi suy nghĩ này. “Cơ quan nhà nước cần phải gương mẫu đẩy mạnh ứng dụng CNTT để từ đó ứng dụng CNTT được lan tỏa ra xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong thời gian tới cần tập trung bàn thảo sâu về phát triển phần mềm, hỗ trợ startup, nhân lực CNTT.

Về hạ tầng, Phó Thủ tướng lưu ý hạ tầng hiện nay phải kể đến cơ sở dữ liệu. Các Bộ ngành cần đẩy mạnh liên thông cơ sở dữ liệu. Nếu làm tốt, dữ liệu này sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng quý. Chính phủ đang chỉ đạo Đề án kết nối dữ liệu tất cả các Bộ, ngành, địa phương được phân loại thành 2 dữ liệu, dữ liệu phục vụ điều hành và dữ liệu cho người dân biết thì phải là dữ liệu chung là tài sản chung của đất để mọi người vào cùng khai thác, phát triển.

Tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng, ứng dụng CNTT

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh việc đổi mới hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn tới phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động ứng dụng CNTT là yêu cầu cấp bách. Các xu thế công nghệ mới như Internet vạn vật, thành phố thông minh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Để nắm được cơ hội này, việc xây dựng, hoàn thiện một khung pháp lý về CNTT-TT hiện đại, thông thoáng, thuận lợi cho triển khai hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp CNTT, khuyến khích các mô hình đầu tư phù hợp để thu hút nguồn lực đa dạng của xã hội để phát triển các giải pháp sản phẩm số, các mô hình kinh doanh có tính đột phá.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã yêu cầu các đơn vị của Bộ TT&TT chủ động nghiên cứu về định hướng phát triển công nghệ để đưa ra các chính sách quản lý nhà nước phù hợp xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.Quản lý phải bắt kịp sự phát triển của CNTT, quản lý phải tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho cộng đồng CNTT trong ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu, trước mắt, việc hoàn thiện Luật CNTT tập trung vào hai lĩnh vực là ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT - dịch vụ CNTT.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh phải tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định giúp Việt Nam nhanh chóng tận dụng và nắm bắt được cơ hội phát triển ngành CNTT trong xu thế mới. Các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp CNTT và các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu phối hợp với với Bộ tập trung hơn nữa, đề xuất phương thức mới phát triển nguồn nhân lực với các kỹ năng và tư duy sáng tạo linh hoạt phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số, tăng nhanh tỉ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Một số thành tựu trong ứng dụng CNTT 

Luật CNTT số 67/2006/QH11 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một cách toàn diện và đầy đủ về hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Luật CNTT thiết lập nên hành lang pháp lý cho việc thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển xã hội thông tin, rút ngắn quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về CNTT của Chính phủ, các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm sự phân công, phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển CNTT.

29 đơn vị nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT về thành tích xuất sắc trong triển khai Luật CNTT

Theo báo cáo tại Hội nghị Sau khi Luật CNTT được ban hành, Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng CNTT đã khẩn trương tiến hành các công tác tổ chức, triển khai nhằm đưa Luật CNTT vào cuộc sống.

Ứng dụng CNTT là một trong những nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình triển khai thực thi Luật công nghệ thông tin. Trong hơn 10 năm qua, hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đã từng bước được triển khai đồng bộ, thống nhất thông qua các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT của quốc gia, của các bộ ngành, của các địa phương. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đạt được nhiều kết quả tốt, tạo tiền đề cho xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam. Theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc (E-Government Development Index - IGDI) công bố tháng 8/2016 (đánh giá thực trạng 2013 - 2015), Việt Nam xếp thứ 89 trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014; đứng thứ 6 trong khối các nước Đông Nam Á, đứng sau các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Brunei.

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ, bước đầu cho thấy vai trò kiến tạo phục vụ phát triển.Đến năm 2016, có 17/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (không tính Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp ít nhất một dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hoặc mức độ 4. Hệ thống cung cấp dịch vụ công mức độ cao ngày càng tăng tạo sự thuận tiện, hài lòng của người dân đối với các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp. Đến nay 100% các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được cung cấp lên Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thành dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 1, 2.

Ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đã hình thành và có những bước phát triển mạnh mẽ, có giá trị xuất khẩu lớn và đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia trong những năm gần đây. Tăng trưởng doanh thu bình quân toàn ngành công nghiệp CNTT trong 10 năm qua đạt trên 20%/năm. Giai đoạn 2009- 2016, tổng doanh thu toàn ngành tăng 11 lần, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 40%/năm, gấp hơn 5 lần tăng trưởng bình quân GDP của cả nước.

HM

Tin nổi bật