Tác động của Thông tư quản lý OTT đối với đổi mới và sáng tạo

(ICTPress) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến về đóng góp cho Thông tư Quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (hay còn gọi tắt OTT). Bài viết đề cập trong nền kinh tế tri thức, cộng đồng khởi nghiệp nên được ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để sáng tạo cái mới, từ đó tạo tiền đề cho cả nền kinh tế phát triển dần hướng theo tri thức.

Bối cảnh xây dựng thông tư

Hiện các dịch vụ thoại tin kiểu mới phần nào khiến doanh thu các nhà mạng trong nước suy giảm, và tùy vào sự đổi mới của mỗi nhà mạng mà xu hướng này ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của họ. Phần lớn nhà mạng toàn cầu đều bị ảnh hưởng bởi xu hướng này, ngoại trừ nhà mạng Viettel và một số ít nhà mạng quốc tế khác.

Hình dưới đây tóm tắt lại những ý chính của thông tư nhằm giúp mọi người dễ hiểu hơn:

Khái quát Thông tư Quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet

Tác động của thông tư đến chủ trương phát triển Kinh tế tri thức

Theo hình trên thì nếu thông tư được ban hành, các điều khoản (a), (c) và (d) sẽ tác động đến cộng đồng khởi nghiệp trong nước cũng như hạn chế cạnh tranh cho ngành Viễn thông, vì:

  1. Những nhà mạng thích ổn định sẽ vẫn được ổn định trong một thời gian dài nữa, vì dự thảo thông tư dường như đã dựng nên một rào cản thâm nhập ngành rất lớn cho những doanh nghiệp (DN) sáng tạo đổi mới muốn tham gia thúc đẩy đổi mới ngành, tăng cạnh tranh trong ngành Viễn thông. Việc tạo điều kiện cho DN ổn định phần nào ít phù hợp với xu hướng của kinh tế tri thức là thúc đẩy DN phải đổi mới, phải thay đổi liên tục. Áp lực duy nhất khiến nhà mạng phải đổi mới nhanh là doanh thu thoại và tin đang giảm không dừng bởi dịch vụ thay thế thoại tin trên nền Internet. Nếu thông tư trên được ban hành thì xem như áp lực này không còn, đồng nghĩa nhà mạng sẽ không cần đổi mới nhanh nữa; vẫn đổi mới nhưng là đổi mới chậm. Nhà mạng Viettel là trường hợp hiếm hoi trên toàn cầu vẫn có tăng trưởng ấn tượng trong Q3/2014; có thể xem là điển tích của đổi mới sáng tạo.

  2. Với thông tư trên, nhà mạng có quyền áp đặt thỏa thuận thương mại hoặc chặn hoặc bóp lưu thông mạng, điều này chưa phù hợp nhiều với thuyết Trung lập mạng đang được thúc đẩy mạnh tại Châu Âu và Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, chính quyền đang rất khuyến khích cạnh tranh bình đẳng trong ngành Viễn thông: nhà mạng China Mobile đã từng có ý định tính phí người dùng Wechat nhưng kế hoạch này đã không được tán thành.

Ngoài ra, có một thông điệp khi đề cập đến hiệp định TPP về kinh doanh Internet là Việt Nam sẽ bảo đảm “lưu thông thông tin trên Internet được thuận lợi nhất, không có sự cản trở trao đổi thông tin trên Internet”.

Một ví dụ để thấy mức ảnh hưởng của thông tư như thế nào với điều (d): nhà mạng chỉ cần ‘tăng ưu tiên’ truy cập mạng cho một website bán sách X có trả phí cao cho nhà mạng và ‘giảm ưu tiên’ truy cập đối với website Y nhỏ mới khởi nghiệp do không thể trả phí cao bằng X. Theo cách này, khách hàng ngay lập tức sẽ chuyển qua mua sách tại website X có tốc độ xử lý giao dịch nhanh và mượt hơn website Y luôn xử lý chậm; vì đã bị bóp băng thông. Theo cách này, cộng đồng khởi nghiệp sẽ khó cạnh tranh dù có cố gắn sáng tạo hay khác biệt.

Môi trường cạnh tranh: cộng đồng khởi nghiệp và nhà mạng?

Các ý trên đề cập đến tác động đối với DN cung cấp dịch vụ thoại tin trên nền Internet có thu phí, còn đối với DN không thu phí điển hình trong nước như Zalo thì cũng có một số tác động. Đặc biệt, điều 10 khoản 2 và khoản 4 có thể sẽ ảnh hưởng đến Zalo. Zalo đang có dấu hiệu lạc quan giảm, dù được đầu tư bài bản bởi tổ một chức có văn hóa sáng tạo và có tiềm lực tài chính tốt. Zalo là một thể hiện của kinh tế tri thức, sự thành công của Zalo là động lực to lớn thúc đẩy xu hướng kinh tế tri thức trong nước, cũng như cạnh tranh trong ngành Viễn thông.

Cuối cùng, chúng ta có thể tham khảo cách làm tại Trung Quốc: tạm thời chỉ áp dụng cho các DN ngoài nước để tăng rào cản thâm nhập và gia hạn cho DN trong nước để họ có thời gian phát triển tiền đề đủ sức cạnh tranh.

Kinh tế tri thức ưu tiên cao nhất cho những tổ chức sáng tạo dù rất nhỏ, cho những dịch vụ công nghệ độc đáo, khác biệt nhằm thúc đẩy dịch vụ phát triển mạnh hơn ở qui mô toàn cầu. Kinh tế tri thức ít hướng đến việc ưu tiên cho các DN có tính ổn định, ít thay đổi cũng như phạm vi kinh doanh hẹp.

Phạm Văn Việt TrueBlue

Tin nổi bật