TP. HCM đề xuất “xã hội hóa” ứng dụng CNTT trong ngành Y tế

(ICTPress) - TP. HCM mỗi năm khám và điều trị cho khoảng 40 triệu lượt bệnh nhân, trong số này có từ 40% – 65% đến từ các tỉnh thành khác...

Hội Tin học TPHCM (HCA) dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, UBND TP. Hồ Chí Minh hôm nay 24/6 đã tổ chức Hội thảo toàn cảnh Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Outlook, VIO) 2016.

Hội thảo VIO 2016 lấy chủ đề “Kỷ nguyên số trong chăm sóc sức khoẻ” với sự góp mặt của các công ty cung cấp giải pháp CNTT cho ngành y tế, một số bệnh viện đang ứng dụng CNTT…

Tham dự buổi Hội thảo có sự tham gia của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM, tiến sĩ-bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TS. Lương Chí Thành - Phó Cục trưởng cục CNTT - Bộ Y tế, bà Trương Thị Xuân Liễu - Chủ tịch Hội y học TP.HCM và các đơn vị hiệp hội, doanh nghiệp, hội viên tin học TP.HCM (HCA), các chuyên gia CNTT, các diễn giả trong nước và quốc tế cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, phát biểu khai mạc hội thảo

VIO 2016 với chủ đề “Kỷ nguyên số trong chăm sóc sức khoẻ” sẽ mang đến cái nhìn tổng quan về y tế thông minh, đồng thời cung cấp các xu hướng mới về ứng dụng CNTT trong y tế. Đây cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT của chính các Bệnh viện. Qua đó, hình thành kết nối cần thiết giữa CNTT và ngành Y tế, cải thiện quản lý trong ngành y cũng như hiện đại hóa hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, hướng đến y tế thông minh.

Về hiện trạng về ứng dụng CNTT ngành Y tế tại TP. HCM, ông Tăng Chí Thượng cho biết hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP. HCM có 117 bệnh viện và 34.388 giường bệnh. Tỷ lệ giường bệnh là 43/10.000 dân. Bên cạnh đó, hệ thống y tế dự phòng có 12 trung tâm, 2 chi cục, 24 Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và 319 trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Khó khăn nhất trong việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế là dữ liệu bệnh nhân, dụng cụ và thiết bị y tế, hệ thống thông tin bệnh viện và phòng thí nghiệm thường rất lớn về kích thước và đa dạng chủng loại, ngày càng tăng. Bên cạnh đó không thể không kể đến thực trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên hiện nay. Theo khảo sát của VNPT, TP. HCM mỗi năm khám và điều trị cho khoảng 40 triệu lượt bệnh nhân, trong số này có từ 40% - 65% đến từ các tỉnh thành khác, dẫn đến tình trạng quá sức của bác sĩ (trung bình 1 bác sĩ phải điều trị cho 90 bệnh nhân), tình trạng bệnh nhân chờ đợi quá lâu (bình quân 10 giờ cho 1 lần khám bệnh), ông Thượng cho biết thêm.

Mặc dù trong thời gian qua, ngành Y tế nói chung, y tế tại TP. HCM nói riêng đã luôn nỗ lực trong việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT tại cơ quan quản lý và các cơ sở Y tế nhưng việc ứng dụng CNTT trong y tế phát triển không đồng đều; hạ tầng và nhân lực CNTT không tương xứng với quy mô hoạt động của ngành, đơn vị. Lĩnh vực Y tế dự phòng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.  Theo thông tin, chỉ 1% chi phí là được dành cho ứng dụng CNTT của ngành Y tế. Điều quan trọng nhất là chưa có chiến lược phát triển CNTT trong ngành, chưa có kế hoạch ứng dụng CNTT dài hạn 5 năm, 10 năm. Một số lãnh đạo đơn vị ngành Y tế chưa nhận thức đầy đủ về ứng dụng CNTT trong đơn vị của mình, chậm ban hành các tiêu chuẩn, danh mục ứng dụng CNTT.

Đại diện hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đã đề xuất giải pháp “xã hội hóa” ứng dụng CNTT trong ngành y tế. Ông cho rằng “bản chất của việc xã hội hóa ứng dụng CNTT trong ngành y yế là các bệnh viện, hệ thống y tế dự phòng, cơ quan quản lý chuyển dần từ đầu tư ứng dụng, giải pháp CNTT sang đi thuê dịch vụ CNTT. Việc xã hội hóa này mang lại các lợi ích cho các đơn vị thụ hưởng:

  • Phân bổ chi phí cho đầu tư CNTT (CAPEX) hợp lý (CAPEX) sang chi phí thuê (OPEX);

  • Đảm bảo cập nhật công nghệ mới theo lộ trình nâng cấp sản phẩm của đơn vị cung ứng giải pháp;

  • Tối ưu việc sử dụng nguồn nhân lực CNTT tại đơn vị mình và chuyển sang khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao hơn của đơn vị cho thuê dịch vụ;

  • Tiết kiệm được chi phí bản quyền phần mềm hệ thống.

Hội thảo còn nghe tham luận về Y tế thông minh của ông Masami Eguchi, Tổng giám đốc về giải pháp hệ thống của Panasonic khu vực Châu Á - Thái  Bình Dương, giải pháp iTeleM ứng dụng trong hội chẩn trực tuyến và chẩn đoán từ xa của Tổng công ty công nghiệp Sài gòn, giải pháp quản lý bệnh viện thông minh của Công ty cổ phần tin học Lạc Việt hay giải pháp mạng Y tế Việt Nam của VNPT, Microsoft, Hitachi, Panasonic, công ty cổ phần DTT. 

Trung Thành

Tin nổi bật