Quy định mới về kết nối viễn thông

(ICTPress) - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ký ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BTTTT quy định mới về kết nối viễn thông.

Thông tư mới quy định kết nối viễn thông giữa các mạng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp (DN) viễn thông tại Việt Nam về: tiêu chuẩn, chất lượng, giá cước kết nối; đàm phán, ký kết, thực hiện, giải quyết tranh chấp về kết nối; chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối. 

Theo Thông tư này, địa điểm kết nối sẽ do các DN tham gia kết nối thỏa thuận thông qua thương lượng trên cơ sở lựa chọn bất kỳ địa điểm kết nối nào trên mạng viễn thông khả thi về mặt kỹ thuật.

Về giá cước kết nối, Điều 7 của Thông tư quy định giá cước kết nối được xây dựng trên cơ sở giá thành, phân tách hợp lý theo các bộ phận cấu thành mạng hoặc theo công đoạn dịch vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện kết nối các mạng viễn thông và chính sách của nhà nước đối với thị trường viễn thông, dịch vụ viễn thông theo từng thời kỳ.

Theo yêu cầu và quy định của Bộ TT&TT, các DN viễn thông có trách nhiệm xây dựng giá thành kết nối và đề xuất giá cước kết nối báo cáo Bộ TT&TT xem xét, quyết định. 

Các DN tham gia kết nối có trách nhiệm thiết lập hệ thống kỹ thuật, nghiệp vụ dùng để ghi, đối soát số liệu phục vụ cho việc thanh toán giá cước kết nối. Căn cứ vào tình hình kinh doanh thực tế của từng dịch vụ, của từng DN, các DN tham gia kết nối thỏa thuận về thời gian thực hiện đối soát số liệu và thanh toán giá cước kết nối. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, các DN thực hiện đối soát số liệu và thanh toán giá cước kết nối theo từng tháng....

Khi cần thay đổi (tăng hoặc giảm) dung lượng kết nối để đảm bảo chất lượng kết nối, DN yêu cầu thay đổi dung lượng kết nối có trách nhiệm gửi yêu cầu bằng văn bản tới DN viễn thông có liên quan. Văn bản yêu cầu phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau: Mục đích thay đổi; Các số liệu chứng minh sự cần thiết phải thay đổi dung lượng; Dung lượng cần thay đổi; Thời gian thực hiện.

Để bảo đảm việc thực hiện kết nối hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng các DN viễn thông có trách nhiệm chia sẻ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm: Công trình hạ tầng kỹ thuật (cống, bể, hào và tuy nen kỹ thuật, cột treo cáp, cột ăng ten, v.v) để thiết lập đường kết nối; Nhà trạm và các thiết bị phụ trợ phục vụ kết nối (nguồn điện, điều hòa, giá phối dây, máng cáp, v.v) trong phạm vi địa điểm kết nối.

Việc chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối được thực hiện thông qua việc giao kết hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối giữa các bên trên cơ sở bảo đảm công bằng, hợp lý, không phân biệt đối xử, phù hợp với quy định của pháp luật viễn thông về kết nối.

Thông tư mới cũng quy định về đăng ký thỏa thuận kết nối mẫu. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày DN viễn thông được xác định là DN viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, DN phải xây dựng, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính về Cục Viễn thông 01 bộ hồ sơ đăng ký Thỏa thuận kết nối mẫu. Các DN viễn thông không phải là DN viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu có thể tự xây dựng, ban hành Thỏa thuận kết nối mẫu, không cần đăng ký với Cục Viễn thông, trên cơ sở tuân thủ theo các quy định tại Thông tư này để áp dụng chung với các DN viễn thông.

Thông tư được ban hành nhằm khắc phục những bất cập trong các văn bản trước đây phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam; phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật; phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo vệ và thúc đẩy cạnh tranh; tạo điều kiện hoạt động công bằng, minh bạch cho các DN viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường, trong việc kết nối với các mạng viễn thông công cộng; góp phần bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững.

Thông tư bao gồm 6 chương, 23 Điều và 6 Phụ lục,trong đó Chương I đưa ra những quy định chung của Thông tư; Chương II: Quy định kinh tế, kỹ thuật về kết nối; Chương III: Đàm phán, ký kết và thực hiện thỏa thuận kết nối; Chương IV: Chia sẻ cơ sở hạ tầng phục vụ kết nối; Chương V: Giải quyết tranh chấp trong kết nối; Chương VI quy định về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện Thông tư.

Thông tư có 6 Phụ lục gồm: Phụ lục 01: Chỉ tiêu xác định nghẽn kết nối; Phụ lục 02: Chỉ tiêu xác định mức độ sử dụng hiệu quả kết nối; Phụ lục 03: Phương pháp tính tổng dung lượng kết nối;  Phụ lục 04: Mẫu Đơn đề nghị đăng ký Thỏa thuận kết nối mẫu; Phụ lục 05: Mẫu Báo cáo định kỳ về việc cung cấp dung lượng kết nối; Phụ lục 06: Mẫu Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp trong kết nối.

Thông tư áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan tới hoạt động kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông của các DN viễn thông tại Việt Nam.

Thông tư mới này thay thế cho Quyết định số 547/1998/QĐ-TCBĐ ngày 03/9/1998 của Tổng cục Bưu điện ban hành quy định tạm thời việc kết nối các mạng viễn thông công cộng của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông và Quyết định số 12/2006/QĐ-BBCVT ngày 26/4/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành Quy định về thực hiện kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng.

Thông tư số 07/2015/TT-BTTTT có hiệu lực kể từ ngày 10/5/2015.

 HM

Tin nổi bật