Nhiều ý kiến đồng ý đổi tên Luật ATTT thành Luật ATTT mạng

(ICTPress) - Theo VTV đưa tin sáng nay 24/6, tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình cao với việc điều chỉnh tên gọi của dự thảo luật An toàn thông tin (ATTT) thành Luật ATTT mạng.

​Theo các đại biểu, cùng với sự phát triển của CNTT, việc sử dụng Internet ngày càng phát triển, bên cạnh những ưu thế thì vấn đề mất an toàn thông tin gay gắt nhất, nóng bỏng nhất cũng thuộc trên mạng. Nhiều trang mạng bị tấn công, tin nhắn rác tràn lan gây thiệt hại và tác động tiêu cực tới các tổ chức cá nhân trong xã hội. Do vậy, nhiều đại biểu thống nhất cao với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc điều chỉnh tên gọi của dự thảo luật thành Luật ATTT mạng.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác của dự thảo luật như vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Theo các đại biểu, tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay vì vậy cần có quy định cụ thể hơn về tăng cường trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng.

Trước đó, trả lời VTV, ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT cho biết: "Hiện nay, trên thế giới có khá nhiều nước có ban hành Luật An toàn thông tin. Ở châu Á, năm 2014, Nhật Bản đã ban hành luật về ATTT. Nếu như đến tháng 10 năm nay, Quốc hội nhất trí thông qua thì Việt Nam là nước thứ hai ban hành Luật ATTT".

Được biết, Dự thảo Luật ATTT được xây dựng tập trung giải quyết vào 7 nhóm vấn đề chính hiện nay đang thiếu quy định pháp lý và đều là những vấn đề nóng là: tấn công mạng; phát tán thư rác, mã độc; lưu hành phần cứng, phần mềm có lỗ hổng; rao bán thông tin cá nhân bất hợp pháp; bảo vệ lợi ích quốc gia trên mạng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm và thị trường ATTT.

Tính đến nay, theo thống kê sơ bộ của Bộ TT&TT, đã có 36 nước trên thế giới xây dựng và công bố công khai chiến lược và kế hoạch bảo đảm ATTT quốc gia (Cyber Security Strategy & Master Plan). Kế hoạch bảo đảm ATTT quốc gia của các nước được xây dựng cho từng giai đoạn cụ thể 2, 3 năm hoặc 5 năm. Trong số các nước này, có cả những nước phát triển rất mạnh về CNTT như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga, cũng có những nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ và cũng có những nước đang phát triển ở châu Phi.

HM

Tin nổi bật